Bài 155: Sách Giô-na, Vị Tiên Tri Chạy Trốn Đức Chúa Trời

1092

Bài 155: Sách Giô-na, Vị Tiên Tri Chạy Trốn Đức Chúa Trời

Hôm nay chúng ta học đến sách Giô-na. Có lẽ trong vòng các tiểu tiên tri thì Giô-na là người được biết nhiều nhất. Kính mời quí vị cùng xem chương mở đầu của sách: (Giô-na 1:1 – 2:1)

Khi bàn đến sách Giô-na thì nhiều người thương tranh luận với nhau liệu có một con cá voi nào đã thật sự nuốt Giô-na? Liệu Giô-na ở trong bụng cá ba ngày ba đêm? Có thể hiểu sách Giô-na theo nghĩa đen không?

Một số người bảo thủ tin rằng câu chuyện thật sự xảy ra theo nghĩa đen. Họ lý luận rằng nếu Đức Chúa Trời có thể cứu một tội nhân giống như tôi thì việc Giô-na bị con cá voi nuốt là điều khả dĩ.

Thật ra điều quan trọng không phải là tranh luận về thể loại của sách Giô-na. Trước tiên chúng ta để ý đến sứ điệp của sách nầy. Lẽ thật nào được rút ra từ sách? Bài học áp dụng cho chúng ta là gì? Tại sao Chúa cho phép sách nầy được lưu lại trong Kinh Thánh? Sách Giô-na dạy chúng ta điều gì? Những gì Chúa dạy chúng ta qua sách nầy quan trọng hơn là tranh luận thể loại của sách Giô-na.

Chúa Giê-xu dạy chúng ta nên có thái độ thế nào đối với Lời Đức Chúa Trời. Ngài phán trong Giăng 17:17 rằng: “Lời Cha là lẽ thật”. Khi những người đương thời hỏi là dựa vào điều gì để họ tin rằng Lời Chúa Giê-xu phán dạy đến từ trời. Chúa Giê-xu trả lời trong Giăng 7:17

17 Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta.

Phối hợp hai câu nầy với nhau chúng ta học được nguyên tắc sau đây: Hãy đến với Lời Chúa để tìm kiếm lẽ thật, một khi Chúa bày tỏ lẽ thật của Ngài thì hãy áp dụng lẽ thật đó cho đời sống của chúng ta, hay làm theo sự chỉ dạy của Kinh Thánh. Không nên đến với Lời Chúa để gia tăng kiến thức nhằm chứng tỏ rằng mình hiểu biết Kinh Thánh, nhưng là tìm xem Chúa dạy điều gì và áp dụng điều đó cho đời sống của mình. Theo Chúa Giê-xu thì đây là cách để chứng minh rằng Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Như vậy để chứng tỏ Kinh Thánh là lời được linh cảm thì vấn đề không phải là đến các trường thần học, học về khảo cổ, học về biện giáo, học về giải kinh . . .  Mặc dầu việc học là điều quan trọng nhưng đây không phải là cách để xác quyết rằng Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu hoàn toàn đúng khi Ngài phán, “Nếu ai muốn chứng tỏ rằng những gì ta dạy là Lời Đức Chúa Trời thì hãy chấp nhận nó là chân lý, rồi áp dụng vào đời sống mình, vâng theo lời đó”. Chính sự áp dụng Lời Chúa khiến chúng ta biết những gì Chúa dạy đến từ trời. Chúng ta nên đến với từng sách trong Kinh Thánh theo tinh thần nầy. Hãy đến với sách Giô-na để tìm kiếm những sự dạy dỗ của Chúa và một khi Thánh Linh phán dạy với chúng ta qua lời Ngài thì hãy áp dụng vào đời sống của mình. Nếu đến với sách Giô-na theo tinh thần nầy, chúng ta sẽ nghiệm rằng sách Giô-na được linh cảm bởi Đức Chúa Trời.

Sứ điệp của sách Giô-na là gì? Đây là một trong những sách mà phần mở đầu không đề cập đến chi tiết lịch sử. Khi lược khảo về những sách tiên tri, chúng ta biết về sự sụp đổ của 4 thành phố. Bốn thành phố nầy là Sa-ma-ri, Giê-ru-sa-lem, Ni-ni-ve và Ba-by-lôn. Sa-ma-ri là thủ đô của nước Y-sơ-ra-ên ở phía bắc, nó đã bị người A-si-ry tấn công và xâm chiếm. Giê-ru-sa-lem là thủ đô của người Giu-đa ở phía nam, bị người Ba-by-lôn san bằng thành bình địa. Ni-ni-ve là thủ đô của người A-si-ry, người A-si-ry đã bị Ba-by-lôn chinh phục. Cuối cùng Ba-by-lôn là thủ đô và cũng là đế quốc bị Mê-đi_ Ba Tư đánh chiếm.

Tiên tri Na-hum nói trước về sự sụp đổ của Ni-ni-ve. Thành phố nầy đã hoàn toàn bị phá hủy vì cơn đoán phạt của Chúa giáng xuống. Có lẽ Giô-na sống trước Na-hum khoảng 130 năm. Trước khi Ni-ni-ve bị sụp đổ, ít nhất là 130 năm thì ông đã được Chúa sai đến Ni-ni-ve để rao giảng cho dân thành nầy ăn năn. Giô-na cho biết là Đức Chúa Trời sẽ giáng cơn đoán phạt trên thành phố đó. Tuy nhiên một lời hứa kèm theo là nếu họ ăn năn thì Chúa sẽ thôi không đoán phạt nữa.

Giô-na biết Đức Chúa Trời là Đấng thế nào, ông biết về lòng khoan dung của Ngài, ông biết là nếu họ ăn năn thì Chúa sẵn sàng tha thứ và không trừng phạt. Nghịch lý ở chỗ là khi rao giảng cho Ni-ni-ve, ông lại muốn cho họ bị hủy diệt thay vì ăn năn. Phần cuối của câu chuyện cho biết thành Ni-ni-ve có 120 ngàn người không biết phân biệt tay trái và tay phải. Một số học giả cho rằng số nầy chỉ về các trẻ sơ sinh tại đó. Vì họ ước lượng dân số của Ni-ni-ve khoảng từ 1 đến 2 triệu người. Ni-ni-ve là thành phố lớn giống như Ba-by-lôn.

Trong phần học về sách Đa-ni-ên, chúng tôi đã thưa với quí thính giả về cách thiết kế rất kiên cố và đồ sộ của thành Ba-by-lôn. Những thành phố như Ba-by-lôn hay Ni-ni-ve đều là những thành phố rất lớn và đồng thời cũng đầy tội ác. Người A-sy-ri rất tàn nhẫn đến mức độ chưa từng có trong lịch sử. Họ lột da kẻ thù lúc còn sống, dùng lưỡi câu móc vào mũi của các tù nhân rồi dùng ngựa kéo đi. Một khi chiếm được thành phố nào, họ giết sạch khoảng nửa dân số của thành đó, chặt đầu và cắm tại cổng thành để khiến mọi người phải kinh hoàng. Sự tàn bạo của họ thật không thể nào diễn tả được. Trên một phương diện thì chính thái độ vô cùng tàn ác của người A-si-ry lại nổi lên vẻ đẹp tuyệt vời về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Vì dầu họ tàn ác như vậy, nhưng nếu thật lòng ăn năn thì Ngài vẫn sẵn sàng tha thứ. Sách của Giô-na là một sách nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Nhiều người cho rằng Đức Chúa Trời trong Cựu Ước và nhất là trong các sách tiên tri là một Đức Chúa Trời của trừng phạt chớ không phải là Đức Chúa Trời của yêu thương. Giô-na cho biết Đức Chúa Trời là Đấng nhơn từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không xuống tai vạ.

Giô-na là một tiên tri được Chúa kêu gọi và sai đi rao giảng về sự ăn năn và giải cứu cho người Ni-ni-ve. Vị tiên tri nầy biết rất rõ về tình yêu thương và quyền năng của Đức Chúa Trời. Ông biết là nếu ông vâng lời Chúa mà đi rao giảng tại Ni-ni-ve thì dân thành nầy sẽ ăn năn và được cứu. Điều nghịch lý tại đây là người giảng đạo lại không muốn người nghe đạo ăn năn. Chương 4 giải thích vì sao Giô-na không muốn đến giảng cho người Ni-ni-ve. Chúa đã sai Giô-na đi giảng cho kẻ thù của dân tộc ông, sứ điệp của sách Giô-na là: Hãy yêu kẻ thù. Chúa yêu họ và Ngài sẵn sàng tha thứ khi họ ăn năn. Các sách tiên tri chứa đầy sứ điệp nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, Ngài mãi mãi là Đấng yêu thương.

Tuy nhiên yêu thương chỉ là một thuộc tính của Đức Chúa Trời. Ngài còn là Đức Chúa Trời công bình. Ngài bày tỏ yêu thương và đồng thời Ngài cũng thi hành công lý tuyệt đối. Hai điều nầy không tương phản nhưng hòa hợp trong bản chất của Ngài. Chúa phán với Giô-na rằng, “Hãy yêu kẻ thù của ngươi, và đi đến Ni-ni-ve mà rao giảng sứ điệp ăn năn”.

Khi Chúa sai bảo Giô-na đi rao giảng tại Ni-ni-ve thì ông thưa: “Tôi sẽ không đi Ni-ni-ve”. Chúa phán, “Hãy đi.” Nhưng Giô-na đáp, “Tôi không đi”. Trước đây chúng ta có nói về kinh nghiệm với Chúa của một tiên tri gồm có hai phần: phần thứ nhất là họ đến với Chúa và gặp Chúa, phần thứ hai là được Chúa sai đi. Một người đến với Chúa, gặp Chúa với tấm lòng chân thành rộng mở thì cũng sẵn sàng để ra đi theo Lời Chúa sai phái. Kinh nghiệm đến với Chúa và ra đi cho Chúa quyện chặt với nhau. Đối với Giô-na thì việc nầy lại diễn ra theo chiều hướng trái ngược. Giô-na là người thành thật với chính mình và trước sau như một. Ông biết rằng bất cứ ai đến với Chúa thì sau đó cũng nhận được mạng lịnh từ Đức Chúa Trời rằng “Hãy đi”. Nhưng khi Chúa phán, “Hãy đi Ni-ni-ve” thì Giô-na thẳng thắn trả lời, “Tôi không đi”. Chương đầu của sách Giô-na có thể được tóm tắt bởi 3 chữ, “Tôi không đi”.

Giô-na thưa với Chúa rằng, “Tôi không đi, và tôi cũng không đến với Chúa nữa”. Giô-na biết rằng nếu ông đến với Chúa, ông sẽ nghe Chúa phán dạy y như trước nghĩa là “Hãy đi và rao giảng cho Ni-ni-ve”. Bởi vậy Giô-na rất thành thật giữ nguyên lập trường, ông quyết định chạy trốn để lánh mặt Đức Chúa Trời.

Lần đến chúng ta sẽ học về những lẽ thật quí báu và hợp thời mà Chúa muốn dạy chúng ta qua đời sống của Giô-na cũng như từ tác phẩm rất hay rất chân thật của ông. Kính thưa quí vị, “Quý vị có đang chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời chăng? Có bao giờ quí vị cảm nhận rằng Chúa muốn quí vị nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời cho người khác, ngay cả cho kẻ thù của mình nữa không?” Đây là phần áp dụng được rút ra từ sách của tiên tri Giô-na.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcBí Quyết Để Hội Thánh Hiệp Một – 1/10/2024
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ Mục Sư Trí Sự ĐIỂU VĂN ĐẶNG