NGUỒN PHƯỚC

3880

DẪN NHẬP
Có lẽ từ được nhiều người thích nhất, thường nhắc đến nhiều nhất trong dịp đầu năm Tết đến là từ “Phước” (hay Phúc). Nào là “Phước Lộc Thọ”, “Ngũ phúc Lâm môn” (Năm điều phước vào nhà Phúc, Lộc, Thọ, Khương, Ninh). Người ta thích dán chữ Phước trên cửa ra vào, trên trái dưa hấu, treo chữ Phước trên cây mai chưng Tết. Có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ câu đối Tết hay của nhà thơ Nguyễn Công Trứ:

“Tối ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra khỏi cửa.
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”.

Tuy nhiên, có thể nói ít ai biết chữ Phước có ý nghĩa gì? hay Phước là gì? Thế nào là được Phước?
Nhân dịp đầu Xuân Tết đến, chúng ta hãy tìm hiểu Phước có nghĩa gì? Phước đến từ đâu và làm sao để được Phước trong năm mới Giáp Thìn 2024 này.

Ý NGHĨA CỦA TỪ PHƯỚC HAY PHÚC

• Phước trong văn hóa Việt Nam

Từ “Phước” hay “Phúc” viết theo chữ Hán (福) gồm có bốn chữ viết theo lối hội ý, chỉ về tình trạng hạnh phúc ban đầu của loài người. Chữ thứ nhất bên trái là bộ kỳ (示) chỉ về thần (神) là Ông Trời, Đức Chúa Trời hay Thiên Chúa. Bên phải có 3 chữ là: Nhất (一) là một; khẩu (口) là miệng hay người (nhân khẩu); điền (田) là ruộng, ruộng vườn. Kết hợp bốn chữ trên thành chữ Phước có nghĩa là: Một người có ruộng vườn và có Thiên Chúa ở bên cạnh. Như vậy, người xưa quan niệm người được phước là một người không chỉ có tài sản ruộng vườn, đất đai mà còn có mối quan hệ với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa của mình, là nguồn phước, bởi con người là sinh vật tâm linh, “linh ư vạn vật”.
Cũng cần lưu ý là Chữ Phước (福) khác với chữ Phú (富) là giàu có. Chữ Phú cũng gồm 4 chữ là: bộ Miên (宀) là mái nhà; nhất (一) là một; khẩu (口) là miệng hay người (nhân khẩu); điền (田) là ruộng: nghĩa là một người có nhà cao cửa rộng, ruộng đất nhiều, đó là người giàu có. Nhưng chữ Phú không có chữ kỳ (示) chỉ về Ông Trời hay Thiên Chúa, mà chỉ có nhà cửa, đất ruộng nhiều thôi, vì giàu có phú quí chưa chắc là được phước vì thiếu Ông Trời là nguồn phước.
Thật là thú vị khi thấy ý nghĩa nầy rất gần với Kinh Thánh. Mục sư C. H. Khang trong quyển The Discovery of Genesis1 đã khám phá ra những lẽ thật trong sách Sáng Thế Ký ẩn giấu trong chữ viết của người Trung Hoa. Ông phân tích chữ Phước trong chữ Hán và khám phá những điểm tương đồng thú vị với ý nghĩa trong câu chuyện sáng tạo trong sách Sáng Thế Ký chương 1 & 2. Khi Thiên Chúa dựng nên con người đầu tiên là A-đam thì Ngài đặt ông trong khu vườn Ê-đen để “trồng và giữ vườn”, vui thú điền viên và sống gần gũi với Ngài. Đó là khu vườn hạnh phúc mà Chúa ban cho con người. A-đam được phước vì được ở trong vườn với Thiên Chúa, để trồng và giữ vườn. Ông là người được tạo dựng theo ảnh tượng của Thiên Chúa nghĩa là mang những bản chất đẹp: yêu thương, công chính, khôn ngoan giống như Thiên Chúa và được Chúa ban phước (Sáng Thế Ký 1:28) Ông đã có mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa, vì ông luôn tôn vinh và vui hưởng sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa trong cuộc sống. Đây là bí quyết để con người được phước, hưởng được hạnh phúc thật.

• Phước trong Kinh Thánh
Trong Kinh Thánh Tiếng Việt có tất cả là 522 lần nói đến chữ phước (theo bản TT năm 1925).
Trong tiếng Hy-bá-lai có hai từ phước Eser và Barak đều được dịch là phước hay hạnh phúc, may mắn. Phước trong tiếng Hy Lạp là Makarios cũng được dịch sang tiếng Việt là phước. Trong Kinh Thánh, Chúa có rất nhiều lời hứa ban phước cho con dân Chúa, nhất là những người kính sợ Chúa, gìn giữ và vâng theo luật pháp của Chúa. Phước Chúa ban cho có tính chất toàn diện, tâm linh lẫn vật chất (III Giăng 2). Tuy nhiên, dường như Phước trong Cựu Ước thiên về vật chất nhiều hơn, còn trong Tân Ước thì thiên về tâm linh hơn. “Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:3).

ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ NGUỒN PHƯỚC

• Đức Chúa Trời là Đấng chủ tể phước hạnh
Chữ Phước trong văn hóa chúng ta cho thấy người xưa cũng tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa là Đấng ban phước cho con người, Ngài là nguồn phước. Kinh Thánh cũng khẳng định Đức Chúa Trời là nguồn phước, là Đấng chủ tể phước hạnh “là điều mà Đấng chủ tể hạnh phước và duy nhất, là Vua của các vua, Chúa của các chúa sẽ tỏ bày vào đúng thời điểm của Ngài” (I Ti-mô-thê 6:15) [HĐTT]. Đức Chúa Trời có một chương trình, kế hoạch để ban phước cho loài người. Khi nhân loại phạm tội, xa cách Ngài bị mất phước thì Ngài kêu gọi Áp-ra-ham để qua dòng dõi ông Ngài ban Đấng Cứu Thế đến để ban phước cho cả nhân loại “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng Thế Ký 12:2-3).

• Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa yêu thương và quyền năng ban phước cho muôn loài vạn vật và loài người
Trong sách Sáng Thế Ký, khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn loài vạn vật và con người thì Ngài ban phước trên chúng: “Đức Chúa Trời ban phước cho các loài đó mà phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển; còn các loài chim hãy sanh sản trên đất cho nhiều” (Sáng Thế Ký 1:22) và “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất” (Sáng Thế Ký 1:28). Nhờ Chúa ban phước và chăm sóc mà muôn vật và loài người được sống, tồn tại và lưu truyền trên đất cho đến ngày nay (Thi Thiên 145:15,16).

BÍ QUYẾT ĐỂ ĐƯỢC PHƯỚC
Trong Kinh Thánh, Chúa có rất nhiều lời hứa ban phước cho con dân Ngài. Có thể nêu ra bốn bí quyết để chúng ta nhận được phước từ Chúa:

• Được Chúa tha thứ mọi tội lỗi
Trước hết, để nhận được phước từ Chúa, chúng ta phải được Chúa tha thứ mọi tội lỗi, “bởi tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước” (Giê-rê-mi 5:25). Sở dĩ nhân loại bị mất phước, bị đuổi khỏi vườn Ê-đen phước hạnh vì đã phạm tội không vâng lời Chúa, ăn trái cấm. Vì thế, điều kiện đầu tiên để nhận được phước là phải ăn năn mọi tôi lỗi để được Chúa tha thứ, như Kinh Thánh chép: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, Được khỏa lấp tội lỗi mình!” (Thi Thiên 32:1).

• Kính sợ Chúa, sống theo đường lối Chúa
Điều thứ hai mà Kinh Thánh thường nhắc đến là kính sợ Chúa, sống theo đường lối Chúa “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, Đi trong đường lối Ngài!” (Thi Thiên 128:1). Người kính sợ Chúa là người luôn để Chúa làm trung tâm điểm trong đời sống, sống công chính, ngay thẳng theo đường lối Chúa “Không theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng” (Thi Thiên 1:1). Người kính sợ Chúa là người luôn ý thức Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi, Ngài biết hết mọi điểu nên lúc nào ở đâu cũng sống đàng hoàng, thánh thiện, chân thật.

• Yêu mến, vâng giữ luật pháp Chúa
Người được Chúa ban phước là người yêu mến luật pháp Chúa và thực hành lời Chúa trong đời sống mỗi ngày như Kinh Thánh chép: “Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sanh bông trái theo thì tiết, lá nó cũng chẳng tàn héo; Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng” (Thi Thiên 1:2).

• Giữ mối tương giao mật thiết với Chúa
Người được Chúa ban phước là người có mối tương giao mật thiết với Chúa mỗi ngày, đồng hành với Chúa như Hê-nóc và được Chúa tiếp lên trời không qua sự chết vì ông có đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:5). Để đời sống chúng ta được phước, xin Chúa cho chúng ta có mối tương giao khắng khít với Chúa như Đa-vít và các thánh nhân trong Kinh Thánh “Linh hồn tôi đeo theo Chúa; Tay hữu Chúa nâng đỡ tôi” (Thi Thiên 63:8).

KẾT LUẬN
Chúng ta đang hướng về năm mới Giáp Thìn 2024 với ước mong được Chúa ban phước dư dật trên cá nhân, gia đình và Hội Thánh. Cảm tạ Chúa là Đức Chúa Trời mà chúng ta yêu mến, kính sợ và thờ phượng là nguồn phước của chúng ta và Ngài đang chờ đợi để ban phước cho chúng ta miễn là chúng ta hết lòng tin cậy Chúa và sống đẹp lòng Ngài. Tôi muốn mượn lời của vua Đa-vít để kết thúc bài suy ngẫm hôm nay: “Tôi đã nói cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là Chúa tôi; Trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác” (Thi Thiên 16:2). Amen!

Trịnh Phan
Tết Giáp Thìn 2024

                                                                                                             
1
Khang, C. H. The Discovery of Genesis (Singapore: Salvation Army,1979) p.126.

Bài trướcThách Thức Khi Ngã Lòng – 1/2/2024
Bài tiếp theoBài 8: LÒNG VUA TRONG TAY CHÚA