CON ĐƯỜNG GÔ-GÔ-THA

1558

(CON ĐƯỜNG THỐNG KHỔ)
TỪ BỮA TIỆC CUỐI CÙNG ĐẾN THẬP TỰ TRÊN ĐỒI SỌ

Dẫn nhập:

Lễ Vượt qua đánh dấu khởi đầu chặng đường thương khó của Chúa Jêsus như Ngài đã phán:
Lu 22:15 – Ngài phán rằng: Ta rất muốn ăn lễ Vượt qua nầy với các ngươi trước khi ta chịu đau đớn.
Từ đau đớnpathein’ của Ngài nhắc 4 lần trong sách Lu-ca.
Lu 17:25 – nhưng Ngài trước phải chịu đau đớn nhiều và bị dòng dõi này bỏ ra.
Lu 24:26 – Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó dường ấy mới vào sự vinh hiển mình sao?
Lu 24:46 – Đấng Christ phải chịu đau đớn dường ấy.
Đề tài “Con đường Gô-gô-tha” không chỉ lúc Ngài vác thập tự đi từ trường án đến đồi sọ mà bao hàm ý nghĩa những nỗi thống khổ Ngài phải trả giá đền tội thay cho loài người theo đúng đòi hỏi của luật pháp và ứng nghiệm hết những lời tiên tri.
Vì thế, cả một chuỗi sự kiện kéo dài từ lễ Vượt qua, tới vườn Ghết-sê-ma-nê, đến khi Ngài bị treo trên cây gỗ, chỉ chấm dứt khi Ngài nói ‘xong rồi’ mới mô tả hết nỗi đau đớn của Ngài.

I. SỰ ĐAU KHỔ THẤY TRƯỚC

  1. Tầm quan trọng trong lời báo trước

Cùng một sứ điệp tiên tri ghi lại trong cả 3 Phúc âm:

Mat 16:21 – Từ đó, Đức Chúa Jêsus mới tỏ cho môn đồ biết rằng mình phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại.
Mác 8:31 – Bấy giờ, Ngài khởi sự dạy môn đồ rằng Con người phải chịu khổ nhiều, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo loại ra, phải chịu giết, sau ba ngày phải sống lại.
Lu 9:22 – … và phán thêm rằng: Con người phải chịu nhiều điều khốn khổ, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo bỏ ra, phải bị giết, ngày thứ ba phải sống lại.

Khi cả ba sách đều ghi lại sự kiện giống nhau cho thấy sứ điệp này cần phải lưu ý về trách nhiệm gây nên sự chết của Chúa Jêsus.
Lời tiên tri mục đích để chứng tỏ Ngài không phải là nhân vật tầm thường, Ngài báo trước điều sẽ xảy đến.

Giăng 14:29 – Hiện nay ta đã nói những điều đó với các ngươi trước khi xảy đến, để khi những điều đó xảy đến thì các ngươi tin.
Giăng 16:4 – Nhưng ta đã bảo những điều đó cho các ngươi, để khi giờ sẽ đến, các ngươi nhớ lại rằng ta đã nói những điều đó rồi.

2. Ba thành phần làm khổ Ngài (theo thứ tự)

    1. Các trưởng lão

Trong thời Tân Ước, Hội đồng các Trưởng lão của dân Y-sơ-ra-ên được gọi là “Tòa Công luận” (có khoảng 70 người), là những người có quyền lực trong dân chúng.

Điển hình là họ tham gia hạch hỏi Chúa Jêsus:

Mat 21:23-24 – Đức Chúa Jêsus vào đền thờ rồi, đương giảng đạo, có các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân đến mà hỏi rằng: Bởi quyền phép nào mà thầy làm những sự nầy, và ai đã cho thầy quyền phép ấy? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta cũng sẽ hỏi các ngươi một điều; nếu trả lời được, thì ta cũng sẽ nói cho các ngươi bởi quyền phép nào mà ta đã làm những việc đó.

Các trưởng lão đã làm khốn khổ Ngài cách nào?
Những người này hiệp với các thầy tế lễ luôn bắt bẻ, ngăn trở Chúa vì họ thấy Ngài được dân chúng tôn trọng. Họ chỉ nghĩ đến sự vinh hiển mình và quyền lợi riêng, sợ dân chúng (Mat 21:26,46; Lu:19; Giăng 7:13); sợ người La Mã (Giăng 11:46) mà tìm mưu giết Chúa Jêsus.

Mat 26:47-48 – Khi Ngài còn đương phán, xảy thấy Giu-đa là một người trong mười hai sứ đồ đến với một bọn đông người cầm gươm và gậy, mà các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân đã sai đến. Đứa phản Ngài đã trao cho bọn đó dấu nầy: Người nào mà tôi sẽ hôn, ấy là người đó, hãy bắt lấy.
Mác 14:55; Mác 15:1-  Vừa lúc ban mai, các thầy tế lễ cả bàn luận với các trưởng lão, các thầy thông giáo cùng cả tòa công luận; khi đã trói Đức Chúa Jêsus rồi, thì giải nộp cho Phi-lát.

Các trưởng lão là những người dự phần trực tiếp bắt, lên án và kết tội xử tử Ngài.

2. Thầy tế lễ cả

Là những người phục vụ trong đền thờ, nhưng cũng luôn quan sát, theo dõi về vấn đề ‘đạo giáo’ nào xuất hiện trong xứ sở.

Giăng 19:19-24 – Vậy, thầy cả thượng phẩm gạn hỏi Đức Chúa Jêsus về môn đồ Ngài và đạo giáo Ngài. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta từng nói rõ ràng cùng thiên hạ; ta thường dạy dỗ trong nhà hội và đền thờ, là nơi hết thảy dân Giu-đa nhóm lại, chớ ta chẳng từng nói kín giấu điều gì. Cớ sao ngươi gạn hỏi ta? Hãy hỏi những kẻ đã nghe ta nói điều chi với họ; những kẻ đó biết điều ta đã nói. Ngài đương phán như vậy, có một người trong những kẻ sai có mặt tại đó, cho Ngài một vả, mà rằng: Ngươi dám đối đáp cùng thầy cả thượng phẩm dường ấy sao? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ví thử ta nói quấy, hãy chỉ chỗ quấy cho ta xem; nhược bằng ta nói phải, làm sao ngươi đánh ta? An-ne bèn sai giải Đức Chúa Jêsus vẫn bị trói đến Cai-phe là thầy cả thượng phẩm.

Tội ác của các Thầy cả thượng phẩm (Mat 26:57):

  • Các thầy tế lễ cả dùng tiền đền thờ mua chuộc Giu- đa bán Chúa.
    Mat 27:3-6 – Khi ấy, Giu-đa, là kẻ đã phản Ngài, thấy Ngài bị án, thì ăn năn, bèn đem ba chục miếng bạc trả cho các thầy tế lễ cả và các trưởng lão, mà nói rằng: Tôi đã phạm tội vì nộp huyết vô tội! Song họ đáp rằng: Sự đó can gì đến chúng ta? Mặc kệ ngươi. Giu-đa bèn ném bạc vào đền thờ, liền trở ra, đi thắt cổ. Nhưng các thầy tế lễ cả lượm bạc và nói rằng: Không có phép để bạc nầy trong kho thánh, vì là giá của huyết.
  • Kiện Ngài
    Mat 27:12 – Trong lúc các thầy tế lễ cả và các trưởng lão kiện Ngài, Ngài không đối đáp gì hết.
  • Nhạo báng
    Mat 27:41-43 – Các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo và các trưởng lão cũng nhạo Ngài rằng: Nó đã cứu kẻ khác mà cứu mình không được. Nếu phải Vua dân Y-sơ-ra-ên, bây giờ hãy xuống khỏi cây thập tự đi, thì chúng ta mới tin. Nó nhờ cậy Đức Chúa Trời; nếu Đức Chúa Trời yêu nó thì bây giờ Ngài phải giải cứu cho, vì nó đã nói rằng: Ta là Con Đức Chúa Trời.

Trong khi giảng dạy, Chúa đã dùng một ví dụ về “Kẻ trồng nho” trong Lu 20:9-19, nói về người chủ kia trồng một vườn nho cho kẻ trồng nho mướn; đến mùa nho chủ sai đầy tớ đến lấy phần hoa lợi thì bị đánh, bị chửi, đuổi về tay không. Chủ sai con mình đến thì họ bàn với nhau giết con ấy, c. 19 – “Chính giờ đó, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo tìm cách giết Ngài, vì hiểu Ngài phán thí dụ ấy chỉ về mình; nhưng lại sợ dân chúng.

Thái độ của thầy tế lễ cả là xem thường Chúa Jêsus và không kính sợ Đức Chúa Trời. Họ đã sợ vị thế mình bị đe dọa, mất đi sự tôn trọng và quyền lợi nên đã tìm cách giết Ngài.

3. Các thầy thông giáo

Họ là ai? Vì sao Ngài phải chịu đau đớn vì họ?

  • Những thầy thông giáo là những thầy dạy luật (Lu 5:17; 7:30)
  • Thành phần học biết rõ luật pháp, Mat 13:52 – Ngài bèn phán rằng: Vì cớ ấy, mọi thầy thông giáo đã học thông đạo về nước thiên đàng, …
  • Giữ các luật truyền khẩu của người Y-sơ-ra-ên để dạy dỗ và áp dụng cho dân sự. (Mat 5:20; 12:38)

Chúa Jêsus đau khổ vì những người hiểu biết Luật pháp, họ ngồi trên ngôi Môi-se (Mat 23:2), mà không hiểu những lời tiên tri về Ngài. Thay vì hiểu, nhìn biết những lời tiên tri về Đấng Mê-si-a được ứng nghiệm thì họ lại ganh tỵ, ghen ghét, gây rối, làm khổ, hạch hỏi, bắt bớ hiệp tác với thầy tế lễ giết Ngài.

Lu 11:53-54 – Khi Đức Chúa Jêsus ra khỏi đó rồi, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si bèn ra sức ép Ngài dữ tợn, lấy nhiều câu hỏi khêu chọc Ngài, và lập mưu để bắt bẻ lời nào từ miệng Ngài nói ra.

Họ lấy luật mà luận tội giết Ngài.

Giăng 19:6-7 – Dân Giu-đa lại nói rằng: Chúng tôi có luật, chiếu luật đó hắn phải chết; vì hắn tự xưng là Con Đức Chúa Trời.
Lu 23:18 – Chúng bèn đồng thanh kêu lên rằng: Hãy giết người nầy đi, mà tha Ba-ra-ba cho chúng tôi!

Sở dĩ cả ba thành phần này chống đối Chúa Jêsus, vì Ngài đã từng lên án hạng người này nên họ trả thù.

Lu 20:46-47 – Hãy giữ mình về các thầy thông giáo, là người ưa mặc áo dài đi dạo, và thích những sự chào hỏi giữa chợ, muốn ngôi cao trong nhà hội, ngồi đầu trong tiệc lớn, làm bộ đọc lời cầu nguyện dài, mà nuốt gia tài của đàn bà góa. Họ sẽ bị đoán phạt nặng hơn. (xem thêm Mác 12:38)
Họ bị kết tội là giả hình. Mat 23:13 – Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình!
Lu 11:46 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Khốn cho các ngươi nữa, là thầy dạy luật, vì các ngươi chất cho người ta gánh nặng khó mang, mà tự mình thì không động ngón tay đến! 

Các thầy tế lễ cả thì ganh tị với Ngài. Tổng trấn Phi-lát nhận thấy điều đó.

Mat 27:18 – Vì quan ấy biết bởi lòng ghen ghét nên chúng đã nộp Ngài.
Giăng 7:31-32 – Song trong vòng dân chúng nhiều kẻ tin Ngài, nói rằng: Khi Đấng Christ đến, sẽ có làm nhiều phép lạ hơn người nầy đã làm chăng? Người Pha-ri-si nghe lời đoàn dân nghị luận về Ngài, thì mấy thầy tế lễ cả đồng tình với họ, cắt lính đi bắt Ngài.

Tóm lại, Chúa Jêsus đề cập thẳng những đối tượng gây khổ Ngài bao gồm các Trưởng lão là các nhà lãnh đạo dân sự có đủ thẩm quyền trên công dân, thầy tế lễ cả nắm uy quyền thuộc linh và các thầy thông giáo thi hành luật pháp.

Trách nhiệm về sự chết của Chúa Jêsus đổ trên dân Do Thái từ những người có thẩm quyền này, vì thế họ đã nói:

Mat 27:25 – Hết thảy dân chúng đều đáp rằng: Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi!

Dầu lính La Mã của quan tổng đốc Phi-lát có xử tệ với Ngài đóng đinh Ngài nhưng vì họ không biết, nên Chúa Jêsus đã cầu xin: Lu 23:34 – Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.

  1. Sự chết thấy trước

Sự chết thấy trước là nỗi đau khổ kinh hoàng. Ngài không chết vì đau ốm, chết vì già; chết vì lửa, hay vì nước v.v… mà là bị giết. Ngài biết trước sẽ bị giết, sẽ bị ‘đoạt mạng sống’. Tinh thần căng thẳng, Chúa Jêsus bối rối trước các môn đồ, Ngài đã từng nói: linh hồn ta buồn bực cho đến chết. Ngài khẩn cầu với Chúa Cha cứu mình khỏi chết.

Hê 5:7-8 – Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhân đức Ngài, nên được nhậm lời.

Chúa Jêsus dầu bối rối, dầu sợ nhưng sẵn sàng đầu phục Cha hoàn toàn.

 II. TRẢI NGHIỆM ĐAU ĐỚN THỰC TẾ

  1. Đau khổ tình cảm

Tâm trạng của Chúa trong bữa tiệc ly sau cùng.

  • Lo buồn vì cảnh chia tay với môn đồ thân yêu, lời dặn dò chân thành của một người sắp xa vắng:
    • Ngài rửa chơn cho môn đồ thân yêu.
      Giăng 13:14-15 – Các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.
    • Lời căn dặn cuối: Các ngươi hãy yêu nhau:
      Giăng 13:34-35 – Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.
  1. Đau khổ tinh thần
  •  Bị môn đồ bỏ lơ
    • Hết thảy môn đồ bỏ Ngài.
      Giăng 16:32 – Nầy, giờ đến, đã đến rồi, là khi các ngươi sẽ tản lạc, ai đi đường nấy, và để ta lại một mình; nhưng ta không ở một mình, vì Cha ở cùng ta.
    • Môn đồ thân tín nhất chối và rủa Ngài
      Lu 22:34 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hỡi Phi-e-rơ, ta nói cùng ngươi, hôm nay khi gà chưa gáy, ngươi sẽ ba lần chối không biết ta.
      Mat 26:74 – Người bèn rủa mà thề rằng: Ta không biết người đó đâu! Tức thì gà gáy.
  • Bị bán như một nô lệ
    Chúa Jêsus căn thẳng trước sự phản bội trắng trợn của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Trong Giăng 13: có ít nhất 3 lần dùng từ ‘phản Ngài, phản ta’ (2,11,21).

Giăng 13:18 – Ta không nói về các ngươi hết thảy, ta biết những kẻ ta đã lựa chọn; nhưng lời nầy trong Kinh thánh phải được ứng nghiệm: Người ăn bánh ta, dở gót nghịch cùng ta. … ´Khi Đức Chúa Jêsus đã phán như vậy rồi, thì tâm thần Ngài bối rối, bèn tỏ ra rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, một người trong các ngươi sẽ phản ta.

Nỗi đau khổ xảy đến đầu tiên là bị “phản bội”, khi nhắc đến “từ phản bội” khiến Ngài bối rối. Nỗi đau phản bội là vì một người từng được chọn lựa, đã gần gũi dạy dỗ, huấn luyện, chăm lo chu đáo bây giờ trở gót thù nghịch, bán Ngài với ba chục bạc. (Mat 26:15).
Có thể Ngài rất bất ngờ với hành vi của Giu-đa đã dùng nụ hôn để bán Ngài. Mác 14:44 – Vả, đứa phản Ngài đã cho chúng dấu hiệu nầy: Hễ tôi hôn ai, ấy là người đó; hãy bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận.

Lu 22:48 – Đức Chúa Jêsus hỏi rằng: Hỡi Giu-đa, ngươi lấy cái hôn để phản Con người sao?

Dầu câu hỏi không được trả lời, nhưng Ngài chẳng hề tỏ ra chống cự chút nào.

Mác 14:48-49 – Đức Chúa Jêsus cất tiếng phán cùng chúng rằng: Các ngươi đem gươm và gậy đến bắt ta như ta là kẻ trộm cướp. Ta hằng ngày ở giữa các ngươi, giảng dạy trong đền thờ, mà các ngươi không bắt ta; nhưng điều ấy xảy đến, để lời Kinh thánh được ứng nghiệm.

  • Bị sỉ nhục nhiều cách bởi nhiều hạng người
    Dầu Ngài có uy quyền đến nỗi những kẻ bắt Chúa trong vườn phải lui lại, té xuống đất khi Ngài phán: Ấy là ta đây [(Ta là Đấng Ta là), Danh xưng của Giê-hô-va.] (Giăng 18:6). Giờ đây phải đón nhận mọi sự sỉ nhục.

Ês 53:3 – Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì.
Mat 27:39-43 – Những kẻ đi ngang qua đó chê cười Ngài, lắc đầu, mà nói rằng: Ngươi là kẻ phá đền thờ và dựng lại trong ba ngày, hãy cứu lấy mình đi! Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây thập tự! Các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo và các trưởng lão cũng nhạo Ngài rằng: Nó đã cứu kẻ khác mà cứu mình không được. Nếu phải Vua dân Y-sơ-ra-ên, bây giờ hãy xuống khỏi cây thập tự đi, thì chúng ta mới tin. Nó nhờ cậy Đức Chúa Trời; nếu Đức Chúa Trời yêu nó thì bây giờ Ngài phải giải cứu cho, vì nó đã nói rằng: Ta là Con Đức Chúa Trời.

Đấng Chủ tể có sức mạnh tối cao bị chế nhạo, giễu cợt : nhổ lên mặt, đấm Ngài, có kẻ vả má … mà Ngài vẫn lặng yên chịu đựng. Ngài như chiên câm trước mặt kẻ hớt lông (Mat 26:67).

3. Đau khổ tâm linh:

Mat 26:37-38 – Đoạn, Ngài bèn đem Phi-e-rơ và hai người con của Xê-bê-đê đi với mình, tức thì Ngài buồn bực và sầu não lắm. Ngài bèn phán: Linh hồn ta buồn bực cho đến chết; các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với ta.

Cuộc chiến tâm linh khi Ngài nói, Linh hồn ta buồn bực cho đến chết là gì?
Sau bữa ăn Lễ vượt qua cuối cùng, Chúa và môn đồ vào trong vườn Ghết-sê-ma-nê để cầu nguyện. Ba mặt trận Chúa Jêsus đối phó sau khi Sa-tan nhập vào Giu-đa:

  • Chiến đấu trong nhân tánh: Đối diện sự chết thuộc thể
    Sự chết là một quy định tất nhiên, ‘Có kỳ sanh ra, có kỳ chết’ (Truyền 3:2); ‘đường cả thế gian phải đi’ (Giô-suê 23:14). “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi bị đoán xét” (Hê 9:27). Thế nhưng mọi người khi đối diện đều rất sợ hãi.
    Chúa Jêsus mang thể xác thịt và nhân tính thì không thể thoát khỏi nỗi sợ hãi sự chết. Ngài chết bằng cách bị giết. Động từ “Giết” nhấn mạnh về sự cố sát, bị định phải chết, cái chết biết trước thật khủng khiếp! Hơn thế nữa Ngài cũng biết trước người ta sẽ đóng đinh Ngài.
    Qua từng trải này, Chúa mới thấu hiểu được nỗi khiếp sợ của loài người ‘vì sợ sự chết bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời’ (Hê 2:15).
  • Đối mặt với gánh nặng tội lỗi
    Ê-sai 53:6 – Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.
    Chúa Jêsus Con của Đức Chúa Trời Chí Thánh, Ngài được gọi là “Con Thánh” thế mà bây giờ Ngài phải chịu gánh thay tội trọng, tội ác của cả nhân loại, khiến Ngài trở nên phạm nhân cực kỳ gian ác. Nếu mang gánh nặng tội lỗi của cá nhân sự hình phạt còn không chịu nỗi như Ca-in đã nói:
    Sáng 4:13 – Ca-in thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: Sự hình phạt tôi nặng quá mang không nổi.
    Huống gì Chúa Jêsus phải uống chén cơn thạnh nộ khủng khiếp của Đức Chúa Trời chí công? Đấng phán xét công bình trên kẻ mang tội, tội càng trọng thì hình phạt càng nặng. Vì đó, Ngài thưa với Cha ba lần rằng:
    Mat 26:39 – Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.
    Dầu thể xác Ngài khi chưa chịu lằn đòn nào mà thân thể đã phải rướm máu chứng tỏ rằng sự liên kết thân thể và linh hồn cả hai đều tổn thương.
    Lu 22:44 – Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất.
  • Sự chia cách với Cha
    Đỉnh điểm của sự phán xét là giây phút cực kỳ đen tối. Đức Chúa Cha và Con Ngài phải phân rẽ vì cớ tội lỗi nhân loại.
    Mat 27:45-46 – Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Ước chừng giờ thứ chín, Đức Chúa Jêsus kêu tiếng lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li,lam-ma-sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?
    Mác 15:33-34 – Đến giờ thứ sáu, khắp đất đều tối tăm mù mịt cho tới giờ thứ chín. Đến giờ thứ chín, Đức Chúa Jêsus kêu lớn tiếng rằng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?
    Sự phân rẽ có một không hai này mang ý nghĩa rất sâu sắc. Tội lỗi làm ngăn cách loài người với Đức Chúa Trời trong vườn Ê-đen không thể hàn gắn được (Sáng 3:22-24). Chúa Cha phải ngoảnh mặt với Con Ngài trong giây lát tượng trưng cho sự phân cách ấy. Nhưng rồi khi dòng huyết Con Ngài tuôn đổ hết xuống chân thập tự, chẳng khác nào huyết sinh lễ chuộc tội đổ xuống chân bàn thờ (Lê 5:9), mọi tội lỗi được thanh tẩy, giá chuộc tội đã đền bù xứng đáng; liền có sự kết nối hoàn hảo.
    Hê 1:3 – sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao, …
    Mác 16:19 – Đức Chúa Jêsus phán như vậy rồi, thì được đem lên trời, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời.

4. Đau đớn thể xác

  • Các vết thương thân thể
    Tại trong vườn Ghết-sê-ma-nê, nụ hôn của Giu-đa kẻ phản bội khơi mào cho sự xúc phạm đến thân thể của Con Đức Chúa Trời.

    • Bắt trói:
      Giăng 18:12 – Bấy giờ, có cơ binh, người quản cơ và những kẻ sai của dân Giu-đa bắt Đức Chúa Jêsus trói lại.
      Hành vi thô bạo không thể cho nạn nhân có lối thoát, phải buộc chặt, rồi dẫn đi trong đêm tối như lời Giu-đa ích-ca-ri-ốt căn dặn: ‘hãy bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận.
  • Giai đoạn Ngài còn trong tay của ‘kẻ sai của dân Giu-đa’.
    Mác 14:65 – Có kẻ nhổ trên Ngài, đậy mặt Ngài lại, đấm Ngài, và nói với Ngài rằng: Hãy nói tiên tri đi! Các lính canh lấy gậy đánh Ngài.

    • Nhổ lên mặt
    • Đấm
      • Lấy gậy đánh

Lu 22:63-65 – Vả, những kẻ canh Đức Chúa Jêsus nhạo báng và đánh Ngài; che mặt Ngài lại, rồi nói rằng: Hãy nói tiên tri đi, hãy đoán xem ai đánh ngươi! Họ lại nhiếc móc Ngài nhiều lời khác nữa.

  • Nơi toà công luận của người Do Thái, trong ‘sân của thầy cả Thượng phẩm’ (Giăng 18:15)
    • Bị vả má
      Giăng 18:22 – Ngài đương phán như vậy, có một người trong những kẻ sai có mặt tại đó, cho Ngài một vả, mà rằng: Ngươi dám đối đáp cùng thầy cả thượng phẩm dường ấy sao?
    • Nơi trường án Phi-lát xét xử
      Mác 15:15-20 – Phi-lát muốn cho đẹp lòng dân, bèn tha tên Ba-ra-ba; và sai đánh đòn Đức Chúa Jêsus, rồi giao Ngài cho chúng đem đóng đinh trên cây thập tự. Lính điệu Đức Chúa Jêsus vào sân trong, tức là trong chỗ trường án; và nhóm cả cơ binh lại đó. Họ choàng cho Ngài một cái áo điều, và đội trên đầu Ngài một cái mão bằng gai họ đã đương, rồi chào Ngài rằng: Kính lạy Vua dân Giu-đa! Lại lấy cây sậy đánh đầu Ngài, nhổ trên Ngài, và quỳ xuống trước mặt Ngài mà lạy. Khi họ đã nhạo cười Ngài như vậy rồi, thì cởi áo điều ra, mặc áo của Ngài lại cho Ngài, và đem ra để đóng đinh trên cây thập tự.
    • Sai đánh đòn Ngài
      Chúa Jêsus bị đánh đòn theo lệnh của Phi-lát. Roi da của người La Mã tàn nhẫn vì nó đầy móc bằng xương, hoặc sắt làm tổn thương thấu da thấu thịt, đau đớn khủng khiếp. Tiên tri Ê-sai mô tả rằng:
      Ê-sai 53:5-6 – Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.
    • Đội mão gai
      Mat 27:29 – Đoạn, họ đương một cái mão gai mà đội trên đầu, và để một cây sậy trong tay hữu Ngài.
    • Vác thập tự
      Chính Ngài phải tự thân vác cây gỗ nặng nề mà người ta sẽ đóng đinh mình vào đó. Một hình thức tàn nhẫn vừa sỉ nhục, vừa hành hạ Ngài tột cùng trước mặt đám đông reo hò nhạo báng. Chúa Jêsus ráng lê lết vác lên đồi, nhưng chẳng còn chút sức lực nào nữa để đi thêm, bọn lính phải nhờ Si-môn người Sy-ren vác thập giá thay Ngài (Mat 27:32).
    • Giết: hành hình bằng cách đóng đinh
      Ngài không chết tự nhiên như bịnh tật, tuổi già, mà là xử tử. Chúa Jêsus dùng từ “giết” – cố tình đoạt mạng.
      Luật Môi-se có 15 tội mà đoạt mạng phạm nhân, họ bị ném đá, treo cổ… nhưng dưới thời La Mã không cho phép người Do Thái hành hình, vì thế các trưởng lão, các thầy tế lễ cả và thầy thông giáo giao cho người La Mã thi hành án với luật của La Mã.
      Họ lột trần truồng phạm nhân, phơi trần thân thể, không có một mảnh vải che thân, cố làm sỉ nhục cho đến chết. Hình phạt cao nhất này chỉ dành cho những nô lệ dưới thời đế quốc La Mã.

Bản án “đóng đinh” do ai định?

Trước toà Phi-lát:
Mat 27:18-26 – Vì quan ấy biết bởi lòng ghen ghét nên chúng đã nộp Ngài. — Quan tổng đốc đương ngồi trên tòa án, vợ người sai thưa cùng người rằng: Đừng làm gì đến người công bình đó; vì hôm nay tôi đã bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao. — Song các thầy tế lễ cả và các trưởng lão dỗ chúng hãy xin tha Ba-ra-ba và giết Đức Chúa Jêsus. Quan tổng đốc cất tiếng hỏi rằng:Trong hai người nầy, các ngươi muốn ta tha ai? Chúng thưa rằng: Ba-ra-ba. Phi-lát nói rằng: Vậy, còn Jêsus gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào?Chúng đều trả lời rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự!

Rõ ràng là Phi-lát không kết án tử hình Ngài,
« Quan hỏi: Song người nầy đã làm việc dữ gì? Chúng lại kêu la lớn hơn rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự! Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi. Hết thảy dân chúng đều đáp rằng: Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi! Phi-lát bèn tha tên Ba-ra-ba cho chúng; và khiến đánh đòn Đức Chúa Jêsus, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự.”
Phi-lát miễn cưỡng giao Ngài cho lính của ông đóng đinh theo yêu cầu của người Do Thái. Đám lính ấy vây lấy Ngài và đem đi đóng đinh.

  • Đóng đinh
    Đinh đóng ngay cườm tay mới chịu nổi treo thân thể, chân cũng đóng phần trên mắt cá chân. Cây đinh khá to, đủ mạnh để giữ cả thân thể là dĩ nhiên không thể khác. Liệu bốn cây đinh đóng vào hai tay, hai chân có đủ hay còn phải thêm nữa… Từng nhát búa đóng đinh đâm lủng tay, chân Ngài làm đau thốn toàn thân, cả người căng cứng vì bị cột chặt vào thân gỗ không thể cựa quậy… nước mắt tuôn dài vì đau đớn. Khi treo lên, nạn nhân phải rướng lên mới lấy hơi để thở; mỗi lần như thế nỗi đau đớn càng lúc thêm, cho đến lúc yếu dần. Chẳng những thế, Ngài phải chịu treo lên giữa khoảng không trời đất, với sức nóng như thiêu đốt từ giữa trưa đến ba giờ chiều. Ngài nói: ta khát. Họ cho Ngài uống giấm. Thật là tàn ác… cuối cùng Ngài ráng sức kêu lên trước hơi thở cuối cùng.
    Lu 23:46 – Đức Chúa Jêsus bèn kêu lớn rằng: Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha! Ngài vừa nói xong thì tắt hơi.
    Thông thường đóng đinh một tội nhân, treo trên thập tự có thể từ 2-7 ngày mới chết. Trong trường hợp Chúa Jêsus, Ngài không đủ sức vác thập tự thì không thể kéo dài hơi thở trên thập tự. Ngài đã tắt hơi sau 3 tiếng, từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Phi-lát rất ngạc nhiên vì Ngài chết mau.
    Mác 15:44-45 – Phi-lát lấy làm lạ về Ngài chết mau như vậy, bèn đòi thầy đội đến mà hỏi thử Ngài chết đã lâu chưa. Vừa nghe tin thầy đội trình, thì giao xác cho Giô-sép.
    Giăng 19:33-37 – Khi quân lính đến nơi Đức Chúa Jêsus, thấy Ngài đã chết rồi, thì không đánh gãy ống chân Ngài; nhưng có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài, tức thì máu và nước chảy ra. … Vì điều đó xảy ra, cho được ứng nghiệm lời Kinh thánh nầy: Chẳng một cái xương nào của Ngài sẽ bị gãy. Lại có lời Kinh thánh nầy nữa: Chúng sẽ ngó thấy người mà mình đã đâm.
    Nỗi thống khổ mà Con Đức Chúa Trời phải chịu là một giá rất cao để đền tội cho mọi người, như Ngài từng nói:
    Mat 20:28 – Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.
    I Tim 2:5-6 – Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người; Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người.

Cám ơn Chúa Jêsus vì Ngài yêu chúng con mà phải trả giá rất cao để chuộc chúng con. Xin giúp chúng con nhìn xem Ngài mà sống vì Ngài.
I Cô 6:20 – Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời.
Hê 12:2 – Nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời.

III. NHÌN LẠI NỖI THỐNG KHỔ ĐÃ QUA

  1. Bối cảnh

Quang cảnh lễ Vượt qua tại Giê-ru-sa-lem chưa dứt hẳn, câu chuyện về Đấng tiên tri có quyền phép bị xử tử đóng đinh vẫn còn lan truyền cả thành. Các môn đồ chưa hết sợ vì không biết đến khi nào tới phiên mình bị bắt… Thời gian trôi qua nhanh chóng, ngày đầu tuần lại đến.

Lu 24:1-8 – Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, khi mờ sáng, các người đàn bà ấy lấy thuốc thơm đã sửa soạn đem đến mồ Ngài. Họ thấy hòn đá đã lăn ra khỏi cửa mồ; nhưng, bước vào, không thấy xác Đức Chúa Jêsus. Đương khi không biết nghĩ làm sao, xảy có hai người nam mặc áo sáng như chớp, hiện ra trước mặt họ. Họ đương thất kinh, úp mặt xuống đất; thì hai người ấy nói rằng: Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết? Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại. Hãy nhớ khi Ngài còn ở xứ Ga-li-lê, phán cùng các ngươi thể nào, Ngài đã phán rằng: Con người phải bị nộp trong tay kẻ có tội, phải đóng đinh trên cây thập tự, và ngày thứ ba phải sống lại. Họ bèn nhớ lại những lời Đức Chúa Jêsus đã phán.
Cũng trong ngày ấy, có hai môn đồ đi đến làng kia, gọi là Em-ma-út, cách thành Giê-ru-sa-lem sáu mươi ếch-ta-đơ; (12 cây số).

  1. Cơ hội nhắc lại chuyện đã qua

Chúa Jêsus đến gần và đi đường với họ.

Lu 24:25-27 – Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói! Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao? Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh.
Lu 24:44-47 – Đoạn, Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các thi thiên phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Ngài mở trí cho môn đồ được hiểu Kinh thánh. Ngài phán: Có lời chép rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn dường ấy, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại, và người ta sẽ nhân danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem.

Chúa Jêsus cho họ thấy những gì đã xảy ra không phải là tình cờ, mà do Đức Chúa Trời hoạch định từ trước sáng thế, Ngài chuẩn bị từ thời Môi-se, báo trước qua các tiên tri, bày tỏ trong các Thi Thiên đều đã ứng nghiệm đầy đủ trong Ngài.

  1. Mọi kế hoạch thành tựu

‘Đấng Christ chịu thương khó thể ấy’, tức là không có một giải pháp nào khác, Ngài không dùng vũ lực giải phóng, không dùng sinh tế bằng súc vật, hay của lễ nào khác. Ngài dùng chính thân thể của Con Đức Chúa Trời.

Hê 10:5-7 – Bởi vậy cho nên, Đấng Christ khi vào thế gian, phán rằng:
Chúa chẳng muốn hi sinh, cũng chẳng muốn lễ vật,
Nhưng Chúa đã sắm sửa một thân thể cho tôi.
 Chúa chẳng nhậm của lễ thiêu, cũng chẳng nhậm của lễ chuộc tội.
Tôi bèn nói: Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến
— Trong sách có chép về tôi —
Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa.

  • Theo luật Môi-se về sự đền tội
    ‘Ngài bắt đầu từ Môi-se’. Lý do mà Chúa Jêsus bắt đầu từ Môi-se? Môi-se tượng trưng cho giao ước cũ. Sự chết đền tội của Ngài làm thoả mãn mọi điều kiện của luật pháp.
    Luật pháp buộc tội loài người qua giao ước này như có chép: Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh[1] tội lỗi là luật pháp. (I Cô 15:56). Tiêu chuẩn của Luật pháp rất khắt khe và nặng nề không một tội nhân nào đáp ứng nổi.
    Gia-cơ 2:10 – Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy.
    Vì thế, không một ai được xưng công bình, chỉ nhờ Đấng Christ mới đủ điều kiện thực hiện sự chuộc tội.
    Rô 8:3 – điều chi luật pháp không làm nổi, tại xác thịt làm cho luật pháp ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt,
  • Những lời tiên tri phải được ứng nghiệm

Những lời tiên tri về Ngài đã ứng nghiệm đầy đủ.

Lu 24:27 – Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh. … c. 44 ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi thiên phải được ứng nghiệm.

Chúa Jêsus muốn nhắc đến ‘đến mọi đấng tiên tri’ vì họ được khải thị cho thấy và ghi chép về sự đau đớn của Đấng Christ.

  • Mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se,
    • Tiêu biểu hình bóng về Ngài như việc Áp-ra-ham dâng Y-sác trên bàn thờ làm của lễ. (Sáng 22:)
    • Con sinh về lễ Vượt qua bị giết lấy huyết bôi trên mày cửa để cứu những người được bao phủ. (Xuất 12:13)
    • Con dê mang tội lỗi của dân sự bị đuổi (Lê 16:21, 22)
    • Con rắn đồng treo trên cây sào (Dân 21:8); được Chúa Jêsus nhắc lại để tiêu biểu về chính Ngài. (Giăng 3:14)

Nhiều nhà nghiên cứu đếm từng lời tiên tri và sự ứng nghiệm về sự thương khó và sự chết của Ngài. Những lời tiên tri về sự sanh ra, chức vụ Ngài có ít hơn những lời tiên tri về sự đau khổ và sự chết Ngài.

Công 2:23 – Người đó bị nộp theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ngươi đã mượn tay độc ác mà đóng đinh Người trên thập tự giá và giết đi.
I Cô 15:3-4 – Vả, trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba,Ngài sống lại, theo lời Kinh thánh

Chúa Jêsus sau khi từ cõi chết sống lại, Ngài nhìn lại hết thảy những điều đã chép về Ngài đã hoàn toàn ứng nghiệm.

Sự xác nhận của Phao-lô,

Công 13:27-29 – Vì dân và các quan ở thành Giê-ru-sa-lem chẳng nhìn biết Đức Chúa Jêsus nầy, nên lúc xử tội Ngài, chúng đã ứng nghiệm lời của các đấng tiên tri mà người ta thường đọc trong mỗi ngày Sa-bát. Dầu trong Ngài chẳng tìm thấy cớ gì đáng chết, họ cứ xin Phi-lát giết Ngài đi. Họ đã làm cho ứng nghiệm mọi điều chép về Ngài rồi, thì hạ Ngài xuống khỏi thập tự giá mà chôn trong mả.

  • Hoàn thành kế hoạch cứu rỗi vĩ đại của Đức Chúa Trời

Chúa Jêsus cầu nguyện với Cha rằng:

Giăng 17:4 – Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm.

    • Con đã làm xong sự sạch tội
      Ê-sai 53:10-11 – Sau khi đã dâng mạng sống người làm tế chuộc tội, người sẽ thấy dòng dõi mình; những ngày người sẽ thêm dài ra, và ý chỉ Đức Giê-hô-va nhờ tay người được thạnh vượng. Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình, và lấy làm thỏa mãn. Tôi tớ công bình của ta sẽ lấy sự thông biết về mình làm cho nhiều người được xưng công bình; và người sẽ gánh lấy tội lỗi họ.
  1. Chúa bước vào sự vinh hiển     

Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao? Chúa Jêsus hoàn thành nghĩa vụ mình, Ngài được đem lên rất cao.

Hê 1:3b-4 – Sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao, vậy được hưởng danh cao hơn danh thiên sứ bao nhiêu, thì trở nên cao trọng hơn thiên sứ bấy nhiêu.
Mat 26:64-65 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời; vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống. Thầy cả thượng phẩm bèn xé áo mình mà nói rằng: Nó đã nói phạm thượng;

Mục tiêu cuối cùng

Lu 24:46-47 – Ngài phán: Có lời chép rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn dường ấy, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại, và người ta sẽ nhân danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem.

Trong bài giảng của Phi-e-rơ đề cập:

Công 5:30-31 – Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã khiến Đức Chúa Jêsus sống lại, là Đấng mà các ông đã treo trên cây gỗ và giết đi. Đức Chúa Trời đã đem Đấng ấy lên bên hữu Ngài, làm Vua và Cứu Chúa, để ban lòng ăn năn và sự tha tội cho dân Y-sơ-ra-ên.

Công hiệu của sự thương khó và sự chết của Đức Chúa Jêsus là đem loài người phục hồi mối liên hệ với Đức Chúa Trời, được tha tội, được làm con cái Ngài và được hưởng sự sống đời đời.

KẾT LUẬN :

1/ SỰ ĐAU KHỔ THẤY TRƯỚC

Sự biết trước con đường thương khó mà Ngài phải đi Chúa Jêsus đã bày tỏ cho môn đồ ít nhất là 3 lần một cách rõ ràng. Ngài muốn môn đồ hiểu việc sẽ xảy ra để họ càng tin cậy Ngài hơn.
Dầu biết trước là rất đau khổ nhưng Ngài không chùn bước.

Hê 12:3 – Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục,

Ngài chấp nhận mọi sự vì muốn cứu rất nhiều người.
Ba thành phần chống đối bắt bớ Chúa cũng tượng trưng cho các nhiều người ở mọi thời đại và cho chúng ta ngày nay.

  • Kẻ giả hình như Thầy thông giáo bị lên án, chúng ta cũng giả hình như họ. Hay lên án và xét đoán người khác, làm tổn thương nhiều người để mình được vinh hiển.
  • Người xác thịt như Thầy tế lễ cả, đầy lòng ganh tỵ và ghen ghét Chúa. Lòng ganh tỵ và ghen ghét vì Chúa vạch trần tội họ nên họ ghen ghét và tìm cách giết Ngài (Giăng 11:47), (Lu 20:19; 22:2; 23:10). Cách sống của chúng ta có thường ganh tỵ như họ không. Lòng ghen ghét sanh ra tội giết người.

2/ TRẢI NGHIỆM ĐAU ĐỚN THỰC TẾ

Chúng ta phải nhìn nhận rằng bởi tội lỗi chúng ta mà Ngài chịu thống khổ, vì thế đừng sống bê tha tội lỗi khiến Ngài đau khổ như thế Ngài bị đóng đinh lần nữa.

Hê 6:6 – Nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường.

3/ NHÌN LẠI NỖI THỐNG KHỔ ĐÃ QUA

Nhờ sự cứu chuộc đã làm trọn trong Chúa mà chúng ta mới được cứu. Xin Chúa giúp chúng ta biết ơn Chúa vì Ngài chịu đau khổ và chịu chết để chúng ta được tha tội và được sống.
Biết ơn Ngài thì phải vâng theo ý muốn Ngài là rao giảng Tin mừng cứu rỗi để nhiều người được cứu.
Cầu xin Chúa được vinh hiển như bài ca trong Khải Thị.

Khải 5:9-10 – vì Ngài đã chịu giết, lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước, và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị vì trên mặt đất.

A-men,
Hòn Chồng ngày 10-04-2025
 Thái An Kiều (bà MS Lê Văn Thiện)


[1] [năng lực (dynamis) power]

Bài trướcĐắk Lắk: Hiệp Nguyện Khu Vực 1
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ Bà H RI NIÊ