NIỀM HY VỌNG TRONG CHÚA PHỤC SINH

18672

 

“Tôn vinh Thượng Đế, Cha của Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta. Bởi lòng nhân từ vô biên, Thượng Đế đã cho chúng ta được tái sinh để làm con cái Ngài. Do đó, niềm hy vọng của chúng ta tràn trề sức sống vĩnh cửu vì Chúa Cứu Thế đã từ cõi chết sống lại” (1 Phi 1:3 BHĐ).

 

Dẫn nhập

 Cách đây nhiều năm tại Ấn Độ, người tìm thấy mảnh xương (gọi là xá lợi) của đức Phật và một buổi lễ long trọng được tổ chức để cung thỉnh xá lợi ấy về chùa. Nhân dịp này, một vị mục sư ở Ấn Độ đã có lời bình luận rất ý nghĩa như sau: “Nếu ngày nay người ta tìm thấy một mảnh xương hay sợi râu của Chúa Giê-xu thì Cơ Đốc giáo sẽ sụp đổ, vì Cơ Đốc giáo được xây trên sự chết và sống lại của Chúa Cứu Thế”.
Thật vậy, chúng ta cám ơn Chúa vì Chúa chúng ta là Đấng sống, Ngài đã chết và phục sinh khải hoàn, trở thành nguồn hy vọng sống cho nhân loại. Niềm hãnh diện của Cơ Đốc nhân là ngôi mộ trống, vì Chúa sống lại từ trong kẻ chết.
Mùa Phục sinh đã trở về để chúng ta một lần nữa vui mừng kỷ niệm Chúa Cứu Thế phục sinh và rao truyền Phúc âm cứu rỗi cho đồng bào!

CHÚNG TA ĐANG SỐNG TRONG MỘT THẾ GIỚI ĐẦY ĐAU THƯƠNG, THẤT VỌNG

Một bức tranh toàn cầu ảm đạm, thất vọng

Nếu phải vẽ một bức tranh mô tả thế giới con người hôm nay thì bức tranh đó như thế nào? Tôi nghĩ rằng đó là một bức tranh thật ảm đạm, đầy thất vọng. Nào là thiên tai như động đất, lụt lội, bão tố, dịch lệ; nào là nhân họa như chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, chết chóc, kinh tế suy thoái… Đại dịch Covid 19 kéo dài trong 3 năm đưa thế giới vào sự khủng hoảng toàn cầu. Rồi chiến tranh tại Ukraina kéo dài đã ba năm chưa kết thúc; xung đột giữa Y-sơ-ra-ên với Hamas ở Trung Đông vẫn cứ tiếp diễn, gây đau thương chết chóc cho hàng triệu người. 

Thân phận bi đát của con người

Ngay từ buổi sáng thế, Đức Chúa Trời dựng nên loài người và ban phước cho loài người để vui hưởng hạnh phúc trong Ngài. Nhưng tiếc thay, loài người đã không vâng lời Ngài và phạm tội, bị đuổi khỏi khu vườn phước hạnh và phải rước lấy thân phận bi thảm. Nhân loại đang phải sống trong một thế giới đầy bất an, bất ổn với nhiều nan đề. Nhìn xa hơn, thân phận con người sống trên trần gian này cũng thật bi đát và kết thúc bằng cái chết tuyệt vọng không tránh khỏi. Nhà thơ cổ điển Ôn Như Nguyễn Gia Thiều thế kỷ 18, đã phải thốt lên những lời đầy thất vọng: “Trăm năm còn thấy gì đâu, Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì” (Cung oán ngâm khúc). Nhà thơ hiện đại Bùi Giáng, cuối cuộc đời cũng viết những dòng thơ đáng buồn khi nghĩ đến cái chết “Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại, Tôi ra đi mà không biết đi đâu…” (Phụng hiến).
Có người đã tóm tắt cuộc đời con người bằng ba chữ “vất vả, hối hả, mồ mả”.

Nguyên nhân: Tội lỗi khiến nhân loại rước lấy hậu quả: đau khổ, chết chóc, tội ác, bất an, tuyệt vọng

Nhân loại xưa nay phải chấp nhận thân phận bi đát như là qui luật của cuộc sống, nhưng khó mà lý giải nguyên nhân của nó một cách thỏa đáng với triết lý, tôn giáo hữu hạn của mình nếu không trở về với câu giải đáp của Thiên Chúa toàn năng. Kinh Thánh là lời mặc khải đã cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa toàn năng đã dựng nên con người, đặt con người trong vườn Địa đàng phước hạnh để sống với tin yêu và hy vọng nơi chính Ngài. Nhưng tiếc thay con người đã không vâng lời Đức Chúa Trời, ăn trái cấm và rước lấy hậu quả bi thảm.
Kinh Thánh chép: “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23) “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23). Thật vậy, tội lỗi chính là nguyên nhân gây nên số phận đau khổ, bất an và kết thúc bằng cái chết tuyệt vọng.

Không có Đức Chúa Trời, cũng không có hy vọng

Nhân loại không vâng lời Thiên Chúa, xa cách Ngài và dần dần không còn biết đến Ngài, thậm chí chối bỏ Ngài nữa và sống trong tuyệt vọng. “Đừng quên rằng thuở ấy anh em sống xa cách Chúa Cứu Thế, đối nghịch với đoàn thể con dân của Thượng Đế, không được Thượng Đế hứa hẹn bảo đảm gì cả. Giữa cuộc đời, anh em sống không hy vọng, không Thượng Đế” (Ê-phê-sô 2:12) [BHĐ]. Thật vậy, có thể nói nếu không có Đức Chúa Trời, thì cũng không có hy vọng vì ngoài Đức Chúa Trời hằng sống, nhân loại tìm đâu niềm hy vọng cho cuộc sống con người đang trong vòng lẩn quẩn “sinh, lão, bệnh, tử”! Cảm tạ Chúa, Chúa Giê-xu, Đấng Cứu Thế được Đức Chúa Trời dự bị để đem niềm hy vọng sống đến cho nhân loại vì Ngài là Đấng sống.

 

CHÚA PHỤC SINH LÀ NGUỒN HY VỌNG CHO CHÚNG TA

 Sự kiện Chúa sống lại (Lu-ca 24:1-12): Sự thật hay huyền thoại?

Chúa sống lại là sự kiện lịch sử không thể chối cãi mặc dù ma quỷ luôn tìm cách để bác bỏ, phủ nhận. Kẻ thù của Cơ Đốc giáo xưa nay luôn tìm cách phủ nhận sự kiện Chúa phục sinh nhưng đều thất bại trước ba chứng cớ vững vàng đó là: lịch sử, Lời Kinh Thánh và kinh nghiệm của các Cơ Đốc nhân. Trước hết, ngôi mộ trống tại xứ Do Thái là bằng cớ lịch sử hiển nhiên của sự phục sinh mà không ai có thể chối cãi được. Thứ hai, lời Kinh Thánh trong cả 4 sách Phúc âm đều ghi lại rất rõ sự kiện Chúa sống lại một cách khải hoàn (Mat 28:1-20; Mác 16:1-20; Lu 24:1-53; Giăng 20:1-31). Có thể xem lời Kinh Thánh trong Lu-ca 24:5-6 như là lời tiểu biểu cho sự kiện Chúa phục sinh với tinh thần xác tín mạnh mẽ: “Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết? Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại”.

 Ngài là nguồn hy vọng của chúng ta (1 Phi 1:3)

Chúa phục sinh là sự thật lịch sử chứ không phải là huyền thoại, hoang đường. Kinh Thánh đã khẳng định: “Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống”. Thật vậy, Chúa phục sinh là nguồn hy vọng cho chúng ta.

Chính Chúa đã phán khi khiến La-xa-rơ từ kẻ chết sống lại rằng: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng? (Giăng 11:25-26). Và sau khi Chúa từ kẻ chết sống lại, Ngài xác quyết một lần nữa rằng: “Đừng sợ chi, ta là Đấng trước hết, và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm phủ’” (Khải 1:17-18). Có thể nói không ai dám nói như Chúa Giê-xu đã nói, bởi vì Ngài chính là Thiên Chúa Toàn năng và Đấng hằng sống.

Hy vọng có nghĩa gì? Đâu là hy vọng thật?

Có thể định nghĩa “hy vọng là tin tưởng và mong chờ.” Triết gia Cơ Đốc Gabriel Marcel phân biệt hai loại hy vọng: Hy vọng có tính chất ảo tưởng, ảo vọng và chẳng bao giờ xảy ra, và hy vọng có tính tuyệt đối. Loại hy vọng thứ hai này là loại hy vọng mà tôi muốn nói đến. Đó là niềm hy vọng chắc thật đến từ đức tin nơi Thiên Chúa toàn năng (Ê-phê-sô 2:12).

PHƯỚC HẠNH CỦA NGƯỜI CÓ NIỀM HY VỌNG TRONG CHÚA PHỤC SINH

Chúa phục sinh đã đắc thắng sự chết và ban cho nhân loại một niềm hy vọng chắc thật nhờ đức tin và quyền năng của Đức Thánh Linh. Đó là phước hạnh kỳ diệu mà con dân Chúa kinh nghiệm trong đời sống, như Kinh Thánh chép: “Cầu xin Đức Chúa Trời là nguồn hi vọng làm cho anh em ngập tràn niềm vui và bình an trong đức tin, để nhờ năng quyền của Đức Thánh Linh, anh em được chứa chan hi vọng!” (Rô-ma 15:13) [BTTHĐ]. Ba điều kỳ diệu mà Chúa phục sinh mang lại cho chúng ta là: Đời sống được biến đổi (tái sinh): Được sống trong sự vui mừng, bình an, hy vọng, được sống lại sau khi chết, và được hưởng sự sống vĩnh cửu.
Tất cả các Cơ Đốc nhân thật là những người hết lòng tin nhận Chúa Giê-xu đều đã kinh nghiệm cuộc sống mới tràn ngập niềm vui và hy vọng trong đời này và đời sau. Tôi có thể nêu ra ở đây một con người tiêu biểu đã kinh nghiệm Chúa phục sinh một cách sống động trong đời sống khiến người ta phải kinh ngạc. Đó là anh Nick Vujicic, là lời chứng sống về phước hạnh của người có niềm hy vọng trong Chúa. Trong quyển sách Sống Cho Điều Ý Nghĩa Hơn (Limitless – Devotions for a Ridiculously good Life) mới được dịch sang tiếng Việt, anh Nick đã viết “Chỉ có Đức Chúa Trời mới biết cuộc sống của chúng ta sẽ mở ra như thế nào. Hy vọng là món quà quý báu mà Đấng Tạo Hóa dành cho chúng ta, một cánh cửa hướng tới tương lai” (trang 35), và “Tôi không có tay có chân, nhưng tôi trở thành tay chân của Đức Chúa Trời”. Anh Nick đã đi đến 50 nước, giảng Tin Lành cho hàng triệu người. Người có đủ tay chân như chúng ta, mấy ai được như anh ấy. Cảm tạ Chúa vô cùng!
Cuộc sống của con người trên đất là những ngày đầy gian truân, thử thách. Nhưng Cơ Đốc nhân có Chúa Phục sinh sẽ sống đắc thắng, vui mừng và hy vọng như lời một bài caVì Giê-xu sống, ta bước đi với hi vọng”!
Cảm tạ Chúa vì Ngài đã sống lại để ban cho nhân loại niềm hy vọng sống. Ước mong những ai chưa biết Chúa, chưa tin nhận Chúa Giê-xu là Chúa Phục sinh hãy chạy đến với Chúa để nhận được ơn cứu rỗi và có niềm hy vọng trong đời này và đời sau như lời Chúa đã hứa: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng?” A-men!

Trinh Phan
Mùa Phục sinh 2024

Bài trướcLời Cầu Nguyện Đầy Yêu Thương Của Chúa – 28/3/2024
Bài tiếp theoVim Tus Tswv Hlub Koj Thiab Kuv Dhau – 29/3/2024