Đức Chúa Trời Nơi Chuồng Chiên, Máng Cỏ (Chương 1)
Đức Chúa Trời Nơi Chuồng Chiên, Máng Cỏ (Chương 2)
CHƯƠNG 3
Con Chiên nhỏ của Ma-ri
Chúa Giê-xu đã được sinh ra giữa đàn chiên. Chính sự hạ sinh này rõ ràng là một phép lạ, vì Ma-ri còn đồng trinh. Chúng ta tuyên xưng điều này trong bài Tín điều các Sứ đồ khi tuyên bố rằng Chúa Giê-xu “đã được thụ thai bởi Thánh Linh, sinh bởi nữ đồng trinh Ma-ri.”
Nhưng có phải nơi Chúa Giê-xu được sinh ra chỉ là kết quả của những hoàn cảnh không? Không. Thay vì chọn một địa điểm sang trọng của hoàng gia để con Ngài được hạ sinh, Đức Chúa Trời đã chọn một chuồng chiên thấp hèn. Qua Kinh thánh, chúng ta biết rằng điều này là một phần để chứng minh cho sự khiêm tốn đặc biệt của Chúa Giê-xu. Thật sự “Ngài đã tự bỏ chính mình đi, lấy hình tôi tớ…Ngài tự hạ mình xuống.” (Phi-líp 2:7-8)
Bài Tín điều các Sứ đồ đã ra đời một phần là để chống lại tà giáo chủ trương chống đối quan niệm của Kinh thánh về giáo lý Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Nó xác định niềm tin của người Cơ Đốc chính thống và được trích dẫn rộng rãi bởi nhiều giáo phái ngày nay.
Nhưng có một lý do khác tại sao Chúa Giê-xu đã được sinh ra trong một chuồng chiên thấp hèn. Con chiên nổi bật như là một điều quan trọng hàng đầu. Mọi người sống trong thời đại Chúa Giê-xu sẽ biết ngay lập tức ý nghĩa của những con chiên trong việc thờ phượng. Mỗi ngày có hai con chiên bị giết, một vào buổi sáng và một vào buổi chiều, như là của lễ chuộc tội chung cho con dân Chúa.
Hệ thống sinh tế thực sự kết thúc khi đền thờ đã bị phá hủy vào năm 70 SC. Gần 4 thập kỷ trước, Chúa Giê-xu đã kết thúc nhu cầu của hệ thống sinh tế này bằng cách dâng chính mình Ngài làm sinh tế một lần đủ cả trên thập tự giá. (Hê-bê-rơ 9:26-28)
Luật lệ của Chúa đã quy định đòi hỏi những con chiên làm sinh tế như là những của lễ chuộc tội.(14:12), của lễ chuộc sự mắc lỗi và những hình thức của lễ khác. Nhưng tại sao như vậy? Những việc thực hiện này có thể được truy nguyên từ lễ Vượt qua đầu tiên khi Chúa giải phóng dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập.(Xuất 12). Qua Môi-se, Chúa đã ra chỉ thị liên quan đến những kế hoạch giải cứu của Ngài. Mỗi gia đình phải giết một con chiên và lấy máu nó bôi trên cột cửa. Chúa đã đi qua xứ Ê-díp-tô đặng xét đoán vào đêm đó. Hễ bất cứ nơi nào Ngài thấy huyết trên cột cửa thì Ngài sẽ vượt qua nhà đó. Dân Y-sơ-ra-ên đã được cứu khỏi sự chết và được tự do.
Con chiên đã trở thành vật nhắc nhở cho sự cứu chuộc và sự tự do. Nhưng tất cả con chiên hiến tế của Y-sơ-ra-ên chỉ là những biểu tượng báo trước về một con chiên sẽ mang sự cứu chuộc cho dân Y-sơ-ra-ên và muôn dân trên đất. Trong sách Cựu Ước, tiên tri Ê-sai đã tiên đoán rằng khi ông viết về người đầy tớ chịu khổ: “Ngài như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt” (Ê-sai 53:7).
Đến thời Tân Ước, chúng ta ghi nhận rằng Giăng Báp-tít đã tuyên bố như thế nào về Chúa Giê-xu là ai và tại sao Ngài đã xuống thế gian này: “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi thế gian đi. “(Giăng 1:29) Lời phát biểu này làm rực sáng tất cả truyền thống lịch sử và lễ nghi của người Y-sơ-ra-ên với sự vinh quang của chân lý cứu chuộc của Chúa. Nó trả lời cho sự khao khát cho mỗi lời cầu nguyện chân thành và giải thích động cơ của mỗi hành động siêu phàm.
Chủ đề Chúa Giê-xu là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng mà qua đó tội lỗi của thế gian được tha được diễn tả rất phong phú trong Tân Ước. Dựa vào những yêu cầu trong lễ nghi tôn giáo Do Thái, Phi-e-rơ đã viết “bèn là bởi huyết báu của Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi, không vít.” (I Phi-e-rơ 1:19)
Cũng một thể ấy, Phi-e-rơ đã diễn tả Đấng Christ như là “Con chiên lễ Vượt qua của chúng ta.”(I Cô-rinh-tô 5:7) Chúng ta thấy cách thức “Bữa Ăn Sau Cùng” được kể trong những sách Tin lành cho thấy là Chúa Giê-xu đã hiểu điều này. Vào ngày lễ Bánh không men, khi Chiên Con của lễ Vượt qua đã được hiến tế, Chúa Giê-xu đã dự bữa ăn với các môn đồ Ngài. Khi Ngài đưa bánh và nước nho, Ngài đã làm sáng tỏ rằng Ngài là Chiên Con của lễVượt qua đã được hiến tế đễ chuộc tội cho thế gian. (Lu-ca 22:7-20)
Chân lý về Chúa Giê-xu như là Chiên Con của Đức Chúa Trời này là điều quan trọng thiết yếu. Chúa Giê-xu được mô tả nhiều lần trong sách Khải huyền như là Chiên Con. Sứ đồ Giăng đã thấy được khải tượng của Chiên Con đã bị giết giữa Ngôi. (Khải 5:6). Trong sự mặc khải Giăng thấy bốn con sinh vật và hai mươi bốn trưởng lão bèn sấp mình xuống để thờ phượng trước mặt Chiên Con (Khải 5:8). Kế đến ban đại hợp xướng thiên thần hát rằng: “Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quý, vinh hiển và ngợi khen.”( Khải 5:11-12). Kế đến sẽ có một cảnh tượng vinh quang của vô số người từ mọi chi phái, mọi dân tộc đứng trước Chiên Con như người chăn của họ (Khải 7:9) sẽ lau nước mắt trên mặt họ và dập tắt mọi nỗi đói khát của linh hồn (Khải 7:15-17).
Lịch sử sẽ chấm dứt với Chiên Con trên ngôi, mang đến sự cứu chuộc và bình an vĩnh cửu. Và Chiên Con này đã được sinh ra trong đêm đó trong một chuồng chiên thấp hèn, tại một quán trọ vô danh, trong một thị trấn Giu-đê tối tăm. Ngoài Giô-sép và Ma-ri, những người duy nhất biết sự kiện quan trọng này đó là những kẻ chăn chiên nghèo hèn đang canh giữ bầy chiên của họ.
Những đàn chiên của những người chăn bầy này chắc chắn có một số chiên đã được định trước để làm của lễ cho đền thờ. Nhưng trong nhiều thế kỷ, sinh tế đã không thể cất tội lỗi đã khắc sâu vào lòng người. Chỉ đến thời điểm Chiên Con Đức Chúa Trời hạ sinh mới có thể cất tội lỗi của nhân loại.
Những người chăn chiên đã vội vã đi tìm Chiên Con. Những bức tranh thời Phục hưng đã mô tả những người chăn chiên mang trên vai họ những con chiên nhỏ bé. Họ đã tìm thấy Chiên Con và ngợi khen Chúa. Sự hạ sinh Con Chiên bé bỏng trong máng cỏ đã trở thành bước ngoặt trong lịch sử nhân loại. Lịch sử của những con chiên bị giết đã lên đến một cực điểm bất ngờ. Câu chuyện về Chiên Con thánh sẽ xác định và cứu chuộc lịch sử cùng với tất cả những câu chuyện bi thương của nhân loại. Niềm hy vọng cuối cùng đã đến trong một thế giới đen tối. Đã đến lúc chúng ta hát những bài ca vui mừng và bắt đầu ước mơ một ngày mới tươi sáng.
Còn tiếp …