Bài 131: Giê-rê-mi, Lãnh Đạo Trong Cảnh Ngục Tù

2461

Lời Chúa trong Giê-rê-mi 9:23-24

Đức Giê-hô-va phán như vầy: Người khôn chớ khoe sự khôn mình; người mạnh chớ khoe sự mạnh mình; người giàu chớ khoe sự giàu mình; Nhưng kẻ nào khoe, hãy khoe về trí khôn mình biết ta là Đức Giê-hô-va, là Đấng làm ra sự thương xót, chánh trực, và công bình trên đất; vì ta ưa thích những sự ấy, Đức Giê-hô-va phán vậy

 Đây là phần trích trong bài giảng của tiên tri Giê-rê-mi, được công bố khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ và dân Giu-đa bị bắt lưu đày sang Ba-by-lôn. Những người sống sót sau biến cố tang thương nầy đều buồn thảm và hãi hùng về những gì đã xảy ra. Sứ điệp của Giê-rê-mi không chỉ là những bài giảng u buồn đen tối của cảnh lưu đày. Nhưng ông còn rao giảng sứ điệp hy vọng cho dân sự của Đức Chúa Trời. Và đây là một trong những bài giảng đó.

 Chúng ta cần hiểu Giê-rê-mi đã giảng bài nầy trong bối cảnh nào. Lúc đó, dân Giu-đa đang bị xiềng và bị kéo lê về Ba-by-lôn. Giê-rê-mi cho biết là sau 70 năm họ sẽ được hồi hương, thế nhưng điều gì sẽ giúp họ vượt qua thời gian nầy? Nhiều người trong họ sẽ hồi hương, nhưng họ sẽ đối phó với kinh nghiệm lưu đày như thế nào? Đó chính là bối cảnh mà Giê-rê-mi đã giảng những lời nầy.

Điều mà Giê-rê-mi muốn nói với dân chúng là, “Nếu các ngươi giàu, đừng khoe của cải. Nếu các ngươi mạnh, đừng khoe sức lực. Nếu các ngươi khôn ngoan, đừng khoe kiến thức, học vấn.” Chữ khoe ở đây được dùng rất nhiều trong Kinh Thánh và nó được áp dụng cho Đức Chúa Trời, nghĩa là “tôn vinh Đức Chúa Trời.” Lời Chúa dạy chúng ta phải tôn vinh Đức Chúa Trời và làm mọi sự vì vinh hiển của Đức Chúa Trời. Theo nguyên ngữ thì tôn vinh Chúa có nghĩa là “hết lòng hết sức bày tỏ những thuộc tính Đức Chúa Trời.” Trong bài cầu nguyện chung, Chúa Giê-xu dạy, “Danh Cha được tôn thánh.” Chữ tôn thánh ở đây rất gần với chữ tôn vinh. Danh của Đức Chúa Trời là gì? Danh Chúa biểu hiện cho chính Đức Chúa Trời vậy. Khi cầu nguyện rằng “Danh cha được tôn thánh” có nghĩa là qua đời sống của chúng ta mà danh Đức Chúa Trời được biết đến, qua con người của chúng ta, qua cách sống của chúng ta mà người khác biết Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào. Theo khía cạnh đó, Giê-rê-mi áp dụng chữ nầy không cho Đức Chúa Trời nhưng cho những người sắp bị lưu đày. Chẳng hạn Giê-rê-mi nói với người giàu rằng, “Các ngươi không nên ỷ vào sự giàu có để đem lại sư thỏa mãn cho mình vì sự giàu có sẽ không làm cho các ngươi mãn nguyện.” Những người giàu trước đó nghe bài giảng của Giê-rê-mi trước khi Giê-ru-sa-lem bị thất thủ, nhưng nay tay chân của họ bị xiềng, tài sản bị tước đoạt. Chắc chắn trước đây họ kiêu hãnh về sự giàu có của mình, nhưng nay thì không còn gì cả, họ không còn gì để dựa vào mà hãnh diện. Cũng trong tinh thần đó, Giê-rê-mi nói với những người khôn ngoan rằng, “Các ngươi không còn gì để khoe mình về sự khôn ngoan khi mà tay chân đều bị mang xiềng phải không?” Với người mạnh sức thì Giê-rê-mi nói, “Các ngươi không còn hãnh diện về sức mạnh của mình. Vì đói kém và kiệt sức khi bị lưu đày khiến các ngươi chỉ còn da bọc xương mà thôi.”

Giê-rê-mi muốn nhắn nhủ với họ rằng “Sức mạnh, giàu có và khôn ngoan không đáp ứng gì cho các ngươi trong hoàn cảnh nầy.” Dẫu vậy, ông đi xa hơn để công bố một sứ điệp tích cực, Lời Chúa phán “Nếu các ngươi muốn hiểu mục đích và ý nghĩa của cuộc sống thì hãy đến cùng Ta và học biết Ta là ai qua những gì ta mặc khải”. Giê-rê-mi đã trình bày ba thuộc tính mà Đức Chúa Trời đã mặc khải về chính Ngài, “Ngài là Đấng làm ra sự thương xót, chánh trực, và công bình trên đất”.

Làm thế nào để biết Chúa? Theo Tân Ước, nếu chúng ta hiểu được thuộc tính của Đức Chúa Trời thì chúng ta có thể đến cùng Ngài. Ví dụ I Giăng 4, Sứ đồ Giăng viết rằng, “Đức Chúa Trời là tình yêu thương, do đó nếu ai sống trong yêu thương là người đó sống trong Chúa và Chúa sống trong người đó.” Nếu Chúa là Đấng yêu thương thì chúng ta hãy sống trong tình yêu thương đó và sẽ được gặp Chúa vì tình yêu thương là một trong những phương cách mà Đức Chúa Trời bày tỏ Chúa là Đấng như thế nào.

Đức Chúa Trời cũng bày tỏ chính mình Ngài qua bản chất công bình và chính trực. Khi lê bước đến Ba-by-lôn, người Giu-đa nghĩ gì khi họ nghe rằng, “Ngài là Đấng làm ra sự thương xót, chánh trực, và công bình trên đất?” Họ hiển nhiên thừa nhận rằng giàu có, khôn ngoan, sức mạnh không giúp ích gì trong lúc nầy. Họ phải tìm ý nghĩa và sự thỏa lòng ở một nơi khác, và Giê-rê-mi nói rằng, “Đây là lúc các ngươi nên tìm kiếm Chúa vì một khi các ngươi biết Chúa là Đấng yêu thương, công bình và chính trực thì không ai có thể cướp Đức Chúa Trời ra khỏi đời sống các ngươi. Họ có thể tước đoạt tài sản của các ngươi, họ có thể tước đoạt sức mạnh của các ngươi, nhưng họ không thể nào tước đoạt Đức Chúa Trời khỏi các ngươi một khi các ngươi thật sự biết Ngài.”

Một số tín hữu đã từng tham chiến, bị bắt làm tù nhân. Họ bị giam cầm ở những nơi vắng vẻ trong suốt 4 năm, 5 năm, có khi đến 7 năm. Tại những nơi nầy họ không có ai, không còn gì để nương dựa ngoại trừ Đức Chúa Trời. Nhưng họ đã nhận được sự bình an và mãn nguyện khi gặp được Đức Chúa Trời. Tại nơi ngục tù đó, họ khám phá được Đức Chúa Trời là ai và Ngài là Đấng như thế nào. Dĩ nhiên trong ngục tù, giàu có không giúp ích gì cho họ, sức mạnh cũng không giúp gì cho họ. Nơi họ tìm được sức mạnh và niềm hy vọng là Đức Chúa Trời. Đây chính là sứ điệp của Giê-rê-mi dành cho những người đang mang gông xiềng lê bước đến Ba-by-lôn.

Chúng ta biết rằng Giê-rê-mi là một người thường dùng cách biểu tượng cụ thể cho bài giảng của ông. Một trong những bài giảng đó là về cái thắt lưng. Trong thời của Giê-rê-mi người ta chủ trương lối ăn mặc giản dị. Ông quấn quanh mình cái đai thắt lưng suốt mấy tháng mà không thay. Sau cùng ông đào hố và chôn nó. Vài tháng sau, ông đào lên trở lại, lần nầy cái đai lưng bị mục nát, hư thối. Chắc chắn việc ông mang chiếc đai lưng này thu hút sự chú ý của mọi người. Ông nói với họ rằng, “Các ngươi thấy không? Chiếc đai lưng bị mục nát, hư thối và không còn dùng được nữa. Đó là hình ảnh của các ngươi. Các ngươi thờ lạy thần tượng và phạm tội. Các ngươi chẳng còn dùng gì được vì lòng cứng cỏi và kiêu ngạo. Đức Chúa Trời sẽ cất đi những gì mà các ngươi kiêu hãnh và hạ ngươi xuống như chiếc đai lưng mục nát, hư thối nầy.” Chắc rằng mọi người hiểu được những gì Giê-rê-mi nói mặc dầu đây là bài giảng thật nặng nề cho họ. Giê-rê-mi tiếp tục lối giảng nầy cho đến những ngày cuối của sự lưu đày. 

Chương 32 và 33 ghi lại những việc rất lý thú mà Giê-rê-mi đã làm. Việc nầy xảy ra vào lúc mà thành bị bao vây vào cuối đời cai trị của Sê-đê-kia. Giê-ru-sa-lem sắp bị sụp đổ. Trong khi ở tù vì sứ điệp mình đã công bố, Giê-rê-mi nhận sự mặc khải từ Đức Chúa Trời. Chúa tỏ cho ông biết rằng, người em họ của ông là Ha-na-mê-ên sẽ đến và yêu cầu ông mua cánh đồng của Ha-na-mê-ên tại A-na-tốt. Khi cuộc bao vây Giê-ru-sa-lem đến hồi cao điểm, chắc chắn nhà cửa ruộng vườn bị xuống giá. A-na-tốt một địa điểm gần Giê-ru-sa-lem không phải là một nơi để đầu tư bất động sản vào lúc nầy. Chỉ có những người rồ dại mới bỏ tiền mua ruộng vườn trong tình thế hết sức nhiểu nhương, thế nhưng Chúa bảo Giê-rê-mi rằng, “Người bà con của ngươi sẽ đến để bán đám ruộng, ta muốn ngươi hãy mua đám ruộng đó.” Ha-na-mê-ên đã đến theo như lời Chúa phán, ông gặp Giê-rê-mi trong ngục và nói rằng, “Ta xin ngươi hãy mua ruộng của ta ở A-na-tốt, trong đất Bên-gia-min, vì ngươi có phép hưởng gia tài và chuộc lấy, khá mua lấy cho mình.”

Giê-rê-mi mua đất trong cảnh ngục tù

Giê-rê-mi tiến hành đầy đủ thủ tục mua bán. Ông mời nhân chứng, luật sư, thầy thông giáo và chính thức ký kết giấy tờ mua bán. Sau đó ông cất hợp đồng mua bán vào trong bình đất để bảo quản được lâu ngày. Nhân việc mua đám ruộng nầy mà Giê-rê-mi giảng cho dân chúng rằng, “Ta đã nói trước là các ngươi sẽ trở về từ xứ lưu đày Ba-by-lôn. Ta tin quyết vào điều đó vì các ngươi thấy ta vừa mua đám ruộng chỉ cách Giê-ru-sa-lem vài cây số. Các ngươi nghĩ sao? Nếu ta không tin các ngươi sẽ hồi hương thì liệu ta có bỏ tiền để mua đám ruộng đó không?”

 Qua chương 32, Giê-rê-mi đã công bố sứ điệp hy vọng thật tươi sáng:

“Đức Giê-hô-va phán: Như ta đã giáng mọi tai vạ lớn trên dân nầy, ta cũng sẽ giáng cho mọi sự lành ta đã hứa. Người ta sẽ mua ruộng trong đất nầy mà các ngươi nói rằng: Ấy là một nơi hoang vu, không có loài người, cũng không có loài thú, đã bị nộp trong tay người Canh-đê. Người ta sẽ dùng giá bạc mua ruộng tại đó, viết khế bán, niêm phong lại, mời người làm chứng, trong đất Bên-gia-min và chung quanh Giê-ru-sa-lem, trong các thành Giu-đa và trong các thành miền núi, trong các thành đồng bằng và các thành phương nam. Vì ta sẽ khiến những phu tù trở về, Đức Giê-hô-va phán vậy.” (32:42-44)

 Điều Giê-rê-mi muốn nói là “Đức Chúa Trời sẽ khôi phục lại Y sơ ra ên và ta muốn các ngươi hiểu rằng ta tin Đức Chúa Trời sẽ làm điều đó.” Đây chính là bối cảnh của bài giảng của Giê-rê-mi trong chương 33, “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết.” (c.3)

Đây là câu Kinh Thánh rất được yêu thích của sách Giê-rê-mi. Tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta rất quen thuộc với câu nầy. Một vị Mục sư kể lại kinh nghiệm trong chức vụ của ông như sau,

“Vào một dịp cuối năm, khi kiểm điểm lại tôi phải thú nhận rằng đó là một năm thật thảm hại. Người xướng ngôn trên radio nhận định vào dịp cuối năm rằng, “Thế giới trong năm đến hầu như cũng chẳng có gì đổi khác. Tình hình bất ổn tại Trung Đông và những nước Đông á cũng vậy, khắp mọi nơi, mọi sự đều như cũ.” Tôi buộc miệng thưa với Chúa rằng, “Chúa ơi! Con không thể nào chịu nổi ý nghĩ đó. Năm đến sẽ giống như năm nầy hay sao?” Tôi nhớ rằng tôi đã thưa với Chúa cách rất chân thành, “Nếu Chúa ban cho con một năm mới giống như năm cũ thì xin Chúa đừng nghĩ gì đến việc dùng con nữa. Con sẽ không thể nào chịu nổi một năm như vậy nữa. Con sẽ rút lui khỏi chức vụ nếu Chúa để năm cũ tái diễn.” Trong lúc yên lặng thầm nguyện với Chúa, tôi mở Kinh Thánh và Chúa đã chỉ cho tôi câu Kinh Thánh thật quí báu nầy “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết.” Đây là câu Kinh thánh làm hành trang cho tôi bước vào năm mới. Nó có ý nghĩa thật lớn lao đối với tôi. Đức Chúa Trời muốn nói với tôi rằng, “Nếu con không muốn một năm giống như vậy, nếu con không thể nào chịu đựng nỗi thì hãy kêu cầu Ta. Ta sẽ chỉ cho con những việc lớn lao, lạ lùng mà con chưa từng thấy, chưa từng biết trước đây.”

Lần đến chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa câu Kinh Thánh rất hay và rất quen thuộc nầy của vị tiên tri than khóc Giê-rê-mi. Bài học dưỡng linh cho mỗi chúng ta đó là Đức Chúa Trời muốn chúng ta kêu cầu đến Ngài. Quý vị đã từng hết lòng kêu cầu Chúa chưa? Chúa phán, “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết.”

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcChớ Nghe! – 19/8/2021
Bài tiếp theoThơ: Vững Tin Nơi Chúa