Hội Thánh Tam Kỳ – Phương Nam Mở Cõi – P1

2278

PHẦN 1: HÌNH THÀNH TRONG QUYỀN NĂNG CHÚA

Có thể nói, mặc dù muộn hơn các Hội Thánh phía bắc tỉnh Quảng Nam, nhưng từ khi được thành lập, Hội Thánh Tin Lành Tam Kỳ đã trở thành cái nôi của rất nhiều Hội Thánh tại phía nam của vùng đất này.

Năm 1911, Tin Lành đã đến Đà Nẵng, và bắt đầu từ đó, đạo Chúa được lan truyền ra các vùng lân cận: Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên,… và những nơi này trở thành những trung tâm phát triển đạo Chúa ở phía bắc tỉnh Quảng Nam. Tại vùng đất phía nam, dẫu có một số người bán sách cho Thánh thơ Công hội hoạt động tại đây, nhưng vì chỉ có sách bằng chữ Nho, nên người mua thì có, mà đọc hiểu thì không bao nhiêu.[1] Tuy nhiên, Đức Chúa Trời có chương trình của Ngài dành cho mảnh đất phương nam xa xôi này, và điều đó đã xảy ra vào đầu năm 1926.

Buổi ban đầu

Về khách quan, lịch sử hình thành Hội Thánh Tin Lành Tam Kỳ rất rõ ràng và có tính chính xác bởi những tư liệu được lưu giữ đến hôm nay, từ Thánh Kinh báo, và các bài viết của các giáo sĩ thời bấy giờ.[2]

Trong bài ‘How God Answered A Convert’s Prayers’, Giáo sĩ Irwin có viết về một công chức tại Hội An, được chuyển đến Tam Kỳ công tác. Trước đó, ông đã thất bại trong cuộc thi thăng chức tại một bệnh viện mặc dầu đã cúng 6 con lợn tại 6 ngôi chùa ở Hội An. Ông không còn tin vào hình tượng nữa, và đã đến nhà thờ Hội An tiếp nhận Chúa. Chúa cho ông một chức vụ mới, là thanh tra viên tại Tam Kỳ, một điều ngoài sự mong đợi của ông. Trên đường đi đến Tam Kỳ, ông đã làm chứng cho một người phu kéo xe bằng cách cầu nguyện xin Chúa ngưng cơn mưa đang đổ xuống. Chúa đã đáp ứng lời cầu xin, và người phu kéo xe đã bằng lòng đến nhà thờ Hội An để cầu nguyện tin Chúa. Sau đó, Chúa cũng đã chữa lành bệnh cho con ông bị đau nặng, gần chết…[3]

Bài này được viết vào đầu năm 1924, cho thấy tại thời điểm này, ở Tam Kỳ đã có một số con cái Chúa sống và làm việc tại đây. Tuy nhiên, đến năm 1926, đạo Chúa mới hình thành và phát triển rõ ràng hơn.

Bà Nguyễn Thị Võ, là một người giàu có, nổi tiếng tại Tam Kỳ. Những người con cháu bà hiện nay cho biết, gia sản bà rất lớn, có cả một dãy phố gần chợ Vạn[4], cho người ta thuê, buôn bán. Bà Võ còn có một nhà hát ở đây, thường mời những đoàn tuồng nổi tiếng về phục vụ cho dân chợ Vạn xem.

Bà cụ Võ có một người con trai tên là Nguyễn Bá Diêu, thường gọi là cậu Ấm Diêu. Chàng trai lớn lên trong sự cưng chiều của gia đình nên sớm trở thành tay công tử ăn chơi có hạng. Một ngày kia, ông đã bỏ nhà ra đi, bà cụ Võ vô cùng lo lắng, nhớ thương. Bà quyết định đến Faifoo (Hội An bây giờ) là nơi phồn thịnh, đô hội, nhiều người buôn bán, nhiều tay cờ bạc ăn chơi nhất thời bấy giờ, để tìm con. Ngày 19/03/1926, tại Hội An, bà cụ Võ gặp bà Ngô Công Thống và bà Đội Hoành, là những người quen biết trước đây. Hai bà này làm chứng về Tin Lành, bà cụ Võ chăm chú lắng nghe, cuối cùng bà nói rằng: “Nếu Chúa có quyền thì cho tôi tìm gặp được con trai của tôi, tôi sẽ tin Chúa ngay”. Bà cụ Thống tin quyết bảo: “Bà hãy lấy đức tin, tin nhận Chúa, rồi chúng tôi sẽ cầu nguyện, Chúa sẽ dắt con bà về đây”. Bà cụ Võ đã yên lặng, quì gối, cúi đầu tiếp nhận Chúa, rồi hiệp với bà cụ Thống, bà Đội Hoành dâng lên Chúa Chí Cao lời cầu khẩn cho nan đề của mình. Khi vừa cầu nguyện xong, thì cậu Ấm Diêu cũng vừa đi ngang qua trước cửa nhà bà cụ Thống. Bà cụ Võ thấy vậy, vui mừng gọi con vào, thuật lại việc Chúa đã làm, và cả hai người trở thành những tín hữu đầu tiên tại Tam Kỳ.[5]

Từ ngày 29/03/1926, có hơn 4-5 trăm người đến nhà bà cụ Võ để nghe ông bà Giáo sĩ Irwin, Giáo sĩ Olsen, Mục sư Hoàng Trọng Thừa giảng Tin Lành. Trong 3 ngày đầu, được 65 người tin theo Chúa[6]. Tuy vậy, ma quỷ đã xen vào, nên đã có trát quan cấm đạo Tin Lành. Dầu vậy, cứ mỗi thứ Bảy, Hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp cử Mục sư Lê Văn Long vào giảng và thăm viếng. Đầu này bị cấm, đầu kia bị bắt, nhưng có Chúa ở cùng, nên số tín đồ cứ thêm lên, tuy rằng cũng có một số người sa ngã là do họ tin sai mục đích. Đến khi có phép giảng, Hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp lại cử Truyền đạo Trần Mai (Trần Xuân Mai) vào giảng. Kẻ trồng người tưới, tín đồ lúc này đã lên được 80 người.[7]

Nhà bà Cụ Võ, người tin Chúa đầu tiên tại Tam Kỳ

Một trong những nguyên nhân cấm đạo là thời gian này sách ‘Hải ngoại huyết thư’ của Phan Bội Châu và các truyền đơn cách mạng khác được bí mật chuyển về Việt Nam. Một yếu tố khác là sách Tin Lành Mác được in bìa đỏ, khiến nhà cầm quyền thêm đa nghi vì lúc đó những người cộng sản gọi Karl Marx là Mác, và màu đỏ thì tượng trưng cho cách mạng…[8] Dầu trong cơn bắt bớ, Chúa cho có một vị xã trưởng tin nhận Chúa một cách kín giấu, ông đã làm những báo cáo có lợi cho các tín hữu bị bắt giam, nên đã cứu họ thoát khỏi những rắc rối.[9]

Bản đồ các Hội Thánh Chúa tại Quảng Nam năm 1926

Theo biên bản của Ủy ban Điều hành chung của C&MA tại Đà Nẵng ngày 14/03/1927, trong phần phân bổ nhân sự có ghi:

…Đinh Văn Sang – Biên Hòa;
Bùi Trung Huệ – Tam Kỳ;
Dương Chấn Thế – Sóc Trăng…[10].

Điều này cho thấy, Hội Thánh Tam Kỳ đã khá ổn định về tổ chức và đã có tôi tớ Chúa được phân công về hầu việc Chúa rất cụ thể.

Về số lượng tín hữu, trong tài liệu ‘Church Statistics Comparison’, 1926-1927, có đưa ra con số thống kê của hai năm 1926 và 1927 về Hội Thánh Tin Lành Tam Kỳ như sau:

Số người chịu phép báp-têm/số tín hữu: năm 1926: 19/19; năm 1927: 34/45.[11]

Trong ‘The Call of French Indo-China’, số 20, tháng 07-09/1927, có ghi như sau: “Hội Thánh Đà Nẵng có số tín hữu là 551, Hội An 196, Lạc Thành 259, Tam Kỳ 23, Vinh 18, Nha Trang 29, Ninh Hòa 25, Đại An 162, Nam Ô 15… ”.[12]

Lần cấm đạo thứ hai thì nghiêm khắc hơn, mõ đánh, trống rao ngoài đường, thông báo ‘ai theo đạo Tin Lành thì sẽ bị phạt’. Tuy vậy, tín đồ vẫn nhóm nhau cầu nguyện, nhất quyết không bỏ Chúa. Nhờ sự can thiệp của Chúa, giấy cấm đạo bị thu hồi gấp vào nửa đêm, rạng sáng ngày 10/09/1927. Tín đồ hớn hở vui mừng, ngày càng đi rao giảng đạo Chúa càng đông, lúc đầu còn làm chứng giảng đạo ở Tam Kỳ, về sau, lan lần ra các phủ, huyện lân cận.[13]

Trong hồi ký của mình, Mục sư Trần Mai cho biết, năm 1926, ông cưới vợ và được sai đi hầu việc Chúa tại Tam Kỳ. Khi ông đến Tam Kỳ thì liền gặp sự thử thách và bị bắt bớ, nhà thờ và tư thất chưa có, nên ông phải ở một nhà thuê. Ngày Chúa nhật nhóm thờ phượng Chúa trong nhà bà tín đồ tin kính, bà bị bên kia (?) cám dỗ đi đọc kinh, nhưng không được, bèn mắng: “ông Luther cải chánh” và kiện lên quan phủ. Quan phủ cho bắt ông lên, cấm không cho giảng Tin Lành. Hội Thánh chỉ biết nhờ cậy Chúa trong lời cầu nguyện. Số tín đồ chỉ có hơn 20 người, họ nhóm lại ngày Chúa nhật, cầu nguyện nhiều hơn là giảng, mỗi tín đồ không kể đàn ông, đàn bà đều quỳ xuống nền nhà mà cầu nguyện từ sáng đến trưa. Không nghĩ đến thời gian, mỗi người đều thành tâm cầu nguyện, nài xin… Sau đó, Chúa cho mọi sự tốt đẹp. Đến năm 1927, ông về học lại tại trường Kinh Thánh.[14] Năm 1929, ông Huỳnh Kim Luyện vào thay (lúc này vừa tốt nghiệp trường Kinh Thánh – tiểu sử bà Huỳnh Kim Luyện, TKNS 400, tháng 11/1972, trang 08).

Lúc này, nhà thờ Tam Kỳ làm bằng tranh[15]. Do không đủ chỗ cho tín đồ ngồi, nên Hội Thánh đã làm một nhà thờ bằng ngói, tốn chừng 600đ. Số tín đồ đã hơn 200 người và đạo Chúa cũng lan truyền ra các vùng xung quanh. Năm 1931[16], khi Mục sư Đoàn Văn Khánh đến lo công việc Chúa, ông đã lập Ban Làm chứng.[17]

Tín đồ Hội Thánh Tam Kỳ năm 1927

Những bước phát triển ban đầu vững chắc của Hội Thánh Chúa tại Tam Kỳ đã là tiền đề cho sự mở rộng đạo Chúa ra những vùng chung quanh, quyền năng Chúa được nhiều người biết đến qua sự nỗ lực không ngừng của tôi con Chúa tại đây, những con người rất đơn sơ, nhưng họ luôn hăng hái, nỗ lực dự phần vào việc mở mang nước Chúa.

(còn tiếp)

Vũ Hướng Dương

[1] Nguyễn Tấn Minh, ‘Chi hội Tam Kỳ’, TKB số 088, tháng 06/1938, trang 178.
[2] Tham khảo thêm trong The Christian and Missionary Alliance Indo-China; Headquarters – Wuchow; Station report for Tourane 1927.
[3] How God Answered a Convert’s Prayers, Some Gleams of Glory as Gleaned from The Conference Reports, The Call of French Indo-China, No. 6, Jan.-Mar., 1924, trang 09-10.
[4] Chợ này nằm ngay đầu cầu Kỳ Phú, trên đường xuống biển. Mãi đến năm 1962, khi cầu Kỳ Phú được bêtông hóa thì chợ Vạn di dời về Gò Đá (chợ Chiều), rồi sau đó nhập cùng với chợ Mai thành chợ Tam Kỳ hiện nay.
[5] Nguyễn Tấn Minh, ‘Chi hội Tam Kỳ’, TKB số 088, tháng 06/1938, trang 178. Trong tài liệu Vietnam History Synopsis, cũng có thuật về câu chuyện này, nhưng có một vài chi tiết hơi khác. Đó là thời điểm bà cụ Võ ra Hội An là tháng 06/1926 chứ không phải tháng 03/1926.
[6] Trong số những người tin Chúa, có bà Mai Thị Mẹo, là mẹ của ông Nguyễn Tấn Minh, Chấp sự Hội Thánh trong một thời gian dài, người có tâm huyết lưu giữ những tư liệu, hình ảnh về Hội Thánh. (TKB số 289 (120), tháng 07/1962, trang 06).
[7] Nguyễn Tấn Minh, ‘Chi hội Tam Kỳ’, TKB số 088, tháng 06/1938, trang 178.
[8] Mục sư Lê Hoàng Phu, Lịch sử HTTL Việt Nam (1911-1965), NXB Tôn giáo, trang 134-135.
[9] Mục sư Lê Hoàng Phu, Lịch sử HTTL Việt Nam (1911-1965), NXB Tôn giáo, trang 171. Xem thêm: H. H. HAZLETT, ‘Dedicatory Services at Tamky’, The Call of French Indo-China, No. 27, July-Sept., 1929, trang 14-15.
[10] Minutes of The Joint Executive Committee of The Christian and Missionary Alliance. French Indo-China. Tourane, Annam, March 14th, 1927.
[11] Church Statistics Comparison, 1926-1927, trang 01. Thầy Bùi Trung Huệ, còn có tên là Bùi Trung Quì, sau này hầu việc Chúa tại Huế (1931), Quế Phương (1937).
[12] The ‘Woof And Warp’ of The Work as Woven from The Missionaries’ Reports, Membership of Tourane Station and Outstations, The Call of French Indo-China, No. 20, July-Sept., 1927, trang 11.
[13] Thư ký Nguyễn Tấn Minh, ‘Tiểu sử Hội Thánh Tam Kỳ’, TKB số 263 (094), tháng 09/1958, trang 24. Xem thêm trong  ‘History of the Christian and Missionary Alliance in Vietnam, trang 506, 510, 595, 596, 605…
[14] Mục sư Trí sự Trần Mai, ‘Bán sở ruộng 40 đồng đi học Kinh Thánh’, TKB số 383, tháng 02-03/1971, trang 13-14.
[15] Ủy ban Văn hóa Giáo dục – Tổng Liên Hội, ‘Tuyển tập tiểu sử người phục vụ Chúa’, ‘Mục sư Nguyễn Xuân Ba’, NXB Phương Đông 2011, trang 18; Thư ký Nguyễn Tấn Minh, ‘Tiểu sử Hội Thánh Tam Kỳ’, TKB số 263 (094), tháng 09/1958, trang 24.
[16] ‘Tiểu sử bà Huỳnh Kim Luyện’, TKNS số 400, tháng 11/1972, trang 09.
[17] Nguyễn Tấn Minh, ‘Chi hội Tam Kỳ’, TKB số 088, tháng 06/1938, trang 178.

Bài trướcHuấn Luyện Truyền Giáo Tại Bình Dương
Bài tiếp theoQuảng Nam: Lễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội Phong Thử