Đức Chúa Trời Nơi Chuồng Chiên, Máng Cỏ

3739

 

ĐỨC CHÚA TRỜI NƠI CHUỒNG CHIÊN, MÁNG CỎ [1]

Những suy nghĩ về lễ Giáng sinh

 

Mỗi mùa Giáng sinh, nhiều người trong chúng ta thường ao ước thầm lặng về những háo hức của tuổi thơ chúng ta. “Năm nay,” chúng ta trịnh trọng tuyên bố, “Mùa Giáng sinh sẽ khác, nó sẽ tốt đẹp hơn.” Tuy nhiên, điều kỳ diệu của lễ Giáng sinh vẫn chưa nắm bắt được.

Robert Solomon rất hiểu điều này. Là một bác sĩ y khoa, một tác giả, một diễn giả và là một mục sư, ông  biết rằng cuộc sống là một sự pha trộn điều kỳ diệu và nỗi thất vọng, sự vui mừng và nỗi đau khổ, sự chiến thắng và bi kịch. Sự phức tạp như vậy đã phản ảnh trong câu chuyện của lễ Giáng sinh. Lời loan báo của thiên sứ về sự giáng sinh của con trẻ của Ma-ri theo sau là sự tàn bạo không thể tưởng tượng được đối với những bé trai khác. Và khi đứa trẻ trưởng thành, những phép lạ và chức vụ của Ngài dường như có một kết thúc bất ngờ với việc Ngài bị đóng đinh trên Thập tự giá.

Nhưng tất cả điều đó chỉ là một sự kiện mở đầu cho lý do tại sao chúng ta lại kỷ niệm lễ Giáng sinh. Từ ban đầu, máng cỏ đã được chỉ định cho sự phục sinh của Ngài.

Lễ Giáng sinh không phải là một chuyện ma thuật, tuy nhiên, nó mang vẻ oai nghiêm và đường vệ! Chúa trong chuồng chiên. Chúa ở với chúng ta! Đó là lời hứa của lễ Giáng sinh.

1.

Lời hứa về lễ Giáng sinh

Đối với nhiều người, lễ Giáng sinh năm nay có lẽ không chú tâm vào lễ kỷ niệm. Vâng, các trung tâm mua sắm mạnh dạn treo những trang trí lễ hội, hy vọng sẽ gây cảm hứng đến một mức độ có thể thu hút mọi người vào hoạt động mua sắm. Nhưng nhìn chung, mọi người đều lo lắng.

Khi tôi viết những dòng này, chiến tranh đang xảy ra phía bên kia địa cầu. Có những nỗi lo âu lan tỏa về những cuộc tấn công của khủng bố, bao gồm khả năng khủng bố sinh học trên bình diện rộng. Thị trường mua bán còn ảm đạm hơn nữa. Chúng ta đang sống giữa thời kỳ suy thoái kéo dài, các cảng đang lo lắng cho tương lai họ. Sự xung đột giữa người Do Thái và Palestine diễn ra ác liệt mà không có dấu hiệu nào cho một sự hòa bình vĩnh cửu. Bết-lê-hem, nơi Đức Chúa Giê-xu đã giáng sinh vẫn còn là một điểm nóng trên thế giới, bất an, bạo lực, rối ren và chìm ngập trong lo âu.

Vậy lễ Giáng sinh có ý nghĩa gì trong một thế giới như vậy? Đối với các doanh nhân, đó là thời gian để kiếm tiền.  Những người hoài cổ sẽ nhớ lại những khái niệm chung về lễ Giáng sinh chẳng hạn tuyết trắng, đồ trang trí, ông già Nô-ên, quà tặng, những bài hát lễ. Đối với những người trầm lặng, đó là ngày lễ cuối năm thuận tiện cho việc mua sắm, kỷ niệm và cảm thấy hạnh phúc.

Nhưng trọng tâm của lễ Giáng sinh chính là sự ra đời của Chúa Giê-xu, Chúa chúng ta.  Đó là thời điểm trong năm mà Hội thánh dành riêng để kỷ niệm sự ban cho dư dật của Chúa (II Cô- rinh-tô 9:15) Trong thời điểm như vậy, có lẽ có một cơ hội lớn hơn để suy niệm về ý nghĩa nguyên thủy của lễ Giáng sinh nhằm xua tan bối cảnh ảm đạm ấy, nó giống như một ngọn lửa hy vọng trong đêm tăm tối.

Lễ Giáng sinh không phải là thời điểm cho khuynh hướng thoát ly thực tế, ngược lại, chân lý của lễ Giáng sinh đưa chúng ta vào một thực tế sâu xa hơn. Đó là cách mà Chúa Giê-xu đã được sinh ra trong thế gian. “Chính Ngài đã tự bỏ mình đi,lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người.”(Phi-líp 2:7) Ngài đã không được sinh ra trong một lâu đài với những xa hoa khiến cách ly Ngài vời thực tế xã hội. Không, Chúa Giê-xu đã được sinh ra trong một thực tế trần trụi của sự nghèo khó. Bởi sự chọn lựa của Ngài, Ngài đã được sinh ra trong nơi chuồng chiên tối tăm, trong những hoàn cảnh khiêm tốn nhất. Ngài đã đến với một dân tộc sống trong một đất nước đã bị đô hộ bởi thế lực ngoại bang là đế quốc La Mã. Trong nhiều thế kỷ, Đức Chúa Trời đã dẫn dắt họ. Ngài đã yêu thương họ, chiến đấu với họ và cũng sửa phạt, kỷ luật họ. Khi Ngài mang họ trở về từ cảnh lưu đày, họ đã trở về nơi quê cha đất tổ xưa của họ với những lời hứa của Chúa. Kế đến, trong 400 năm, Chúa dường như xa cách và im lặng. Và cuối cùng dường như Chúa đã mất hy vọng ở họ.  Những người tin kính Chúa trong họ bám vào những sợi chỉ đức tin mong manh, bất kể những nỗi khiếp sợ của thế giới. Đền thánh của họ đã bị tàn phá và hàng nghìn người đã bị tàn sát. Vậy thì làm thế nào mà trông đợi được Đấng Mê-si-a đã hứa!

Antiochus IV Epihanes là vua của Sy-ri, người đã phá hủy thành Giê-ru-sa-lem và làm ô uế thành này bằng cách hiến sinh cho thần Zeus. Điều này dẫn đến cuộc nổi dậy thành công vĩ đại của Maccabean 167-164 TC. Antiochus qua đời năm 164 trước khi ông ta có thể dập tắt cuộc nổi dậy ấy.

Chúa đã giữ lời hứa của Ngài. Ngài đã sai Con Một của Ngài là Chúa Giê-xu đến thế gian, và điều này là lý do tại sao chúng ta kỷ niệm lễ Giáng sinh. Chúng ta có thể cũng nghĩ như dân Chúa ngày xưa, chờ đợi những thời điểm tốt hơn, chờ đợi Đức Chúa Trời hành động. Lễ Giáng sinh là một sự nhắc nhở đúng lúc rằng Chúa chắc chắn giữ lời hứa của Ngài. Đấng mà chúng ta kỷ niệm đã được đặt hai tên lúc sinh ra, đó là Giê-xu và Em-ma-nu-ên. (Ma-thi-ơ 1:21, 23)  Chữ Giê-xu có nghĩa là “Chúa Cứu Thế”, trong khi Em-ma-nu-ên có nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. Thông điệp của lễ Giáng sinh có nghĩa là qua Chúa Giê-xu, Đức Chúa Trời cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, và đến ở với chúng ta. Thông điệp này không thay đổi dù chúng ta ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thực vậy, trong thế giới hiện tại của chúng ta, thông điệp này càng soi sáng cho tất cả chúng ta.  Ai có thể giải cứu chúng ta thoát khỏi những hoàn cảnh kinh khủng trong cuộc đời? Ai có thể biến tin xấu thành tin tốt lành? Có phải Đấng Christ là Chúa chúng ta, Đấng mang đến sự cứu chuộc, sự hòa giải, sự chữa lành, sự bình an và hy vọng cho chúng ta. Chúng ta hãy đặt hy vọng nơi Chúa trong những thời điểm khó khăn của mình.

Đức Chúa Giê-xu Cơ Đốc đã được sinh ra trong một thế giới thực, với những lo lắng, bấp bênh và đau khổ. Đấng Christ của lễ Giáng sinh không cung cấp cho chúng ta sự giảm nhẹ trong chốc lát để thoát khỏi hoang tưởng, thay vào đó, Đấng đã bị treo trên Thập tự giá đã ban cho chúng ta sự hiện diện vĩnh cửu của Ngài ngay cả trong những lúc khó khăn. Ngài không những là Đấng cứu chuộc của chúng ta mà còn là bạn hữu của chúng ta nữa.

Trong thâm tâm của chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng một cách chắc chắn rằng không gì có thể chia cách chúng ta với tình yêu của Chúa. Như Martin Luther đã nhận xét: “Sự huyền dịệu của sự nhập thể của Đấng Christ khiến Ngài đã hòa vào một thịt với chúng ta là điều vượt quá sự hiểu biết của loài người.” Do đó, chúng ta kỷ niệm sự huyền nhiệm này của lễ Giáng sinh với sự kính sợ, lòng biết ơn và hy vọng. Chúng ta hãy làm cho điều này trở thành hiện thực trong cuộc đời của mình.

————–

[1] Nt. God in the Stable- Reflections on Christmas by Rev. Dr. Robert M. Solomon, Singapore (Discovery series- 2011)

 

Hồ Thế Kiệt dịch

(Trịnh Phan hiệu đính)

 

Còn tiếp …

Bài trướcLễ Công Bố Chi Hội Tin Lành Bình Đức, Tỉnh An Giang
Bài tiếp theoTruyện Ngắn Cơ Đốc: Đêm Giáng Sinh Đầu Tiên – BTMV 44