Trùng Phùng Tâm Thức Hay Hoạt Động Ma Quỷ

4511

(Sáng Thế Ký 37:5-11, Ma-thi-ơ 27:19)

Cơ Đốc nhân sống trong các khu vực chịu ảnh hưởng bởi đa thần giáo; thờ lạy nhiều thần với nhiều tập tục mê tín dị đoan, đã ăn sâu vào máu thịt con người. Vì vậy, các Cơ Đốc nhân sống ở Đông phương khó giữ đức tin và thực hành lời Chúa hơn các Cơ Đốc nhân Tây phương. Ngoài ra, Cơ Đốc nhân Đông phương còn đối diện với hoạt động của ma thuật, tà thuật và phù phép nên càng khó giữ trọn niềm tin kín hơn nữa.

Chủ đề tôi trình bày trong bài viết nầy là: “Sự trùng phùng tâm thức hay hoạt động của ma quỷ?” Đây là chủ đề khó vì nó liên quan đến phân tâm học và thuộc lãnh vực tâm thức của con người, nên dễ dẫn đến mê tín dị đoan. Khi nghiên cứu chủ đề nầy, mỗi người cần tỉnh táo và suy ngẫm trong ánh sáng lời Chúa. Điều quan trọng là mỗi người cần phân biệt đâu là trùng phùng tâm thức và đâu là hoạt động của ma quỷ. Vì có nhiều hiện tượng xảy ra chung quanh chúng ta, nếu nhìn dưới con mắt của phân tâm học, họ sẽ giải thích khác, nhưng với người ở Đông phương thì sẽ giải thích mang tính mê tín dị đoan.

Chúng ta dựa vào phân tâm học của Sigmund Freud và Carl Gustav Jung để phân tích một số sự kiện xảy ra chung quanh đời sống mà thoạt nhìn giống như hoạt động của ma quỷ, nhưng kỳ thực không phải. Phân tâm học xem đó là “sự trùng phùng của tâm thức” như sự trùng hợp giữa hai sự kiện hay các giấc mơ. Tất nhiên, Cơ Đốc nhân không chỉ dựa trên phân tâm học, mà còn phải căn cứ trên Thánh Kinh là lời Đức Chúa Trời để phân tích sự kiện. Trước hết chúng ta cần biết:

I. VÀI NÉT VỀ PHÂN TÂM HỌC

Phân tâm học là khoa tâm lý chuyên sâu của tâm lý học, chuyên nghiên cứu về tâm thức con người; do hai bác sĩ người Đức là Sigmund Freud và Carl Gustav Jung sáng lập.

Người tiên phong trong lãnh vực phân tâm học là Sigmund Freud. Ông sinh ngày 06 tháng 5 năm 1856, trong một gia đình Do Thái chính thống. Mẹ Freud là người Vien (Áo), vợ thứ ba của Jacob cha ông. Khi còn trẻ, Freud luôn ganh tị với người em, vì em ông được cha mẹ chăm sóc kỹ hơn. Nhưng em Freud qua đời lúc mới 7 tháng tuổi, và cái chết của em ông đã để lại trong ông một cảm giác tội lỗi sâu sắc. Về sau nó đã trở thành chủ đề cho nhiều bài viết của ông về phân tâm học.

Vốn là một học sinh thông minh nên Freud được vào trung học sớm hơn một năm và luôn đứng đầu lớp suốt những năm trung học. Freud đọc rất nhiều sách từ tiếng La Tinh, Hy Lạp, Pháp, Anh, Đức và học rất giỏi; cha mẹ Freud tạo mọi điều kiện để Freud học tới nơi tới chốn. Mặc dầu gia đình Freud bị nạn bài Do Thái làm cho cuộc sống vô cùng khó khăn. Dầu vậy, năm 1873 Freud vào Đại học Y khoa ở Vien và tốt nghiệp năm 1881.

Trong thời gian học y khoa ông say mê nghiên cứu sinh lý y khoa. Năm 1876, ông được nhận vào viện nghiên cứu sinh lý nổi tiếng của Ernst Brucke để nghiên cứu sinh lý thần kinh rồi được công nhận là bác sĩ và tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về Sinh lý Thần kinh. Sau khi cưới vợ, Freud chuyển đến làm việc tại bệnh viện đa khoa Vien (Áo). Tại đó Freud đưa ra lý thuyết Phân tâm học. Lúc đầu bị mọi người phản đối, đến nỗi người ta không thèm bán bánh mì cho Freud, nếu ông không che mặt lúc đi mua!

Tiếp nối bước chân Freud, có Carl Gustav Jung (1875-1961) nghiên cứu sâu về tâm thức con người và giải thích các hiện tượng như trực giác, trực kiến hay thần giao cách cảm v.v.. là những hiện tượng dễ làm cho người ta mê tín dị đoan. Nhưng theo Jung, đó là sự trùng phùng của tâm thức; nó gần giống khải tượng hay dị tượng mà tôi con Chúa nhận được.

II. Ý NGHĨA SỰ TRÙNG PHÙNG TÂM THỨC

Carl Gustav Jung định nghĩa trùng phùng “là sự trùng hợp phi nguyên nhân hay sự trùng hợp có ý nghĩa.” Trùng phùng bao gồm ba yếu tố: – Sự trùng hợp giữa hai biến sự – Phi nguyên nhân và – Có ý nghĩa. Carl Jung nêu lên ba trường hợp điển hình như sau: (1) Bà Marie-Louise Von Franz đặt mua một bộ đồ màu xanh và người bán đem nhầm bộ đồ đen, đúng vào ngày mà người thân của bà qua đời. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên và có ý nghĩa. (2) Một phụ nữ trẻ tuổi tên là Gabriele đến tham vấn tâm lý với Carl Jung. Bà kể vì kinh tế khó khăn nên chồng bà ép bà phá thai đứa con thứ tư. Bà rất yêu con và muốn sinh nó ra, nhưng áp lực của chồng buộc bà phải bỏ đứa con. Đang khi kể câu chuyện trong nước mắt, thì có một tiếng động bên ngoài. Carl Jung mở cửa phòng khám thấy một con chim sẻ bay đập đầu vào cửa kính và chết. Carl Jung giải thích đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Phân tâm học xem đó là sự trùng phùng tâm thức hay một trực kiến tâm thức thỉnh thoảng xảy ra trong đời sống con người. (3) Tổng thống Abraham Lincoln kể lại, trong giấc mơ ông nhìn thấy thi hài mình trưng ra cho khách đến viếng trước khi ông bị ám sát!

Cơ Đốc nhân giải thích thế nào về các hiện tượng trùng hợp kỳ lạ như thế, để không rơi vào tình trạng mê tín dị đoan?

Trước hết Thánh Kinh cho biết: “Hễ nhiều sự lo lắng ắt sanh ra chiêm bao; còn nhiều lời thì sanh ra sự ngu dại… Đâu có chiêm bao vô số và nhiều lời quá, đó cũng có sự hư không nhiều; song ngươi hãy kính sợ Đức Chúa Trời” (Truyền Đạo 5:3,7).

Ở đây chúng ta phải giải thích từ trường hợp trùng phùng ngẫu nhiên cho đến những giấc mơ. Chúa có bày tỏ cho con dân Chúa qua các trường hợp như trên không? Ngày nay Chúa còn dùng chiêm bao để bày tỏ ý muốn Chúa cho con dân Chúa không, và những việc xảy ra có tính trùng hợp hay trùng phùng đó có phải là cách Chúa báo trước những việc xảy ra trong đời sống con dân Chúa không? Tôi con Chúa nên nhớ sau sách Khải huyền Chúa không còn mạc khải hay mạc thị điều gì nữa (Khải Huyền 22:18,19). Chúa cũng không còn mạc khải qua chiêm bao, vì những điều cần yếu Chúa đã bày tỏ đầy đủ cho con người trong Thánh kinh rồi. Vậy những trùng hợp hay trùng phùng trong cuộc sống con người, kể cả các giấc mơ trong đời sống Cơ Đốc nhân cũng không chứa đựng sứ điệp gì. Chẳng qua như vua Sa-lô-môn nói trong Truyền Đạo 5:3,7 “Lo lắng ắt sanh ra chiêm bao… đâu có chiêm bao vô số và nhiều lời quá, đó cũng có sự hư không nhiều.” Nếu có chăng cũng chỉ là một sự dạy dỗ mang tính cá nhân thôi. Dầu vậy, vẫn còn vài điều cần bàn kỹ hơn về chủ đề nầy.

III. CƠ ĐỐC NHÂN VÀ SỰ TRÙNG PHÙNG TÂM THỨC

Do bản tánh Cơ Đốc nhân không mê tín dị đoan, nên khi đối diện với các hiện tượng trùng hợp xảy ra thì hãy xem đó là:

  1.   Một sự trùng hợp ngẫu nhiên

Trong đời sống của một số Cơ Đốc nhân, thỉnh thoảng gặp phải vài hiện tượng kỳ lạ khó giải thích, nhưng nó không phải là dị đoan. Carl Gustav Jung giải thích những hiện tượng kỳ lạ khó giải thích đó dưới lăng kính của một bác sĩ phân tâm, một nhà tâm lý, và xem nó như là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thỉnh thoảng nó cũng có ý nghĩa giới hạn mang tính cá nhân. Nhưng dứt khoát đó không phải là sự mạc khải từ Chúa.[1] Tín hữu Tin Lành nhờ học biết Thánh kinh nên hiểu rõ điều nầy và không rơi vào mê tín dị đoan. Riêng với người đời, kể cả một số lãnh đạo các tôn giáo, rất coi trọng và giải thích những hiện tượng đó dưới con mắt mê tín dị đoan, nên họ tin vào những điều huyễn hoặc và sợ sệt những điều không có cơ sở.

  1.   Các giấc chiêm bao

Carl Jung phân tích cho thấy con người sống với 10% ý thức, 90% tiềm thức hay vô thức. Trong 90% vô thức đó, có một phần nhỏ gọi là bóng âm (Shadow). Dầu là một phần nhỏ, nhưng bóng âm lại lưu giữ rất nhiều điều về đời sống tinh thần của con người. Có hai loại vô thức: Vô thức cá nhân và vô thức tập thể. Vô thức cá nhân là những trải nghiệm cá nhân, còn vô thức tập thể là những điều tích lũy di truyền. Do đó, có những giấc chiêm bao chúng ta thấy mà chưa hề trải nghiệm.

Đọc Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta thấy Chúa bày tỏ cho các tiên tri nhận biết ý chỉ và đường lối Chúa qua các giấc mơ. Trên đường chạy trốn Ê-sau anh mình, Gia-cốp chiêm bao thấy một cái thang bắt từ đất lên tới trời, có thiên sứ của Chúa đi lên đi xuống trên thang (Sáng Thế Ký 28:10-15). Qua giấc mơ, Gia-cốp hiểu Chúa luôn ở với, gìn giữ bảo vệ ông. Giô-sép, con của Gia-cốp cũng chiêm bao thấy 11 bó lúa của các anh quỳ trước bó lúa của mình (Sáng Thế Ký 37:5-8). Giô-sép còn chiêm bao thấy mặt trời, mặt trăng và 11 ngôi sao quỳ trước mặt Giô-sép (Sáng Thế Ký 37:9-11). Các giấc mơ trên đều có ý nghĩa. 

Nếu nghiên cứu sách tiên tri Đa-ni-ên, chúng ta thấy chiêm bao là một trong các phương cách Chúa dùng bày tỏ ý muốn, đường lối Chúa cho các tiên tri. Đa-ni-ên 1:17 chép: “Đức Chúa Trời ban cho bốn người trai trẻ đó được thông biết tỏ sáng trong mọi thứ học thức và sự khôn ngoan. Đa-ni-ên cũng biết được mọi sự hiện thấy và chiêm bao”.  

Vấn đề đặt ra ở đây là ngày nay Chúa có còn bày tỏ ý chỉ, đường lối Ngài qua chiêm bao nữa không? Căn cứ vào I Cô-rinh-tô 13:8-10 và Khải Huyền 22:18,19 những điều cần biết về Chúa, về ơn cứu rỗi và về nếp sống đạo Cơ Đốc nhân… đã được Chúa bày tỏ đầy đủ trong Thánh Kinh rồi, nên Chúa không bày tỏ qua chiêm bao, dị tượng như trong thời Cựu Ước nữa. Một vài hệ phái chủ trương mạc khải tiếp diễn, nên họ sai lầm khi tin vào các giấc chiêm bao và dựa vào cảm xúc tuyên bố Chúa phán với mình điều nầy, mạc khải cho họ điều kia v.v. nhưng tất cả đều sai lầm. Vì vậy, khi thủ lãnh của các giáo phái tà giáo tuyên bố họ nhận được mạc khải nầy chiêm bao nọ.. như bà Elen White thấy chiêm bao điều răn thứ 4, hay chiêm bao của Joseph Smith về đĩa vàng v.v. tất cả đều không đến từ Chúa, cũng không phải là mạc khải của Chúa. Do đó, tất cả những người sáng lập các tà giáo, đều bị ma quỷ lừa dối, trở thành công cụ phục vụ cho âm phủ và hỏa ngục mà họ không hề hay biết! Vấn đề kế tiếp chúng ta cần biết là các giấc chiêm bao có ý nghĩa và giá trị gì không?

  1.   Ý nghĩa của các giấc chiêm bao

Khi vua Nê-bu-cát-nết-sa thấy chiêm bao rồi quên bẵng và đòi hỏi các thuật sĩ (cố vấn tâm linh) giải nghĩa điềm chiêm bao đó cho ông. Sự đòi hỏi ngược ngạo và sự đe dọa của bạo chúa Nê-bu-cát-nết-sa khiến Đa-ni-ên khẩn đảo xin Chúa bày tỏ, và Ngài đã tỏ cho Đa-ni-ên nhìn thấy toàn bộ pho tượng trong giấc chiêm bao của vua và giải nghĩa nó ra cách chính xác (Đa-ni-ên 2:31-45). Khi Giô-sép ở trong tù, ông cũng giải nghĩa chiêm bao của quan Tửu chánh và quan Thượng thiện, và lời giải nghĩa của Giôsép đúng chính xác. Giô-sép còn giải nghĩa chiêm bao của Pha-ra-ôn Ai Cập về 7 con bò mộng và 7 con bò ốm đói, và lời giải của Giô-sép đúng chính xác v.v. 

Vậy, Cơ Đốc nhân có nên dựa vào một số sự kiện trên để cắt nghĩa chiêm bao của chính mình và của người khác không? Chắc chắn là không, vì như đã nói ở phần trên. Chúa không còn bày tỏ ý muốn, đường lối của Chúa qua chiêm bao nữa. Tất cả những gì cần thiết cho con người, Chúa đã mạc khải trong Thánh Kinh hết rồi. Cơ Đốc nhân chỉ cần đọc, học Thánh kinh thì sẽ biết ý muốn và đường lối của Chúa.

Hiện nay có một số Cơ Đốc nhân nằm ngủ thấy chiêm bao có người thân đã chết hiện về bảo phải lập bàn thờ, cúng kỵ và bảo làm một số điều trái với niềm tin và lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Do thiếu hiểu biết lời Chúa nên có người nghe theo rồi trở nên yếu đuối, mất đức tin. Tuy nhiên, đây là trò lừa của ma quỷ. Theo Thánh kinh không ai qua đời về Pa-ra-đi hoặc đang ở Âm phủ (Hades) được phép trở về trần gian để phán bảo điều gì nữa. Lu-ca 16:19-31 cho biết giữa Lòng Áp-ra-ham và Âm phủ đã không qua lại được, thì làm sao người chết có thể về lại trần gian? Do đó, Cơ Đốc nhân đừng mắc lừa ma quỷ về điều nầy, cũng đừng tin vào các giấc mơ.

                                                                                                                         Doulos

Chú thích:

[1] https:// vi.wikipedia.org/wiki/Carl_Jung

 

Bài trướcThơ: Chúa Tình Thương Giáng Thế
Bài tiếp theoVĩnh Long: Kỷ Niệm 80 Năm Thành Lập Hội Thánh Thành Lợi