HTTL ĐÀ NẴNG – CUỘC HÀNH TRÌNH THẾ KỶ (phần 5)

1465

HTTL ĐÀ NẴNG – CUỘC HÀNH TRÌNH THẾ KỶ

(LƯỢC SỬ 110 NĂM TIN LÀNH ĐẾN ĐÀ NẴNG (1911-2021)

Phần 5

4.          Giai đoạn 1955-1975

Đây là thời kỳ các Hội Thánh được mở lại và có nhiều sự phát triển về mặt số lượng cũng như chất lượng. Các Hội Thánh đã bắt đầu xây dựng lại cơ sở vật chất, vốn đã bị hư hại trong chiến tranh. Bên cạnh đó, việc mở các Hội Thánh mới cũng được quan tâm. Do có chiến sự ở một số vùng quê, nên các tín hữu cũng như đồng bào tập trung về thành phố, một số họ hiệp với Hội Thánh thành phố phát triển công việc Chúa, một số khác lại giữ gìn sự sinh hoạt riêng cùng với anh chị em đồng cảnh ngộ nên hình thành các Hội Thánh riêng của tín hữu tị nạn. Những năm 1967 trở đi, nhờ có các chiến dịch Truyền đạo Sâu rộng mà số người tin Chúa tăng lên, đây vừa là thành quả vừa là thách thức lớn lao cho các Hội Thánh, bởi vừa phải chăm sóc số tân tín hữu, vừa phải nỗ lực để mở rộng cơ sở Nhà Chúa, hầu đáp ứng đủ nhu cầu thờ phượng Chúa của tín hữu. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, do hoàn cảnh khách quan, nên trong giai đoạn này, nhiều người đến với Chúa không đúng mục đích, chính vì vậy mà sau năm 1975, một số Hội Thánh có số tín hữu giảm sút, vừa do họ phải trở về quê cũ, vừa do họ chỉ tin Chúa vì vụ lợi cá nhân.

Năm 1956, Chủ tọa Hội Thánh là Mục sư Phan Văn Hiệu, Truyền đạo Lê Văn Từ phụ trách 2 Hội Thánh biệt trị Hòa Mỹ và Cẩm Nê.[1]

Ban Thanh niên HT Đà Nẵng năm 1955

Năm 1957, số tín đồ chính thức của Hội Thánh Đà Nẵng là: 457. Điều đáng ghi nhận là Ban Chứng đạo của Hội Thánh gồm có 24 người, đi làm chứng suốt năm, trong đó cụ Trưởng ban Nguyễn Hữu Thành, mặc dầu tuổi đã cao, nhưng vẫn sốt sắng trung tín trong việc chứng đạo. Ban thăm được 628 nhà, có 5.688 người nghe Tin Lành, 81 người tin Chúa, phát được 17.013 quyển sách nhỏ, bán được 2.935đ tiền sách. Đây là một nỗ lực lớn của Hội Thánh, vì lúc này, hoàn cảnh, đời sống kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Mỗi tối Chúa nhật tại nhà thờ đều có giảng Tin Lành cho đồng bào. Việc giảng được được tổ chức tại Hải Châu, An Hải, và ngay trong các trại Giáo hóa và Lao xá. Có tất cả trên 70 người tin Chúa. Một số người sau khi được thả tự do, có đến thăm Hội Thánh và xin giấy gia nhập vào Hội Thánh ở quê quán họ.[2]

Năm 1958, tín đồ Hội Thánh được chia ra nhiều xóm, mỗi xóm đều có một chấp sự chuyên việc thăm viếng và chủ tọa buổi cầu nguyện luân phiên trong các gia đình tín đồ mỗi tối thứ Năm. Có nhiều xóm mỗi lần nhóm khá đông người. Xóm Bết-lê-hem có cụ Nguyễn Lem rất sốt sắng.[3]

Ngày 18/05/1958, Hội Thánh Đà Nẵng tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng trường học Tin Lành ở đường Thống Nhất.[4] Hiện diện có Mục sư Ông Văn Huyên – Thư ký Tổng Liên Hội kiêm Đốc học trường Kinh Thánh, cụ Dân biểu Quốc hội Dư Phước Thuận, cụ Mục sư Trí sự Đoàn Văn Khánh, Mục sư Giáo sư Vũ Văn Cư, Ban Trị sự và tín đồ Hội Thánh. Mục sư Phan Văn Hiệu, Chủ tọa Hội Thánh, cùng Mục sư Ông Văn Huyên đặt viên đá và cầu nguyện. Nhà trường gồm 2 nhà có 9 lớp học: 5m x 7m làm bằng gạch ngói và nền đúc trên khu đất 30m x 60m, bên đại lộ Thống Nhất, gần nhà thờ, với giá tượng trưng 10đ/m2. Trên khu đất này đã có tư thất của Mục sư chiếm ¼. Hội Thánh cũng xin được một số cây cưa sẵn của viện trợ Mỹ.[5]

Thực ra, không phải đến năm 1958, phong trào khuyến học của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Trung hạt mới hình thành, mà đã xuất phát từ cách đó khoảng 20 năm về trước. Lúc bấy giờ, Hội đồng Địa hạt đã công cử một ủy ban để lo nghiên cứu, gọi cổ phần và xúc tiến thực hiện cho kỳ được một trường văn hóa cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam lấy danh là “Trung Kỳ Cơ Đốc Tín hữu Khuyến học hội” (có một số người đã nhìn thấy những khí mãnh của bị lãng quên, thời gian sau, chiến tranh bùng nổ nên Hội Thánh đã không thể tiếp tục chương trình này được). Đến năm 1948, lúc chiến tranh lan rộng, một số tín đồ lần lượt hồi cư về Đà Nẵng, nhiều con em tín hữu không có nơi học tập. Lúc ấy, cụ Giáo sĩ Đốc học J. D. Olsen nhận thấy điều này, nên cho tạm mở một lớp học dạy cho các em trong phòng thanh niên của Hội Thánh do ông Mục sư Nguyễn Văn Nhung đảm nhiệm. Sau khi Mục sư Nguyễn Văn Nhung đi hầu việc Chúa lại, thì có ông Chế Văn Cường tiếp tục, và cụ Olsen sẵn lòng cho mượn một phòng trong trường Kinh Thánh để dạy. Tiếp đó có thầy Dương Kỳ (sau này là Mục sư) thay thế nhiệm vụ cho đến khi trường Kinh Thánh khai giảng. Bấy giờ, lớp học vì thiếu giáo viên, cũng không có chỗ dạy nên đành phải đình chỉ. Nhiều người tưởng rằng chính Hội Thánh Đà Nẵng sẽ tiếp tục công việc này, nhưng rồi cũng dần trôi qua. Đến đầu tháng 12/1955, Hội Thánh vận động mua được lô đất ở đô thị, nhiều người thúc giục nên xúc tiến công việc làm trường học. Mục sư Hội trưởng đã vận động xin được một số gỗ của viện trợ Mỹ, nhưng thấy rằng việc mở mang Hội nhánh và hỗ trợ cho các Hội Thánh đang khó khăn vì chiến tranh là điều cần kíp hơn, nên công việc mở trường tạm đình để chờ dịp khác. Đến Hội đồng Địa hạt năm 1956 nhóm tại Đà Nẵng, phong trào lập trường lại được nhắc nhở và khuyến khích. Vì những lý do đó, Hội Thánh Đà Nẵng đóng vai trò tiên phong trước khi Hội đồng Tổng Liên Hội biểu quyết khuyên mỗi Hội Thánh nên có và phải có một trường văn hóa. Năm 1958, trường đã hoàn thành được 4 lớp học đầu tiên với số phí tổn độ 180.000đ, và 100 ngày công. Lễ Cảm tạ và Cung hiến đã được tổ chức vào ngày 20/07/1958.[6]

Từ 1958 đến 1959, Truyền đạo Trần Thượng Hiền là Quyền Chủ tọa Hội Thánh.

Năm 1959, Mục sư Nguyễn Xuân Hảo đến hầu việc Chúa tại Đà Nẵng. Đây cũng là năm Trường Kinh Thánh Đà Nẵng thiên di vào Nha Trang và đổi tên là Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang.

  (còn tiếp)

 

Vũ Hướng Dương
(tư liệu: “Lược sử 110 năm Tin Lành đến Đà Nẵng” của HTTL Đà Nẵng )

Chú thích:

[1] Tin tức, Đà Nẵng-Tổng kết thành tích cuối năm…, Thánh Kinh báo số 246 (077), tháng 04/1957, trang 08 và Truyền đạo Lê Văn Từ, Tin tức, Ngợi khen Chúa, Thánh Kinh báo số 244 (075), tháng 02/1957, trang 06.

[2] Xem thêm: Tin tức, Thành tích của Hội Thánh…, Thánh Kinh báo số 258 (089), tháng 04/1958, trang 14-15.

[3] Sđd, trang 14.

[4] Nay là đường Lê Duẫn.

[5] Thư ký Nguyễn Văn Đẩu, Tin tức lập trường học, Thánh Kinh báo số 261 (092), tháng 07/1958, trang 04.

[6] Thư ký Nguyễn Văn Đẩu, Tin tức, Trường Trung Tiểu học Tin Lành Đà Nẵng…, Thánh Kinh báo số 263 (094), tháng 09/1958, trang 12-13.

Bài trướcCầu Nguyện Cho Kẻ Thù – 12/2/2022
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Tháng 2/2022 Tại Thành Phố Cần Thơ