TĨNH TÂM GIAO THỪA: GẮN KẾT VỚI NGUỒN PHƯỚC THẬT

17307

Giê-rê-mi 17:5-8

 

Bạn thân mến,

Giao thừa năm nay, Khối Thanh niên mời bạn cùng gia đình dành thì giờ tĩnh tâm trước Chúa, lắng nghe Lời Chúa và khẩn nguyện cùng Ngài. Mời bạn cùng tôn vinh Chúa Thánh ca ‘Phước Nguyên Từ Trời’ (Thánh ca số 28).

“Phước nguyên từ trời xin chảy vào, lòng bật lên khúc ca chúc ơn Ngài, Suối nhân từ hằng tuôn chảy ngập dòng, giục tôi thỏa vui hát một bài…”

 

Bạn thân mến,

Chúng ta vừa cùng ca ngợi Chúa – thật ra là một lời cầu xin Chúa: Phước nguyên từ trời, xin chảy vào lòng khiến chúng con không thể không bật lên khúc ca chúc ơn Ngài! 

 Bạn có cảm nghĩ gì? Trong thời khắc giao thừa, lắng lòng trước Chúa, bạn có nhận thấy ơn phước từ trời tuôn chảy vào lòng mình?

Nhìn lại một năm đã qua, với những thách thức, khó khăn về kinh tế và về nhiều phương diện khác do hệ luỵ của cơn đại dịch, liệu chúng ta có thật sự hoà lòng với bài thánh ca để chúc tôn, cảm tạ Chúa về những phước hạnh Ngài ban?

Phước là gì?  — Từ điển Tiếng Việt Đào Duy Anh cho biết Ngũ Phúc hay năm thứ hạnh phúc mà con người cầu chúc cho nhau, đặc biệt trong những ngày tết, là Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh, tức là giàu có, sang trọng, sống lâu, mạnh khỏe, bình an.  Ước muốn được phước hay hạnh phúc là lẽ tự nhiên trong mỗi con người. Đó là lý do người ta cầu chúc cho nhau, và cũng vật lộn tranh chiến với nhau trong cuộc sống để được phước.

Thánh Kinh cho chúng ta thấy từ ngữ “phước” đã xuất hiện từ rất sớm trong Sáng Thế Ký, liên quan đến hạnh phúc, thịnh vượng, sinh sôi nảy nở mà Chúa ban cho tạo vật và con người sống trong cõi tạo vật, với sứ mạng quản trị và làm ống dẫn ơn lành của Chúa đến cho cõi tạo vật. Ý định ban đầu của Chúa là để các tạo vật của Ngài trải nghiệm sự thịnh vượng, hòa bình và đầy đủ, nhưng con người đã không thể kinh nghiệm được phước hạnh đó vì đã phạm tội và xa cách Chúa. Chữ “Phước” theo Thánh Kinh bao gồm, nhưng không giới hạn trong những phước hạnh vật chất.

Thánh Kinh cũng nhấn mạnh chiều kích tinh thần và tâm linh của “phước” —  tức là sự hoà thuận trong các mối liên hệ với Chúa, với người, được tha thứ, được làm con của Chúa, tự do, đắc thắng điều ác, kinh nghiệm đời sống thoả vui, phong phú và ý nghĩa.

Hướng đến một năm mới – chúng ta trông mong những ơn phước nào từ nơi Chúa? Và làm sao để hưởng nhận những ơn phước đó?

Hơn 2.600 năm trước, Lời Chúa phán qua tiên tri Giê-rê-mi với dân Ngài như sau:

5 Đức Giê-hô-va phán:
“Đáng nguyền rủa cho kẻ nhờ cậy loài người,
Lấy loài xác thịt làm cánh tay,
Lòng dạ lìa khỏi Đức Giê-hô-va.
6
Người ấy như thạch thảo trong hoang mạc,
Không thấy phước đến.
Phải sống nơi đồng hoang cằn cỗi,
Trên đất mặn không dân ở.
7 Phước cho người nhờ cậy Đức Giê-hô-va,
Lấy Đức Giê-hô-va làm nơi nương tựa mình.
8
Người ấy như cây trồng bên bờ suối,
Đâm rễ theo dòng nước chảy;
Gặp khi trời nắng cũng chẳng sợ hãi
Mà lá vẫn xanh tươi.
Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì
Mà cứ ra trái không dứt.

Đó là Lời Chúa được chép trong Giê-rê-mi 17:5-8 (bản dịch TTHĐ)

Trong lời phán này, Chúa cho dân Ngài thấy hai hình ảnh tương phản nhau xuất phát từ hai lựa chọn đối lập nhau. Đó là sự tương phản giữa một bụi cỏ khô vô hồn trong hoang mạc và một cây xanh mướt được trồng bên dòng nước. Đó là sự tương phản giữa người tin cậy nơi khả năng của con người với người tin cậy Đức Giê-hô-va. Đó là sự tương phản giữa một người bị nguyền rủa và một người được Chúa ban phước.

Hình ảnh thứ nhất: người bị nguyền rủa

Tình trạng bị nguyền rủa có nghĩa là ở trong vị trí đối nghịch với Đấng tốt lành và nguồn của mọi ơn phước. Đáng nguyền rủa có thể hiểu là khốn nạn thay hay khốn khó thay. Nguyên nhân của sự khốn nạn đó không phải do Chúa độc ác mà vì con người đã lựa chọn chối từ Chúa là nguồn phước – mà “nhờ cậy loài người,” “lấy loài xác thịt làm cánh tay” mình. Ở đây Chúa không lên án việc con người tin cậy, giúp đỡ nhau hay sống trong mối quan hệ hỗ tương nhau. Vấn đề Chúa nói ở đây là thái độ “lòng dạ lìa khỏi Đức Giê-hô-va”, chối từ Chúa và chỉ nương cậy nơi loài người mà thôi.

Tiên tri Giê-rê-mi rao giảng Lời Chúa trong thời trị vì của 5 vị vua cuối cùng của nước Giu-đa ở miền nam. Đây là thời kỳ nhiễu nhương của dân Chúa trong mọi phương diện chính trị, đạo đức, tâm linh. Bấy giờ, Y-sơ-ra-ên không còn là một vương quốc thống nhất như thời của vua Đa-vít và Sa-lô-môn nữa, mà là một vương quốc đã bị chia đôi: Miền Bắc có tên gọi là Y-sơ-ra-ên; Miền Nam có tên gọi là Giu-đa. Nước Y-sơ-ra-ên ở miền bắc đã rơi vào tay người A-sy-ri và không còn quyền tự chủ, thậm chí là bị xoá sổ không lâu sau đó. Nước Giu-đa nhỏ bé bị chèn ép giữa ba thế lực quân sự hùng mạnh – A-sy-ri & Ba-by-lôn ở phía bắc và Ai Cập ở phía nam. Trong hoàn cảnh đó, thay vì tìm kiếm Chúa và tin cậy Chúa, dân Chúa chọn tin cậy nơi sự khôn ngoan của mình và sự trợ giúp của các nước đồng minh. Trong Giê 2:13, nhà tiên tri đã ghi lại Lời Chúa phán: “Dân ta đã làm hai điều ác: Chúng nó đã lìa bỏ ta, là nguồn nước sống, mà tự đào lấy hồ, thật, hồ nứt ra, không chứa nước được”.  Họ tự “đào lấy hồ” cho mình qua sự liên minh với người Ai Cập hơn là nhờ cậy Chúa. Họ chọn thờ hình tượng giống như các dân ngoại chung quanh; họ dung túng tội lỗi và sự bất khiết. Họ giữ niềm tin tôn giáo với Đức Chúa Trời –chỉ thờ phượng Chúa bằng lễ nghi bề ngoài, nhưng lòng không hề có Chúa. Họ chỉ nghe những lời êm tai mình thích, chứ không muốn nghe lời từ những nhà tiên tri thật của Chúa như Giê-rê-mi.

Hậu quả của tình trạng đó là họ trở nên héo tàn như thạch thảo giữa sa mạc. Thạch thảo ở đây không phải là loài hoa thạch thảo màu tím thơ mộng trong các bài tình ca, mà là một loại cỏ thấp lá nhỏ giống như vảy cá trong hoang mạc, vàng úa, thiếu sức sống. Như cỏ trong hoang mạc chỉ nhận được một lượng mưa ít ỏi và không thể có sức sống sung mãn, con dân Chúa từ bỏ Ngài thì sẽ “không thấy phước đến” – tức không nhận được những điều tốt lành, sự phong phú trong đời sống. Lịch sử đã xác nhận tình trạng khô hạn và khốn khó của con dân Chúa khi họ đã chọn tiếp tục quay lưng với Ngài để đặt lòng tin nơi đời này.

Đối lập với thạch thảo trong sa mạc là cây trồng bên bờ suối nước, xanh mướt quanh năm. Đó là:

Hình ảnh thứ hai: Người được ban phước

Vì là lời của chính Chúa, nên Giê-rê-mi 17:7 có thể được dịch là: “Phước của Ta ở trên người nhờ cậy Đức Giê-hô-va, lấy Đức Giê-hô-va làm nơi nương tựa mình”. Đây là lời tuyên bố từ Đấng ban phước. Con người chỉ có thể chúc phước cho nhau, nhưng chỉ có Chúa là Đấng có quyền ban phước và giàu ơn để ban phước. Phước của Chúa tuôn đổ trên người tin cậy Chúa, lấy Chúa làm nơi nương tựa. Đối với dân của Chúa, tin cậy Chúa có nghĩa là:

  • Trao phó cuộc đời, tương lai cho Chúa là Đấng Tạo Dựng, Cứu Chuộc và là Chúa, là Chủ của dân Ngài, và chỉ một mình Ngài mà thôi.
  • Tôn cao và thờ phượng Chúa qua nếp sống thánh khiết, khác biệt với các dân ngoại thờ hình tượng chung quanh
  • Tin vào sự tể trị tốt lành, toàn năng, toàn ái của Chúa, nguồn của mọi ơn phước.
  • Thuận phục Chúa ngay cả khi chưa hiểu hết chương trình, ý muốn của Chúa, và đón nhận sự sửa phạt của Ngài mà Chúa đã dùng tiên tri Giê-rê-mi loan báo.

Nếu hết lòng nhờ cậy Chúa, con dân Chúa sẽ như cây trồng bên bờ suốihình ảnh của đời sống sung mãn.

  • Đó là người nhận được sức sống tươi mới mỗi ngày qua mối tương giao với Chúa, như cây đâm rễ theo dòng nước chảy.
  • Đó là người vững vàng trong nghịch cảnh, như cây “gặp khi trời nắng cũng chẳng sợ hãi, mà lá vẫn xanh tươi; Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì.” Kinh tế khó khăn, sức khỏe giảm sút, những nan đề trong cuộc sống, sự bấp bênh của tương lai, … không làm người ấy sợ hãi, vì cuộc đời nằm trong tay Đấng Yêu thương thành tín.
  • Đó là người thường xuyên kết quả trong đời sống chứng nhân và phục vụ như cây ra trái không dứt. Người ấy sống một cuộc đời hữu dụng và ý nghĩa.

Nhìn lại thực trạng đời sống của mình, bạn thấy mình giống hình ảnh nào?

Nhờ ơn thương xót của Chúa, người thuộc về Chúa không còn ở dưới sự nguyền rủa nữa. Như một câu trong bài Thánh ca Phước cho Nhân loại, chúng ta trải nghiệm “nguyền rủa biến ra phước ân thiên đàng” nhờ Chúa đã đến làm người và cứu chúng ta. Thế nhưng chúng ta có thật sự trải nghiệm phước ân thiên đàng hay không tuỳ thuộc vào việc chúng ta đặt lòng tin nơi đâu.

Mong ước được phước là khao khát tự nhiên trong mỗi con người, kể cả Cơ Đốc nhân. Vấn đề là chúng ta nương cậy vào nguồn phước nào? Nguồn phước đích thực và đời đời — chính Đấng Tể Trị Toàn Ái và Thành Tín, hay những “nguồn phước” nhân tạo và tạm bợ của đời này?

Trong những nỗ lực xây dựng tình yêu và sự nghiệp, trong những phấn đấu theo đuổi ước mơ, trước những nan đề của cuộc sống, chúng ta nương tựa ai hay điều gì — cánh tay xác thịt, hay cánh tay quyền năng của Chúa? Chúng ta đặt lòng tin vào các mối quan hệ, công ăn việc làm, nền kinh tế, giáo dục, khoa học, dịch vụ… hay hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, Đấng tể trị cuộc đời và nắm giữ tương lai?

Những áp lực trong cuộc sống hiện đại đang thách thức chúng ta dịch chuyển niềm tin của mình ra khỏi Chúa sang một chỗ dựa nào đó có vẻ “thực tế” hơn trên thế giới này – sự khôn ngoan của con người hoặc tài năng của chính bản thân chúng ta. Đứng trước cám dỗ và thách thức đó, chúng ta đáp ứng ra sao?

Lời Chúa hôm nay đặt trước chúng ta hai lựa chọn, nhưng cũng là lời mời gọi gắn kết với Nguồn phước thật để kinh nghiệm đời sống viên mãn và kết quả. Vậy, để được PHƯỚC thật sự trong Chúa, chúng ta đáp ứng với Chúa bằng cách:

Trước hết, TIN CẬY Chúa, bày tỏ qua cam kết trung thành với Chúa và không thoả hiệp với thế gian. Xin Chúa giúp chúng ta ăn năn với Chúa những tội lỗi của mình – những nghi ngờ, thiếu lòng tin nơi Chúa, hành động theo ý riêng, thỏa hiệp với người đời hơn là vâng theo ý Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta làm mới lại kết ước với Ngài, và nói với Ngài như trước giả Thi Thiên 16 rằng “trừ Ngài ra, con không có phước gì khác” (Thi 16:2).

Thứ hai, TẠ ƠN Chúa, hay sống với tinh thần cảm tạ trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta vừa trải qua một năm khó khăn, và đang bước vào một năm mới không dễ dàng, nhưng luôn có lý do cho chúng ta cảm tạ Ngài. Sự cảm tạ giúp chúng ta (1) tưởng nhớ điều Chúa đã làm trong quá khứ với lòng biết ơn; (2) thuận phục ý Chúa cho hoàn cảnh hiện tại; dù những điều đang diễn ra có đang theo hay không theo ý con, con vẫn cảm tạ Chúa vì sự ban cho tốt lành của Ngài; (3) Tin tưởng Chúa dẫn dắt trong tương lai; cho dù con không hiểu hết đường lối của Chúa, nhưng con tin cậy vào tình yêu và quyền tối thượng của Chúa. Hy vọng của con đặt nơi Chúa, không phải sự hiểu biết của riêng mình – và do đó con cảm tạ Ngài.

Thứ ba, TƯƠNG GIAO với Chúa, làm mới kỷ luật tâm linh trong việc tiếp thu Lời Ngài và đời sống cầu nguyện. Như cây trồng gần dòng nước luôn xanh tươi do nhận được nguồn dinh dưỡng, đời sống Cơ Đốc nhân cần giải quyết những trục trặc khiến mối tương giao với Chúa bị ngăn trở và nguồn sức sống từ Chúa không đến được với mình. Một hình ảnh cây trồng gần dòng nước cũng được nhìn thấy trong Thi Thiên 1, mô tả người “vui vẻ về luật pháp Chúa, suy gẫm ngày và đêm”. Biểu hiện của lòng tin cậy Chúa giữa cuộc sống hiện đại ồn ào, bận rộn và bị bủa vây bởi vô số thiết bị điện tử và thông tin là sự kỷ luật tâm linh để có thể ưu tiên thì giờ trò chuyện và lắng nghe tiếng Chúa. Khi và chỉ khi gắn kết với Chúa, chúng ta mới có thể “sinh bông trái” trong đời sống phục vụ – vì Chúa đã phán: “Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5).

Giờ đây, trong những giây phút chuyển giao của năm cũ và năm mới, của quá khứ và tương lai, xin mời bạn lắng lòng trước Chúa để đáp ứng lời mời gọi gắn kết với Nguồn Phước thật từ trời.

Xin hãy cầu nguyện cho chính mình – dâng lên CHÚA lời cầu nguyện ăn năn và tái kết ước tin cậy Ngài; lời Tạ ơn Chúa xuất phát từ lòng biết ơn và thuận phục; và lời cầu xin năng lực từ nơi Chúa để nuôi dưỡng tương giao với Ngài.

Xin cũng hãy cầu nguyện cho gia đình, người thân, Hội Thánh, và đặc biệt là những người trẻ – để thật sự tin cậy Chúa và kinh nghiệm được Chúa là Nguồn phước thật, để sống cuộc đời sung mãn và hữu dụng, tôn cao Danh Chúa giữa đời.

 

Thân mời bạn chung lời cầu nguyện:

Kính lạy Ba Ngôi Đức Chúa Trời, con cảm tạ Ngài đã ban cho con và gia đình trải qua một năm tuy nhiều thử thách nhưng vẫn luôn bình an. Nguyện xin Chúa tha thứ chúng con vì đã dựa vào nỗ lực riêng của bản thân, những tiêu chuẩn thành công của đời, những cách nghĩ và cách làm của người vô tín. Nguyện Chúa thương xót gia đình, Hội Thánh và đất nước Việt Nam của chúng con. Nguyện Ngài dắt chúng con ra khỏi sự khô hạn, nghèo nàn và hiu hắt trong mọi phương diện của đời sống: kinh tế, giáo dục, đạo đức, tinh thần và tâm linh. Nguyện giúp chúng con đầu phục Ngài để thật sự được phước Chúa ban: tràn đầy sức sống tươi mới, vững vàng giữa bão tố và kết quả viên mãn vì danh Ngài. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ. A-men.

 

Khối Thanh Niên – Uỷ Ban Thanh Thiếu Nhi TLH

Bài trướcĐắk Nông: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm Tháng 2
Bài tiếp theoLub Nroog Ruaj Khov – 6/2/2024