QUYỀN NĂNG THÁNH LINH ĐỂ TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM

5105

 QUYỀN NĂNG THÁNH LINH ĐỂ TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM

Công vụ 1:8

 Dẫn nhập

Trước khi về trời, Chúa Giê-xu đã trao đại mạng lịnh cho các môn đồ: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân…” nhưng Ngài cũng bảo “Hãy đợi trong thành…”. Tại sao? Bởi vì Chúa biết môn đồ Ngài sẽ không thể làm tròn sứ mệnh lớn lao ấy nếu không nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh.
Cám ơn Chúa vì Đức Thánh Linh đã được ban xuống trong ngày Lễ Ngũ tuần để ban quyền năng cho chúng ta làm chứng, truyền giảng Tin lành đạt kết quả tốt.
Nhân kỷ niệm Đức Thánh Linh giáng lâm, cũng là Ngày Truyền giáo của Hội Thánh, chúng ta cùng nhau suy ngẫm về năng quyền để truyền bá Phúc âm.

 

I. TẠI SAO CHÚNG TA CẦN QUYỀN NĂNG THÁNH LINH ĐỂ LÀM CHỨNG?

    1. Làm chứng về Tin lành không phải là chuyện dễ dàng
      • LÀM CHỨNG: MARTUS (HL)  à martyr: người tuận đạo

Chúng ta đang sống trong một thế giới vô tín, thù nghịch với Đạo Chúa, cho nên việc làm chứng, chia sẻ Phúc âm không dễ dàng chút nào. Ở một số nơi, người làm chứng cho Chúa thường gặp sự chống đối, bắt bớ, có khi phải trả giá bằng mạng sống của mình. Vì thế chúng ta cần quyền năng Thánh Linh. Thật thú vị khi khám phá ra từ làm chứng trong Hy văn là Martus là gốc của từ martyr trong tiếng Anh và tiếng Pháp nghĩa là người tuận đạo. Điều đó nhắc nhở cho chúng ta về những thách thức phải đối diện khi làm chứng, chia sẻ Phúc âm. Lịch sử Hội Thánh từ xưa đến nay đã xác nhận điều này. Lời Chúa cũng nhắc nhở “Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa!” (1 Cô 12:3). 

    1. Sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy Sa-tan

Kinh Thánh cũng cảnh báo rằng khi rao truyền Phúc âm, chúng ta sẽ đối diện với quyền lực tối tăm của Sa-tan được mô tả như những “đồn lũy của Sa-tan”, “Vả, những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy.” (2 Cô 10:4). Đồn lũy của Sa-tan là những trung tâm đầu não, những cứ điểm, những hệ thống quyền lực của Sa-tan để chống lại Chúa và Phúc âm của Ngài. Chỉ có quyền năng của Thánh Linh mới có thể đạp đổ, phá hủy chúng. Lại một lần nữa chúng ta thú vị khám phá ý nghĩa của chữ quyền năng trong tiếng Hy Lạp là Dunamis. Từ này là gốc của hai từ trong tiếng Anh và tiếng Pháp là Dynamite (thuốc nổ) và Dynamo (máy phát điện). Khi quyền năng Đức Thánh Linh bày tỏ thì giống như thuốc nổ có thể phá sập một ngôi nhà hay san bằng một ngọn đồi, hoặc mô đất lớn; nó cũng như một dòng điện liên tục từ máy phát điện cung cấp điện năng tạo nên ánh sáng cho con người.

Chương trình chứng đạo gọi là “Phúc âm bùng nổ” E.E. (Evangelism Explosion) do Tiến sỹ James Kennedy sáng lập năm 1962 ở Mỹ đã đạt kết quả tốt, cũng lấy ý tưởng từ chữ Dunamis trong Công vụ 1:8 này. Khi chương trình E. E. được áp dụng ở Việt Nam sau năm 1975 thì đổi tên là “Chứng đạo sâu rộng” hay “Chứng đạo hằng ngày” (E. E.: Everyday Evangelism).

Thật vậy, Phúc âm của Chúa khi được Phao-lô và đoàn truyền giáo của ông truyền giảng trong thế kỷ đầu tiên cũng tạo ra sự thay đổi lớn trong xã hội, làm đảo lộn thế giới, đến nỗi dân thành Tê-sa-lô-ni-ca đã tố cáo họ: “Kìa những tên này đã gây thiên hạ nên loạn lạc” (làm đảo lộn thế giới) (Công vụ 17:6).

    1. Đối diện với vương quốc tối tăm

Rao giảng Tin Lành là mở rộng vương quốc Đức Chúa Trời giữa vương quốc Sa-tan hay vương quốc tối tăm, để đem những người được từ vương quốc tối tăm dời qua vương quốc ánh sáng của Nước Trời. Đây là một công tác đầy thách thức, khó khăn vì phải đối diện với Sa-tan và vương quốc của nó như Kinh Thánh chép “Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài,” (Cô-lô-se 1:13).

Trong Hội nghị Truyền giáo Lausanne II năm 1989 tại Philippines, đã đề ra chiến lược truyền giáo gọi là “Cửa sổ 10/40” (Window 10/40). Cửa sổ 10/40 là vùng các quốc gia ở phía Đông bán cầu và một phần của Âu châu và châu Phi thuộc Tây bán cầu, vùng 10 và 40 vĩ độ bắc dọc đường xích đạo. Đây là vùng chiếm 2/3 dân số thế giới (4,4 tỉ) trong đó có Việt Nam, đa số theo Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo. Cơ Đốc giáo chỉ chiếm khoảng dưới 1%. Vì thế Hội Thánh cần phải tập trung cầu nguyện và truyền giáo cho khu vực này.

           

II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN LÃNH QUYỀN NĂNG ĐỨC THÁNH LINH?

Mỗi người kinh nghiệm đầy dẫy Đức Thánh Linh một cách khác nhau, có thể không ai giống ai. Tuy nhiên có lẽ nguyên tắc phòng cao của các môn đồ Hội Thánh đầu tiên có thể là gương mẫu chung cho chúng ta (Công vụ 1:12-14). Ba điều mà chúng ta học được nơi các môn đồ trong ngày lễ Ngũ tuần là sự hiệp một, khao khát và cầu nguyện.

    1. Hiệp một

Sau khi chứng kiến Chúa Chúa thăng thiên, các môn đồ từ núi Ô-li-ve trở về thành Giê-ru-sa-lem, họ lên một phòng cao, hiệp lại với nhau mà cầu nguyện như Kinh Thánh chép: “Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện với các người đàn bà, và Ma-ri là mẹ Đức Chúa Jêsus cùng anh em Ngài” (Công vụ 1:14).

    1. Khao khát

Để có thể nhận lãnh sự đầy dẫy Đức Chúa Thánh Linh, chúng ta phải có lòng khát và cầu nguyện với Chúa, vì Kinh Thánh chép “vì ta sẽ rót nước trên kẻ khát, cho suối chảy nơi đất khô. Ta sẽ đổ Thần ta trên dòng dõi ngươi, và phước lành ta trên những kẻ ra từ ngươi.” (Ê-sai 44:3). Có khoảng 500 môn đồ chứng kiến Chúa thăng thiên từ núi Ô-li-ve nhưng chỉ có 120 môn đồ tin và khao khát Thánh Linh, hiệp một cầu nguyện mà thôi (không biết 380 môn đồ kia ở đâu) và “tất cả đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Công vụ 2:4).

    1. Cầu xin và nhận lãnh

Các môn đồ hiệp một với tinh thần khao khát Thánh Linh và cầu nguyện thì Đức Thánh Linh đổ xuống và tất cả đều được đầy dẫy Đức Chúa Linh, đúng như lời Chúa hứa: “Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài!” (Lu-ca 11:13).

Chúng ta không chỉ kỷ niệm Đức Thánh Linh giáng lâm mà chúng phải khao khát kinh nghiệm nữa. Xin Chúa ban chúng ta có lòng khao khát, cầu nguyện để được đầy dẫy Đức Thánh Linh và mặc lấy quyền phép từ trên cao mà làm chứng, rao truyền Phúc âm cho đồng bào trước khi Chúa tái lâm.

 

III. LÀM CHỨNG TRONG QUYỀN NĂNG ĐỨC THÁNH LINH NHƯ THẾ NÀO?

Chúng ta không thể làm chứng, truyền bá Phúc âm có kết quả nếu không nhờ quyền năng Đức Thánh Linh. Nhưng vấn đề là làm sao để Đức Thánh Linh vận hành trong chúng ta khi làm chứng, truyền bá Phúc âm. Có 3 nguyên tắc, hay bí quyết để Đức Thánh Linh đồng công với chúng ta trong công ta truyền bá Phúc âm:

    1. Để Đức Thánh Linh dẫn dắt, lãnh đạo công tác truyền giáo

Công tác làm chứng, truyền giáo sẽ không đạt kết quả nếu chúng ta không để Đức Thánh Linh hướng dẫn, lãnh đạo. Hãy học theo gương của Hội Thánh An-ti-ốt. Hội Thánh An-ti-ốt đã cầu nguyện và xin Đức Thánh Linh hướng dẫn để họ lập đoàn truyền giáo, sai đi và họ đã thành công (Công vụ 13:2-3). Sau đó, trên hành trình truyền giáo, Đức Thánh Linh đã hướng dẫn Phao-lô và đoàn truyền giáo của ông chuyển hướng truyền giáo, từ Á châu sang Âu châu và đạt kết quả tốt đẹp (Công vụ 16).

    1. Nương nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh và sự cầu nguyện

Sự cầu nguyện và đầy dẫy Đức Thánh Linh thường đi đôi với nhau. Đức Thánh Linh hành động khi chúng ta lấy đức tin cầu nguyện khẩn thiết, như Kinh Thánh chép “Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ” (Công vụ 4:31). Thật vậy, cầu nguyện là bí quyết căn bản để được đổ đầy Thánh Linh nhận lấy năng lực siêu nhiên để rao truyền Tin Lành. Khi được hỏi bí quyết nào khiến ông thành công trong các chiến dịch Tin Lành, thì Mục sư Billy Graham đã trả lời: “Tôi có 3 bí quyết là “Cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện”. Tôi rất tâm đắc lời của Mục sư Billy Graham khi ông nói: “Có nhiều điều tôi chưa hiểu hết về sự cầu nguyện; cũng có nhiều điều tôi chưa hiểu hết về công việc lạ lùng của Đức Thánh Linh, nhưng tôi biết chắc hai điều này liên quan mật thiết với nhau.”           

    1. Không dùng sự khôn ngoan theo xác thịt mà rao giảng Phúc âm

 Điều cuối cùng là không dùng sự khôn ngoan theo xác thịt mà rao giảng Phúc âm. Lời Chúa phán với Xô-rô-ba-bên, là người lãnh đạo cuộc trở về từ lưu đày để xây dựng đền thờ, cũng điều Chúa phán với chúng ta hôm nay: “Đây là lời của Đức Giê-hô-va phán cho Xô-rô-ba-bên, rằng: Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (Xa-cha-ri 4:6). Thánh Phao-lô cũng nhắc nhở chúng ta. Phao-lô dù là người học thức, khôn ngoan, nhưng khi ông rao giảng Tin Lành, ông chỉ nương nhờ sự khôn ngoan và quyền năng Đức Thánh Linh. Ông không cậy sự khôn ngoan của xác thịt. “Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép; hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời” (1 Cô 2:4-5). Bởi vì công tác rao giảng Tin Lành là bước vào một chiến trận thuộc linh với ma quỉ, thế gian, xác thịt. Vì thế chúng ta sẽ thất bại nếu không nhờ quyền năng Thánh Linh.

 

        KẾT LUẬN

Tôi muốn kết thúc bài chia sẻ bằng mấy điều dặn dò của Mục sư Billy Graham trong bài giảng tại hội nghị Amsterdam 2000 như là lời trao gửi cho thế hệ kế tiếp về công tác truyền bá Phúc âm trong thế kỷ 21:

  • Trước hết, chúng ta phải tái khẳng sự cam kết của chúng ta đối với chân lý Phúc âm
  • Thứ hai, hãy tái khẳng sự ưu tiên cho công ta tác truyền bá Phúc âm
  • Thư ba, phải tái khẳng định sự nương nhờ nơi quyền năng Đức Thánh Linh và sự cầu nguyện.
  • Cuối cùng, hãy tái khẳng định tận dụng mọi phương tiện để công bố Phúc âm.

  Trịnh Phan
 Tháng 5.2024

Bài trướcQuảng Nam: Hội Thánh Tiên Quả Cung Hiến Cơ Sở Cơ Đốc Giáo Dục
Bài tiếp theoNinh Thuận: Bồi Dưỡng Chấp Sự 2024