Làm Thế Nào Để Giúp Đỡ Người Đau Buồn Trong Mùa Lễ Hội?

1889

HTTLVN.ORG – Với hầu hết mọi người, lễ Tạ ơn và Giáng sinh là mùa lễ hội đầy ắp niềm vui bên gia đình và bè bạn. Thế nhưng, có những người lại đang đau khổ vì mất đi người thân yêu hoặc bạn hữu. Ngay cả với những người đã trải qua mất mát nhiều năm rồi, thì đôi khi mùa lễ hội vẫn có thể khiến họ đau đớn. Mất người thân đã là một trải nghiệm rất khó khăn và có khi những ngày lễ hội còn khiến họ đau buồn hơn.

Muốn giúp đỡ gia đình, bạn bè, tín hữu và hàng xóm đang có tang chế, chúng ta cần có những hành động thực tiễn để chia sẻ tình yêu và hy vọng của Đấng Christ, đồng thời vẫn cho tang quyến không gian và thời gian để đau buồn. Những người mất người thân có thể chưa sẵn sàng để ăn mừng lễ hội, tham dự những hoạt động thường lệ hay cảm thấy muốn chia sẻ với người khác về sự mất mát.

Tuy nhiên, người tin Chúa có thể chủ động hỗ trợ tang quyến trong mùa lễ hội bằng cách giúp họ kết nối với Chúa và với người khác, đáp ứng nhu cầu thuộc thể và tạo một không gian an toàn để họ nói ra nỗi đau của mình. Khi làm như vậy, tình yêu của Đấng Christ được tuôn đổ trên những người đang vật lộn để đối diện nỗi đau không có người thân yêu trong thời điểm mà người ta thường nghĩ về gia đình và những ký ức yêu thương.

  1. Kết nối

Trong thời gian lễ hội, nhiều người đang đau khổ có thể bị cám dỗ tự tách mình ra khỏi bạn bè và gia đình. Những người khác có thể cảm thấy cô đơn vì lễ Tạ ơn và Giáng sinh năm nay không như những năm trước nữa. Dù là trường hợp nào, sự cô lập cũng không phải là việc làm ích lợi trong lúc đau buồn, và đó là lý do vì sao giữ sự kết nối cũng như nhận được sự hổ trợ từ người khác là điều quan trọng. Khi tìm cách hỗ trợ những người đang có tang chế, Cơ Đốc nhân có thể khích lệ họ giữ sự kết nối với Chúa và với người khác.

Nếu người đang đau buồn là Cơ Đốc nhân, thì những Cơ Đốc nhân khác có thể thường xuyên gặp anh chị em mình để an ủi và khích lệ. Trong thời gian này, những tín hữu khác có thể nhắc người anh em mình rằng họ không bao giờ cô đơn vì Chúa ở với họ (Phục Truyền 31:6; Ma-thi-ơ 28:20). Ngài nhìn thấy nỗi đau và hiểu nỗi buồn của họ (Thi Thiên 34:18). Chính Chúa Giê-xu cũng được mô tả là “từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm” (Ê-sai 53:3)

Khi đề nghị người anh em đang đau buồn nói với Chúa về nỗi đau của mình, không phải là chúng ta đang cố gắng “sửa chữa” nỗi đau của người khác hay làm cho họ cảm thấy cảm xúc của họ là sai. Thay vào đó, chúng ta đang khuyến khích anh em mình bám vào Đấng họ tuyệt đối cần trong giai đoạn mất mát.

Những người không phải là Cơ Đốc nhân và đang đau khổ vì người thân qua đời, có thể hoặc không thể cởi mở nói về Phúc âm, nhưng người tín hữu có thể đến với họ và tìm cơ hội để chia sẻ niềm hy vọng trong Đấng Christ với những người bạn chưa tin này. Nhờ thường xuyên ở bên cạnh những người chưa tin đang đau buồn này mà Cơ Đốc nhân có cơ hội tạo ảnh hưởng lâu dài trên bạn mình qua sự cầu nguyện và bày tỏ tình yêu thương trong suốt mùa lễ hội và cả sau đó nữa. Khi tín hữu kết bạn và ở bên cạnh người đang đau khổ, điều đó có thể tạo ảnh hưởng tích cực trên gia đình và bạn bè chưa tin Chúa. Điều này cũng đem đến sự hổ trở hết sức cần thiết để giúp những người đang có tang chế kết nối với người khác.

  1. Đáp ứng nhu cầu thuộc thể

Khi tiên tri Ê-li chán nản và muốn chết, Đức Chúa Trời đã sai một thiên sứ đem thức ăn đến cho tiên tri ăn và cho ông nghỉ ngơi (I Các Vua 19:3-6).

Cũng vậy, sau những biến cố về sự đóng đinh và sống lại của Chúa Giê-xu làm thay đổi cả thế giới, Đấng Christ đã hiện ra với các môn đồ đang rất mệt mỏi và cho họ bữa điểm tâm với cá và bánh mà Ngài đã chuẩn bị (Giăng 21:4-13). Xuyên suốt Kinh Thánh, Chúa gặp gỡ con dân Ngài ngay chỗ của họ và cho họ có thời gian để phục hồi sau hoàn cảnh khó khăn. Một trong những cách giúp họ phục hồi sinh lực là cung ứng thực phẩm và thời gian nghỉ ngơi.

Những tín hữu muốn giúp đỡ bạn bè, gia đình và tín hữu khác trong Hội thánh đang gặp đau khổ có thể bắt chước Thầy của mình là đáp ứng nhu cầu thuộc thể của những người đang đau buồn. Trong suốt thời gian lễ hội, có thể đem đồ ăn và đồ tạp hóa đến cho những cá nhân và gia đình đang đau buồn để bày tỏ cách cụ thể tình yêu của Đấng Christ. Đôi khi những người có tang chế gặp khó khăn trong việc thực hiện những công việc thường nhật, chẳng hạn như nấu ăn. Cho nên cung cấp thức ăn là điều quan trọng.

Dù Cơ Đốc nhân có thể đem thức ăn đến cho tang quyến và người đau khổ, nhưng cũng nên lưu ý rằng việc đem đến những thức ăn lễ hội đặc biệt như là bữa ăn liên quan đến lễ Tạ ơn hay Giáng sinh có thể là lời nhắc nhở đau đớn về sự mất mát. Thay vì cố gắng cung ứng cho người đang đau buồn những bữa ăn lễ hội, là điều có thể khiến họ đau buồn hơn, thì tốt nhất là chỉ nên đem đến những món ăn đơn giản đủ dinh dưỡng và sự an ủi.  Một con gà tây trong lễ Tạ ơn có thể là một thiện ý tuyệt vời, nhưng tránh những món ăn liên quan đến lễ hội có lẽ sẽ hay hơn tùy từng hoàn cảnh.

  1. Tạo một nơi an toàn

Cuối cùng, môn đồ của Đấng Christ có thể chủ động giúp đỡ những người có tang chế bằng cách cùng với Hội thánh đem đến cho họ một nơi an toàn, nơi họ có thể tự do nói về nỗi đau và sự mất mát của mình. Đây là việc làm cần thiết. Thường thì Cơ Đốc nhân cảm thấy Hội thánh chẳng hỗ trợ gì trong lúc tang chế hay thậm chí còn khiến họ cảm thấy họ không có đức tin vì than khóc sự qua đời của người thân. Tín hữu không được than khóc như những người không có hy vọng trong thế gian (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13), nhưng cảm thấy đau khổ là phản ứng bình thường trước sự ra đi của người thân yêu. Thật vậy, Con Đức Chúa Trời đã đau đớn và khóc lóc khi bạn Ngài là La-xa-rơ qua đời (Giăng 11:35). Càm thấy đau khổ và buồn bã khi người thân qua đời không phải là điều tội lỗi hay sai trật.

Nhiều Hội thánh đã cố tình hay vô tình đi quá xa, bỏ rơi người đang có tang chế không được sự hổ trợ hay khích lệ nào từ gia đình trong Chúa. Vì lý do này, Cơ Đốc nhân trong các Hội thánh địa phương cần tạo một nơi an toàn để những người đang có tang chế được hỗ trợ trong thời điểm mất mát. Tạo ra các nhóm nhó hay nhóm hỗ trợ tập trung vào những người đang gặp đau buồn có thể là một phương cách tuyệt vời để giúp đỡ những người đang tổn thương, cả trong mùa lễ hội lẫn sau đó. Như Phao-lô đã nói trong Phi-líp 2:4 “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.” Trong khi nhu cầu của những người bị mất người thân có thể dễ dàng bị bỏ qua, thì những nỗ lực nhằm hỗ trợ cho những cá nhân và gia đình có tang chế là điều quý giá và phản ánh thái độ của Đấng Christ.

Hướng về phía trước

Người tin Chúa tha thiết hướng đến lễ hội cuối cùng khi Đức Chúa Trời sẽ lau ráo mọi nước mắt trong trời mới đất mới, là nơi sự chết sẽ không còn (Khải Huyền 21:1-4). Từ đây cho đến ngày đó, Cơ Đốc nhân có thể chủ động giúp đỡ những người đang đau đớn vì mất mát, là điều có thể trở nên khó khăn hơn đối với họ trong dịp lễ Tạ ơn và Giáng sinh. Dù tín hữu và Hội thánh nên luôn luôn giúp đỡ những cá nhân có tang chế trong suốt cả năm, nhưng trong mùa lễ hội thì có nhiều cách giúp đỡ thực tiễn hơn. Cơ Đốc nhân và các nhóm nhỏ trong Hội thánh không chỉ có thể giúp người đang đau buồn kết nối với Chúa và với người khác, mà còn có thể bày tỏ tình yêu cụ thể qua những món ăn và sự hỗ trợ thường xuyên qua mục vụ chăm sóc.

Bài: Sophia Bricker (Christianity.com)
Người dịch: Lan Khuê

Bài trướcVài Nét Về Người Việt Nam Đầu Tiên Nhận Báp-têm
Bài tiếp theoÊphôt – 30/11/2021