HTTLVN.ORG – Đau khổ và vui sướng là những cảm xúc mà bất kỳ con người nào cũng trải qua, ở bất kỳ thời đại nào. Nhưng con người lại khó có thể chấp nhận đau khổ hơn là đón nhận niềm vui. Những đau khổ khiến con người cảm thấy mình bất lực, giới hạn và yếu đuối đối với bản thân lẫn hoàn cảnh. Có lẽ vì vậy mà từ trong những khổ đau, con người tìm đến với những điều gì đó bên ngoài bản thân mình để mong khỏa lấp những nỗi đau, những khoảng trống vắng, những nỗi u sầu, những niềm tang thương… mà họ phải trải qua. Có người tìm đến rượu bia để giải sầu. Có người tìm đến bạn hữu để sẻ chia. Có người từ bỏ nơi chốn và những con người mình hay gặp để tìm đến với thiên nhiên, vui thú với sông biển, núi rừng. Có người lao vào làm ăn quên ngày tháng để cố tình quên đi nỗi đau một cách tích cực. Có người chán chường mọi thứ xung quanh thì tìm đến vô vàn những trò tiêu khiển để giúp họ tiêu tốn thời gian, tạm thời quên lãng nỗi đau mà họ phải đối diện, bỏ mặc cho cuộc sống dần trôi qua trong vô vị…Thế nhưng, sau tất cả những nỗ lực tìm giải pháp để xoa dịu nỗi đau, thì con người lại phải đối diện với thực tế rằng nỗi đau vẫn còn đó, cuộc sống vẫn đầy dẫy những nan đề, bản thân mình vẫn còn bất toàn, và những biện pháp tạm thời không những vô năng mà còn có nguy cơ dẫn người ta vào những khổ đau khác xuất phát từ sự vô độ và thiếu cân bằng trong cuộc sống. Thế rồi, cũng có người tìm đến cái chết để chấm dứt đau khổ trong đời.
Các tôn giáo ra đời cũng là một phần giúp con người thoát khỏi những đau khổ trong cuộc sống vô thường. Các tôn giáo ấy hoặc là hướng người ta đến những điều siêu việt hơn, ưu tú hơn, quyền năng hơn ở bên ngoài bản thân đầy giới hạn và bất toàn của mình, hoặc là tập trung vào sức mạnh nội tại tiềm ẩn để kích hoạt nó bằng những sự rèn tập tâm linh nào đó. Nói đúng hơn, đa số các tôn giáo đều trao cho con người một niềm hy vọng: hy vọng vào bản thân, hy vọng vào sự tốt đẹp của cuộc sống, hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn… để họ tiếp tục sống và vượt qua những thử thách trong hiện tại.
Thế nhưng, nếu như cơ sở của niềm hy vọng xuất phát từ chính con người thì dù cho nó có ưu việt đến đâu cũng đều giới hạn bởi vì tự thân con người không vô hạn. Hoặc nếu cơ sở của niềm hy vọng đó đến từ bên ngoài con người nhưng lại mơ hồ và huyễn hoặc đến nỗi con người không với tới được thì nó có thể dẫn dắt đến những ảo tưởng và thậm chí là dị đoan. Giữa tình thế khó xử ấy, đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu Christ cung ứng niềm hy vọng bền vững và thiết thực, không những giúp con người vượt qua những nỗi đau và thử thách để kinh nghiệm sự sống sung mãn trong hiện tại mà còn được bảo đảm về sự sống đời đời trong tương lai. Niềm hy vọng đó được các tín hữu Cơ Đốc gọi là “niềm hy vọng sống” – tức niềm hy vọng sống động và niềm hy vọng về sự sống.
Niềm hy vọng đó vừa bền vững vừa thiết thực bởi vì nó xuất phát từ Đức Chúa Trời Quyền Năng Vô Hạn và Bất Biến, Đấng đã hạ mình làm người, chịu chết vì con người và đã sống lại từ kẻ chết để con người được sống và được sự sống sung mãn. Chính vì Ngôi Hai của Đức Chúa Trời đã nhập thể làm người nên con người có thể đến gần Đức Chúa Trời nhờ ân điển và đức tin. Chính vì Ngôi Hai Đức Chúa Trời đã chịu chết vì tội lỗi của con người, đã sống lại và đã ban Thánh Linh của Ngài cho ai tin nhận Ngài, cho nên những người tiếp nhận Ngài sẽ có động lực và niềm vui sống để vượt qua mọi đau khổ và thử thách. Chính vì Chúa đã sống lại nên những đau khổ trong đời sống tạm bợ trên đất không che khuất đi niềm hy vọng về sự sống lại và sự sống đời đời cho những ai tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Mục sư và tác giả Tin Lành người Mỹ John MacArthur đã có một nhận định chính xác rằng: “Xuyên suốt lịch sử thế giới, có rất nhiều người mong muốn trở thành thần, nhưng chỉ có một Chân Thần duy nhất đã muốn trở thành người.” Quả thật, chỉ có Đức Chúa Trời của Cơ Đốc Giáo là Đấng đã làm người để con người được cảm thông, được thấu hiểu, được đến gần, được nâng đỡ và được giải cứu. Hằng năm, tín hữu Cơ Đốc toàn thế giới kỷ niệm sự giáng sinh của Chúa trong niềm vui hân hoan về sự nhập thể của Đấng Christ. Nếu Chúa chỉ ở trên trời cao kia, an yên với những hào quang và quyền uy của Ngài, thì dù cho Ngài có quyền năng đến đâu cũng chỉ là một Đấng Tối Cao xa lạ đối với những nỗi đau khổ của con người trần thế. Thật tạ ơn Chúa, Tin Mừng cho toàn thế giới loài người là Đức Chúa Trời đã làm người để sống giữa con người, đem tin yêu và chân lý để con người được đến gần với Đức Chúa Trời và nhận được sự sống đích thực từ Ngài. Tình yêu nhập thể ấy ngày nay vẫn còn đang chào đón những cuộc đời lạc lối trở về bên Ngài: “Đừng sợ chi, vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:10-11).
Tiếp nhận Chúa Cứu Thế làm Chúa và làm Chủ cuộc đời mình rồi, người thuộc về Chúa được tha tội và được bảo đảm về sự sống đời đời. Chính sự bảo đảm về sự sống đã giúp cho người thuộc về Chúa có niềm hy vọng đích thực. Đó không phải là một niềm hy vọng chờ đợi trong mòn mỏi những điều mình không biết có thật xảy ra hay không, cũng không phải là một niềm hy vọng mơ hồ như thường được hứa hẹn bởi các chuyên viên tiếp thị, các chính trị gia, hay các nhà truyền bá một học thuyết nào đó. Nhưng niềm hy vọng trong Đấng Cứu Thế là một niềm hy vọng chắc chắn. Sự sống đời đời trong Đấng Christ là chắc chắn. Sự cứu rỗi trong Đấng Christ là chắc chắn. Đó là bởi vì Đấng Christ đã sống lại từ kẻ chết. Ngài đã đến trong lịch sử loài người theo thời điểm đã được định bởi Đức Chúa Trời để sống giữa loài người, chịu chết thay cho tội lỗi của họ, bị chôn, và đã sống lại, hay còn gọi là Phục Sinh. Sự Phục Sinh của Đấng Christ là một điều kỳ lạ mà cho đến nay, khoa học và con người vẫn chưa thể hiểu được nguyên nhân theo sự hiểu biết tự nhiên. Dầu vậy, bằng chứng về sự Phục sinh của Chúa Giê-xu vẫn nguyên vẹn sờ sờ cho đến ngày nay. Một con người đã được sinh ra và đã sống tại một đất nước có thực trên thế giới, ấy thế mà khi Ngài chết đi và được chôn trong phần mộ, vết tích về thi hài của Ngài đã không còn nữa. Người ta chỉ phát hiện ra Ngôi Mộ Trống mà thôi. Nhưng rồi, không phải ai đem giấu thi thể của Ngài hay là Ngài đã chết giả rồi sống lại và đã trốn đi đâu đó. Mà Ngài đã thật sự chết dưới sự kiểm tra nghiêm ngặt của quân đội La Mã, được chôn và được canh giữ cẩn mật. Ngài đã sống lại và hiện ra cho rất nhiều người xem thấy ở tại thành phố có thực và rất dễ dàng được kiểm chứng – thành Giê-ru-sa-lem tại Do Thái vào thế kỷ thứ nhất. Hơn thế nữa, tất cả những ai tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa cuộc đời mình bằng đức tin thật thì đều được biến đổi đời sống. Họ tìm thấy chân lý, sự cứu rỗi, sự tha tội, sự chữa lành, niềm vui và sự bình an thật. Chính Ngôi Mộ Trống, sự hiện ra trước mặt nhiều người và nhiều lần như đã được ghi lại trong Kinh Thánh, và sự biến đổi cuộc đời của nhiều người tin Chúa chính là bằng chứng rõ ràng cho sự phục sinh của Đấng Christ. Và sự phục sinh này chính là nền tảng, là cơ sở cho niềm hy vọng không chuyển lay của người thuộc về Chúa. Niềm hy vọng đó bảo đảm rằng cho dù cuộc sống có đau khổ, mất mát và tồi tệ đến đâu, họ vẫn sẽ được sống lại với Chúa sau khi đã qua đời ở đời tạm này. “Vì ta sống, các con cũng sẽ sống” (Giăng 14:19).
Tuy nhiên, niềm tin và niềm hy vọng Cơ Đốc không phải hứa hẹn cho con người một ảo vọng để tạm quên đời này và chỉ hướng đến đời sau. Nhưng nó giúp họ sống với niềm hy vọng về đời sau trong chính đời này. Người thuộc về Chúa được Chúa Thánh Linh ngự vào lòng, ban năng lực sống, ban niềm vui và sự bình an để họ tiếp tục vượt qua thách thức và khổ đau. Bằng đức tin, họ nhìn thấy những gì đang diễn ra chỉ là những mảnh ghép nhỏ của một bức tranh lớn hơn của cuộc đời họ, mà chính Chúa là Đấng tể trị và kiểm soát cuộc đời đó vì một mục đích lớn lao hơn – đó là để làm sáng danh Chúa và đem lại ích lợi cho họ. Cuộc đời có Chúa đồng hành, có Chúa ban năng lực thiêng liêng, có Chúa hướng dẫn bằng chân lý và ân sủng thì chắc chắn sẽ đắc thắng mọi cám dỗ và vượt qua mọi thử thách để sống thỏa vui và ý nghĩa. Với đức tin đó, người thuộc về Chúa hiểu rằng những gì họ làm hay gặp trên đất này đều có giá trị đời đời chứ không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng những nhu cầu phàm tục của mình. Thật vậy, sự phục sinh của Chúa Giê-xu là cơ sở cho niềm hy vọng về sự sống tương lai, nhưng cũng là cơ sở cho niềm hy vọng về sự sống sung mãn và ý nghĩa trong hiện tại, như lời chính Chúa Giê-xu đã dạy: “Ta đã đến hầu cho chiên được sự sống và được sự sống sung mãn” (Giăng 10:10).
Vậy thì, trong tinh thần kỷ niệm Chúa Phục Sinh năm nay, giới trẻ Tin Lành có thật sự kỷ niệm với niềm hy vọng sống dâng trào mãnh liệt trong đời sống của mình chăng? Hay chúng ta vẫn còn đầy những hoài nghi và bất an trước những nan đề của thế giới, của xã hội, của Hội thánh, của gia đình, và của chính mình? Chúa đã nhập thể để chúng ta được đến với Ngài; Chúa đã chịu chết và đã sống lại để chúng ta được sống và có niềm hy vọng sống giữa thế giới khổ đau; và Chúa đã ban Thánh Linh của Ngài cho chúng ta để chúng ta có sức mạnh vượt qua những nỗi đau và thử thách trong hiện tại, với lòng tin quyết vào lời hứa của Chúa rằng “ta để sự bình an lại cho các con; ta ban cho các con sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27) và “Ta đi sắm sẵn cho các con một chỗ. Khi ta đã đi và đã sắm sẵn cho các con một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các con đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các con cũng ở đó” (Giăng 14:2-3).
Khối Thanh Niên
Ủy Ban Thanh Thiếu Nhi Tổng Liên Hội