Bài 4: Chúa Là Tường Lửa Của Dân Thánh

1958

Xa-cha-ri 2:1-5                         

Ta lại ngước mắt lên và nhìn xem; kìa, một người cầm dây đo trong tay. Ta bèn nói cùng người rằng: Ông đi đâu? Người đáp rằng: Ta đi đo Giê-ru-sa-lem, để xem bề rộng và bề dài nó là bao nhiêu.

Nầy, thiên sứ đương nói cùng ta bèn đi ra, và một thiên sứ khác đi ra đón người, và bảo người rằng: Hãy chạy nói cùng người trai trẻ đó rằng: Giê-ru-sa-lem sẽ có dân cư và như làng không có tường thành, vì cớ rất đông người và súc vật ở giữa nó. Vì ta, Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ làm tường bằng lửa chung quanh nó, và sẽ làm sự vinh hiển ở giữa nó.

Nếu có điều kiện để xây một căn nhà cho chính mình, dù lớn hay nhỏ, chúng ta đều rất cảm động khi những người thợ xây đến để giăng dây, đo kích thước nền, và đóng những cột mốc để định vị móng nhà. Hãy hình dung cho một Giê-ru-sa-lem sau 70 năm hoang vu, kể từ khi Nê-bu-cát-nết-sa, Vua Ba-by-lôn đến phá hủy đền thờ và tường thành (586 TC) và bắt dân Giu-đa lưu đày, nay Đức Chúa Trời cho Xa-cha-ri nhìn thấy một người cầm dây đo, đo lại kích thước đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đây là niềm vui mừng lớn lao, vì khải tượng này là một thông điệp an ủi cho dân sự. Đây là lúc Ngài nhớ lại Giê-ru-sa-lem và cho nó được tái thiết.

Lời của Thiên sứ đã nói cùng người trai trẻ (Xa-cha-ri) rằng, Giê-ru-sa-lem sẽ có dân cư đông đúc, và như làng không có tường thành, bởi sự thịnh vượng và an ninh của nó. Thật phước hạnh cho một dân tộc, một quốc gia mà chính Chúa là tường thành, là bức tường lửa để bao quanh và bảo vệ dân sự. Bức tường lửa nói đến sự bảo vệ vững chắc, kẻ thù không thể xâm phạm, và ở đó luôn phản chiếu ánh sáng của sự vinh hiển. Chính khải tượng độc đáo và sống động này đã khiến dân sự chỗi dậy và họ đã xây hoàn tất và khánh thành đền thờ vào năm 516 TC.

Trong sách Khải Huyền, khi nói về những ngày cuối cùng, Sứ đồ Giăng đã cho thấy Giê-ru-sa-lem một lần nữa được xây dựng lại. Chúa cho Giăng thấy “Bấy giờ có người ban cho tôi một cây lau giống như cây gậy, và biểu tôi rằng: Hãy đứng dậy, đo đền thờ Đức Chúa Trời, bàn thờ, và những kẻ thờ lạy tại đó. Còn sân ngoài đền thờ thì hãy để nó ra ngoài, đừng đo làm chi; vì chỗ đó đã phó cho dân ngoại, họ sẽ giày đạp thành thánh đủ bốn mươi hai tháng” (Khải huyền 11:1-2).

Chúng ta cần nhớ lại lịch sử ở đây: Đền thờ do Xô-rô-ba-bên xây lại năm 516 TC, rồi kế đến là đền thờ do Hê-rốt đại đế xây dựng thời Tân Ước. Đền thờ Hê-rốt xây đã bị La Mã hủy phá năm 70, hiện tại chỉ còn lại dấu tích của một Bức Tường Than Khóc. Chính vì vậy, Chúa cho Sứ đồ Giăng thấy khải tượng đo lại đền thờ là niềm hy vọng cho dân Y-sơ-ra-ên ở những ngày cuối cùng của lịch sử này. Chúng ta tin đền thờ này sẽ hoàn tất trước ngày Chúa Giê-xu Christ của chúng ta trở lại. Chính vì vậy mà nhiều nhà giải nghĩa Kinh Thánh đều đồng ý rằng Lời của Đức Chúa Trời có chỗ được ứng nghiệm hơn một lần.

Đối với Cơ Đốc nhân, được dự phần xây dựng nhà Chúa là một đặc ân, nhưng đừng quên xây dựng Hội Thánh của Chúa là điều giá trị bội phần. Đền thờ có thể theo thời gian sẽ bị tàn phá, nhưng Hội Thánh của Chúa là còn lại đời đời, “các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18).

Cũng nhớ rằng đời sống chúng ta là đền thờ Chúa Ngự, và Ngài là bức tường lửa để che chở chúng ta và Hội Thánh của Ngài trong sự an ninh, và đầy vinh hiển (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19; II Cô-rinh-tô 6:16).

Biên soạn: MS Nguyễn Tấn Lộ

Bài trướcGiáo Phẩm Vĩnh Long, Trà Vinh Hiệp Nguyện Và Thảo Luận Công Việc Chúa (Trực Tuyến)  
Bài tiếp theoSang Čhiăm – 30/9/2021