Phao-lô Và Các Nhà Triết Học

7178

 


 

PHAOLÔ VÀ CÁC NHÀ TRIẾT HỌC

Công vụ 17:16-34

 

 

 

“Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng?” (Côlôse 2:8)

 

Trong các sứ đồ của Chúa Giêxu chúng ta nhìn thấy có nhiều thành phần và trình độ khác nhau: Ngư phủ, nhân viên thâu thuế, nhà hoạt động chính trị, triết gia.. cách Chúa sử dụng các họ cũng khác nhau. Có người Chúa sai phái phục vụ giữa dân Giuđa, có người Chúa sai phái phục vụ dân ngoại, có người Chúa dùng làm nhà truyền giảng cho giới bình dân, có người Chúa dùng giảng cho các vua chúa và người có tri thức uyên bác. Sứ đồ Phaolô được Chúa sai đi giảng cho dân ngoại và giảng cho các nhà triết học ở thành Athên. Chính ông còn giảng cho các bậc vua chúa thời đó, ông quả là một đầy tớ đặc biệt của Hội thánh Chúa xưa nay. Công vụ 17:16-34 ký thuật câu chuyện sứ đồ Phaolô giảng cho các nhà triết học Hi Lạp. Đây là phân đoạn Thánh kinh có hai chữ mà người bình dân khó dọc vì không phiên âm hay phiên dịch, đó là chữ Epicuriens và Stociens. Chúng ta sẽ tìm hiểu hai chữ nầy và học biết cách thức tiếp xúc và rao giảng Phúc Âm cho giới tri thức ngày nay.

 

Truyền thuyết miêu tả sứ đồ Phaolô là một người tầm thước, tóc xoăn, ống chân gầy guộc gọi là chân gọng kìm, mắt xanh lơ, lông mày dài và xoăn, mũi cao, đầy ơn điển và lòng thương xót của Chúa. Khi thì có dung mạo của một con người, khi thì có dung mạo của một thiên sứ. Một truyền thuyết khác cho biết thêm: “Sứ đồ Phaolô có dáng dấp thấp nhỏ, đầu hói, ống chân cong cong, mũi hơi cao, có phong cách của người đầy ơn; chỉ có điều là chứng đau mắt của ông làm cho ông trở nên xấu xí đôi chút”. Nhưng dẫu thế nào đi nữa chắc chắn mỗi chúng ta đều đồng ý với lời kết luận của Halley: “Không còn nghi ngờ chi nữa ông Phaolô có một cá tánh mạnh mẽ, xuất chúng; về toàn diện ông là bậc vĩ nhân tột bậc từng sống trên đất nầy, chỉ trừ ra Chúa Giêxu”.

 

I. SỰ XUẤT THÂN CỦA CÁC NHÀ TRIẾT HỌC.

 

Khi sứ đồ Phaolô rời thành Bêrê đến thành Athen, một thành phố nổi tiếng là tri thức của thế giới cổ. Nơi đây có trường đại học quan trọng vào bậc nhất và nhiều người từ khắp nơi đổ xô về tìm kiếm tri thức. Hầu hết các triết gia cũng xuất thân từ nơi nầy. Vào ngày Sabát, sứ đồ Phaolô vào Nhà hội của người Do Thái giảng dạy về Chúa Cứu Thế Giêxu cho những người theo đạo Giuđa, còn ngày thường thì ông đi rao giảng bên ngoài phố chợ. Ngày kia ông gặp các nhà triết học thuộc hai trường phái Epicuriens (Hưởng lạc) và Stociens (Khắc kỷ) nơi chợ. Những nhà triết học nầy là ai?

 

1. Epicuriens là trường phái triết học Hưởng lạc do Epicurus (341-270TC), người Hi Lạp  chủ xướng. Chủ trương của trường phái Hưởng lạc gồm có: (1) Mọi sự đều do ngẫu nhiên mà có (2) Con người chết là hết (3) Các thần linh không quan tâm gì đến con người. (4) Hãy cố gắng tận hưởng mọi lạc thú, vì khi chết là hết!

 

2. Stociens là trường phái Khắc kỷ do Zeno (200TC), người Hi Lạp chủ xướng. Trường phái Khắc kỷ chủ trương: (1) Đức Chúa Trời thực hữu. (2) Tất cả các mãnh lực trong thiên nhiên đều là thần, nghĩa là họ tin Phiếm thần. (3) Sống khắc kỷ và tin rằng có đời sau. Khi sứ đồ Phaolô giảng, các nhà triết học của cả hai trường phái nầy đều lắng nghe, dầu họ có quan điểm trái ngược nhau, nhưng cả hai đều muốn nghe giảng về Chúa Giêxu.

 

Đặc điểm của cư dân thành Athen có từ thời Socrate là ưa nghe những chuyện lạ, và họ thường tụ tập để tranh luận những chủ đề lạ ngay cả ở nơi phố chợ. Vì vậy, khi sứ đồ Phaolô giảng Phúc Âm thì họ nghe và bắt đầu tranh luận với ông, vì không bẻ bác Phaolô được, nên họ gọi ông là lão già mép: “Lão già mép  nầy muốn nói gì đó!” (Công vụ 17:18). Tại sao họ nói Phaolô là lão già mép? Bởi vì lời giảng của Phaolô về Chúa Giêxu hết sức quả quyết và vô cùng xác đáng, nên họ không thể bẻ bác hay cãi chối được.

 

Đúng vậy, khi tôi con Chúa nói về Chúa cách quả quyết, cộng với cách sống và hành động theo lời Chúa chân thật, thì sẽ khiến cho những người cứng lòng và kiêu ngạo cũng phải bị bắt phục để tin Chúa hoặc là cứng lòng vu khống, như các nhà triết học nói Phaolô là lão già mép, vì họ không thể bẻ bác được. Bấy giờ họ đưa Phaolô lên đồi Areoba hay còn gọi là đồi Mars, một ngọn đồi nhỏ ở gần thành Athen. Đây là nơi dùng để xét xử các vụ án và tranh luận triết học. Hôm nay họ đưa Phaolô đến đó không phải để xét xử mà để nghe Phaolô tiếp tục giảng về Chúa Cứu Thế Giêxu là chủ đề mới lạ.

 

II. PHAOLÔ GIẢNG CHO GIỚI TRIẾT HỌC.

 

Trong bối cảnh của một thành phố mà số các vị thần nhiều hơn số dân sống trong thành, và dầu là thành phố nổi tiếng tri thức và tri thức vào bậc nhất thời đó, nhưng đó cũng là thành phố mê tín thờ lạy nhiều tà thần hơn hết. Sứ đồ Phaolô mở đầu bài giảng của ông bằng sự nhận định về họ: “Phàm việc gì ta cũng thấy các ngươi cũng sốt sắng quá chừng” (Công vụ 17:22), vì họ thờ một vị thần rất lạ không đâu có đó là “THỜ CHÚA KHÔNG BIẾT” (Công vụ 17:23) Phaolô nhơn lạc điểm giới thiệu Chúa mà họ không biết đó chính là:

 

1. Đức Chúa Trời Tạo hóa.

 

Lý do Phaolô mở đầu bài giảng bằng cách giới thiệu Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa, vì các nhà triết học Hưởng lạc không tin Đức Chúa Trời thực hữu. Hơn nữa khoảng 600TC thành Athen bị một nạn dịch khiến nhiều người chết, một thi sĩ của họ tên là Epimenides đưa ra cho dân chúng ý tưởng tế thần. Epimenides bảo người dân trong thành phải dẫn đến một bầy chiên có cả chiên trắng và chiên đen rồi thả chúng từ trên đồi Areoba chạy vào thành, hễ con nào ngã gần đền thờ thần nào thì dâng cho thần đó. Con nào ngã gần bàn thờ “thờ chúa không biết” thì dâng nó vị thần Vô danh.

 

Phaolô nói cho các nhà triết học biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa tạo dựng nên thế giới và mọi vật. Ngài là Chúa của mọi tạo vật, Ngài không phải là tạo vật, Ngài cũng không hòa lẫn vào các tạo vật. Thậm chí Chúa cũng không ngự vào các đền thờ, do tay con người làm ra, cũng không ở trên các bàn thờ Vô danh!

 

Con người xưa nay dựng lên đủ thứ đền thờ và bái lạy đủ thứ tà thần hình tượng mà họ nghĩ rằng đó là thần. Kỳ thực đó chỉ là sự lợi dụng của ma quỷ mà thôi. Những Giáo sư giả và Christ giả cũng dẫn dụ người ta đi sai lạc theo cách đó, nó nói với những người nghe theo nó rằng: Đấng Christ ở đây hay là ở đó. Đấng Christ ở trong nhà hay ở ngoài đồng vắng! Nếu ai nhẹ dạ nghe và đi theo thì mỗi lúc mỗi xa Chúa hơn, và trở nên công cụ của nó sử dụng làm hại linh hồn người ta.

 

Đáng sợ hơn là nó còn làm cho người tin Chúa đi đến chỗ mê tín và có những biểu hiện thờ phượng sai lạc với lời Chúa dạy trong Thánh kinh. Dẫn tín hữu đi sai về lãnh vực thuộc linh là mục tiêu hàng đầu của Satan trong thế giới ngày nay. Mỗi con cái Chúa một khi đã nhận biết Chúa là Đấng Tạo hóa, là Cha của mình rồi thì đừng bao giờ tìm kiếm một chúa nào khác, cũng đừng lắng tai nghe lời các giáo sư giả giảng dạy những lời sai lạc hãy coi chừng những giáo lý lạ mà Thánh kinh gọi là “đạo lý của quỷ dữ” (I Tim 4:1)

 

2. Chúa Cứu Thế phục sinh hằng sống.

 

Phaolô tiếp tục giới thiệu cho họ về Chúa Cứu Thế mà Đức Chúa Trời đã khiến phục sinh từ trong kẻ chết và hiện đang sống đời đời. Chúa Cứu Thế không giống như các vị thần mà họ đang thờ lạy. Phaolô đánh thức lương tâm của các nhà triết học nầy và giúp họ nhận thức giá trị của các vị thần mà họ đang thờ lạy có phải là thần hay chỉ là tà linh giả hiệu, không có sự sống, không hành động, không cứu giúp ai được. Chẳng qua là hình tượng làm bằng “vàng, bạc, hay đá”, vốn là “công nghệ và tài xảo của con người chạm trổ nên” (Công vụ 17:29). Trong khi Chúa Cứu Thế là Đấng điều khiển lịch sử, Đấng sẽ phán xét cả thế gian, Ngài định chỗ ở và nắm giữ số mạng đời người trong tay. Sứ đồ Phaolô còn nhấn mạnh thời kỳ của các nhà triết học trước khi Chúa Giáng sinh là “thời kỳ ngu muội” Đức Chúa Trời đã bỏ qua hết rồi, bây giờ đến kỷ nguyên Ân điển của Chúa Cứu Thế Giêxu, nên mọi người phải tin Chúa Cứu Thế để được cứu. Đây là điều mà các con cái Chúa dầu bình thường tới đâu cũng hiểu. Thế nhưng các nhà triết học tri thức uyên bác thì lại tối tăm mù mịt chẳng hiểu gì!

 

Khi học biết điều nầy, con cái Chúa càng phải nổ lực rao giảng Phúc Âm cho thế giới tối tăm nầy hơn nữa. Nếu các nhà triết học thành Athen mà không hiểu đến nỗi mơ hồ lập bàn thờ “thờ chúa không biết” thì đồng bào chúng ta cũng không hơn. Thật vậy, chưa có giai đoạn nào mà con người tối tăm về tâm linh như hiện nay, thờ đủ thứ tà thần hình tượng – lập ra bao nhiều lễ hội mê tín dị đoan. Nói chung là con người đang cắm cúi thờ lạy và phục vụ ma quỷ mà cứ tưởng là thờ chân thần. Thật đáng thương vô cùng!

 

III. PHẢN ỨNG CỦA CÁC NHÀ TRIẾT HỌC.

 

Có hai phản ứng chúng ta tìm thấy trong trong Công 17:32-34.

 

1. Nhạo báng và bỏ đi.

 

Phản ứng của các nhà triết học Hưởng lạc là nhạo báng. Còn các nhà triết học Khắc kỷ thì bỏ đi. Tuy nhiên, Phaolô vẫn kiên trì rao giảng. Trải qua lịch sử khi Phúc Âm rao truyền tới đâu cũng đều có những người vui vẻ tiếp nhận, nhưng cũng không thiếu những người nhạo báng chối bỏ. Việc sứ đồ Phaolô bị những nhà triết học nhạo báng bỏ đi không có gì đáng ngạc nhiên cả, vì Chúa đã nói trước: “Sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành, nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư chung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật mà xoay hướng về chuyện huyễn” (II Tim 5:3,4) Con người ngày nay thích nghe chuyện huyễn, thích nghe những lời êm tai, thích những điều lạ lẫm, thích cảm giác mạnh, họ đẻ ra vô số điều không hề có trong Thánh kinh và nghĩ rằng đó là sự dạy dỗ mới lạ. Do đó, đã có không ít người chết tâm linh khi đi theo họ. Ai đã biết chắc mình được cứu và đang sống trong sự chăm sóc của Chúa thì chớ nghe theo những kẻ quyến dụ sai lạc đó.

 

2. Có mấy kẻ theo và tin.

 

Phản ứng của nhóm người thứ hai nghe Phaolô giảng thì theo và tin. Chữ “theo” ở đây có nghĩa là đồng ý, không nhạo báng và không bỏ đi như những người chống nghịch, ngược lại họ đi theo sứ đồ Phaolô và tin Chúa Cứu Thế Giêxu. Số những người theo và tin Chúa nhiều, nhưng Thánh kinh chỉ nhắc đến Đêni, một thành viên của Hội đồng Thẩm phán tại Areoba, ông thuộc giới tri thức và người thứ hai là bà Đamari. Dầu Thánh kinh không nói, nhưng bà cũng là một người nữ có tri thức trong thành Athen. Như vậy, những người tin Chúa qua bài giảng của sứ đồ Phaolô dành cho giới triết gia ở đây là đáng khích lệ vô cùng.

 

Phúc Âm của Chúa thích ứng cho mọi thành phần nhân loại. Sự cứu rỗi của Chúa dành cho tất cả mọi hạng người trong thế gian, không phân biệt ai hết. Con cái Chúa không nên mặc cảm trước những lời nhạo báng của kẻ chối bỏ mà nãn lòng hay e dè trong việc chia sẻ Phúc Âm cho người hư mất. Hãy nhớ rằng dầu họ là ai, thuộc giai tầng nào thì họ cũng cần nhận được sự cứu rỗi. Hãy mang đến cho họ chân lý cứu rỗi của Chúa và đừng đá động gì đến triết lý của họ. Nên nhớ chỉ có chân lý của Đức Chúa Trời mới cứu được linh hồn người ta mà thôi.

 

Chúng ta thấy sứ đồ Phaolô rao giảng Phúc Âm cho tất cả các đối tượng, trong mọi trường hợp và hoàn cảnh ông đều nói về Chúa, thậm chí ngay cả khi ông đứng trước mặt vua với xiềng xích của một tù nhân, ông vẫn chia sẻ Phúc Âm cho vua. Nếu tất cả tôi con Chúa đều làm như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều người được cứu vào trong Hội thánh.

 

Khi Mục sư Ironside giảng cho một chương trình truyền giảng lớn, có người vô thần đến thách thức: Nếu ông nói Đức Chúa Trời của ông quyền năng thì ngày mai tại địa điểm đó, mời ông đến tranh luận với tôi xem ai hơn. Mục sư Ironside đồng ý với điều kiện là nhà vô thần phải dẫn theo ba người đã được triết lý vô thần của ông biến cải từ một người xấu xa tội lỗi trở thành thánh nhân. Mục sư Ironside hứa sẽ dẫn theo 50 người đã được chân lý cứu rỗi của Chúa biến cải đời sống. Nghe vậy nhà vô thần yên lặng bỏ đi. Quả thật, chỉ có chân lý cứu rỗi của Chúa mới cứu được linh hồn người ta. Mỗi tôi con Chúa phải hết lòng rao giảng chân lý Phúc Âm cho tất cả mọi hạng người, không phân biệt giai cấp hay trình độ. Chỉ có chân lý Phúc Âm mới giải phóng con người ra khỏi sự u mê tăm tối về phương diện tâm linh và dẫn con người đến sự cứu rỗi . Phần tôi con Chúa phải luôn giữ mình đừng để “ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ mà bắt anh em phục chăng” (Côlôse 2:8).

 

 Doulos

 

Bài trướcBài thứ 300: Tình Thương Thật
Bài tiếp theoƠn Phước Chúa Trong Đêm Truyền Giảng Tại Chi Hội Hoà Khánh – Tp Đà Nẵng