Bài 157: Sách Giô-na, một tiên tri mang định kiến

118

Bài 157: Sách Giô-na, một tiên tri mang định kiến

Sách Giô-na gồm có 4 chương, chúng ta đã khảo sát chương 1. Chúa phán với Giô-na hãy đi Ni-ni-ve mà rao giảng sứ điệp của Ngài cho kẻ thù của ông. Giô-na từ chối và chạy trốn, vì không sẵn sàng để ra đi nên ông cũng không chịu đến với Chúa. Nhưng làm sao Giô-na trốn khỏi Chúa, cơn bão đã nổi dậy. Theo lời khai của Giô-na vì không còn cách nào khác hơn nên các thủy thủ ném ông xuống biển. Khi bị ném xuống thì Chúa chuẩn bị con cá lớn nuốt ông. Trong bụng cá Giô-na đã hết lòng kêu cầu với Đức Chúa Trời và chịu thuận phục Ngài. Kính mời quí vị cùng lắng nghe lời cầu nguyện của Giô-na trong chương 2:

3 Tôi gặp hoạn nạn, kêu cầu Đức Giê-hô-va, Thì Ngài đã trả lời cho tôi. Từ trong bụng âm phủ, tôi kêu la, Thì Ngài đã nghe tiếng tôi.
4 Ngài đã quăng tôi trong vực sâu, nơi đáy biển, Và dòng nước lớn bao bọc lấy tôi. Hết thảy những sóng lượn và những ba đào của Ngài đều trải qua trên tôi.
5 Tôi đã nói rằng: Tôi đã bị ném khỏi trước mắt Ngài; Dầu vậy, tôi còn nhìn lên đền thánh của Ngài.
6 Nước bao phủ lấy tôi, cho đến linh hồn tôi; Vực sâu vây lấy tôi tư bề; Rong rêu vấn vít đầu tôi.
7 Tôi đã xuống đến chơn nền các núi; Đất đã đóng then nó trên tôi đời đời. Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi, nhưng Ngài đã đem mạng sống tôi lên khỏi hầm hố!
8 Khi linh hồn tôi mòn mỏi trong tôi, thì tôi nhớ đến Đức Giê-hô-va, Và lời cầu nguyện của tôi đạt đến Ngài, vào đền thánh Ngài.
9 Những kẻ chăm sự hư không giả dối, Thì lìa bỏ sự thương xót của mình.
10 Nhưng tôi, tôi sẽ dùng tiếng cảm tạ mà dâng của lễ cho Ngài; Tôi sẽ trả sự tôi đã hứa nguyện. Sự cứu đến từ Đức Giê-hô-va!
11 Đức Giê-hô-va bèn phán cùng con cá, và nó mửa Giô-na ra trên đất khô.

Chương 1 cho biết Chúa sai Giô-na đến Ni-ni-ve là thủ đô của A-si-ry, đế quốc xâm lăng và lưu đày vương quốc phía bắc là những người đồng bào ruột thịt của ông. Với lòng yêu nước, Giô-na chỉ muốn tai họa giáng trên người Ni-ni-ve. Ông không chịu đến giảng vì một khi họ nghe lời giảng mà ăn năn thì Chúa, Đấng giàu lòng nhân từ sẽ tha thứ và không đoán phạt họ.

Bất đồng với Đức Chúa Trời nên Giô-na xuống tàu đi Ta-rê-si, Ta-rê-si không những ngược hướng của Ni-ni-ve mà còn là nơi xa nhất mà Giô-na có thể đi tàu vào lúc đó. Nhưng dĩ nhiên điều nầy không có nghĩa là ý muốn của Đức Chúa Trời chấm dứt trên đời sống Giô-na khi tàu nhổ neo. Sa-tan luôn luôn cung cấp phương tiện cho những người chạy trốn Đức Chúa Trời.

Câu chuyện Giô-na chạy trốn và cơn bão lớn nổi lên là một minh họa rất hay về ý chí tự do của con người và quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Chúa không ép buộc chúng ta làm điều gì vì chúng ta là tạo vật có quyền lựa chọn và quyết định. Nhưng Ngài tác động trên chúng ta cho đến khi chúng ta nhận thức rằng điều khôn ngoan nhất là vâng phục Ngài. Đối với Giô-na, Chúa đã khiến một cơn bão nổi lên. Biết mình là nguyên nhân của tai ương nầy nên Giô-na nói với thủy thủ rằng hãy ném ông xuống biển. Khi bị ném xuống thì Chúa cũng đã chuẩn bị con cá lớn để nuốt ông.

Chương hai cho biết Giô-na ở trong bụng cá dâng lên Chúa lời cầu nguyện. Ông đã trích dẫn Kinh Thánh nhiều lần trong lời cầu nguyện. Ngoại trừ trường hợp của Ma-ri thì đây là trường hợp lời cầu nguyện được trích Kinh Thánh nhiều nhất. Giô-na trích Gióp 15:13, Ca Thương 3, 1 Sa-mu-ên 30, Giê-rê-mi 7 và I Các Vua 8.

Bên cạnh những lời trích dẫn nầy, thì Giô-na còn đề cập đến Thi Thiên 130, 18, 22 và 120. Thi Thiên là thánh ca của người Do Thái thời bấy giờ. Tóm lại Giô-na đã cầu nguyện, hát thánh ca và trích dẫn Kinh Thánh khi còn trong bụng cá.

Giô-na cũng dâng lên lời hứa nguyện nữa. Nếu trong chương 1, Giô-na chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời thì trong chương hai ông chạy đến với Ngài. Ông nói, “Tôi sẽ nhìn về đền thánh Ngài”, “Tôi sẽ dâng của lễ cho Ngài”. và “Tôi sẽ trả xong sự hứa nguyện của tôi cho Ngài.” Khi Giô-na nói rằng, “Sự cứu rỗi đến từ Đức Giê-hô-va” thì Chúa truyền cho con cá mửa ông ra. Chương 1 là chương của thái độ bất tuân, nhưng chương hai là chương của thái độ thuận phục.

Kinh nghiệm của Giô-na trong bụng cá giống như kinh nghiệm của những người lính khi cận kề giữa cái sống và cái chết. Nhiều người đã quay về với Chúa khi ở trong những khủng hoảng. Giô-na đã quay về với chương trình của Đức Chúa Trời khi ông ở trong bóng tối kinh hoàng của bụng cá.

Nếu tưởng tượng những gì xảy ra trong bụng cá thì quí vị sẽ thấy Giô-na đã lâm vào cơn khủng hoảng đến mức độ nào. Có một phương thức mà Đức Chúa Trời thường dùng đối với những người thuộc về Ngài. Chúa cho phép và đôi khi trực tiếp tạo nên những điều mà chúng ta gọi là giông tố trong cuộc đời. Giông tố đó còn gọi là khủng hoảng như Giô-na ở trong bụng cá chẳng hạn. Khi Chúa cho phép hoặc tạo nên những cơn giông tố thì Ngài muốn con cái Chúa phải biết phản ứng đúng đắn. Một khi con cái Chúa phản ứng đúng thì Chúa đưa tay giải cứu họ. Chúa rất thường giải cứu con dân Ngài khỏi những cơn giông tố. Gióp là một trường hợp điển hình. Ông không có tội lỗi gì để đáng phải chịu nhiều cơn bão lớn trong cuộc đời. Chúa hài lòng về Gióp và giữa cơn bão tố, Gióp đã hành xử đúng. Một khi thấy Gióp hành xử đúng thì Chúa đã giải cứu ông ra khỏi cơn bão đó. Gióp đã trở nên người tốt hơn sau khi trải qua đau khổ.

Chương 11 của sách Giăng, ghi lại câu chuyện rất hay về việc Chúa yêu thương gia đình của ba anh em La-xa-rơ, Ma-ri và Ma-thê. Ngài cho phép hai chị em lâm vào cơn bão hầu như không lối thoát: đó là bịnh tật và sự chết. Anh của họ bị đau nặng và qua đời. Khi người anh còn hấp hối, họ sai người báo tin cho Chúa biết tình trạng nguy cập. Thay vì vội vã đến tiếp cứu họ thì Chúa Giê-xu đã nán lại thêm vài ngày cho đến khi La-xa-rơ chết. Cơn bão của bịnh tật đã dẫn đến cơn bão của sự chết. Lúc đó Chúa đi đến làng Bê-tha-ni là nơi hai chị em ở, Ngài muốn hai chị em có đáp ứng đúng giữa cơn giông bão của họ. Rồi sau đó Chúa đưa tay giải cứu họ. Như vậy ba tiến trình sau đây thường đi với nhau: giông bão xảy ra, phản ứng của chúng ta và sự giải cứu của Chúa. Ba tiến trình đó thường xuyên xảy ra trong Kinh Thánh.

Tiến trình nầy cũng được tìm thấy nơi đứa con trai hoang đàng. Đứa con trai hoang đàng gặp cơn bão trong cuộc đời vì lỗi của nó. Cơn bão của đứa con trai hoang đàng là cảnh làm mướn tại chuồng heo. Nó đáng chịu cơn bão nầy vì lỗi của mình. Tuy nhiên nó chỉ được giải cứu ra khỏi chuồng heo khi tỉnh ngộ quay về nhà cha. Hay nói cách khác nó đã phản ứng đúng giữa cơn bão tố. Đối với dân Y-sơ-ra-ên cũng vậy, Đức Chúa Trời đã cho phép cơn bão xâm lăng của người A-si-ry và người Ba-by-lôn. Cơn giông bão nầy kéo dài đến 70 năm. Khi họ nhìn nhận bàn tay của Ngài thì Chúa giải cứu họ, Chúa đem họ trở về quê hương để tái lập quốc gia.

Đây là những gì xảy ra cho Giô-na trong bụng cá. Chúa phán với ông, “Hãy đi”, nhưng Giô-na đáp, “Không,” Chúa trả lời, “Vậy thì chúng ta hãy chờ xem điều gì xảy ra.” Chúa đã tạo áp lực trên Giô-na, càng lúc càng nhiều cho đến khi Giô-na nằm hoàn toàn trong bụng cá. Đến lúc nầy thì Giô-na đã ba lần thưa với Chúa rằng, “Tôi sẽ đi, Tôi sẽ đi, Tôi sẽ đi”.

Khi con cá mửa Giô-na ra trên đất khô, thì chương ba ghi như sau: “Có lời của Đức Giê-hô-va đến với Giô-na lần thứ hai”. Quí vị nghĩ sao về câu Kinh Thánh nầy? Có bao nhiêu người đã bằng lòng tin Chúa khi nghe Tin Lành lần đầu tiên. Phần lớn đều không tin Chúa khi được nghe nói đến Ngài lần đầu. Chúng ta cảm tạ Chúa về lòng nhân từ và nhẫn nhục cũng như quyền tể trị của Ngài được minh họa qua những câu mở đầu của chương 3. “Lời của Đức Giê-hô-va đến với Giô-na lần thứ hai”. Chúa rất kiên nhẫn với Giô-na. Ngài đưa Giô-na vào trong khủng hoảng, Ngài dùng khủng hoảng nầy để thức tỉnh và một khi Giô-na sẵn sàng vâng phục thì Ngài đem ông ra khỏi hoạn nạn. Chúa là Đấng kiên nhẫn, Ngài truyền lịnh cho ông lần thứ hai rằng hãy đến giảng tại Ni-ni-ve.

Chương 3 cho biết Giô-na đã đến Ni-ni-ve để công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời. Nhiều người nghĩ rằng một chiến dịch truyền giảng Tin Lành thật qui mô được tổ chức tại thủ đô Ni-ni-ve. Cả thành phố đã quì gối ăn năn khi vị tiên tri nhỏ bé tuyên bố rằng, “Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt mọi người, mọi vật trong thành phố nầy.” Đây là nội dung căn bản của sứ điệp Giô-na, nhưng chắc ông đã giảng nhiều hơn như vậy. Chúa đã dạy ông những gì phải nói và ông đã công bố đầy đủ những gì Chúa phán với ông.

Chương ba có thể được tóm tắt với đề tựa là “Giô-na đi đến Ni-ni-ve”, Giô-na đã vâng lời Chúa đi đến Ni-ni-ve. Chương 3 của sách Giô-na cho biết một chiến dịch truyền giảng đại qui mô đã được hình thành tại Ni-ni-ve. Ni-ni-ve là thành phố rất lớn. Phải mất ba ngày mới đi quanh hết thành nầy. Giô-na đã công bố rằng, “Chỉ còn 40 ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống”. Người Ni-ni-ve tin Đức Chúa Trời. Khi nghe lời cảnh cáo nghiêm trọng của Giô-na thì họ tuyên bố kiêng ăn, cầu nguyện từ vua quan cho đến dân thường đều mặc áo bằng vải gai là đồ tang.

Vua cũng biểu lộ lòng ăn năn bằng cách rời khỏi ngai vàng, cởi vương bào, mặc vải gai, ngồi dưới bụi tro. Ông ra sắc lịnh cho toàn dân rằng,

7…Không luận người ta hay là thú vật, không luận bầy bò hay bầy chiên, đều chớ nếm chi hết. Không được để cho nó ăn, cũng không uống nước;
8 nhưng người ta và thú vật đều phải quấn bao gai. Mọi người khá ra sức kêu cùng Đức Chúa Trời; phải, ai nấy khá bỏ đường lối xấu mình và việc hung dữ của tay mình.
9 Ai biết rằng hoặc Đức Chúa Trời sẽ không xây lại và ăn năn, xây khỏi cơn nóng giận mình, hầu cho chúng ta khỏi chết, hay sao?

Khi Chúa thấy họ ăn năn và từ bỏ điều ác thì Ngài động lòng yêu thương thôi không giáng cơn đoán phạt.

Kinh nghiệm của Giô-na liên hệ thế nào đến đời sống của quí vị? Quí vị có nói về Chúa cho những người chung quanh mình không? Khi nào là lần cuối mà quí vị đã nói về Chúa cho người khác? Giô-na là vị tiên tri mang sẵn định kiến. Đó là lý do khiến ông không đến Ni-ni-ve. Định kiến nghĩa là phán xét trước về một sự việc nào đó. Phải chăng quí vị không nói về Chúa vì quí vị đã in trí là một khi nghe Tin Lành thì người khác sẽ phản ứng thế nầy, thế kia. Nếu Chúa muốn Giô-na đem sứ điệp của Ngài đến với người Ni-ni-ve thì quí vị có nghĩ rằng Chúa cũng muốn quí vị đem sứ điệp cứu rỗi của Ngài đến với những người chung quanh. Chúng ta đã được đặc ân hiểu biết Chúa và Lời Ngài. Rất có thể quí vị là người duy nhất mà những người chung quanh biết đến Tin Lành. Phải chăng những năm tháng trước đây đã được đánh dấu bởi 3 chữ, “Tôi sẽ không”. Nhưng bây giờ theo gương của Giô-na quí vị sẽ thưa với Chúa rằng, “Con sẽ”. Con sẽ vâng theo lời Chúa truyền để nói về Chúa cho người khác.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcKră Yang Wơh Năm Tơmir Bơyan ‘Ba Đum – 1/12/2024