4 ĐIỀU CẦN PHÁT HUY TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
Brent Rinehart
- Sự Kết ước
Kinh Thánh nói rất nhiều về sự kết ước trong hôn nhân:
“Bởi vậy, người nam sẽ lìa cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt” (Sáng Thế Ký 2:24).
“Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5:25).
Có thể nói rằng việc trở nên “một thịt” và “phó chính mình” là một minh chứng rõ ràng về sự kết ước mạnh mẽ đó.
Trong hầu hết các lễ cưới, cô dâu chú rể thường đứng đối diện nhau và lớn tiếng kết ước cùng nhau. Đó là lúc bắt đầu, và rồi những lời đó sẽ phai nhạt theo thời gian. Khi hôn nhân gặp trắc trở hoặc không thể tồn tại, thường là do có gì đó đã xảy ra khiến kết ước của cả hai với nhau bị cản trở. Có lần, một trong những giáo viên Kinh Thánh yêu thích của tôi, Beth Moore, đã chia sẻ trên Twitter: “Để tôi nói với các bạn điều này. Suốt hơn 40 năm trong hôn nhân, thực ra là bạn đã kết hôn với khoảng bốn loại người khác nhau. Và người phối ngẫu của bạn cũng vậy. Quả đúng là việc Chúa làm nếu chúng ta vẫn có thể tiếp tục duy trì hôn nhân của chính mình.”
Con người thay đổi theo thời gian, và điều đó là thật. Người mà bạn kết hôn có lẽ không phải là người của ngày hôm nay. Nếu cả hai đều trưởng thành và gần gũi với Chúa, thì các bạn cũng sẽ gần gũi với nhau hơn.
Tôi nghĩ về bản thân mình vào thời điểm 15 năm trước khi kết hôn. Lúc đó, dường như tôi chỉ là một đứa trẻ. Cả tôi và vợ giờ đã trưởng thành rất nhiều, và bây giờ chúng tôi gần gũi với nhau hơn bao giờ hết.
Cách duy nhất để điều đó có thể xảy ra là duy trì sự kết ước- kết ước với Chúa và kết ước với nhau.
- Khích lệ
Tôi rất thích hình ảnh vận động viên chạy trong một cuộc thi marathon lớn, với sự cổ vũ của bạn bè và khán giả ở hai bên đường. Khi các vận động viên chạy vòng qua các góc đường thì cổ động viên vội đưa cho họ các ly nước uống.
Những hỗ trợ nhỏ này đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần lẫn thể chất để họ có thể tiếp tục cuộc đua.
Gần đây, tôi có xem một chương trình trên kênh Amazon Prime có tên là “Cuộc Đua Khó Nhất Thế Giới.” Các đội chơi từ khắp nơi trên thế giới tham gia vào cuộc đua hết sức khó khăn, dài ngày vượt qua hàng trăm dặm ở Fiji — chèo thuyền trên biển, vượt thác, đạp xe trên núi, leo núi và đi bộ. Hãy thử tưởng tượng cuộc thi Iron Man diễn ra mỗi ngày suốt trong một tuần rưỡi.
Tại một số điểm dừng trong cuộc đua, các thành viên trong gia đình sẽ đợi họ ở trại để cung cấp thức ăn, nói lời động viên, cung cấp trang thiết bị và nhiều thứ khác. Với những vận động viên mệt mỏi và kiệt sức, những phút nghỉ ngơi ngắn và hỗ trợ từ người thân chính là điều họ cần để có thể tiếp tục cuộc chạy.
Trong quyển “Bốn Mùa Của Hôn Nhân”, tác giả Gary Chapman viết: “Một trong những cách giúp người phối ngẫu hữu hiệu nhất chính là nói lời khích lệ. Từ ‘khích lệ’ có nghĩa là ‘truyền sự can đảm.’ Tất cả chúng ta đều thấy bản thân thiếu tự tin ở một số lĩnh vực. Và cũng chính sự thiếu tự tin đó khiến chúng ta không thể thực hiện được nhiều việc tích cực mà chúng ta muốn làm. Tiềm năng tiềm ẩn trong người phối ngẫu có thể đang chờ những lời khích lệ của bạn… Chúng ta hầu hết đều có nhiều tiềm năng hơn những gì mình biết và muốn phát triển. Nhưng chúng ta thường bị cản trở bởi sự thiếu tự tin của chính mình. Người phối ngẫu yêu thương có thể mang đến chất xúc tác quan trọng này.”
Một hôn nhân thành công luôn cần sự khích lệ từ cả hai – truyền cảm hứng cho nhau để trở nên phiên bản tốt nhất của chính mình. Chúng ta nên cố gắng “khích lệ và gây dựng nhau” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11). Nếu mỗi ngày chúng ta đều khích lệ người phối ngẫu thay vì khiến người ấy bị tổn thương, thì hôn nhân của chúng ta sẽ bền vững hơn.
- Kiên nhẫn (Nhịn nhục)
Tôi đã nghe nhiều mục sư nói rằng cầu nguyện cho sự kiên nhẫn là một trong những lời cầu nguyện nguy hiểm nhất. Bởi vì ngay khi bạn bắt đầu cầu nguyện cho vấn đề này, thì Chúa lại đưa đến cơ hội để bạn thực hiện điều đó.
Tất cả chúng ta đều cần sự kiên nhẫn. Nhiều người trong chúng ta thấy khó khăn trong vấn đề này, nhưng đó là “bông trái của Thánh Linh” và vì thế bạn nên biết rằng nó rất quan trọng với Chúa. “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ; không có luật pháp nào cấm các sự đó.” (Ga-la-ti 5:22-23).
Chúa rất kiên nhẫn với chúng ta. “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” (2 Phi-e-rơ 3:9). Nếu bạn cũng nghĩ vậy, thì thật là vô lý nếu chúng ta đòi hỏi quá nhiều sự kiên nhẫn từ người khác mà không sẵn lòng bày tỏ điều đó với họ (thậm chí là với Chúa!).
Phải thừa nhận rằng bản thân tôi cũng thấy khó khăn trong vấn đề này. Tôi luôn mong sự kiên nhẫn từ những người xung quanh, nhưng chính mình lại thường xuyên đánh mất nó.
Hôn nhân đòi hỏi sự kiên nhẫn. Trong cuộc sống, tôi biết vợ tôi đã phải thể hiện nhiều kiên nhẫn với tôi hơn những gì tôi cần trong cách cư xử với cô ấy. Tôi khá bảo thủ trong suy nghĩ, hay nói điều không nên nói, dễ mất bình tĩnh và thường né tránh các cuộc trò chuyện có thể khiến mình khó xử. Vì thế, có thể nói đôi lúc tôi là người khá khó chịu.
Ngoài ra, trong cuộc sống của chúng ta với nhau cũng cần sự kiên nhẫn. Chúng ta phải học cách chờ đợi thời điểm của Chúa ngay trong đời sống cá nhân lẫn hôn nhân của chính mình. Chúng ta chờ đợi thời điểm của Chúa ngay trong gia đình lẫn sự nghiệp. Và, trong những khi chờ đợi như vậy, Chúa lại khiến mối dây liên kết của chúng ta với nhau trở nên mạnh mẽ.
“Nhưng hãy để sự kiên nhẫn hoàn thành công việc trọn vẹn của nó, để bạn có thể trọn vẹn và không thiếu điều gì” (Gia-cơ 1:4, NKJV).
- Chúa Giê-xu
Cuộc sống hàng ngày dễ khiến chúng ta không còn tập chú vào yếu tố quan trọng trong hôn nhân để giữ chúng ta lại với nhau và giúp hôn nhân chúng ta phát triển – đó chính là Chúa Giê-xu. Hôn nhân không chỉ là mối quan hệ giữa nam và nữ; nhưng trong mối quan hệ đó phải có Chúa, Đấng đã thiết lập hôn nhân ngay từ buổi ban đầu.
Trong cuốn “Những Bí Mật Đáng Ngạc Nhiên Của Các Hôn Nhân Hạnh Phúc,” Shaunti Feldhahn chia sẻ rằng 53% các “Cặp Đôi Rất Hạnh Phúc” đều đồng ý rằng, “Chúa chính là tâm điểm của hôn nhân chúng tôi.” (so với 7% các Cặp Đôi Đang Gặp Trắc Trở).
Bà viết, “Những cặp đôi rất hạnh phúc có xu hướng đặt Chúa ngay tại tâm điểm trong hôn nhân của họ và tập trung vào Ngài, thay vì chỉ nhìn vào hôn nhân hoặc người phối ngẫu, để tìm sự thỏa mãn và hạnh phúc.”
Khi hôn nhân gặp trắc trở, nguyên nhân chủ yếu là do một hoặc cả hai đã không còn tập trung vào Chúa nữa. Chúng ta rất dễ bị cuốn vào công việc, các vấn đề trong gia đình, nghĩa vụ tài chính và nhiều thứ khác. Chúng ta rất dễ để tập trung vào nan đề và quên mất Đấng Giải Quyết Nan Đề của mình.
Thậm chí chúng ta có thể bị cuốn vào những điều dường như tốt đẹp, nhưng lại bỏ lỡ điều tuyệt vời nhất. Trong lễ cưới của chúng ta có đầy những câu Kinh Thánh và lời cầu nguyện, nhưng cũng có quá nhiều hôn nhân lại không có cả hai điều đó.
Chúng ta đã đưa nhiều thứ khác lên cao trong cuộc đời mình, và để chúng chiếm lấy vị trí mà đáng ra chỉ dành cho Chúa và chỉ mình Ngài mà thôi.
Nếu chúng ta đặt Chúa lên vị trí hàng đầu trong mọi khía cạnh của cuộc sống mình, Ngài sẽ lo liệu phần còn lại của cuộc đời chúng ta. “Nhưng hãy tìm kiếm trước hết nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, rồi Ngài sẽ ban thêm mọi điều đó cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 6:33). Nếu vợ chồng cùng nhau cam kết đi theo ý muốn Chúa và tìm kiếm Ngài mỗi ngày, thì tự khắc họ sẽ trở nên gần gũi nhau hơn.
C.S. Lewis đã đưa ra quan điểm thế này, “Khi tôi học yêu Chúa hơn cả người mà tôi thương yêu nhất, thì tôi sẽ yêu người ấy nhiều hơn.”
Nếu chúng ta trở thành những người Cơ Đốc tốt hơn, chúng ta sẽ nên những người chồng, người vợ tốt hơn, và rồi hôn nhân của chúng ta cũng sẽ tốt đẹp hơn.
Thảo Anh dịch
(Crosswalk.com)