Bài 12: LỄ PHU-RIM (bài cuối của sách Ê-xơ-tê)

1149

Bài 12: LỄ PHU-RIM (bài cuối của sách Ê-xơ-tê)

Ê-xơ-tê 9:28

28 lại người ta phải nhớ lại hai ngày ấy, và mỗi gia tộc trong mỗi tỉnh mỗi thành phải giữ nó trải qua các đời; chẳng được bỏ bê ngày Phu-rim nầy khỏi giữa dân Giu-đa, và kỷ niệm nó chớ hề mất khỏi dòng dõi họ”.

Chúng ta ít nhiều biết truyện Kiều của Nguyễn Du (câu chuyện được Nguyễn Du dựa theo tiểu thuyết “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, thời nhà Minh ở Trung Quốc). Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm (chữ của người Việt khoảng thế kỉ 10-19), dưới dạng thơ lục bát; sau đó dường như được Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ quốc ngữ (1875) hết sức ý nhị và tinh tế. Cuộc đời Thúy Kiều đầy những thăng trầm, tủi nhục, bởi những con người ác và sự bất công của xã hội, mãi cho đến khi gặp được người hùng Từ Hải, người vốn “chọc trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Sau khi chiến thắng nơi biên thùy, Từ Hải mang binh hùng tướng hậu để đón Kiều trong ngày lễ vu quy. Từ Hải đã ban cho Kiều những ngày “ơn đền oán trả”, và những kẻ ác như Bạc Bà, Bạc Hạnh, Sở Khanh… tất cả đều phải đền tội thích đáng.

Tuy nhiên, nếu so sánh sự báo oán của Ê-xơ-tê dành cho Ha-man, gia đình của ông, cùng với những cừu thù của dân tộc Do Thái, thì Thúy Kiều còn ở mức thua xa. Mạc-đô-chê đã thay Vua A-suê-ru ra chiếu chỉ cho người Do Thái trong 127 tỉnh thành được quyền sống, và được quyền báo thù, bảo vệ mạng sống mình trước những dân tộc ganh ghét và giết chết người Do Thái.

Ngày 13 tháng 12 đã đến, đó là ngày hân hỉ cho người Do Thái, nhưng cũng là ngày mà các dân tộc khiếp sợ tuyển dân của Đức Chúa Trời. Riêng tại kinh đô Su-sơ, có 500 người bị giết chết – đó là những kẻ thù mà chúng luôn tìm mưu kế để tuyệt diệt người Do Thái.

Thống kê hết 127 tỉnh thành, trong ngày 13 tháng 12 có cả thảy 75.000 người bị giết chết bởi người Do Thái.

Hoàng hậu Ê-xơ-tê được Vua ưu ái và sẵn sàng ban những gì bà muốn, cho nên bà đã xin thêm một ngày nữa để tận diệt những kẻ cừu thù của dân tộc bà, mà chúng còn sót lại ở kinh đô Su-sơ. Nghĩa là riêng tại Su-sơ, người Do Thái hủy diệt kẻ cừu thù của mình từ ngày 13 đến ngày 14 tháng A-đa, và giết cả thảy 800 người. Họ ra lệnh treo thây của 10 con trai Ha-man lên cây mộc hình, như để làm gương cho số phận của những kẻ thù ghét và âm mưu tận diệt người Do Thái. Vì vậy Lễ Phu-rim, có nơi trong quốc gia Do Thái chỉ kỉ niệm ngày 13 tháng 12, nhưng có nơi kỉ niệm trọn hai ngày, từ 13 đến 14 tháng 12.

Đây là cuộc chiến sống còn, người Do Thái chỉ giết những kẻ thù và những kẻ luôn tìm cách hủy diệt dân tộc của họ. Họ chẳng hề chiếm lấy hay tra tay vào tài sản của những kẻ thù bị hủy diệt này, dù trong chiếu chỉ vua A-suê-ru ban cho họ có quyền chiếm đoạt tất cả (9:10). Nói như thế để thấy người Do Thái không phải là dân tộc khát máu và hay cướp đoạt của kẻ khác.

Phu-rơ nguyên thủy là ngày mà Ha-man bốc thăm để tận diệt người Do Thái, nhưng bởi sự thương xót và hành động tuyệt vời của Đức Giê-hô-va, nó trở nên Phu-rim, đó là ngày chiến thắng, và hân hỉ cho dân Israel. Ngày đó đã biến thành ngày Lễ Phu-rim, đã đi vào lịch sử dân Do Thái theo mạng lịnh của Ê-xơ-tê kể từ đây, và là ngày để dân sự của Chúa cảm tạ sự giải cứu tuyệt vời của Đức Chúa Trời trên dân tộc Do Thái.

  • Lễ hội Phu-rim của người Do Thái đem lại niềm hy vọng lớn lao cho đời sống Cơ Đốc nhân. Dù trong hoàn cảnh thế nào đi nữa, chúng ta vẫn có niềm hy vọng trong cánh tay quyền năng của Đức Chúa Trời – Ngài là Đấng “cởi tang chế của chúng ta”. Chúng ta cứ tin cậy Ngài bất cứ hoàn cảnh nào, vì “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được’’ (I Cô-rinh-tô 10:13).
  • Là con cái Chúa, chúng ta xác định “kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được’’, vì vậy trong cuộc chiến này, chúng ta không chút khoan nhượng. “Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ. 12 Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy. 13 Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại, và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng” (Ê-phê-sô 6:11-13).

MS Nguyễn Tấn Lộ

Bài trướcHiếu Kính Cha Mẹ – 1/6/2024
Bài tiếp theoBài 152: Sách A-mốt, A-mốt Thấy Sư Tử Gầm Thét