Vài Nét Về Người Việt Nam Đầu Tiên Nhận Báp-têm

4046

Rất nhiều tài liệu đề cập đến ông Nguyễn Văn Phúc, người tin Chúa đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay, đã hơn 100 năm ngày ông nhận báp-têm nhưng những thông tin về ông hầu như rất ít ỏi. Chúng tôi cố gắng tìm kiếm những nguồn tư liệu đáng tin cậy về ông, mong giới thiệu được vài nét về cuộc đời của con người đã là một nét son của lịch sử HTTL VN.

Trong cuốn Lịch Sử Tin Lành Truyền Đến Việt Nam cho biết, vào mùa đông năm 1902, ông Pasteur Bonnet nhờ một tín đồ Pháp làm việc trong Sở Công chánh Đà Nẵng yêu cầu khẩn thiết với ông Phúc nhường lại cho mình khu đất nằm cạnh kho thuốc súng của triều đình Nhà Nguyễn trước đây, sau cuộc chiến với Pháp đã bị hoang tàn (lúc này chưa có ga xe lửa) để xây dựng cơ sở của Thánh Thơ Công Hội. Khu đất này, ông Nguyễn Văn Phúc (Phước) đã xin chính quyền sở tại chu cấp và dựng nhà ở, khai khẩn một mảnh vườn để sinh sống. Sau đó, ông di cư về phía Tây sát làng Thạch Khê.[1]

Qua sự làm chứng của ông bà Bonnet, ông Phúc đã tin nhận Chúa vào ngày 14/08/1904, và đã nhận báp-têm vào tháng 01/1912 do Giáo sĩ Paul Hosler cử hành.[2]

Mục sư Paul Hosler làm báp-têm cho ông Nguyễn Văn Phúc

Từ năm 1904 đến năm 1911, ông Nguyễn Văn Phúc là người bán sách cho Thánh Thơ Công Hội và cũng là một trong những nhà truyền giáo tiên phong người Việt. Với vai trò ấy, ông Phúc đã đi “khắp đất nước Đông Dương: Bắc Kỳ, AnNam, Nam Kỳ, và Campuchia” để bán các sách lẻ Kinh Thánh. Khi những người mua hỏi ông, có ai dạy cho họ về những giáo lý trong sách mà ông đã bán, thì ông trả lời: “Trước khi Chúa Giê-xu bắt đầu thi hành chức vụ, Đức Chúa Trời đã sai Giăng Báp-tít đi trước để mở đường cho sự dạy dỗ của Ngài. Nay Ngài sai chúng tôi đi bán sách báo là cho mọi người biết trước, sau này Ngài sẽ sai người dạy những điều có trong sách đó cho quí vị!’”[3]. Điều này cho thấy ông Phúc nhận biết được vai trò trách nhiệm của mình trong việc rao giảng Tin Lành cho đồng bào một cách rất cụ thể.

Từ năm 1911-1913, ông Phúc sống ở Đàng Ngoài.[4] Ông đã làm chứng được cho nhiều người, có cả người theo Thiên Chúa giáo La Mã. Họ sốt sắng đến nỗi xin dâng đất để xây dựng nhà nguyện và sẽ chu cấp cho tôi tớ Chúa. Ông có trình bày điều này cùng ông Bonnet, nhưng không thể thực hiện được.

Ông Phúc còn cho biết: “Việc rao giảng Phúc Âm ở những vùng nông thôn dễ dàng hơn ở thành phố, vì tại đó, nếu những vị trưởng lão tin nhận Chúa, thì cả làng sẽ tin theo”. Tại miền Bắc, có nhiều giáo dân Thiên Chúa giáo La Mã muốn tin nhận Chúa, nhưng lại bị các linh mục cấm đoán, thu giữ và đốt cháy tất cả những gì có trong nhà, đồng thời trừng phạt nghiêm khắc những người đã mua sách Phúc Âm. Tuy nhiên cũng có nhiều người rất “ngoan cố”, bị thu, bị đốt thì họ tìm đến ông Phúc để mua lại sách mới. Điều đáng chú ý là trong thời gian này, tại Nam Ô (phía bắc thành phố Đà Nẵng) cũng đã có nhiều người tin Chúa và ao ước có được một ngôi nhà nguyện cho riêng mình.[5]

Không chỉ đi bán sách, ông Nguyễn Văn Phúc còn là một cộng sự đắc lực của các giáo sĩ khi họ đi giảng đạo. Vào tháng 02/1915, ông đã đi cùng Giáo sĩ Cadman đến Hội An. Tại đây họ tiếp xúc đa số với người Hoa, và điều mà người dân quan tâm chính là thế sự, chiến tranh giữa Nhật và Trung Hoa. Lúc đầu đoàn truyền giáo khá bối rối, nhưng sau đó họ đã tận dụng cơ hội này để làm chứng về Chúa.[6]

Vào giai đoạn này, chúng ta cũng cần thấy rằng, chính quyền Pháp đang sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn những tài liệu chống đối. Đạo Tin Lành được gọi là “đạo lạc”, hoặc dị giáo, cho nên rất dễ bị bắt bớ khi phổ biến các sách Phúc Âm. Có một số sinh viên người Việt đã bị bắt vì phát tán các bài báo về cách mạng. Chính vì vậy, những người Công giáo La Mã lại có cớ để nói thêm: “những cuốn sách mà những kẻ dị giáo này (ám chỉ những người Tin Lành) bán là sách của những người cách mạng”. Một trong những điều thú vị là sách Phúc Âm Mác được in bìa màu đỏ, mà chữ Mác phát âm giống như tên của một lãnh tụ Cộng sản “Karl Mark” nên dễ bị hiểu lầm…[7] Ông Phúc cũng đã từng bị bắt vì tội bán sách. Ông được đưa đến Cảnh sát để xem xét, sau đó họ nhận xét: “Đây là những cuốn sách truyền giáo chứ không phải là sách của người cách mạng”.[8]

Có lẽ do làm việc tích cực, hiệu quả nên trong cuộc họp ngày 11/03/1915 của C&MA tại Đà Nẵng, họ đã yêu cầu Thánh Thơ Công Hội “cho mượn” ông Phúc để làm việc cho họ với chức danh “Phụ tá”. Thời gian sau này, ông Phúc hoạt động tại Hải Phòng.

Trên tạp chí The Call of IndoChina, trong báo cáo của mình, Mục sư Pastor Alf. Martin, viết như sau:

 “Tại Hải Phòng, một tình nguyện viên khác  là anh Thái, cũng đang hoàn thành rất tốt công việc. Ông và người phụ trách kỳ cựu, ông Phúc, người đã phục vụ Hội khoảng hai mươi năm, cùng nhau đi vào các huyện đồng bằng và thành công trong việc thu hút sự chú ý của nhiều người, mặc dù là đạo Phật hay Nho giáo, thù địch hay thờ ơ nhưng họ thường tò mò đến nỗi đã mua một hoặc nhiều phần Kinh thánh để tìm hiểu xem tôn giáo mới dạy họ những điều gì. Các tình nguyện viên này rất can đảm! Họ thậm chí còn đến các đền thờ, chùa chiền, nơi hàng năm có rất đông những người hành hương nhiệt thành đổ về để thờ phượng. Tại các cuộc hành hương như vậy, họ có doanh số bán hàng lớn nhất, bán một số lượng lớn sách có chứa Lời “sống và linh nghiệm» để cứu rỗi các linh hồn.”[9]

Sau năm 1926, không thấy thông tin gì về ông Nguyễn Văn Phúc, nhưng qua những ghi chép về quá trình hoạt động của ông, chúng ta cũng thấy rất cảm phục vì tinh thần phục sự Chúa của một trong những người tiên phong ra đi rao giảng Phúc Âm như thế nào. Những năm tháng hầu việc Chúa của ông đúng là “đi ngược về xuôi, vào Nam ra Bắc”, có lẽ những nơi ông đặt chân đến là khá nhiều. Những thành quả ông để lại sẽ là nguồn động lực lớn lao cho hậu thế, và mong rằng, mỗi người con Chúa hôm nay sẽ tiếp bước tiền nhân, nỗ lực hết lòng cho đại nhiệm mạng mà Chúa để giao cho chúng ta: “đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người”.

Vũ Hướng Dương (tổng hợp)

Chú thích: 

[1] Ms Phan Đình Liệu, Lịch Sử Tin Lành Truyền Đến Việt Nam, trang 10. Trong bài viết của mình, MS Liệu đề mốc thời gian này là năm 1908 nhưng theo các báo cáo của Hội C&MA thì là năm 1902. Địa danh Kho Đạn hiện nay vẫn còn.

[2] Nhiều tài liệu căn cứ vào việc ông Phúc nhận báp-têm mà cho rằng ông là người Việt Nam đầu tiên tin Chúa, nhưng nếu căn cứ vào cuốn Lịch Sử Tin Lành Truyền Đến Việt Nam của Ms Phan Đình Liệu thì trước đó đã có người bán sách Phúc Âm như ông Yên…đã tin nhận Chúa.

[3] A Letter from Our Pioneer Colporteur, E. F. Irwin.

[4] Từ cũ chỉ khu vực từ Quảng Bình trở ra Bắc. Gia đình ông Bonnet cũng chuyển ra Hải Phòng từ tháng 02/1912. (Vietnam History – Synopsis, trang 02).

[5] A Letter from Our Pioneer Colporteur, E. F. Irwin. Trong lời làm chứng, ông Nguyễn Văn Phúc có nhắc đến địa danh Thủy Tú, nhưng không biết thuộc tỉnh nào, có thể là Hà Tĩnh chăng?

[6] “Out into the Highways and Hedges” of Annam, William C. Cadman, Tourane, Annam. Xem thêm trong The Entrance of The Light Of Life (1911-1920), Chương II, trang 110-111.

[7] Mục sư Lê Hoàng Phu, Lịch sử HTTL Việt Nam (1911-1965), NXB Tôn giáo, trang 134-135.

[8] Sdd, trang 62. Xem thêm: The Alliance Weekly – April 19, 1913, trang 41, A Visit To Nam Dinh, Frank A. Soderrerc.

[9] Pastor Alf. Martin, Preach Protestant Church, Hanoi. Acting Sub-agent British and Foreign Bible So, Colportage In French IndoChina, trang 12, The Call of IndoChina, No. 14, Jan – March, 1926.

Bài trướcĐà Nẵng: Hiến Máu Cứu Người – Nghĩa Cử Của Tín Hữu Tin Lành Hướng Về Cộng Đồng
Bài tiếp theoLàm Thế Nào Để Giúp Đỡ Người Đau Buồn Trong Mùa Lễ Hội?