“Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi, như lời Ngài đã phán. Hãy đến xem chỗ Ngài đã nằm.” (Ma-thi-ơ 28:6)
Có người cho rằng vì quá thất vọng về sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá và ước mơ xây dựng một vương quốc mới không thực hiện được, nên các sứ đồ đã bịa ra chuyện Ngài sống lại như một cách an ủi bản thân và những người đặt niềm tin nơi Ngài.
Vậy, Đức Chúa Giê-xu có thật sự đã sống lại không? Đây là một thắc mắc hằng có trong tư tưởng của người chưa tin Chúa khắp nơi trên thế giới chứ chẳng phải chỉ riêng người Việt Nam mà thôi, và câu hỏi nầy đã được đặt ra trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại kể từ khi Đức Chúa Giê-xu sống lại, sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá.
Là Cơ Đốc nhân, chúng ta tin chắc rằng: Sự kiện Đức Chúa Giê-xu phục sinh khải hoàn không phải là kết quả trí tưởng tượng của các sứ đồ, nhưng Chúa thật đã sống lại. Chúa sống lại là sự kiện lịch sử không thể chối cãi mặc dù ma quỷ luôn tìm cách để bác bỏ, phủ nhận hàng nhiều thế kỷ qua. Có thể xem lời Kinh Thánh trong Ma-thi-ơ 28:6 như là lời tiêu biểu cho sự kiện Chúa phục sinh với tinh thần xác tín mạnh mẽ: “Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi, như lời Ngài đã phán. Hãy đến xem chỗ Ngài đã nằm.”
Chúng ta dựa vào đâu để chứng minh cho người ngoại hiểu và nhận biết: Chúa Giê-xu thật đã sống lại? Chắc chắc sẽ có rất nhiều yếu tố xác nhận, nhưng có thể kể đến 3 yếu tố quan trọng sau đây:
- Kinh Thánh xác nhận Chúa Giê-xu thật đã sống lại
Ngoài ngôi mộ trống tại xứ Do Thái là bằng cớ lịch sử hiển nhiên của sự phục sinh mà không ai có thể chối cãi được, thì lời Kinh Thánh trong cả 4 sách Phúc âm mà các môn đồ ký thuật lại rất rõ sự kiện Chúa sống lại một cách khải hoàn (Mat 28:1-20; Mác 16:1-20; Lu-ca 24:1-53; Giăng 20:1-31).
Kinh Thánh cũng xác chứng Chúa Giê-xu đã sống lại và hiện ra nhiều lần nhiều cách cho nhiều người xem thấy. Đầu tiên, Ngài đã hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác khi đến thăm mộ (Ma-thi-ơ 28; Mác 16; Lu-ca 24; Giăng 20). Ngài đã hiện ra cho các môn đồ Ngài (Giăng 20). Sau đó, Ngài đã hiện ra một cách đặc biệt cho các môn đồ khi Thô-ma có mặt (Giăng 20). Ngài cũng hiện ta với hơn 500 anh em cùng một lúc (I Cô-rinh-tô 15:6). Rồi Ngài cũng hiện ra với các môn đồ Ngài nơi gần biển Ti-bê-ri-át (Giăng 21).
Nhưng vấn đề đặt ra là: Chúng ta dựa vào đâu để có thể tin Lời Kinh Thánh xác nhận là chắc chắc? Ấy vì là trong Kinh Thánh có ghi lại rất nhiều lời tiên tri từ hàng ngàn năm trước mà đến nay đã được ứng nghiệm vào thời đại chúng ta đang sống. Bên cạnh đó, trong Kinh Thánh Tân Ước có 104 lần đề cập đến sự sống lại của Chúa Giê-xu. Qua các bài giảng được ghi lại trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, sự sống lại của Chúa được đề cập nhiều hơn bất cứ vấn đề nào khác (Công Vụ 1:21-22; 2:24, 29-32; 17:18; 23:6).
Bên cạnh đó về mặt tâm lý, chúng ta thấy rằng ngoại trừ Sứ đồ Giăng, thì các sứ đồ còn lại của Chúa đều bị tử hình bởi các kẻ cầm quyền vào thời đó vì niềm tin của họ nơi sự sống lại của Đức Chúa Giê-xu. Vậy giả thuyết đặt ra: Nếu sự sống lại của Chúa không có thật, thì tại sao họ phải chịu chết? Nếu sự sống lại của Đức Chúa Giê-xu không có thật, thì chắc rằng sẽ có ít nhất là một người trong các sứ đồ lên tiếng nói lên sự thật khi bị tra tấn và bị đánh đập để mình thoát khỏi án tử hình.
Nhưng chúng ta thấy rằng: Dầu phải đối diện với cái chết đau đớn, thì các sứ đồ đều giữ sự xác nhận một cách cương quyết về sự sống lại của Đức Chúa Giê-xu chứ không chịu nói khác hơn để được thoát chết. Họ là những người đã tận mắt chứng kiến Đức Chúa Giê-xu sống lại nên họ sẵn sàng chịu chết, chứ không thể nói ngược lại với sự thật ấy. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng khiến Cơ Đốc nhân tin rằng Đức Chúa Giê-xu đã thật sự sống lại.
- Những kẻ bắt bớ và chống đối Chúa không có bằng chứng nào phủ nhận Chúa thật đã sống lại
Trên thế giới đã ra đời những thuyết giải thích về sự phục sinh của Chúa Giê-xu có thể kể đến như sau:
– Thuyết âm mưu lừa dối: cho rằng môn đồ của Chúa Giê-xu lập mưu với nhau để dựng lên câu chuyện Chúa sống lại cho mọi người tin theo.
– Thuyết ngất lịm: cho rằng Chúa Giê-xu chỉ ngất đi vì các binh lính chưa giết Ngài chết, nhờ vào không khí trong mộ lạnh và hương liệu khiến Chúa sống lại.
– Thuyết ảo ảnh: cho rằng các môn đồ muốn gặp lại Chúa Giê-xu và họ cứ suy nghĩ và ao ước Ngài sẽ sống lại, cho nên trong sự tưởng tượng của mình, họ đã thấy Chúa sống lại.
– Thuyết thấy ma: các môn đồ chỉ thấy hình ma của Chúa Giê-xu và tưởng rằng đã thấy Ngài thực sống lại.
– Thuyết huyền thoại: đó chỉ là câu chuyện thần thoại được người xưa kể lại do sự bịa đặt, chứ không có thực.
Toàn bộ Kinh Thánh và những chứng cớ sờ sờ về sự phục sinh của Chúa phủ nhận tất cả những thuyết trên. Sự sống lại của Chúa Giê-xu là một thực tế huy hoàng vẫn luôn đứng vững trước sự công kích của người vô tín và sự tàn phá của thời gian.
Tất cả lời giải thích trên chỉ là những giả thuyết được con người đặt ra để phủ nhận sự sống lại của Chúa Giê-xu, thế nhưng những kẻ bắt bớ và chống đối niềm tin trong Đức Chúa Giê-xu đã không thể cung cấp được một bằng chứng nào cho thấy Đức Chúa Giê-xu đã chết luôn và không sống lại. Việc đưa ra bằng cớ như vậy là điều không khó đối với những kẻ chống đối, vì họ có quyền lực, nhân lực và tài chánh để thực hiện điều đó hầu có thể phá đổ niềm tin của những người theo Chúa. Họ đã từng phao vu rằng các môn đồ đã đem giấu xác Đức Chúa Giê-xu, nhưng tại sao suốt hơn 2.000 năm qua họ đã không thể nào tìm được xác Ngài?
Ngày hôm nay nhân loại đã tiến bộ một cách vượt bực về phương diện khoa học kỹ thuật và ngành khảo cổ học. Vì thế người ta đã đào bới, khai quật được biết bao nhiêu ngôi mộ cổ được chôn cất bí mật và thân xác của những người đã qua đời cách đây hàng ngàn năm, nhưng tại sao cả thế giới vẫn không tìm thấy được xác của Đức Chúa Giê-xu nếu Ngài không thật sự sống lại? Sự bất khả năng của những kẻ chống đối để chứng minh ngược lại niềm tin của người Tin Lành là yếu tố thứ hai giúp cho chúng ta tin chắc rằng Đức Chúa Giê-xu đã thật sự sống lại.
- Sức sống bên trong và đời sống biến đổi của Cơ Đốc nhân trải các thời đại minh chứng Chúa thật đã sống lại
Một yếu tố đặc biệt minh chứng sống động Chúa Giê-xu thật đã sống lại chính là sức sống của Chúa bên trong tấm lòng của hàng triệu triệu người tin nơi Ngài. Trên thế giới có nhiều bậc vĩ nhân được người ta tôn sùng và ngưỡng mộ, nhưng so với sự sống của Đức Chúa Giê-xu ở bên trong đời sống tâm linh những người tin thờ Ngài thì hoàn toàn khác.
Khi người ở trong thế gian tôn sùng các bậc vĩ nhân thì họ thường làm mộ bia, tượng đài và hình ảnh để chiêm ngưỡng, tôn thờ và kính bái. Thậm chí người ta còn cho trưng bày xương cốt của những vĩ nhân ấy, hoặc đưa đi triển lãm vòng quanh thế giới. Cách đây nhiều năm tại Ấn Độ, người tìm thấy mảnh xương (gọi là xá lợi) của Đức Phật và một buổi lễ long trọng được tổ chức để cung thỉnh xá lợi ấy về chùa. Nhân dịp này, một vị Mục sư ở Ấn Độ đã có lời bình luận rất ý nghĩa như sau: “Nếu ngày nay người ta tìm thấy một mảnh xương hay sợi râu của Chúa Giê-xu thì Cơ Đốc giáo sẽ sụp đổ, vì Cơ Đốc giáo được xây trên sự chết và sống lại của Chúa Cứu Thế”.
Thật vậy, đối với Cơ Đốc giáo, vì Đức Chúa Giê-xu đã sống lại và vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, nên Chúa ngự trong tâm linh và tấm lòng của những người thờ phượng Ngài chứ không cần đến hình ảnh và tượng đài bên ngoài. Bởi lẽ đó, người Tin Lành không có lăng tẩm cho Chúa, cũng không có mộ bia hoặc trưng bày một mảnh xương, một vật dụng nào của Chúa để tôn thờ, mà chỉ dùng tấm lòng để thờ phượng và tương giao với Ngài mà thôi. Đây là điều đặc biệt mà chúng ta tin rằng Đức Chúa Giê-xu đã thật sự sống lại và hiện nay đang sống trong tấm lòng của hàng triệu triệu con dân Ngài trên khắp thế giới.
Chính nhờ sức sống của Chúa phục sinh tuôn tràn trong đời sống, nên Cơ Đốc nhân được biến đổi lạ lùng. Sau khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh, các môn đồ đã trốn biệt trong các phòng khóa chặt cửa, sợ sẽ đến lượt mình bị lôi đi xử tử. Nhưng có sự thay đổi khác thường: Họ đang là những người sợ hãi bỗng chốc trở thành những người rao giảng Phúc âm đầy can đảm. Bản chất con người không thể thay đổi mau chóng như vậy nếu không có một sự tác động lớn nào đó. Sự ảnh hưởng đó đến từ việc họ được nhìn thấy thầy mình sống lại từ cõi chết mặt đối mặt.
Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:32 chép: “Đức Chúa Giê-xu nầy, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó.” Chúng ta còn nhớ con người Phi-e-rơ trước khi Chúa bị đóng đinh: Ông hoang mang, lo sợ, giận dữ, và chối Chúa ba lần khi người ta nhận ra ông đã từng ở với Ngài. Khi Chúa bị treo trên thập tự giá, không ai thấy bóng dáng Phi-e-rơ ở đâu. Người được mệnh danh là “Hòn Đá” đã trở nên yếu mềm. Nhưng bây giờ, chúng ta bắt gặp một Phi-e-rơ can đảm, tự tin và sẵn sàng rao truyền về Chúa cho mọi người tại Giê-ru-sa-lem, bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy đến với mình. Phi-e-rơ đã được biến đổi bởi quyền năng Chúa Phục sinh và sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong đời sống. Cuộc đời Phi-e-rơ và các môn đồ biến đổi là bằng chứng sống động Đức Chúa Giê-xu thật đã sống lại.
Trong xã hội ngày nay, Cơ Đốc giáo không chỉ hấp dẫn người khác bằng đời sống hay lời dạy của Đức Chúa Giê-xu. Sức thuyết phục của Cơ Đốc giáo cũng không chỉ nằm ở sự chết và phục sinh của Chúa nhưng ở sự biến đổi đời sống của những người tiếp nhận Chúa Phục sinh làm chủ đời sống mình.
Sứ đồ Phao-lô là người đã từng bắt bớ cách gay gắt những người tin theo Chúa Giê-xu (Công Vụ 9:1-9) cũng đã được gặp Chúa. Sự hoán cải của một người Pha-ri-si sùng đạo như ông Phao-lô, nếu không phải quyền năng của Chúa Phục sinh đã chinh phục đời sống ông, thì không thể nào giải thích được sự kiện này một cách hợp lý và thuyết phục được.
Trải qua hơn hai ngàn năm, những nhân chứng sống trực tiếp gặp Chúa phục sinh đều đã yên nghỉ trong nước Chúa, nhưng không vì thế mà sự kiện vĩ đại này mất đi tính chân thực. Trái lại, sự kiện Chúa phục sinh vẫn luôn là trái tim của Phúc âm bởi vì năng quyền Chúa Phục sinh đã, đang và sẽ vận hành trong đời sống của những người tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa đời sống mình. Đấng chúng ta tôn thờ không phải là một Chúa đã chết và chỉ còn nắm xương khô trong phần mộ, nhưng Ngài hiện đang sống và sống trong mỗi chúng ta.
Nền tảng của đức tin và thần học của Cơ Đốc giáo đặt trên sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu. Nếu Đức Chúa Giê-xu không sống lại, thì Cơ Đốc giáo đã không thể tồn tại đến ngày hôm nay. Sự kiện Chúa phục sinh chứng minh những lời Đức Chúa Giê-xu tự xưng Ngài là Đức Chúa Trời là đúng và thật. Nếu Chúa Giê-xu vẫn là một bộ xương nằm trong mộ đá, thì chỉ người không có trí khôn mới tin Ngài là Đức Chúa Trời. Nhưng nếu ai biết Ngài đã thật sống lại từ cõi chết mà không chịu tin, thì người ấy thật là ngu dại.
Trong mùa Lễ Kỷ niệm Chúa Chịu Thương khó và Mừng Chúa Phục sinh năm nay, mỗi chúng ta hãy xét lại: Chúa có đang thật sống trong lòng chúng ta không? Nếu chúng ta không kinh nghiệm quyền năng biến đổi của Chúa thì đời sống chúng ta chẳng có gì tốt đẹp hơn những người ngoài Chúa. Cầu xin Chúa giúp mỗi chúng ta sống mỗi ngày làm chứng nhân cho Chúa Phục sinh giữa đời để bày tỏ Chúa là ai, không chỉ bằng môi miệng nhưng bằng cuộc đời được biến đổi của chính mình. “Nếu hỏi chứng cớ Chúa sống đâu nào? Rằng Chúa sống trong lòng này.” (Thánh ca 111 – Chúa Sống)
Cuộc sống của con người trên đất là một hành trình đầy gian truân, thử thách. Cơ Đốc nhân cũng không được miễn trừ, nhưng mỗi chúng ta có sức sống của Chúa Phục sinh để sống đắc thắng, vui mừng và hy vọng như điệp khúc bài Thánh ca 597: “Vì Jê-sus sống, ta bước đi với hi vọng. Bóng đêm xa dần, lòng luôn vững tin; Vì tôi biết rõ Chúa sống, uy quyền trên khắp trời; Vì Jê-sus sống luôn với tôi, tôi vui sống trong Ngài.”
Lê-vi