Trong một chuyến công tác đến tỉnh Quảng Ngãi vào mùa Giáng sinh, tôi ghé thăm một số gia đình con cái Chúa. Tôi rất bất ngờ khi thấy mọi người ăn mừng lễ Giáng sinh rất lớn.[i] Ai nấy dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bánh mứt, thức ăn và đồ uống để đãi khách. Tôi thốt lên: “Không khí Tết quá!” Thật bất ngờ, nhiều người trả lời tương tự: “Dạ đúng rồi, giờ mình là Cơ Đốc nhân nên chỉ ăn Giáng sinh thôi, không còn để ý đến Tết Nguyên đán nữa”. Ban đầu, tôi rất vui vì lòng nhiệt thành của họ dành cho đức tin, nhưng điều này khiến tôi suy nghĩ: Cơ Đốc nhân có nên ăn Tết không? Và nếu có, thì nên hưởng ứng như thế nào?
Tết Là Gì?
Từ góc nhìn xã hội, Tết là lễ hội quan trọng nhất ở Việt Nam. Đây là kỳ nghỉ dài nhất trong năm, một dịp để gia đình sum họp, giữ gìn truyền thống và thực hành tín ngưỡng. Từ góc nhìn tự nhiên, tác giả Eliza Tan (2024) mô tả:
“Tết Nguyên đán đánh dấu sự khởi đầu của một lịch nông nghiệp kết hợp lịch mặt trời và lịch mặt trăng. Chẳng hạn, nông dân theo dõi sự di chuyển của mặt trời để dự đoán mùa mưa bắt đầu khi nào và thời điểm thu hoạch trước khi thời tiết quá nóng. Sự thay đổi hàng tháng của mặt trăng cũng xác định các dịp lễ như năm mới (rơi vào ngày đầu tiên của tháng Giêng Âm lịch) và Tết Trung thu (rơi vào ngày 15 của tháng Tám âm lịch, khi trăng tròn).”
Là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ lịch âm. Khi một người theo Chúa Giê-xu không có nghĩa là quay lưng lại với di sản của mình. Việc trở thành Cơ Đốc nhân không đồng nghĩa với việc xóa đi những truyền thống người Việt, nhiều trong số đó được phản ánh sâu sắc trong các hoạt động đón Tết. Vậy tại sao một số Cơ Đốc nhân lại do dự trong việc ăn Tết?
Những Lý Do Khiến Con Cái Chúa Do Dự Khi Ăn Tết
Lý do chính khiến một số Cơ Đốc nhân ngần ngại ăn Tết là vì họ cho rằng các hoạt động này gắn liền với chiêm tinh, mê tín và những thực hành mâu thuẫn với lời dạy của Kinh Thánh như bói toán và các nghi thức nhằm cầu tài lộc (Sin, 2008). Một số tín hữu có quan điểm rằng trở thành Cơ Đốc nhân đồng nghĩa với việc tách rời khỏi “thói tục đời này,” và họ gắn Tết với các truyền thống ngoại giáo. Thay vào đó, họ đề xuất thay thế Tết bằng cái gọi là “văn hóa Phúc âm,” chẳng hạn như tổ chức Lễ Tạ ơn với gà tây hoặc Lễ Phục sinh với trò săn trứng, những phong tục có nguồn gốc từ văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, theo Chúa Giê-xu không có nghĩa là từ bỏ truyền thống của dân tộc mình. Câu hỏi thực sự là, chúng ta nên ăn Tết như thế nào để tôn vinh Đức Chúa Trời?
Vận Dụng Mô Hình Hội Thánh Bản Địa của Hiebert (Critical Contextualization Model)
Để trả lời câu hỏi này, tôi đề xuất sử dụng mô hình Hội Thánh Bản địa của Paul Hiebert, bao gồm bốn bước:
- Nghiên Cứu Văn Hoá
Cơ Đốc nhân cần nghiên cứu các thực hành hoặc tín ngưỡng văn hóa trong địa phương của mình để hiểu ý nghĩa, nguồn gốc và tầm quan trọng của chúng. Mục tiêu là hiểu ý nghĩa của các văn hóa đó theo chính góc nhìn của nó trước khi đưa ra các phán xét hoặc so sánh với các nguyên tắc Kinh Thánh. Ví dụ, hãy xem xét việc lì xì trong dịp Tết. “Hình thức” của văn hoá này là việc tặng bao lì xì đỏ, nhưng “ý nghĩa” của nó bao gồm việc bày tỏ tình yêu thương, lòng rộng rãi với trẻ nhỏ và sự biết ơn đối với người lớn tuổi. Đối với người ngoại, nó cũng có thể tượng trưng cho sự may mắn. Nhưng ở bước này, chúng ta tránh phán xét và tập trung vào việc hiểu trọn vẹn ý nghĩa của phong tục này.
- Tra cứu Kinh Thánh
Sau khi tìm hiểu ý nghĩa của các hoạt động văn hóa-tín ngưỡng địa phương, chúng ta phân tích những lời dạy của Kinh Thánh liên quan đến ý nghĩa của các hành vi hoặc tín ngưỡng đó. Ví dụ, dù Kinh Thánh không trực tiếp nhắc đến lì xì, nhưng Kinh Thánh dạy về tình yêu thương, lòng rộng rãi và sự biết ơn. Những giá trị này phù hợp với các nguyên tắc Thánh Kinh. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đánh giá quan niệm “may mắn” dưới góc nhìn Kinh Thánh, vì nó mâu thuẫn với sự tin cậy vào quyền tể trị của Đức Chúa Trời.
- Đánh Giá
Khi đã hiểu ý nghĩa của các hoạt động văn hoá và Kinh Thánh dạy gì về những điều đó, chúng ta đi tới bước đánh giá để kết luận Cơ Đốc nhân nên có thái độ như thế nào với các hoạt động đó. Tùy theo mức độ phù hợp, Hiebert đề xuất năm phản ứng:
- Chấp Nhận (Giữ Lại): Nếu một hoạt động phù hợp với các giá trị Kinh Thánh, nó nên được giữ lại, con cái Chúa nên hưởng ứng các hoạt động đó.
- Biến Đổi (Cải Hóa): Nếu một hoạt động có những yếu tố có thể cải hoá để tôn vinh Đức Chúa Trời, thì nên được cải hóa.
- Loại Bỏ (Cấm Đoán): Nếu một hoạt động mâu thuẫn với Kinh Thánh, nó phải bị loại bỏ.
- Chỉnh Sửa (Sửa Đổi): Nếu một hoạt động có những yếu tố tốt nhưng cần thay đổi để phù hợp với các giá trị Kinh Thánh, nó nên được chỉnh sửa.
- Sáng Tạo Cái Mới: Con cái Chúa có thể sáng tạo ra một hoạt động mới để bày tỏ niềm tin Cơ Đốc với hình thức phù hợp với văn hoá bản địa.
Ví dụ, việc lì xì có thể được cải hóa và chỉnh sửa. Koh (2023) giải thích:
“Khi chúng ta chuẩn bị và trao bao lì xì, chúng ta có thể hiểu và truyền tải hành động này như một hành động của ân điển. Trong văn hóa châu Á, màu đỏ được cho là xua đuổi tà ma, nhưng đối với Cơ Đốc nhân, màu đỏ có thể đại diện cho huyết của Chúa Cứu Thế, nhắc nhở chúng ta về sự hy sinh của Ngài cho nhân loại. Hơn nữa, bao lì xì được trao tặng tự nguyện và không ai có quyền đòi hỏi, nó là một món quà được tặng vì tình yêu và lòng rộng rãi. Theo cách này, nó có thể trở thành một lời nhắc nhở hữu hình về ân điển của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.”
Trong những năm gần đây, nhiều Hội Thánh đã cải hóa thực hành này bằng cách in kèm câu Kinh Thánh trên bì lì xì. Sự chỉnh sửa này giữ lại các giá trị yêu thương, rộng rãi và biết ơn, đồng thời loại bỏ ý nghĩa mê tín gắn liền với sự may mắn.
Mẫu bao lì xì in câu gốc (Ảnh: FB Ban Thanh Niên Thị Nghè)
- Thực Hành Mới
Cuối cùng, chúng ta áp dụng những hoạt động phù hợp với Kinh Thánh theo cách tôn trọng văn hóa bản địa. Chẳng hạn, Hội Thánh cũng đã cải hóa chủ đề “phước lành,” một chủ đề trọng tâm của Tết bằng cách giải thích nó dưới góc nhìn Kinh Thánh. Việc này có thể mang lại cơ hội truyền giáo rất lớn vì nó đáp ứng khát vọng sâu sắc về phước lành trong văn hóa, đồng thời chỉ dẫn đến Chúa Cứu Thế là nguồn phước lành tối thượng.
Bên cạnh việc lì xì, Tết còn có các hoạt động khác như bữa cơm đoàn tụ, dọn dẹp nhà cửa, sắm quần áo mới, chuẩn bị món ăn truyền thống và treo câu đối Tết. Áp dụng mô hình Hội Thánh Bản địa của Hiebert giúp Cơ Đốc nhân đánh giá và lựa chọn nhưng hoạt động đón Tết phù hợp để làm sáng danh Chúa, tránh cả hai thái cực: chấp nhận không suy xét (đồng hóa) và từ chối hoàn toàn (kỳ thị văn hóa).
Kết Luận
Đức Chúa Trời không phạm sai lầm khi Ngài dựng nên chúng ta là người Việt Nam. Ngay cả khi chúng ta được cứu và trở nên mới trong Đấng Christ, chúng ta không trở nên bớt Việt Nam hơn. Thay vì bỏ qua các truyền thống dân tộc và tách mình ra, chúng ta có thể xin Chúa cho mình có sự khôn ngoan để nhận diện những điểm tích cực của văn hoá và tối đa hóa tác động của Phúc âm qua văn hóa của mình. Ăn Tết với tư cách là Cơ Đốc nhân không phải là việc chạy theo thế gian mà là cải hóa và biến đổi di sản của mình để tôn vinh Đức Chúa Trời.
Người Vỡ Đất
Tài liệu tham khảo:
Koh, Leslie. “Chinese New Year: A Clash of Culture and Faith? | Spotlight | Our Daily Bread Singapore.” Our Daily Bread Singapore, January 18, 2023. https://odb.sg/spotlight/chinese-new-year-a-clash-of-culture-and-faith/.
Sin, Jack. “Chinese New Year – a Christian Perspective.” Evangelical Times, February 2008. https://www.evangelical-times.org/chinese-new-year-a-christian-perspective/.
Tan, Eliza. “How Can I Reconcile Lunar New Year Tradition with Faith? | Faith & Life | Our Daily Bread Singapore.” Our Daily Bread Singapore, February 5, 2024. https://odb.sg/faith-and-life/how-can-i-reconcile-lunar-new-year-tradition-with-faith/.
[i] Ăn mừng ở đây nhấn mạnh đến khía cạnh đời sống xã hội. Bên cạnh sự nhắc nhở về đời sống thuộc linh, Giáng sinh trở thành một nét văn hoá trong đời sống xã hội của con cái Chúa tại đây.