Về Đông Giang, những ngày tháng Ba, ai cũng nghe nói về Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang trên địa bàn 2 xã Mà Cooih và Kà Dăng. “Cổng trời” theo cách gọi của người dân tại thôn Kà Đâu, xã Kà Dăng chỉ về một vòm núi đá vôi khổng lồ nối hai đỉnh đồi với nhau. Tại đây xuất hiện những hang động rất đẹp chưa được nhiều người biết đến. Có vô số hang lớn nhỏ với các thạch nhũ lạ mắt, nhiều ghềnh thác, suối mát…được tạo thành do các dòng nước từ khe núi chảy ra.
Chắc có lẽ rất ít người biết tại vùng đất nơi đây có đến 3 Hội Thánh Tin Lành của người dân tộc Cơtu[1]: Yều (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc), Achôm 2 (xã Kà Dăng, huyện Đông Giang) và Thạnh Mỹ (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang), đó là chưa kể một số Điểm Nhóm khác đang dần hình thành. Người Cơtu sống chủ yếu tại ba huyện Đông Giang, Tây Giang (Hiên) và Nam Giang (Giằng) của tỉnh Quảng Nam, và một phần còn lại là Phú Lộc, A Lưới của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Câu chuyện ngày hôm qua
Năm 1911, khi chính thức đặt chân đến Đà Nẵng, ảnh hưởng của đạo Chúa bắt đầu lan tỏa ra khắp tỉnh Quảng Nam. Điều này có được nhờ những nỗ lực truyền giáo của các tôi tớ Chúa, và mặt khác, những người buôn bán đi lại đến thành phố Đà Nẵng đã trở thành những hạt giống đạo khi họ tin nhận Chúa tại đây và trở về quê nhà chia sẻ Phúc Âm cho người thân, láng giềng. Các Hội Thánh lân cận Đà Nẵng liên tiếp được thành lập: Hội An, Đại An, Lạc Thành, Trường An, Thanh Quýt…
Hội đồng Địa hạt Trung kỳ lần thứ 06 nhóm tại nhà thờ Thu Bồn từ ngày 23-26/02/1937 đã thông qua nhiều biểu quyết, trong đó có đề nghị xin mở thêm một Hội Thánh người sắc tộc tại An Điềm.[2] Điều này cho thấy, vấn đề truyền giáo cho người Cơtu đã được Giáo Hội quan tâm rất sớm.
Trước đó, ngày 11, 12/02/1932, Mục sư Huỳnh Kim Luyện và Truyền đạo Duy Cách Lâm cùng một số Chấp sự lên truyền giáo tại Thạnh Mỹ (nay thuộc huyện Nam Giang, có Hội Thánh Thạnh Mỹ). Kết quả có 08 người tin Chúa, một trong những trái đầu mùa đó là anh Đình, người dân tộc (có lẽ là người Cơtu).[3] Trong những năm 1933, Ban Chứng đạo của Hội Thánh Đại An cũng thường ra đi làm chứng tại các làng Ngọc Kinh, Thạnh Mỹ, Tiên Sơn Tây, Hội Khách, Hoàng Phước, Phường Bãi, Tịnh Đông, Tiên Sơn, An Điềm, Trà Nông và Tịnh An Đông.[4]
Trong cuốn “Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1911-1965), Mục sư Lê Hoàng Phu viết như sau:
“Công việc khởi sự với ông Kiều Toản giữa vòng người Cơtu đầu thập niên 1940, kết quả là có 300 người trở lại đạo trước chiến tranh giành độc lập, và bị gián đoạn bởi chiến tranh và sự bắt giam vị Truyền giáo bởi Việt Minh. Cuối cùng, bởi sự tập kết của bộ đội Việt Minh theo sau sự ký kết hiệp định Geneva, trong số mấy trăm người tin theo, chỉ có 70 có thể ở lại Hiên Giằng, quận Thường Đức, Quảng Nam.”[5]
Theo lược sử của Hội Thánh Achôm 2, Tin Lành đã đến với đồng bào Cơtu từ năm 1941.
Ngày 04/10/1941, nhà Truyền giáo Kiều Toản đặt chân đến vùng đất này. Ngày 20/10/1941, ông đã có chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên và đã gặt hái được nhiều kết quả tại các bản làng. Từ lúc đó đến tháng 6/1943, ông đã thực hiện được 11 chuyến đi. Trong chuyến truyền giáo cuối cùng vào ngày 03/06/1943, đã có sự góp phần của Mục sư Ông Văn Trung. Lễ Báp-têm đầu tiên tại Cơtu được cử hành cho 7 con cái Chúa.[6] Tháng 7/1943, nhà Truyền giáo Kiều Toản về lại trường Kinh Thánh để học năm tốt nghiệp. Năm 1945, ông trở lại với công trường thuộc linh Chúa giao, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh nên công cuộc truyền giáo phải tạm ngưng, ông được Giáo Hội cử về lo công việc Chúa tại Hội Thánh Đại An[7] vào năm 1946.
Đến tháng 01/1957, một lần nữa, ông trở lại với công tác truyền giáo, nhưng vẫn không thể nào liên lạc được với những người tin Chúa trong những năm 1942 – 1943.[8] Tuy nhiên, đã có hai gia đình ở làng Phú Bảo[9] trở lại với Chúa.[10] Hình ảnh đoàn Truyền giáo chuẩn bị rời khỏi làng người Cơtu tại An Điềm đăng trên Thánh Kinh báo số 239 (070), tháng 09 năm 1956, cho thấy hoạt động truyền giáo thời kỳ này khá sôi nổi.
Tháng 08/1957, nhà thờ tại Yều được khánh thành,[11] và nhà thờ tại Bến Hiên do một số tín đồ ở làng Hiệp và Wơ[12] chung sức để xây dựng, có lẽ cũng được hoàn thành trong năm 1958.[13] Có một số tín đồ trong hai làng này đã chịu phép báp-têm trong dịp khánh thành nhà thờ ở làng Yều. Nhà thờ ở Bến Hiên (thuộc xã Hiên Đườm, huyện Hiên) rất cần thiết vì chỗ này là nơi tập trung các người dân vùng cao về buôn bán hàng ngày, cũng gần hai làng Hiệp và Wơ. Thời kỳ này, Mục sư Phạm Xuân Tín đã lên đây thăm làng Tà Hoa ở Bến Giằng (nay thuộc huyện Nam Giang), và tham gia vào việc soạn chữ cho tiếng Cơtu.[14]
Trong bài viết “Tôi phải được báp-têm” (I must be baptized!) trên tạp chí Jungle Frontiers số 7, tháng 03/1958, tác giả Harriette Irwin có viết về những tập tục xưa của người Cơtu[15], đồng thời cũng có nói đến một người tên là Num đã tin Chúa và đã dẫn dắt nhiều người khác đến với Chúa. Anh cũng được về dự và làm chứng tại Hội đồng Thượng du tại Đà lạt (có lẽ là vào tháng 03/1957).[16]
Mục sư Đoàn trưởng Đoàn Truyền giáo Cao nguyên Phạm Xuân Tín có đi thăm công việc Chúa ở khu vực Hiên-Giằng từ ngày 01-04/05/1958. Truyền đạo Kiều Toản đã đưa Mục sư Tín đến thăm Hội Thánh Chúa ở làng Yều, làng Wơ. Lúc này đã có trên 70 người Cơtu chịu báp-têm trong 7 làng và có 2 nhà thờ (Hiên, Yều) được xây dựng.[17]
Như vậy, có thể thấy, trước năm 1958, tại vùng này đạo Chúa đã lan tỏa được nhiều nơi: Wơ, Hiệp, Ngật[18], Yều, Bến Hiên, Phú Bảo…
Năm 1958, trước và sau khi diễn ra Hội đồng tại Tam Kỳ, ông bà Truyền giáo Mục sư Kiều Toản[19] có những cuộc đi thăm các làng Cơtu để nâng đỡ đời sống tin kính của những người mới tin nhận Chúa và cũng cầu nguyện cho 34 người ở ba làng. Do đi trên sông nước, nên ông cũng thường gặp tai nạn, nhưng nhờ Chúa được bình an về đến nhà.[20] Bản thân ông và các con cũng không tránh khỏi bệnh tật. Hội Thánh Chúa ở làng Yều vẫn nhóm họp thờ phượng Chúa ngày Chúa nhật. Vùng đất này vẫn còn khá hoang sơ, nên thú rừng vẫn thường xuyên xuất hiện.[21]
Ngày 24/07/1958, quận Hiên-Giằng được thành lập, quận lỵ đóng tại Hà Tân (nay có Hội Thánh Đại An) ngay phía dưới miếng đất mà Hội Truyền giáo xin. Mục sư Kiều Toản dời nhà giảng ở Bến Hiên lên trên thượng nguồn, cách độ vài cây số. Trong tháng 08/1958, ông mời Giáo sĩ hiệp tác đi thăm thêm các làng Cơtu khác và giảng Tin Lành.[22]
Tháng 10 năm ấy, tại Hiên Giằng mưa lụt rất nhiều, liên tiếp xảy ra 3 trận lụt, mà trận sau cùng là lớn hơn hết, nước vào nhà của Mục sư Kiều Toản đến hơn 1m. Hội Thánh dỡ nhà thờ cũ ở Bến Hiên thiên di vào một nơi rộng đẹp hơn, tổng cộng hết 4 tháng công và tranh tre, cây gỗ. Nền bằng xi măng, dài 7m, ngang 5m. Ông cũng đi thăm viếng tín đồ, một số anh em bị đau ốm vì thiếu thuốc men, mùa màng bị hư hoại nhiều ở những chỗ thấp vì lụt và gió lớn.[23]
Trong tháng 04/1959, Mục sư Truyền giáo Kiều Toản và hai tín đồ Cơtu đã đến thăm Hội Thánh Đà Nẵng và trường Kinh Thánh. Trong dịp này, Hội Thánh Đà Nẵng hứa hỗ trợ cho một Tập sự cho công cuộc truyền giáo ở Cơtu. Trường Kinh Thánh cũng giúp lộ phí các ông. Sau đó mấy ngày, các Giáo sĩ từ Ban Mê Thuột có đến thăm làng Hipe (có lẽ là làng Hiệp) sau khi nhóm tại Bến Hiên, và có ban báp-têm cho 9 người nam và 6 người nữ.[24]
Nhà thờ Tin Lành ở bến Hiên (ảnh TKB, số 250 (090), tháng 05/1959)
Nhóm tín đồ người Cơtu tại làng Ngật (ảnh TKB, số 265 (096), tháng 11/1959)
Tuy nhiên, đến tháng 02/1962, vì chiến tranh, dân làng Wơ, chừng 70 người bị đưa về An Điềm, hai nhà nguyện bị bỏ lại. Năm 1964, Hội Thánh Cơtu tiếp tục xây dựng nhà thờ bằng xi măng tại An Điềm,[25] có lễ khánh thành trọng thể và có một lễ Giáng sinh phước hạnh cho con dân Chúa.
Ảnh: TKB, số 318, tháng 02-03/1965
Ảnh TKB, số 318, tháng 02-03/1965
Đầu năm 1965, nhà thờ bị bom đánh sập, tài sản hoàn toàn bị hư hại, nhưng Chúa cho không có thiệt hại về tính mạng. Tín hữu người Cơtu lại phải tị nạn về làng Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, nơi có nhà thờ Tin Lành Đại An. Từ đó, Hội Thánh Cơtu trở thành một chi phái thuộc Hội Thánh Đại An.[26]
(còn tiếp)
Vũ Hướng Dương
—-
Chú thích:
[1] Theo Mục sư Nguyễn Thanh Hồng, từ “Cơtu” mới chính xác, còn từ “Katu” như nhiều người dùng hiện nay chỉ có từ khi nhà Truyền giáo Kiều Toản lên đây, và sau này, các nhà truyền giáo khác cũng dùng theo. Chính vì vậy, trong bài, người viết xin dùng từ Cơtu thay cho chữ Katu.
[2] Thánh Kinh báo, Tin tức, 074, tháng 04/1937
[3] Thánh Kinh báo, Tin tức, 014, tháng 04/1932
[4] Thánh Kinh báo, Tin tức, 026, tháng 04 và 030, tháng 08/1933
[5] Lược sử HTTLVN (1911-1965), Mục sư Lê Hoàng Phu, trang 350, 351
[6] Cũng cần biết, trong thời gian này, vì đường bộ chưa phát triển, nên các nhà truyền giáo đều phải di chuyển bằng đường sông. Bến Hiên (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang) , Bến Giằng (xã Cà Dy, huyện Nam Giang) là hai bến sông khá sầm uất thời bấy giờ nằm trên hai nhánh đầu nguồn sông Vu Gia. Hiện nay, hai bến này không còn hoạt động, một phần vì đường bộ phát triển, phần khác, do có thủy điện ở đầu nguồn nên nước sông cạn kiệt, ghe thuyền không thể lưu thông lên đến đây.
[7] Thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, cách Điểm nhóm Yều, xã Đại Hưng khoảng 10km
[8] Lược sử Hội Thánh Tin Lành Achôm 2
[9] Thánh Kinh báo ghi là “Phú Bào”, nay thuộc xã Ba, huyện Đông Giang
[10] Thánh Kinh báo, Tin Tức Đoàn Truyền Giáo Miền Cao Nguyên, Tiếng Gọi Núi Rừng, 255 (086), tháng 01/1958
[11] Lúc đó bên bờ phía bắc sông Bung, xã Cà Dăng, cách Achôm 2 gần 3km; chứ không phải như hiện nay, thuộc bờ nam sông Bung, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc
[12] Theo Mục sư Nguyễn Thanh Hồng, Quản nhiệm Chi hội Achôm 2, làng Wơ hiện nay đã không còn
[13]“Lễ Giáng sinh cử hành tại nhà thờ Bến Hiên ngày 22/12/1958”, hình trên Thánh Kinh báo, 269 (100), tháng 03/1959
[14] Thánh Kinh báo, Tin Tức Đoàn Truyền Giáo Miền Cao Nguyên, Tiếng Gọi Núi Rừng, 255 (086), tháng 01/1958
[15] Ông có nói về tục “săn máu” của người Cơtu, là một hủ tục rất ghê sợ, mãi cho đến những năm 1950, hủ tục này mới hoàn toàn chấm dứt. Trong tạp chí Junge Frontier,, số 08, tháng 10/1958, Giáo sĩ Irwin cũng có nói về một số hủ tục rất lạc hậu khác của người Cơtu.
[16] Thánh Kinh báo, Chuyên mục Đoàn Quân Thánh, 245 (076), tháng 03/1957
[17] Thánh Kinh báo, Tin tức Đoàn Truyền Giáo Miền Cao Nguyên, 262 (093), tháng 08/1958
[18] Hình trên Thánh Kinh báo, 265 (096), tháng 11/1958
[19] Ông được tấn phong Mục sư ngày 29/06/1958, tại nhà thờ Tin Lành Tam Kỳ
[20] Thánh Kinh báo, Chuyên mục Tiếng Gọi Núi Rừng, Tin tức, 269 (100), tháng 03/1959
[21] Thánh Kinh báo, Tin tức Đoàn Truyền giáo, 265 (096), tháng 11/1958
[22] Thánh Kinh báo, Tin tức Đoàn Truyền giáo, 265 (096), tháng 11/1958
[23] Thánh Kinh báo, Tin tức Đoàn Truyền giáo, 267 (098), tháng 01/1959
[24] Thánh Kinh báo, Tin tức, 274 (105), tháng 08/1959
[25] Hình trên Thánh Kinh báo, 318, tháng 02-03/1965
[26] Lược sử Hội Thánh Tin Lành Achôm 2, và hình trên Thánh Kinh báo số 318, tháng 02-03/1965