Bài 153: Sách Áp-đia, Kinh Nghiệm Của Ê-đôm

144

 1 Sự hiện thấy của Áp-đia.
 Chúa Giê-hô-va phán về Ê-đôm như vầy: Chúng ta có nghe lời rao từ Đức Giê-hô-va, và một sứ giả được sai đi giữa các nước, rằng: Các ngươi hãy dấy lên! Chúng ta hãy dấy lên nghịch cùng dân nầy đặng đánh trận với nó!
2 Nầy, ta đã khiến ngươi làm nhỏ giữa các nước. Ngươi bị khinh dể lắm.
3 Hỡi ngươi là kẻ ở trong khe vầng đá, trong nơi cao, ngươi nói trong lòng mình rằng: Ai sẽ có thể xô ta xuống đất? Sự kiêu ngạo của lòng ngươi đã lừa dối ngươi.
 4 Dầu ngươi lên cao như chim ưng, dầu ngươi lót ổ giữa các ngôi sao, ta cũng sẽ xô ngươi xuống khỏi đó, Đức Giê-hô-va phán vậy!

Đây là những câu mở đầu sách tiên tri Áp-đia. Áp-đia là một trong những tiểu tiên tri vì sách của ông chỉ gồm 1 chương. Nó là sách tiên tri ngắn nhất trong Kinh Thánh. Áp-đia đề cập về những người sống trong các vách đá, giống như chim ưng. Họ tự hào là không ai có thể tấn công họ được, nhưng ông cho biết họ sẽ bị hạ xuống.

Một số người nghĩ rằng Áp-đia nói tiên tri về thời đại chúng ta vì ngày nay người ta nói đến việc sinh sống trên các hành tinh xa xôi. Họ bàn tính việc đến sao Hỏa và sống tại đó. Cũng có một số người đang sống trong các trạm không gian. Người ta nghĩ là sách Áp-đia dành cho những người sống vào thời đại khoa học kỹ thuật. Theo họ thì Áp-đia muốn nói rằng nếu con người kiêu hãnh về tài năng mình và lên đến các tinh tú xa xôi để sinh sống thì Chúa vẫn hạ họ xuống để biết rằng mình chỉ là con người mà thôi. Thế nhưng đây không phải là những gì mà Áp-đia đang nói đến.

Sách Áp-đia không có chi tiết lịch sử ở phần mở đầu, do đó sứ điệp của sách có thể được tìm thấy trực tiếp ngay trong sách.

Mặc dầu sách không đề cập đến yếu tố lịch sử trong những câu mở đầu, nhưng câu 11 cho biết vị tiên tri đề cập đến người Ê-đôm. Đôi khi nội dung của sách cho biết bối cảnh lịch sử của nó. Áp-đia nói tiên tri về người Ê-đôm như sau:

12 Ôi! chớ nhìn xem ngày của anh em ngươi, là ngày tai nạn của nó; chớ vui mừng trong ngày hủy diệt của con cái Giu-đa; cũng đừng nói cách khoe khoang trong ngày nó bị khốn khổ.
13 Chớ vào cửa thành dân ta, đang ngày nó bị họa; chớ nhìn xem tai nạn nó, đang ngày nó bị khốn khó! Chớ vồ lấy của cải nó, đang ngày nó bị họa hoạn.
14 Chớ đứng nơi ngã ba đường đặng diệt những kẻ trốn tránh của nó, và chớ nộp những kẻ sống sót sau cùng của nó trong ngày nguy nan.
15 Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần trên hết thảy các nước: Bấy giờ người ta sẽ làm cho ngươi như chính mình ngươi đã làm; những việc làm của ngươi sẽ đổ lại trên đầu ngươi! 

Ngày nay tại vùng đất thánh có một nơi gọi là “Thành phố hoa hồng đỏ Petra”. Tại đây du khách phải đi ngựa, hai bên là những vách đá màu đỏ, cao đến hơn hai trăm mét. Trên những vách đá nầy có những khe hở và đó là nơi mà người Ê-đôm sinh sống. Họ khét tiếng về việc đột kích để cướp bóc khách đi đường. Sau khi tấn công thình lình để cướp bóc thì họ trốn vào những hang động trên cách vách đá. Họ dùng loại thang bằng dây thừng, khi leo lên xong thì họ cuốn thang lại. Vì cớ địa hình rất khó bị tấn công nên họ nghĩ rằng không ai có thể làm gì họ được. Đó là lý do mà Áp-đia nói rằng,

4 Dầu ngươi lên cao như chim ưng, dầu ngươi lót ổ giữa các ngôi sao, ta cũng sẽ xô ngươi xuống khỏi đó, Đức Giê-hô-va phán vậy!

Người Ê-đôm có những đền thờ được khắc chạm trong đá. Nó là một trong những kỳ quan của thế giới. Có một đền thờ với những cây trụ được cắt ra từ đá hoa cương rất cứng. Những gì chúng ta thấy ngày nay cũng y hệt vào thời của Áp-đia. Bây giờ nó được xem là thành phố bị lãng quên vì không có ai ở đó cả.

Ê-đôm là ai? Chúng ta cần quay về với Sáng Thế Ký. Rê-bê-ca có hai người con là Gia-cốp và Ê-sau. Tuy là hai anh em sinh đôi, nhưng họ khác nhau rất nhiều, từ hình dáng bên ngoài cho đến tính chất bên trong. Ê-sau không xem trọng quyền trưởng nam cũng như các phước hạnh và đặc quyền thuộc linh. Xin chúng ta đừng thương hại Ê-sau vì ông sẵn sàng bán quyền trưởng nam và đặc ân thuộc linh để đổi lấy một tô canh. Ông tiêu biểu cho mẫu người phàm tục, người không quan tâm đến những điều có giá trị về mặt thuộc linh.

Ngược lại Gia-cốp tiêu biểu cho người thuộc linh. Mặc dầu ông tinh quái và chiếm đoạt người khác, nhưng ông vẫn là một người thuộc linh điển hình. Một con người thực với những yếu điểm, bất toàn. Chính chỗ bất toàn đó, chúng ta thấy mình gần gũi với ông hơn. Ưu điểm của Gia-cốp là ông biết điều gì có giá trị để theo đuổi.

Nước Y-sơ-ra-ên đã ra từ Gia-cốp, còn nước Ê-đôm đã ra từ Ê-sau. Người Ê-đôm có mối thù truyền kiếp với người Y-sơ-ra-ên. Bất cứ khi nào kẻ thù tấn công Y-sơ-ra-ên thì Ê-đôm cũng liên minh với họ để giết người Y-sơ-ra-ên. Như chúng ta biết, Giê-ru-sa-lem đã bị tấn công nhiều lần trong suốt thời gian 20 năm. Các học giả tin rằng Áp-đia nói về cảnh tượng Giê-ru-sa-lem bị thất thủ dưới thời Sê-đê-kia, khi mà thành phố bị san bằng, dân chúng phần thì bị thảm sát, phần thì bị bắt lưu đày tại Ba-by-lôn. Trước cảnh tang thương của dân Y-sơ-ra-ên thì người Ê-đôm lại vui mừng, họ giúp người Ba-by-lôn bao vây và cướp bóc Giê-ru-sa-lem. Khi người Y-sơ-ra-ên chạy trốn thì họ bắt và chuyển giao cho người Ba-by-lôn. Thậm chí họ cũng giết người Y-sơ-ra-ên vì mối thù truyền kiếp.

Điều nầy khiến chúng ta hiểu vì sao chỉ trong một chương mà Áp-đia đã tám lần nói với người Ê-đôm rằng, “Ngươi chớ làm như vậy, ngươi chớ làm như vậy”. Ông nói:

12 Ôi! chớ nhìn xem ngày của anh em ngươi, là ngày tai nạn của nó; chớ vui mừng trong ngày hủy diệt của con cái Giu-đa; cũng đừng nói cách khoe khoang trong ngày nó bị khốn khổ.
13 Chớ vào cửa thành dân ta, đang ngày nó bị họa; chớ nhìn xem tai nạn nó, đang ngày nó bị khốn khó! Chớ vồ lấy của cải nó, đang ngày nó bị họa hoạn.
14 Chớ đứng nơi ngã ba đường đặng diệt những kẻ trốn tránh của nó, và chớ nộp những kẻ sống sót sau cùng của nó trong ngày nguy nan.
15 Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần trên hết thảy các nước: Bấy giờ người ta sẽ làm cho ngươi như chính mình ngươi đã làm; những việc làm của ngươi sẽ đổ lại trên đầu ngươi! 

Cuối cùng thì Áp-đia dùng thành ngữ rất phổ thông của các vị tiên tri: “Ngày của Đức Giê-hô-va”. Áp-đia nói:

16 Phải, như các ngươi đã uống trên núi thánh ta thể nào, thì hết thảy các nước cũng sẽ cứ uống thể ấy; phải, chúng nó sẽ uống và nuốt đi, rồi chúng nó sẽ như vốn không hề có!
17 Nhưng sẽ còn lại những người trốn khỏi trên núi Si-ôn, núi ấy sẽ là thánh, và nhà Gia-cốp sẽ được sản nghiệp mình.
18 Nhà Gia-cốp sẽ là lửa, và nhà Giô-sép sẽ là ngọn lửa; nhà Ê-sau sẽ là đống rơm, mà chúng nó sẽ đốt và thiêu đi. Nhà Ê-sau sẽ không còn sót chi hết; vì Đức Giê-hô-va đã phán vậy.

Áp-đia tuyên bố bản án về sự tận diệt của Ê-đôm. Áp-đia cho biết đồng minh với Ê-đôm như Ba-by-lôn, Mác-ca-bê, Rô-ma sẽ tiêu diệt họ. Lịch sử cho biết sách của Tiên tri Áp-đia đã được nghiệm đúng. Chúng ta không thể xác định rõ thời điểm mà Áp-đia đưa ra lời tiên tri nầy, có lẽ ông nói vào lúc Giê-ru-sa-lem bị thất thủ. Năm năm sau khi người Ba-by-lôn chiếm Giê-ru-sa-lem thì họ tấn công và chiếm Ê-đôm. Người Ba-by-lôn chỉ đánh bại chớ không hoàn toàn tiêu diệt người Ê-đôm. Vào năm 163 TC, người Mác-ca-bê đánh chiếm Ê-đôm. Sau đó đến phiên người La Mã, vì biết người Ê-đôm ghét người Do Thái nên họ lập Hê-rốt làm vua bù nhìn trên Y-sơ-ra-ên. Hê-rốt được mệnh danh là kẻ làm đổ huyết vô tội.

Vào năm 70 SC, Titus hoàng đế La Mã tấn công Giê-ru-sa-lem, ông cũng đánh luôn Ê-đôm và tàn sát không chừa một người nào. Những gì còn lại chỉ là các khe đá trống rỗng. Nó trở nên một thành phố bị lãng quên. Lời tiên tri của Áp-đia đã nghiệm đúng trọn vẹn. Người Ê-đôm tự hào hỏi rằng, “Ai có thể xô ta xuống đất?” Câu trả lời là Đức Chúa Trời sẽ xô họ xuống bằng cách dùng ngay những quốc gia mà họ đã liên minh. Sách Áp-đia là một bài học lịch sử thật quí báu.

Bài học dưỡng linh từ sách Áp-đia là gì? Rô-ma 8:28 chép,

Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.

Hê-bê-rơ chương 12 và các phân đoạn khác cho biết con cái Chúa không thể nào chạy trốn khỏi hậu quả của tội lỗi và những hành động sai trái. Những người không tin Chúa họ có thể sống buông lung mà dường như không điều gì xảy ra, nhưng với con cái Chúa thì khác. Chúng ta sẽ bị sửa phạt vì tội lỗi của mình. Người Do Thái đã sửa phạt dân của Ngài, khiến họ lâm vào hoàn cảnh khốn cùng do người Ê-đôm gây ra. Chúa đã áp dụng biện pháp kỷ luật đối với người Do Thái, nhưng riêng với người Ê-đôm thì Chúa hoàn toàn tiêu diệt họ.

Kinh Thánh cho biết kẻ phạm tội gặt nhiều đau đớn. Một số người cho rằng cứ sống buông thả thích gì làm đó thì sẽ được hạnh phúc và vui vẻ, nhưng đó là một trong những sự lừa dối tệ hại nhất. Người sống miệt mài trong tội lỗi là người sống không theo Lời Chúa, họ khinh thường Lời Ngài. Cuối cùng thì họ chỉ gặt lấy hậu quả đắng cay, đau khổ mà thôi. Khi thấy những kẻ làm ác được hưng thịnh, xin chúng ta cũng đừng ganh với họ vì cuối cùng họ sẽ chuốc lấy những gì họ đã gieo. Ê-đôm đã kiêu hãnh và cho rằng không ai có thể tấn công mình được, nhưng họ sai lầm. Đức Chúa Trời đã phán xét và bị tiêu diệt như Kinh Thánh nói.

Có sự khác biệt giữa sự sửa phạt đối với người Y-sơ-ra-ên và sự tận diệt đối với người Ê-đôm. Thi Thiên 1 nói về kẻ ác và người công bình. Lời Chúa nói về người công bình như sau:

1 Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, Chẳng đứng trong đường tội nhân, Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng;
2 Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.
3 Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, Sanh bông trái theo thì tiết, Lá nó cũng chẳng tàn héo; Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng.

Và Lời Chúa so sánh với kẻ ác.

4 Kẻ ác chẳng như vậy đâu; Nhưng chúng nó khác nào rơm rác gió thổi bay đi.
5 Bởi cớ ấy kẻ ác chẳng đứng nổi trong ngày đoán xét, Tội nhân cũng không được vào hội người công bình.
6 Vì Đức Giê-hô-va biết đường người công bình, Song đường kẻ ác rồi bị diệt vong.

Người công bình được đầy tràn phước hạnh thuộc linh. Nhưng kẻ ác thì cuối cùng Kinh Thánh cho biết là sẽ bị diệt vong.

Lần đến chúng ta sẽ tìm hiểu về sự tương phản giữa người thuộc linh và người thế tục. Người thế tục được hiểu là người với sống theo bản năng tự nhiên. Dòng dõi của Gia-cốp trở thành tuyển dân của Đức Chúa Trời, nhưng dòng dõi của Ê-sau trở thành dân Ê-đôm, cuối cùng bị tuyệt diệt. Quí vị thuộc về dòng dõi của Gia-cốp hay Ê-sau? Quí vị là hạng người nào được mô tả trong Thi Thiên 1? Quí vị có ý chí tự do và có quyền lựa chọn nhưng hãy suy nghĩ đến hậu quả của hai sự lựa chọn nầy. Trong bài đến chúng ta sẽ thấy Áp-đia mô tả người thuộc linh và người thế tục bằng cách trình bày lịch sử của Gia-cốp và Ê-sau. Hai anh em sinh đôi nầy được mô tả cách tương phản bởi tiên tri Áp-đia. Hai anh em nầy đã trở nên tổ phụ của hai quốc gia. Họ là ví dụ điển hình về hạng người sống với tinh thần thế tục và hạng người sống với các giá trị thuộc linh.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcCủa Lễ Sống và Thánh – 1/8/2024
Bài tiếp theoBình Thuận: Hội Thao Năm 2024