Tin Chấn Động Từ Bết-lê-hem – Phần 1

2727

Phòng Truyền Thông Tổng Liên Hội xin được giới thiệu đến quý đọc giả tập truyện ngắn Giáng sinh với tiêu đề “TIN CHẤN ĐỘNG TỪ BẾT-LÊ-HEM” – Tác giả: Bob Teoh.

LỜI TỰA

Bài báo Câu chuyện Giáng sinh đầu tiên của tôi xuất hiện vào ngày 24 tháng 12 năm 2000 trên báo Vox, tạp chí Chúa Nhật The Sun (nay không còn hoạt động) với tiêu đề Giáng Sinh Đẫm Máu (Bloody Christmas). Mùa thánh năm đó được đặt cho cái tên là Bết-lê-hem 2000, một dự án được Yasser Arafat nêu lên để bàn thảo như là một lễ kỹ niệm đa niềm tin về hy vọng, hòa bình và hòa giải để kỷ niệm sự giáng sinh của Đấng Christ 2000 năm trước. Dự án được sự cổ vũ nhiệt tình của Liên Hiệp Các Quốc Gia (UN), Tổ Chức Hội Nghị Hồi Giáo (OIC) và Tòa Thánh Va-ti-can. Nhưng tình hình lại trở nên rất khốc liệt theo sau cuộc nổi dậy của phong trào intifada đến nỗi lễ kỷ niệm Giáng Sinh thiên niên kỳ đó buộc phải bị bãi bỏ.

Từ lúc đó nó đã trở nên lý do cho tôi viết một câu chuyện mỗi dịp Giáng Sinh về, trong số đó tôi đã chọn sáu câu chuyện cho cuốn sách này. Tôi hy vọng bạn sẽ thích chúng. Có lẽ bạn cũng có những câu chuyện Giáng Sinh của riêng mình để kể.

Bob Teoh (Giáng Sinh 2008 – Kuala Lumper)

 CHUYỆN XÔN XAO TRONG GIÁNG SINH ĐẦU TIÊN

Rose, bạn của chúng tôi thường ghé một lát vào ngày thứ Bảy để uống trà. Khi cô ấy đang chờ hết mưa, tôi hỏi cô: “Cô đã nghe câu chuyện Giáng sinh đầu tiên chưa?”

Mặc dù là một người bạn lâu năm của vợ chồng tôi, Rose nhanh chóng đóng sầm cánh cửa bất cứ khi nào chúng tôi gợi chuyện liên quan đến Cơ Đốc giáo. Nhưng lần này, cô tò mò hỏi: “Chuyện gì vậy?”

“Là câu chuyện có một thiếu nữ đã mang thai trong Giáng sinh đầu tiên và những tin đồn về một vụ bê bối tình dục truyền ra khắp các thôn làng!”

“Có chuyện như vậy, hả?” Rose vừa ngạc nhiên vừa tò mò. Vừa lúc ấy, trời dừng mưa và cô nói lời chào tạm biệt chúng tôi mà chưa nghe được câu chuyện. Nhưng cô ấy cầm theo một cuốn truyền đạo đơn nhỏ nói về Niềm Hy Vọng Giáng Sinh.

Câu chuyện xảy ra, đó là một thiếu nữ người Palestine, có lẽ khoảng 12 đến 14 tuổi, hay lớn lắm là 16 tuổi, đã mang thai. Đây không phải là điều bất thường trong nền văn hóa của cô để các cô gái bắt đầu sinh con ở độ tuổi này.

Nhưng Ma-ri, hay Maryam, cái tên được biết đến trong Kinh Koran, đã chưa kết hôn, mặc dù cô đã đính hôn với chàng thợ mộc Giô-sép, hay Yusuf. Nếu những người Do Thái đã làm theo cách của họ, chắc Ma-ri đã bị ném đá vì phạm tội như vậy, theo luật Do Thái cổ đại hà khắc.

Giống như hầu hết các cặp vợ chồng, sự hứa hôn của họ đã được gia đình hai bên sắp xếp, có thể là với sự đồng ý của họ. Hứa hôn trong thời đó có nhiều sự ràng buộc hơn so với sự đính hôn thời hiện đại của chúng ta; nó thường liên quan đến việc chú rể phải trả một phần của hồi môn đầu tiên. Trong thời gian đính hôn, thường là một năm, cả chàng trai và cô gái đã hứa nguyện cách công khai với nhau, nếu có bất kỳ những sự tán tỉnh nào hướng về một đối tượng khác thì bị xem là phạm tội ngoại tình theo luật Cựu Ước hay Ngũ Kinh.

Khế ước trước hôn nhân được mọi người tán thành tại Ga-li-lê, nơi họ sinh sống, vì như vậy nên Ma-ri và Giô-sép có lẽ không có bất kỳ thì giờ nào ở bên nhau trong khoảng thời gian hứa hôn đó.

Thiếu nữ đã khám phá ra mình mang thai trong một cách hết sức kinh ngạc. Theo sách Phúc Âm được Lu-ca ký thuật, Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến Na-xa-rét (một ngôi làng tại Ga-li-lê), đến với một nữ đồng trinh tên là Ma-ri.

Vô cùng bối rối, cô gái đã cố phán đoán lý do thiên sứ viếng thăm cô.

“Ma-ri, đừng sợ,” vị thiên sứ phán với cô, “vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao.”

Ma-ri hỏi thiên sứ: “Tôi là một gái đồng trinh, thì làm sao có được sự đó?”

Thiên sứ đáp: “Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời. Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được.” (Lu-ca 1: 26-37)

600 năm sau khi sự kiện xảy ra, sự bối rối của Ma-ri về việc nữ đồng trinh sinh con đã được ký thuật lại trong kinh Koran trong Surah đặt theo tên cô: Ông ấy (thiên sứ) nói: “Tôi chỉ là sứ giả của Chúa được sai đến để báo tin cho cô về món quà là con trai thánh.”

Cô gái nói: ‘Làm sao tôi có con được, tôi chẳng hề nhận biết người nam nào và tôi là nữ đồng trinh?’

Ông ấy nói: ‘(Sự ấy sẽ xảy ra): Chúa ngươi phán rằng, “Điều đó thật dễ dàng cho Ta: và Chúng ta (ước) định cho con trai đó làm một dấu lạ cho con người và là Sự Thương Xót từ Chúng Ta’: đó là một vấn đề (rất) sắc lệnh.” (Surah Maryam 19-21).

Bất cứ người nam nào sẽ phản ứng ra sao khi phát hiện ra vợ hứa của mình đã mang thai khi anh ta không hề chạm đến cô? Giô-sép là người có nghĩa, đã quyết định hủy hôn cách thầm lặng, để Ma-ri không bị mang tiếng xấu, theo Phúc Âm Ma-thi-ơ.

Nhưng Chúa sai thiên sứ đến với ông trong giấc mơ: “Hỡi Giô-sép, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.”

Khi Giô-sép thức giấc, làm y như lời thiên sứ của Chúa đã dặn, mà đem vợ về với mình, song không hề ăn ở với cho đến khi người sanh một trai, thì đặt tên là Jêsus. (Ma-thi-ơ 1:18-25)

Ma-ri và Giô-sép đã vượt qua được những tin đồn ác ý và đáng hổ thẹn trong Giáng sinh đầu tiên đó. Họ đã đối mặt với một tình thế nguy khốn và đã thắng được.

Hai ngàn năm sau, chúng ta cũng đối mặt với nhiều tình thế nguy khốn. Như thiên sứ đã phán với Ma-ri, không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được. Thiên sứ có thể vẫn đang phán với chúng ta như vậy.

Vẫn có niềm hy vọng trong Giáng sinh.

(Câu chuyện này được phát hành đầu tiên trong tuyển tập Sunday Star vào ngày 23 Tháng Mười Hai 2005 và được cho phép sao chép lại).

Bài trướcThơ: Sao Bết-lê-hem
Bài tiếp theoBài thứ 332: Huyền Nhiệm Về Chúa