Cơ Đốc nhân có nên tham dự Tết Trung thu không?

17292

Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào(Rô-ma 12:2).

Tết Trung thu là một lễ hội truyền thống quan trọng của dân tộc và gắn liền với cuộc sống của mỗi người Việt chúng ta. Trung thu nhằm ngày 15 tháng 8 Âm lịch, chính giữa mùa thu. Tết Trung thu còn có những cái tên khác như: Thu tịch, Tết tháng Tám, Giữa tháng Tám, Nguyệt tịch, Tết trăng.

Ngày nay, Tết Trung thu tại Việt Nam còn được gọi là Tết Thiếu nhi, Tết Đoàn viên bởi những ý nghĩa quan trọng mà ngày Trung thu mang lại, đây là dịp để các thế hệ gia đình sum họp, chia sẻ niềm vui và yêu thương. Đối với thiếu nhi, Trung thu thực sự là ngày Tết của chính mình, vì các em sẽ được tặng quà Trung thu, được tham gia các hoạt động vô cùng vui tươi và náo nhiệt. Có thể nói Tết Trung thu ngự trị trong lòng mỗi người dân Việt, mang trong mình những giá trị văn hóa sâu sắc.

Câu hỏi đặt ra: Cơ Đốc nhân có nên tham dự Tết Trung thu không? Nếu có… thì chúng ta phải tham dự như thế nào để bày tỏ niềm tin của mình trong ngày Tết Trung thu và làm vinh hiển Danh Chúa?

  1. Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Tết Trung Thu

Tết Trung thu còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng. Đây là một văn hoá lâu đời xuất phát từ Trung Quốc nhưng đến hiện tại đã phát triển thành ngày trẻ em của Việt Nam. Theo dân gian, Tết Trung thu ở Việt Nam gắn với chú Cuội và chị Hằng. Chuyện kể lại rằng, có một chú tiều phu tên Cuội. Trong một lần vào rừng đốn củi, chàng thấy hổ mẹ cứu hổ con bằng nắm lá đa thần. Cuội liền đốn cây đa thần về nhà để hành nghề y cứu người và nổi danh khắp nơi, được nhiều người ca tụng. Một hôm Cuội đi vắng, cây đa bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây kéo lại nhưng không được và đã bay lên cung trăng cùng với cây đa của mình. Từ đó, chú Cuội ở cung trăng làm bạn với cây đa thần và chị Hằng Nga. Vào Tết Trung thu, nhìn lên mặt trăng sáng vành vạnh, nhìn thấy những vệt đen, người ta, và nhất là trẻ em thường tưởng tượng đó đó là chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa.

Dưới góc nhìn khoa học, Tết Trung thu bắt nguồn từ văn hoá nông nghiệp, từ nền văn minh lúa nước của các nước châu Á. Vào những ngày rằm tháng 8 âm lịch, người dân vui chơi, nghỉ ngơi thưởng trăng sau vụ mùa bội thu. Dựa vào ánh sáng của trăng đêm Trung thu mà có thể tiên đoán được mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng và sáng rõ thì năm đó sẽ trúng mùa bội thu, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

  1. Cơ Đốc Nhân Có Nên Tham Dự Tết Trung Thu Không?

Điểm qua nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Trung thu được nêu ở trên, chúng ta thấy phong tục của ngày này được bắt nguồn từ những lễ hội ngoại giáo. Hơn thế nữa, những hoạt động trong dịp Tết Trung thu nhằm để tiêu khiển và hướng con người đến vật thọ tạo của Đức Chúa Trời là mặt trăng, các nhân vật không có thật như chị Hằng, chú Cuội… và các giả thần khác trong tín ngưỡng thờ lạy hình tượng mà Đức Chúa Trời gớm ghiếc.

Lời Chúa trong Lê-vi Ký 18:30 chép: “Thế thì, các ngươi phải giữ điều ta phán dặn, để đừng làm theo một trong các thói tục gớm ghiếc nào đã làm trước các ngươi, và các ngươi chớ vì các thói tục đó mà gây cho mình ô uế. Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi.

Cơ Đốc nhân chúng ta không nên tham gia những hoạt động trong lễ hội Trung Thu có nguồn gốc từ ngoại giáo, đặc biệt các hoạt động có liên quan đến tín ngưỡng thờ lạy hình tượng và mê tín dị đoan. Nói chung, những điều gì Kinh Thánh không dạy và cấm, thì chúng ta không làm. Như Lời Chúa trong Ê-phê-sô 5:10-11 chép: “Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa, và chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách chúng nó thì hơn”. Mỗi khi chúng ta tham dự vào hoạt động của các lễ hội trong năm nói chung và lễ hội ngày Tết Trung thu nói riêng, chúng ta cần nhận thức địa vị của mình để xét điều gì đẹp lòng Chúa và điều gì không, để có nếp sống xứng hiệp.

Mỗi chúng ta là con cái Chúa cần nhớ và sống đúng theo nguyên tắc: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31).

  1. Cơ Đốc Nhân Làm Gì Vào Dịp Tết Trung Thu?

Chúng ta có thể tổ chức các chương trình sinh hoạt cho các em Thiếu nhi trong Hội Thánh vui hưởng vẻ đẹp của mặt trăng, là tạo vật của Đức Chúa Trời, từ đó dạy về sự sáng tạo của Chúa và tình yêu của Ngài.

Bên cạnh đó, để thực hiện Đại Mạng Lệnh của Đức Chúa Giê-xu, Hội Thánh ở khắp nơi nên tận dụng mọi cơ hội, dịp tiện để truyền giảng Tin Lành. Vì thế, nhân dịp Tết Trung thu, các Hội Thánh nên cậy ơn Chúa tổ chức các chương trình truyền giảng với các hình thức khác nhau để giúp nhiều thân hữu, đặc biệt là các em thiếu nhi có cơ hội biết về Đức Chúa Trời – Đấng Tạo Hoá quyền năng.

Tết Trung thu có thể trở thành một dịp tiện để truyền bá Phúc Âm như Lời Chúa trong II Ti-mô-thê 4:2 có chép: “hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi”.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý khi tổ chức các chương trình Trung thu trong nhà thờ, chúng ta không nên sử dụng những bài nhạc ngoài đời, không trang trí quá lố và không phù hợp trong cơ sở Nhà Chúa, và nhất là không được hoá trang các nhân vật như chú Cuội – chị Hằng vì đó là những nhân vật hư cấu và làm điều đó chúng ta đang vô tình đem “đời vào đạo”.

Kết luận:

Cùng với Tết Nguyên đán, Tết Trung thu rất có ý nghĩa đối với người Việt Nam. Tuy vậy, trong nếp sống của người thế gian, nó gắn liền với nhiều hình thức mê tín từ các hoạt động lễ hội và vui chơi của ngoại giáo. Cầu xin Chúa ban cho mỗi con cái Chúa sự khôn ngoan để phân biệt được đâu là điều nên làm, đâu là điều cần tránh. Chúng ta cũng vui với mọi người trong Tết Trung thu, nhưng phải biết điểm dừng, nghĩa là “vui thôi…đừng vui quá!”

Giữa thế gian tội lỗi nầy, Cơ Đốc nhân có thể sống “hoà nhập” nhưng đừng để mình bị “hoà tan”. Rô-ma 12:2 chép: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”.

Hãy nhắc nhau câu Kinh Thánh này để chúng ta có niềm vui trọn vẹn trong dịp Tết Trung thu, nhưng phải đẹp lòng Chúa: “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” (Phi-líp 4:8)

Lê-vi

Bài trướcThông Báo & Thư Mời V/v Lễ Cung Hiến Nhà Thờ Tin Lành LABOUYE (Lâm Đồng)
Bài tiếp theoHội Thao Tỉnh Vĩnh Long