Bài 154: Sách Áp-đia, Kinh Nghiệm Của Ê-đôm

939

Bài 154: Sách Áp-đia, Kinh Nghiệm Của Ê-đôm

Chúng ta đang khảo sát một trong những sách ngắn nhất của Kinh Thánh đó là sách của tiên tri Áp-đia. Sách nầy là sự nghiệm đúng giao ước của Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham. Khi kêu gọi Áp-ra-ham và chọn dòng dõi ông trở thành tuyển dân của Ngài thì Chúa hứa rằng, “Ta sẽ chúc phước kẻ nào chúc phước ngươi và rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi”. Ê-đôm là kẻ thù của tuyển dân, họ hả hê vui mừng trong ngày dân sự của Chúa bị nạn. Nhưng rồi kết quả là họ cùng chung số phận với những kẻ như Hitler để bị hủy diệt.

Cuốn phim “Nơi trú ẩn” đề cập đến biến cố Hitler tàn sát người Do Thái. Một cụ già trong phim tay cầm Kinh Thánh, nhìn ra cửa sổ thấy quân Đức lùa người Do Thái lên xe tải để chở họ đến những trại thủ tiêu, cụ nói rằng, “Họ đã đụng đến con ngươi của mắt Đức Chúa Trời, Hitler giết dân sự của Ngài thì cũng tự đưa mình vào chỗ chết”. Giao ước mà Chúa đã lập với Áp-ra-ham rằng Ngài chúc phước cho ai chúc phước họ và rủa sả cho ai rủa sả họ, đã được nghiệm đúng nhiều lần trong Cựu Ước cũng như trong lịch sử loài người. Những kẻ bắt bớ, khủng bố tuyển dân của Đức Chúa Trời rồi cũng sẽ bị hủy diệt sau đó. Áp-đia cho biết Ê-đôm bị tận diệt vì họ đã khủng bố con cháu của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp.

Áp dụng thứ hai của sách Áp-đia mang tính chất cá nhân hơn. Điểm chính trong sứ điệp của Áp-đia là bài học từ đời sống Gia-cốp và Ê-sau. Gia-cốp là điển hình cho người thuộc linh. Mặc dầu ông là người bất toàn, mặc dầu ông là kẻ chiếm đoạt, tinh quái, nhưng Gia-cốp vẫn là hình ảnh chỉ về người thuộc linh. Ông nêu gương cho chúng ta ở chỗ ông khao khát những điều thuộc linh và theo đuổi nó.

Khi xem lại cuộc đời của Gia-cốp, người mà tên của ông được dùng để đặt cho tên của tuyển dân sau nầy, chúng ta thấy rằng ông tiêu biểu cho người thuộc linh. Quốc gia ra đời từ Gia-cốp cũng trở thành biểu tượng cho người thuộc linh. Khi nói họ trở nên biểu tượng thuộc linh thì không có nghĩa là họ hoàn toàn. I Cô-rinh-tô 10:11 chép rằng,

Những sự ấy có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời.

Dầu bất toàn nhưng họ đã làm gương cho chúng ta. Có gương tốt cũng như gương xấu. Người Y-sơ-ra-ên là một minh họa về sự tuyển chọn của Đức Chúa Trời, họ cũng minh họa về ý chí tự do vì họ có quyền lựa chọn và đã nhiều lần họ chọn để từ khước Ngài.

Con cháu của Ê-sau là người Ê-đôm. Ê-sau là một điển hình cho người mang tinh thần thế tục. Ngày nay nó thể hiện dưới dạng của chủ nghĩa cho rằng con người là trung tâm, con người làm được mọi việc, nó cũng chỉ về chủ nghĩa vật chất. Những con người nầy không hề quan tâm đến đời sống thuộc linh. Kết quả của Ê-sau là Ê-đôm. Ê-sau nghĩa là nhiều lông còn Ê-đôm nghĩa là đỏ. Ê-đôm là dòng dõi Ê-sau vì khi sinh ra thì Ê-sau đỏ và nhiều lông. Nơi mà người Ê-đôm sống là những mỏm đá đỏ.

Nếu nhìn trọn cuộc đời của một người thuộc linh, chúng ta thấy gì? Nói cách khác một người ham mến và theo đuổi các điều thuộc linh thì họ sẽ gặt gì? Câu trả lời được tìm thấy qua từng trang sử của cuộc đời Gia-cốp và dòng dõi của ông là dân Y-sơ-ra-ên sau nầy.

Ngược lại hậu quả của một đời sống thế tục, không hề quan tâm đến những điều thuộc linh là gì? Câu trả lời cũng được thấy qua cuộc đời của Ê-sau và dòng dõi của ông là Ê-đôm. Khi sống theo tinh thần thế tục thì hậu quả sẽ là Ê-đôm.

Có bài học nào về hai đời sống hoàn toàn trái ngược của Gia-cốp và Ê-sau? Cả hai là thai đôi nằm trong nguời mẹ Rê-bê-ca. Xét về phương diện áp dụng thuộc linh thì nhiều người tin rằng, hình ảnh đó chỉ về hai sức mạnh lúc nào cũng sẵn có trong mỗi người. Chúng ta có tiềm năng của Gia-cốp và chúng ta cũng có tiềm năng của Ê-sau.

Một giáo sĩ truyền giáo tại Ấn Độ, hôm kia ông vào một ngôi làng có nhiều người đã tin Chúa. Ông hỏi viên trưởng làng là người đã tin Chúa khoảng một năm rằng, “Sau khi tin Chúa, ông cảm thấy thế nào?” Viên trưởng làng trả lời, “Tôi có cảm tưởng là có hai con chó đang sống trong tôi. Một con chó màu trắng và một con chó màu đen cứ đánh nhau luôn luôn”. Rất thích thú với câu trả lời của viên trưởng làng nên vị giáo sĩ hỏi tiếp, “Nhưng vấn đề là con nào thắng?” Viên trưởng làng đáp, “Con nào tôi cho nó ăn thì con đó thắng”.

Sứ đồ Phao-lô mô tả hình ảnh đó trong chương 7 của sách Rô-ma. Ông nói,

19 vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.
20 Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy.
21 Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi.
22 Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng;
23 nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy.
24 Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?
25 Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta!

Chúng ta có tiềm năng của con người thuộc linh và cũng có tiềm năng của con người thế tục. Cả hai sức mạnh nầy vẫn còn hiện hữu trong chúng ta. Vấn đề là chúng ta muốn phát triển con người thuộc linh hay con người thế tục. Cả hai tiềm năng nầy được gói ghém trong sách rất ngắn của tiên tri Áp-đia. Chúng ta sẽ xem bằng cách nào Gia-cốp trở nên Y-sơ-ra-ên và bằng cách nào Ê-sau trở thành Ê-đôm.

Biến cố quan trọng trong cuộc đời của Gia-cốp là khi ông vật lộn với Chúa. Đây là kinh nghiệm rất quí báu của ông. Cuộc vật lộn nầy bắt đầu với việc Chúa tấn công, nhưng lại kết thúc với việc Gia-cốp tấn công. Đến hồi cuối thì Gia-cốp đã nói rằng, “Tôi sẽ không để cho Ngài đi nếu Ngài không ban phước cho tôi.” Việc nầy xảy ra sau khi Chúa đánh gãy xương hông của ông. Tại đó Đức Chúa Trời ban phước cho Gia-cốp. Nhưng trước khi ban phước cho ông thì Chúa hỏi “Tên ngươi là chi?” Ông trả lời, “Tên tôi là Gia-cốp.” Vì sao Chúa hỏi tên của Gia-cốp? Ngài muốn nói với ông rằng, “Gia-cốp, ngươi phải nhìn vào chính con người bên trong của ngươi, thấy con người thật của mình, thấy những điểm mà ta muốn thay đổi trên đời sống của ngươi. Sau đó ngươi phải nhìn lên để nhận thức rằng chỉ một mình ta mới có quyền thay đổi tâm tính ngươi. Cuối cùng ngươi hãy nhìn đến những người chung quanh để xem lại mối liên hệ của ngươi với người khác”. Chúa đặt tên cho ông là Y-sơ-ra-ên nghĩa là “người chiến đấu”. Chúa phán, “Ngươi đã chiến đấu với Đức Chúa Trời và với con người, ngươi đã được thắng”. Đây là một trang sử quan trọng trong cuộc đời thuộc linh của Gia-cốp.

Câu chuyện về Gia-cốp khích lệ chúng ta đến với Chúa và thưa với Ngài rằng, “Con thật lòng mong Chúa ngự trị và cầm quyền trên con, Ngài là Chúa con và Đức Chúa Trời con, con mong rằng Chúa sẽ chiến thắng bản chất Ê-sau ở trong con”. Đôi khi để thực hiện điều đó, Chúa đem chúng ta đến rạch “Gia-bốc”, nơi mà Ngài đã vật lộn với Gia-cốp. Tại đó Ngài đánh què chúng ta để sau đó Ngài có thể đội mão triều cho chúng ta.

Dầu là người tốt đi đến đâu chăng nữa, chúng ta vẫn mang tiềm năng Ê-sau, nhất là trong những động cơ thầm kín của mình. Tuy nhiên chúng ta cũng có tiềm năng Gia-cốp. Tất cả chúng ta đều có hai tiềm năng đó, nó nằm bên trong mỗi chúng ta. Làm thế nào để Gia-cốp thắng Ê-sau hay làm thế nào để con chó trắng thắng con chó đen? Chúa sẽ đưa chúng ta vào trong những hoàn cảnh có khi là khủng hoảng để Ngài hạ chúng ta xuống, sau khi hạ chúng ta xuống thì Chúa làm cho con người thuộc linh trong chúng ta được mạnh mẽ và con người xác thịt sẽ yếu đi.

Sứ điệp của Áp-đia đó là “Sớm muộn gì rồi chúng ta cũng sẽ nhận lấy hậu quả của những gì đã gieo”. Nếu sống theo tinh thần của Gia-cốp hoặc sống theo tinh thần của Ê-sau thì sớm muộn gì rồi chúng ta cũng gặt hậu quả. Kết quả của Gia cốp là Y-sơ-ra-ên, kết quả của Ê-sau là Ê-đôm. Ê-đôm dạy chúng ta nhiều điều. Sách Ê-xơ-tê nói đến Ha-man, viên thủ tướng dưới triều vua A-suê-ru của đế quốc Mê-đi, ông là người căm thù, muốn giết sạch người Do Thái. Trước mắt ông muốn nhổ cái gai nhọn là Mạc-đô-chê. Ha-man dựng một cây trụ để treo cổ Mạc-đô-chê, nhưng cuối cùng thì chính ông lại bị treo vào cây trụ do tay mình dựng lên. Ha-man là trường hợp phản ánh mặt tiêu cực của luật vàng sau đây: “Những gì bạn làm cho người khác thì điều đó cũng sẽ xảy đến cho bạn”. Người Ê-đôm đã gây đau khổ cho người Do Thái và đến phiên họ gặt những đau khổ mà họ đã gây ra cho tuyển dân của Đức Chúa Trời.

Khi học về Tiên tri Áp-đia, chúng ta thấy sự xuất hiện của hai quốc gia, hai quốc gia nầy bắt đầu với một thai đôi trong bụng mẹ. Ê-sau khi lớn lên đã bán quyền trưởng nam bởi một tô canh mà thôi. Chỉ vì một tô canh mà Ê-sau bằng lòng đánh đổi quyền trưởng nam. Một số người chỉ vì chạy theo danh lợi đời nầy mà có khi gạt bỏ niềm tin của mình. Có người tẻ tách khỏi chương trình của Đức Chúa Trời dành cho mình vì muốn hưởng những điều giống như tô canh đó. Giả sử Chúa kêu gọi một bạn trẻ dâng mình hầu việc Ngài, nhưng anh bị cám dỗ để chọn một ngành nghề khác kiếm được nhiều tiền hơn. Có thể bạn gái của anh sẽ nói rằng, “Nếu tụi mình cưới nhau, hai đứa đều có việc làm thì gia đình ổn định, mình sẽ hưởng được bao nhiêu niềm vui mà cuộc sống sẽ đem lại”. Nếu họ ngã quị trước cám dỗ đó thì họ đã hành động như Ê-sau. Bán đặc quyền thuộc linh để lấy một tô canh. Sớm muộn gì họ cũng sẽ thấy những gì họ mơ tưởng giống như một tô canh mà thôi, và chính tô canh đó là một chướng ngại khiến họ tẻ tách khỏi ý muốn của Đức Chúa Trời.

Gia-cốp mặc dầu là người tinh ranh, chiếm đoạt, tranh đấu, nhưng Gia-cốp là người trân trọng và theo đuổi những điều có giá trị thuộc linh. Do đó dòng dõi ông là dân Y-sơ-ra-ên được lựa chọn để qua đó Chúa Cứu Thế vào đời. Hiện nay dân Do Thái xa cách Chúa, nhưng một ngày kia họ sẽ quay về với Ngài. Minh họa về Gia-cốp và Ê-sau vẫn chưa được thể hiện trọn vẹn cho đến khi dân Y-sơ-ra-ên quay trở về với Chúa. Một khi thấy Giê-ru-sa-lem mới và Y-sơ-ra-ên được khôi phục theo như những gì các tiên tri mô tả thì chúng ta hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của minh họa nầy. Nó cũng là sự ứng nghiệm trọn vẹn sứ điệp mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta qua tiên tri Áp-đia.

Trước khi chấm dứt, xin quí vị hãy suy nghĩ về hậu quả của những gì mà quí vị sẽ đón nhận. Phải chăng quí vị giống như Ê-sau, muốn những điều vui thú của thế gian nầy hơn là những điều thuộc linh có giá trị đời đời? Phải chăng quí vị giống như Gia-cốp, biết rằng mình bất toàn nhưng quí vị khao khát và theo đuổi những điều có giá trị thuộc linh là những điều còn lại đời đời. Cả hai tiềm năng nầy đều có sẵn trong người chúng ta. Tôi xin nhắc lại câu của một viên trưởng làng đã nói, “Có hai con chó trắng và đen ở trong tôi, con nào mà tôi cho nó ăn thì con đó sẽ thắng”.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcUB. CĐGD: Giới Thiệu Bài Học Kinh Thánh Hằng Ngày Quý IV/2024
Bài tiếp theoVĩnh Long: Bổ Nhiệm Quản nhiệm Hội Thánh Song Phú