Nhưng không ai hỏi rằng: Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa của tôi, ở đâu? Ngài khiến cho người ta hát vui mừng trong ban đêm” (Gióp 35:10)
Chúng ta đang sống trong một thế giới bị bao trùm bởi màn đêm của tội lỗi. Vì thế, con người đầy dẫy sự bất an và sợ hãi. Trong những năm gần đây, nhân loại đã gánh chịu biết bao vấn nạn lớn, từ chiến tranh, thiên tai, đến dịch bệnh… và không biết những ngày sắp tới đây chuyện gì sẽ đến nữa! Thật, chúng ta đang ở trong đêm tối của thời kỳ cuối cùng. Kinh Thánh thường dùng“Ban đêm” để nói về sự nguy hiểm, sợ hãi, kinh khiếp, chết chóc. Người ở trong “ban đêm” là người đang trong cảnh hoạn nạn, bị tuyệt vọng, không lối thoát, không thấy ánh sáng hy vọng.
Nhân loại nói chung, và mỗi chúng ta nói riêng dường như đều đang ở trong “ban đêm” của đại dịch Covid-19. Đại dịch này đã khiến chúng ta không được tự do đến nhà Chúa thờ phượng Ngài, làm cho chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Dù vậy, Lời Chúa hứa rằng chính Ngài sẽ làm cho người ta “Hát vui mừng trong ban đêm”. Trong những hoàn cảnh khốn khó, hoạn nạn, thử thách của cuộc đời tưởng chừng như không thể hát được, thì Chúa vẫn có quyền khiến chúng ta hát vui mừng trong những ban đêm đó.
Lời Chúa trong Gióp 35:10 chỉ cho chúng ta 3 phương cách để có thể “hát mừng trong ban đêm”:
I. TƯỞNG NHỚ ĐẤNG TẠO HÓA
“Nhưng không ai hỏi rằng: Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa của tôi, ở đâu?” (Gióp 35:10a)
Trong câu Kinh Thánh này, ông Ê-li-hu nhấn mạnh Đức Chúa Trời là “Đấng Tạo Hóa”, nghĩa là Ngài biết rõ chúng ta. Chúa biết từng hoàn cảnh, từng nhu cầu, từng nan đề mà mỗi chúng ta đang đối diện.
Bấy lâu nay, con người đã sống vội quá…! Vì sống vội vàng, lúc nào cũng bận rộn, nên con người đã quên Đấng Tạo Hóa mình. Nhưng giờ đây, thế giới đã phải sống chậm lại vì Covid-19, để có thời gian tưởng nhớ đến Đấng Tạo Hóa.
Thử nghĩ xem: Chỉ bởi con virus mang tên Corona bé nhỏ, nhưng đã làm cho cả thế giới rúng động và hoảng sợ. Cả đến những quốc gia giàu có, tiên tiến với nhiều phát minh vĩ đại trên nhiều lĩnh vực cũng phải thất thủ. Trong cơn tuyệt vọng, con người mới thấy mình yếu đuối.
Đại dịch Covid-19 đã đến để cho con người nhìn lại chính mình và nhận thức đúng mình là ai trong vũ trụ này. Con người chỉ là tạo vật nhỏ bé của Đức Chúa Trời, và có sự khôn ngoan hữu hạn nên hãy khiêm nhường, hãy hạ mình ăn năn quay về với Đấng Tạo Hóa.
Lời Kinh Thánh chép: “Đời loài người như cây cỏ; Người sanh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng; gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa” (Thi Thiên 103:15-16). Đời người ngắn ngủi, nhưng nhân loại lại khoe khoang về việc khám phá các hành tinh, thành tựu khoa học kỹ thuật và y khoa, thậm chí đã tạo ra những thứ vũ khí giết người hàng loạt và rồi tự hào cho rằng chúng ta có thể khống chế cả thế giới. Nhưng, hãy thức tỉnh “Vì sự khôn ngoan đời nầy trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại dột. Như có chép rằng: Ấy là Chúa bắt những kẻ khôn ngoan trong mưu kế họ” (I Cô-rinh-tô 3:19).
Là tôi con Chúa, mỗi chúng ta cũng không ai được miễn trừ khỏi những đêm đen của cuộc đời. Nhận biết điều này để luôn giữ một tâm thế sẵn sàng, vững vàng vì sẽ có những hoàn cảnh mà chúng ta không lấy làm vui lòng xảy đến trong cuộc đời. Trong sách Truyền Đạo chương 12, vua Sa-lô-môn đã mô tả về viễn cảnh tương lai khi những ngày tăm tối sẽ xảy đến trong cuộc đời mỗi người. Vì thế, ông đã mở đầu chương nầy với lời khuyên chân thành: “Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi,…” (Truyền Đạo 12:1a).
Khi nhìn lại cuộc đời thăng trầm của Gióp, dầu ông đã đối diện với những hoạn nạn lớn và kinh khiếp, nhưng ông không bao giờ tuyệt vọng. Gióp luôn đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời hằng sống. Chính ông đã phát biểu tuyên ngôn đức tin của mình: “Còn tôi, tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống; Đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất” (Gióp 19:25).
Covid-19 đang là đại dịch toàn cầu và chúng ta không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng và những tổn thương mà nó mang đến. Nhưng dầu trong hoàn cảnh nào, hãy nhớ rằng: Tôi có Chúa, tôi thuộc về Chúa, Ngài Đấng Tạo Hóa của tôi và Ngài biết rõ tôi.
II. PHÓ THÁC CUỘC ĐỜI TRONG TAY CHÚA
Phó thác nghĩa là giao phó hoàn toàn và tất cả. Trong Gióp 35:11, Chúa cho chúng ta “thông sáng”, “khôn ngoan” hơn muôn loài để hiểu sự mạc khải và sự dạy dỗ của Chúa. Chúng ta chỉ tìm được lời giải đáp đúng đắn cho đời mình khi biết phó thác đời sống cho Ngài.
Thi Thiên 91:1 chép rằng: “Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, Sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn năng.” Vậy “Nơi kín đáo của Đấng Chí Cao” là ở đâu? Theo Mục sư Thorry thì đó là: “Ở dưới sự che chở, bảo vệ của Chúa, nhờ Ngài giữ ta khỏi mọi hiểm họa. Cũng có nghĩa là hoàn toàn nhờ cậy Ngài chăm sóc, hoàn toàn phó thác hạnh phúc mình trong tay của Ngài”. Như vậy, “ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao” chính là phó thác cuộc đời của mình nơi Chúa.
Là con dân của Chúa, mỗi chúng ta hãy bền lòng và lạc quan trong hoạn nạn. Dù trong hoàn cảnh nào thì “Ngài khiến cho người ta hát vui mừng trong ban đêm” (câu 10b). Sứ đồ Phao-lô dạy chúng ta hãy vui mừng giữa hoạn nạn, vì hoạn nạn sinh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sinh sự rèn tập, và sự rèn tập cho chúng ta sự trông cậy nơi Chúa (Rô-ma 5:3-4).
Khi Sứ đồ Phao-lô và Si-la bị đánh đập, bị bỏ tù vô cớ, nhưng các ông vẫn cầu nguyện, hát ca ngợi Chúa ngay tại chốn lao tù tăm tối. Tiếng hát trong đêm của hai ông đã bày tỏ niềm tin sắc son và trọn vẹn nơi Chúa. Kết quả cho đức tin đó là Chúa không chỉ cứu các ông ra khỏi tù mà còn cứu cả gia đình viên cai ngục nữa (Công vụ 16:25-34).
Chúng ta sẽ có thể hát vui mừng trong ban đêm khi ý thức sự dự bị của Chúa trên đời sống của mình. Chúng ta cùng nhìn lại công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời, chúng ta thấy rằng: Dầu là một tạo vật đặt biệt, nhưng Đức Chúa Trời không dựng nên con người ngày đầu tiên. Đức Chúa Trời đã dựng nên con người vào ngày thứ 6, sau khi đã tạo dựng xong muôn loài vạn vật thật tốt lành. Tại sao như vậy? Vì: “Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật cho con người thụ hưởng, nhưng Đức Chúa Trời dựng nên con người cho chính Ngài”.
Chính vì thế, trong nghịch cảnh mỗi chúng ta cần có đủ đức tin nơi Chúa để phó thác mọi sự cho Ngài. Phục Truyền 33:27a, “Đức Chúa Trời hằng sống là nơi ở của ngươi, ở dưới có cánh tay đời đời của Ngài.” “Ở dưới” có nghĩa là ở nơi tận cùng, thấp nhất có cánh tay đỡ nâng của Chúa.
Như chúng ta biết chim ưng là loài chim có đôi cánh rất khỏe. Khi chim con đã lớn, chim ưng mẹ sẽ đẩy nó ra khỏi tổ từ trên hóc núi cao để cho chim con rơi xuống. Làm như vậy, không phải vì chim mẹ không thương chim con, nhưng chim mẹ muốn đưa con vào hoàn cảnh ấy để nó dùng sức của mình lấy lại thăng bằng và tung cánh bay được giữa trời. Nhờ đó, chim con sẽ trưởng thành. Khi chim con rơi xuống, chim mẹ vẫn trên cao dõi theo con mình, và nếu như thấy chim con đuối sức hoặc bị rơi xuống chỗ thấp nhất, chim mẹ sẽ sà cánh xuống và lấy đôi cánh to lớn của mình để đỡ, hứng chim con lên một cách bình an. Thử tưởng tượng lúc đó, có thể chim con sẽ nói với chim mẹ rằng: “Mẹ ơi…! Mẹ không thương con sao? Sao mẹ lại đẩy con xuống nguy hiểm như vậy…! Một lần thôi được rồi nha mẹ, đừng làm như vậy với con nữa nha!”. Nhưng rồi, vì chim con chưa được trưởng thành, nên những ngày sau chim mẹ cứ thả chim con xuống nữa, và thậm chí hết lần này đến lần khác cho đến khi nào con tự bay được mà thôi.
Với Cơ Đốc nhân cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ để chúng ta vào thử thách (thậm chí “sự thử thách trăm bề”) như một trường tôi luyện để chúng ta được trưởng thành trong đức tin, có một sức mạnh thuộc linh để có thể đối diện với mọi hoàn cảnh và trở thành chiến binh thập tự sống đắc thắng và kết quả cho Danh Ngài.
Trong cuộc đời phục vụ Chúa của Sứ đồ Phao-lô, ông đã chịu biết bao sự khổ nạn từ những người chống đối Đạo Chúa (II Cô-rinh-tô 11:23-29). Tuy nhiên, lần này ông phải chịu đau đớn trong thân thể do cái giằm xóc vào thịt ông mà Chúa muốn dùng để giúp ông không lên mình kiêu ngạo (II Cô-rinh-tô 12:1-6). Chúng ta không biết cái giằm đó là gì, nhưng chắc chắn khiến ông nhức nhối vô cùng.
“Giằm xóc” chỉ về điều không muốn, không thích, gây ra đau đớn cả về thể xác lẫn tin thần. Đã ba lần Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện xin Chúa lấy cái “giằm xóc” ra khỏi ông, nhưng cầu nguyện theo ý mình, và ông nhận được câu trả lời: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi!” (II Cô-rinh-tô 12:9a). Cảm tạ Chúa vì sau đó, Sứ đồ Phao-lô vâng phục Chúa trọn vẹn và ông đã nhận ra rằng ân sủng Chúa thật tuyệt vời trong đau khổ. Bài học giá trị chúng ta nhận được ở đây đó là ân điển của Chúa sẽ “vô hiệu hóa” giằm xóc. Đôi khi Chúa sẽ không lấy những cái “giằm xóc” ra khỏi chúng ta. Nhưng Ngài sẽ “vô hiệu hóa” nó, nghĩa là khiến nó không còn gây hại, hay khiến chúng ta đau đớn. Trên thực tế, Đức Chúa Trời đã “vô hiệu hóa” rất nhiều hoạn nạn, bệnh tật của con dân Ngài.
Mỗi chúng ta hãy đặt mình trong tay Chúa để cho dầu ban ngày hay ban đêm của cuộc đời, chúng ta vẫn có thể hát vui mừng.
III. HẾT LÒNG NHỜ CẬY SỨC VÀ ƠN CHÚA BAN
Cụm từ “Ngài khiến…” mang ý nghĩa Chúa có quyền, Ngài là Đấng cho phép mọi sự xảy đến trên cuộc đời chúng ta.
Câu Kinh Thánh quen thuộc với nhiều người trong chúng ta “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13). Từ “thêm” đôi khi khiến nhiều người hiểu lầm là tôi đã có 80-90% sức rồi, Chúa chỉ ban thêm một phần nhỏ sức tôi còn thiếu thôi. Thật ra, mỗi chúng ta chỉ là những con người yếu đuối, bất toàn, sức chúng ta không thể làm gì, đặc biệt là những công việc thuộc linh. Bản Hiệu Đính: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban năng lực cho tôi.”
Phao-lô là một Sứ đồ đầy ơn, ngày trước ông là người làm được nhiều công việc lớn lao cho Chúa, từ công tác truyền giáo khắp nơi, đến việc viết những thư tín để gây dựng đức tin hoặc giải quyết các nan đề của các Hội Thánh. Bên cạnh đó, ông còn là một nhà trí thức, học với vị thầy nổi tiếng là Giáo sư Ga-ma-li-ên, nhưng giờ đây khi đang ngồi trong tù viết thư cho Hội Thánh Phi-líp, ông thốt lên rằng: Tôi làm được rất nhiều việc nhưng không phải do tôi tài giỏi, mà nhờ Chúa ban thêm sức cho tôi. Nếu không nhờ ơn và sức của Chúa ban thì tôi chẳng làm gì được.
Phao-lô cũng nói trong I Cô-rinh-tô 15:10, “Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi.”
Chúng ta cần nhớ rằng: “Chúa là Đấng ban ơn, chứ không phải bán ơn”. Vì thế, mỗi chúng ta nhận ơn của Ngài ban cho không phải vì chúng ta xứng đáng, bèn là bởi ân điển (sự ban cho nhưng không) của Ngài. Ê-sai 40:29 “Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức”. Chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài là Đấng Tạo Hóa tạo dựng nên con người từ bụi đất, Ngài biết rõ chúng ta là những con người xác thịt yếu đuối nên ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn (kiệt lực), cho kẻ chẳng có sức (thiếu sức – BDM), đang rất cần sức của Ngài.
Chúng ta nhận thấy một điều trên thực tế dù trai trẻ với sức khỏe dồi dào, cường tráng thì cũng có lúc mòn mỏi, mệt nhọc, cũng phải vấp ngã, huống chi những người già cả. Tiên tri Ê-sai khẳng định: “… nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va, thì chắc được sức mới” (Ê-sai 40: 31). “Sức mới” là sức mà chúng ta chưa có, chưa đủ. Cần có sức mới để bù đắp cho sức cũ đã hao mòn sau bao năm tháng. Vì thế, “được sức mới” nghĩa là làm cho mới lại, hay biến đổi từ chỗ yếu đuối trở nên mạnh mẽ. Đây là sự thay đổi sức mạnh đến từ nguồn năng lực siêu nhiên.
Quay trở lại câu Kinh Thánh nền tảng trong Gióp 35:10, “Ngài khiến cho người ta hát vui mừng trong ban đêm”. Không phải là chúng ta cố hát bằng sức của con người, vì đó sẽ là hát gượng gạo. Chúng ta cũng không hát một cách “không cảm xúc”, nhưng hát bằng sự vui mừng thật xuất phát từ tận sâu bên trong do Chúa ban.
Dầu sống giữa tâm bão tố cuộc đời, sống giữa cơn đại dịch, hay phải đối diện với những “ban đêm” trong đời sống… Mỗi chúng ta hãy nương trên Lời Chúa để thực hành ba điều: Luôn tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa; Tin cậy và phó thác cuộc đời trong tay Chúa; Hết lòng nhờ cậy sức và ơn Chúa ban. Chắc chắn dầu chúng ta phải đối diện với bất kỳ điều gì xảy đến trong hiện tại lẫn tương lai, thì vẫn có thể hát vui mừng, vẫn có thể bình an và dâng lời tạ ơn Chúa.
Hãy cùng thực hành và kinh nghiệm điều Lời Chúa dạy: “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ đối với anh em là như vậy” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18).
TĐ. Sử Đức Nguyên