Thiên Đàng Tốt Đẹp Bội Phần (Chương 4)

1416

CHƯƠNG BỐN

 

Phần thưởng

và thân thể phục sinh

 

Ai sẽ nhận được phần thưởng?

Mão triều thiên được hứa ban tượng trưng cho điều gì?

Thân thể phục sinh của chúng ta sẽ như thế nào?

Thân thể phục sinh của Chúa Jêsus thì như thế nào?

Có thời gian ở thiên đàng hay không?

 

 

Đây là một từ sâu sắc – động cơ của những việc làm của chúng ta chính là được tính sổ. Trong ngày đó Đức Chúa Trời sẽ thẩm định tất cả mọi thứ theo tiêu chuẩn lẽ thật của Ngài, và nếu đáp ứng được sự phê chuẩn của Chúa, Ngài sẽ ban thưởng. Phần thưởng không phải là sự cứu rỗi, vì sự cứu rỗi là ân điển, hoàn toàn tách biệt với việc làm (Ê-phê-sô 2:8-9). Phần thưởng này là dành cho sự phục vụ trung tín vì cớ sự cứu rỗi.

Chúng ta sẽ có thân thể phù hợp với sự sống trọn vẹn của Đức Chúa Trời để sống và thể hiện chính sự sống đó mãi mãi. Chúng ta sẽ có thể ăn nhưng không cần phải ăn. Chúng ta sẽ có thể di chuyển nhanh chóng qua không gian và vật chất. Chúng ta sẽ trẻ mãi không già và không biết đến đau đớn, nước mắt, đau buồn, bệnh tật hay sự chết. Chúng ta sẽ có những thân thể sáng láng. Trong một lời hứa dành cho các thánh trong Cựu ước, Chúa so sánh thân thể vinh hiển của chúng ta với ánh sáng của mặt trăng và các ngôi sao (Đa-ni-ên 12:3). Thân thể vinh hiển của Đấng Christ được mô tả sáng lòa như mặt trời.[30]

Rene Pache

 

Ai sẽ nhận được phần thưởng?

“Phước cho các ngươi khi vì cớ Con người, thiên hạ sẽ ghét, đuổi, mắng nhiếc các ngươi, bỏ tên các ngươi như đồ ô uế! Ngày đó, hãy vui vẻ, nhảy nhót và mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi trên trời sẽ lớn lắm”

Lu-ca 6:22-23

 

“Toàn bộ chủ đề về phần thưởng dành cho người tin Chúa trong thiên đàng dường như hiếm khi được những Cơ Đốc nhân bình thường, hay thậm chí những người học Kinh Thánh thông thường nghĩ đến. Đó là một chủ đề vừa vui mừng vừa nghiêm trang, và là sự khích lệ mạnh mẽ cho đời sống nên thánh.” Wilber M. Smith đã viết như vậy cách đây nhiều năm, và kể từ đó mối quan tâm về chủ đề này có đôi chút thay đổi.

 

Có những người ra vẻ thuộc linh. Họ xem toàn bộ khái niệm về những phần thưởng dành cho sự phục vụ như là một động cơ rất tầm thường. Họ xem nó giống như việc thưởng kẹo cho một đứa bé nếu nó ngoan. Nhưng Chúa Jêsus không hề ủng hộ một quan điểm như thế. Những câu Kinh Thánh được trích dẫn ở phần đầu của chương này thì dạy ngược lại. Nhiều câu khác trong lời dạy của Chúa Jêsus cũng như vậy. Sứ đồ Phao-lô cũng dạy về những phần thưởng trong một số thư tín của ông.

 

Hiển nhiên là không có hành động nào của chúng ta là xứng đáng để nhận được ơn cứu rỗi, vì sự cứu rỗi là kết quả của tình yêu diệu kỳ, vô điều kiện Đức Chúa Trời. Nhưng chính sự thật rằng Chúa Jêsus đã phán dạy về những phần thưởng dành cho sự phục vụ trong rất nhiều trường hợp cho thấy rằng Ngài xem việc ban thưởng là một tín lý quan trọng. Nhưng Ngài không hề đề xuất hay ám chỉ rằng sự phục vụ là một phương thức tích lũy công trạng và bởi đó nhận được sự cứu rỗi. Sự sống đời đời là một tặng phẩm, không phải là phần thưởng.

 

Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, ngôn ngữ chuyển tải khái niệm về phần thưởng mang ý nghĩa ẩn dụ và có tính biểu tượng cao nên phải được giải thích một cách phù hợp. Tất nhiên, sự phục vụ trung tín sẽ mang lại những phần thưởng trong đời này cũng như đời sau. Cả hai được đề cập trong câu sau: “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, người nào vì cớ nước Đức Chúa Trời mà bỏ nhà cửa, cha mẹ, anh em, vợ con, thì trong đời nầy được lãnh nhiều hơn, và đời sau được sự sống đời đời” (Lu-ca 18:29).

 

Giao ước Mới mở đầu với lời hứa về phần thưởng trong bài giảng về các phước lành: “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm” (Ma-thi-ơ 5:11-12). Phần thưởng này dành cho người bị vu khống và bị bắt bớ vì Chúa Jêsus.

 

Giao ước Mới kết lại với lời bảo đảm của Chúa: “Nầy, ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm” (Khải huyền 22:12).

 

Vì Chúa Jêsus nói rằng phần thưởng cho sự chịu đựng đau khổ vì cớ Ngài là lớn lắm và đó là lý do để vui mừng, chúng ta phải nhận lãnh những lời của Ngài một cách nghiêm túc chứ không bỏ qua như một số người thường làm.

 

Phao-lô cũng đồng xác nhận quan điểm này: “Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt” (II Cô-rinh-tô 5:10). Từ câu Kinh Thánh này chúng ta biết được rằng tại tòa án của Đấng Christ, chúng ta sẽ đối mặt với những việc làm của mình trong quá khứ mình, nhưng rõ ràng sự cứu rỗi của người tin Chúa không phải là vấn đề trong lúc đó. Vấn đề quan trọng này đã được giải quyết vĩnh viễn tại Thập tự giá, khi Đấng chết thay cho chúng ta đã mang lấy án phạt thích đáng vì cớ tội lỗi của chúng ta. Như một kết quả từ sự kiện phước hạnh này, Phao-lô bảo đảm với con cái Chúa: “Nhờ Ngài [Đấng Christ] mà hễ ai tin thì được xưng công bình về mọi điều theo luật pháp Môi-se chẳng có thể được xưng công bình” (Công vụ 13:39). Kết quả phước hạnh là “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rô-ma 8:1).

 

Vì thế người tin Chúa không cần ôm mối lo sợ bị mất sự sống đời đời trước tòa án. Nhưng điều này có lẽ bị phản đối, “Chẳng phải Phao-lô đã từng sợ hãi việc bị bỏ sao?” Khi Phao-lô viết về khả năng đó, không phải là vì ông đang sợ mất đi sự cứu rỗi của mình. Từ ngữ bị bỏ (castaway) trong I Cô-rinh-tô 9:27 mà Bản King James sử dụng có nghĩa chính xác hơn là không đủ tiêu chuẩn (disqualified). Phao-lô đang nói trong bối cảnh tranh đấu trong các trò chơi của người Hy Lạp tại eo biển Cô-rinh-tô. Nỗi sợ mà ông có đó là sau khi khích lệ người khác phải chạy cách nào để giành được phần thưởng mong muốn, chính ông có thể không đủ tiêu chuẩn để nhận vòng nguyệt quế dành cho người thắng cuộc. Sau hết, sự sống đời đời không phải là một phần thưởng, nhưng là một tặng phẩm.

 

Tất cả những người thật sự tin Chúa đứng trước tòa án đều đủ tiêu chuẩn để được vào thiên đàng, nhưng không phải tất cả đều nhận được phần thưởng. Ai đó đã từng nói: “Phần thưởng được tính dựa trên lòng trung thành và sự chịu đựng gian khổ hơn là dựa trên những công việc thành công.” Tuy nhiên, chúng ta được khích lệ mạnh mẽ qua Lời Chúa: “Chính các ngươi hãy giữ, hầu cho khỏi mất kết quả của công việc mình, nhưng cho được phần thưởng đầy đủ” (II Giăng 8).

 

Trong ẩn dụ những nén bạc (Lu-ca 19:11-27) và các ta-lâng (Ma-thi-ơ 25:14-30), Chúa Jêsus dạy rằng mỗi tín hữu có những khả năng và ân tứ khác nhau. Nghĩa là có những thứ vượt quá khả năng kiểm soát của chúng ta và có những điều chúng ta không phải chịu trách nhiệm. Ví dụ về những nén bạc dạy rằng ở đâu có khả năng bằng nhau nhưng sự trung tín không bằng nhau, thì ở đó sẽ có phần thưởng nhỏ hơn. Mặt khác, ví dụ về các ta-lâng cho chúng ta biết rằng nơi nào có khả năng không bằng nhau nhưng sự trung tín bằng nhau, thì phần thưởng sẽ như nhau. Sự phán xét của Đấng Christ và phần thưởng được ban cho sẽ tùy thuộc vào sự hữu ích mà chúng ta tạo ra được từ những cơ hội mà Ngài đem đến.

 

Những ví dụ này, và thực sự toàn bộ chủ đề về những phần thưởng dành cho sự phục vụ, nêu bật tầm quan trọng của cách chúng ta phục vụ hiện nay. Chính lúc này chúng ta đang quyết định tình trạng và phần thưởng tương lai của chúng ta trong thiên đàng.

 

Trông mong nhận mão đời đời

Giờ tôi mang thập tự nơi đất này

Vui mừng trải khắp đó đây

Mỉm cười trước khó khăn hay đau buồn

Trọn đời gánh chịu đau thương

Tới khi Cứu Chúa yêu thương lai hồi

Ngài lau dòng lệ tuôn rơi

Đem người lưu lạc về nơi nhà Ngài.

Charles Wesley

 

Mão triều thiên được hứa ban tượng trưng cho điều gì?

“Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta…”

II Ti-mô-thê 4:8

 

Những phần thưởng đã hứa trong thiên đàng đôi khi được tượng trưng bằng biểu tượng là chiếc vương miện. Trong nền văn hóa Hy Lạp, vương miện có thể là một khăn trùm đầu được nhà vua hay nữ hoàng sử dụng như đồ trang sức, hoặc cũng có thể là một vòng hoa tượng trưng cho sự chiến thắng.

 

Trước khi xem xét ý nghĩa của vương miện dành cho người chiến thắng, chúng ta phải có một khái niệm rõ ràng về bản chất của những phần thưởng trên thiên đàng, vì chúng ta có khuynh hướng xem chúng ngang hàng với hệ thống phần thưởng của thế gian — việc nào giá đó. Vì vậy nó kéo theo ý tưởng về công đức. Nhưng vương miện thiên đàng không phải là vấn đề của sự đổi chác (quid pro quo). Trong các phần thưởng ở thiên đàng, công đức bị loại bỏ cách tuyệt đối. Lời của Chúa dành cho các môn đồ của Ngài làm sáng tỏ điều này:

 

Ai trong các ngươi có đầy tớ đi cày hoặc đi chăn, khi ở ngoài đồng về, biểu nó rằng: Hãy đến ngay mà ngồi ăn, hay sao? Trái lại, há không biểu nó rằng: Hãy dọn cho ta ăn, thắt lưng hầu ta, cho đến chừng nào ta ăn uống xong, rồi sau ngươi sẽ ăn uống sao? Đầy tớ vâng lịnh mà làm, thì chủ có biết ơn gì nó chăng? Các ngươi cũng vậy, khi làm xong việc truyền phải làm, thì hãy nói rằng: Chúng tôi là đầy tớ vô ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm.

Lu-ca 17:7-10

 

Các phần thưởng của thiên đàng hoàn toàn là bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Đó là sự công nhận cách hào phóng của Đức Chúa Trời đối với sự phục vụ hy sinh và quên mình. G. Campell Morgan đi xa hơn khi khẳng định rằng phục vụ để được phần thưởng thì không phải là Cơ Đốc nhân, nhưng là phi Cơ Đốc nhân! “Anh ta tự bỏ mình đi. Anh ta phục vụ ‘vì niềm vui trước mắt.’ Vâng, nhưng niềm vui đó là gì? Niềm vui của việc nâng người khác lên và đem lại phước hạnh cho họ.”[31]

 

Sự thật là người làm công được thuê từ mười một giờ cũng nhận cùng mức tiền công như người đã làm cả ngày nhấn mạnh rằng hầu hết tiền công anh ta nhận được không phải là do anh ta kiếm được, nhưng đó là món quà phóng khoáng từ người chủ. Khi một trong những người làm trọn thời gian buộc tội chủ mình là không công bằng, chủ trả lời:

 

Song chủ trả lời cho một người trong bọn rằng: Bạn ơi, ta không xử tệ với ngươi đâu; ngươi há chẳng đã định với ta một đơ-ni-ê sao? Hãy lấy của ngươi mà đi đi; ta muốn trả cho kẻ rốt nầy bằng như đã trả cho ngươi vậy. Ta há không có phép dùng của cải ta theo ý muốn ta sao? Hay là ngươi thấy ta ở tử tế mà lấy mắt ganh sao?

Ma-thi-ơ 20:13-15

 

Chúng ta không được cho biết chính xác hình thức vương miện nào trong thiên đàng mà mình sẽ nhận, nhưng quan điểm của John Mac Arthur, Jr. có nhiều điều tán thưởng về nó: “Những phần thưởng của người tin Chúa không phải là thứ gì đó mà bạn đội lên đầu như vương miện… Phần thưởng của bạn trong thiên đàng sẽ là khả năng của bạn để phục vụ trong thiên đàng… Những vương miện của thiên đàng là những gì chúng ta sẽ trải nghiệm, là sự sống đời đời, niềm vui bất tận, sự phục vụ mãi mãi và phước hạnh trường tồn.”[32]

 

Trong Tân ước có hai từ Hy Lạp được dịch là “vương miện.” Một là diadem, một cái khăn xếp được các vua Ba Tư đội. Nó luôn là biểu tượng của vua chúa và vương quyền. Từ ngữ này dùng để chỉ về mão triều thiên mà Chúa Jêsus nhận. Một từ khác là stephanos, là vương miện của người chiến thắng, “một biểu tượng chiến thắng khải hoàn trong những trò chơi thi đấu ở Olympic hay những cuộc thi tương tự— vì thế nó là hình thức hoán dụ của phần thưởng hay giải thưởng” (Vine). Đó là một chiếc mão bằng lá cây hay dây leo, được đan kết rất đẹp. Đây là từ được dùng để chỉ về phần thưởng của thiên đàng.

 

Sau đây là một số vương miện được mô tả trong Kinh Thánh.

1.      Mão triều thiên của sự sống

“Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài.”

Gia-cơ 1:12

“Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên của sự sống.”

Khải huyền 2:10

 

Mão triều thiên này được ban cho để công nhận sự chịu đựng kiên trì và chiến thắng khải hoàn trước những thử thách và bắt bớ, thậm chí tới mức tử đạo. Động cơ phải là lòng yêu mến đối với Đấng Christ.

 

2.      Mão triều thiên của sự công bình

“Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.”

II Ti-mô-thê 4:8

 

Mão triều này được ban thưởng cho những ai đã hoàn thành cuộc đua của Đấng Christ với sự chính trực, với đôi mắt trông đợi sự tái lâm của Chúa. Đó là phần thưởng dành cho việc hoàn thành mục vụ được giao phó.

 

3.      Mão triều thiên không hay hư nát

“Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triền thiên không hay hư nát.”

I Cô-rinh-tô 9:25

 

Mão triều thiên này dành cho những người phấn đấu trở nên ưu tú, xuất sắc. Ở đây Phao-lô đang sử dụng hình ảnh cuộc thi điền kinh với những đòi hỏi khắc nghiệt về thể lực. Mão triều thiên này được ban cho những người kỷ luật.

 

4.      Mão triều thiên của sự Vui mừng

“Vì sự trông cậy, hay niềm vui, hay mão triều thiên của sự vui mừng của chúng ta là gì? Há chẳng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus chúng ta trong khi Ngài đến sao?”

I Tê-sa-lô-ni-ca 2:19 (dịch từ bản King James)

 

Đây là mão triều thiên của người chinh phục linh hồn tội nhân. Đó là niềm vui khi ở thiên đàng được gặp những người mà chúng ta đã chinh phục cho Đấng Christ qua sự hầu việc của chúng ta. Cơ hội nhận mão triều thiên này là rộng mở cho mọi tín hữu.

 

5.      Mão triều thiên Vinh hiển

“Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm … Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra, anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo.”

I Phi-e-rơ 5:2-4

 

Phần thưởng được hứa ban cho những lãnh đạo thuộc linh trong Hội thánh này sẽ đem lại động cơ mạnh mẽ cho sự tận hiến trong mục vụ chăn bầy.

 

Tuy nhiên, không một mão triều thiên nào trên đây được ban cho một cách tự động. Có những điều kiện quy chuẩn kèm theo cho từng trường hợp, và nó có thể bị tước mất vì cớ thiếu sự tỉnh thức. Trong lá thư viết cho Hội thánh Phi-la-đen-phi, Chúa đưa ra lời cảnh báo cho các tín hữu: “Ta đến mau kíp; hãy giữ lấy điều ngươi có, hầu cho không ai cất lấy mão triều thiên của ngươi” (Khải huyền 3:11) Đây cũng là một lời cảnh báo hôm nay cho chúng ta, là những người thường được bao quanh bởi những đòi hỏi gắt gao đối về tình yêu và lòng tận trung.

 

Chính Ngài cất tiếng rõ ràng

Gọi anh từ chốn thiên đàng vinh quang

Tay cầm phần thưởng trao ban

Cho anh là kẻ mắt đang không rời

 

Ấy là phần thưởng rạng ngời

Sẽ là vinh dự đời đời không phai

Trong khi vương miện đời này

Sẽ thành cát bụi tàn phai theo đời

 

Ngợi khen Cứu Chúa tuyệt vời

Giúp con tiếp nhận lời mời chạy đua

Mão triều nhận dưới chân Vua

Con dâng vinh hiển cuộc đua cho Ngài.

Philip Doddrige

 

Thân thể phục sinh của chúng ta sẽ như thế nào?

“Nhưng có kẻ sẽ nói rằng: Người chết sống lại thể nào, lấy xác nào mà trở lại? Hỡi kẻ dại kia, vật gì ngươi gieo, nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được. Còn như vật ngươi gieo, ấy không phải là chính hình thể sẽ sanh ra, chẳng qua là một cái hột… Đức Chúa Trời cho nó hình thể tùy ý Ngài lấy làm tốt…”

I Cô-rinh-tô 15:35-38

 

Phao-lô dè dặt trong việc đi vào chi tiết về bản chất thật sự của thân thể phục sinh của người tin Chúa. Điều này có lẽ là do sự khan hiếm những dữ kiện được mặc khải. Tuy nhiên, ông đưa ra một số lời khẳng định rất rõ ràng. Về những chủ đề như vậy, các triết gia và khoa học gia chỉ có thể thực hiện được một số suy đoán mang tính lý thuyết. Tuy nhiên, chúng ta có sự chắn chắn với Lời được soi dẫn trong tay.

Đó sẽ là một thân thể thiêng liêng (I Cô-rinh-tô 15:44), nhưng sẽ hoàn toàn thích nghi với môi trường thiên đàng.

Đó sẽ là một thân thể thật sự, không phải là một ảo ảnh, nhưng sẽ giống như thân thể phục sinh của Đấng Christ, Đấng đã thách thức các môn đồ: “Hãy rờ đến ta, và hãy xem.”

Đó sẽ là một thân thể có thể nhận diện được, có đặc điểm để nhận dạng với thân thể vật lý đã được chôn cất. Sau khi phục sinh, Chúa Jêsus phán về việc “có thịt xương.” Các môn đồ đã nhận ra Chúa Jêsus.

 

Để làm rõ vấn đề này, Phao-lô tiếp tục diễn giải trong I Cô-rinh-tô 15. Ông đưa ra những so sánh và những tương phản giữa thân thể thiêng liêng và thân thể vật lý.

Đó sẽ là thân thể không hư nát (câu 42). Nó sẽ không chết, cũng không bị hư nát.

Đó sẽ là thân thể vinh hiển (câu 43), không còn là “thân thể hèn mạt của chúng ta,” không còn là đối tượng cho sự hoành hành của tội lỗi và sự tấn công của Sa-tan.

Đó sẽ là thân thể mạnh mẽ (câu 43), mọi yếu đuối của tính hay chết đã bị loại bỏ.

 

Trong khi hiện nay thân thể chỉ là một phương tiện không hoàn hảo của tâm linh và thường làm cho tâm linh thất vọng, thì trong thiên đàng thân thể mới sẽ phù hợp một cách trọn vẹn với những điều kiện trong môi trường mới của nó. “Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời” (I Cô-rinh-tô 15:59).

 

Điều đáng lưu ý là từ ngữ thân thể thiêng liêng không ám chỉ rằng nó giống như thần tiên hay bóng ma, nhưng đúng hơn nó sẽ lệ thuộc vào tâm linh con người, không lệ thuộc vào những ham muốn xác thịt. Ngoài ra, thân thể thuộc linh sẽ có thể bày tỏ những ước muốn của người tin Chúa tốt hơn thân thể thuộc về đất.

 

Hiện nay có hai quan niệm sai lầm về thân thể thiêng liêng cần phải được chỉnh sửa. (a) Thân thể thiêng liêng đồng nhất với thân thể đã bị chôn. (b) Không có sự kết nói hữu cơ nào giữa thân thể đã bị chôn với thân thể sống lại. Nếu vậy, sẽ cần có một tạo vật mới chứ không phải là một thân thể phục sinh. Chúng ta phải biết rằng có một sự mầu nhiệm ở đây, sự mầu nhiệm chỉ giải thích được ở thiên đàng.

 

Trong phần trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta sẽ xuất hiện với một loại thân thể như thế nào?” Phao-lô đưa ra bốn lẽ thật được minh họa bằng sự phát triển của hạt giống và sự khác nhau của động vật, của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao.

1.      Thứ lớn lên từ hạt giống chúng ta gieo ra thì không đồng nhất với thứ được gieo (I Cô-rinh-tô 15:57). Một quả sồi không sản sinh ra quả sồi nhưng sinh ra cây sồi, tuy nhiên cả hai đều tận hưởng cùng một sức sống.

2.      Mỗi loại hạt đều có một sự khác biệt, một hình thể Đức Chúa Trời ban cho (Sáng thế ký 1:11, I Cô-rinh-tô 15:38).

3.      Trái của hạt được gieo có một sự kết nối hữu cơ với hạt mà từ đó nó nảy mầm. Nó không phải là một tạo vật mới nhưng là kết quả của thứ gì đó từng tồn tại.

4.      Có một sự đa dạng về hình thể trong thế giới động vật, cũng như trong vương quốc thiên đàng (I Cô-rinh-tô 15:39-41)

 

Nếu thân thể phục sinh không có liên hệ gì về mặt hữu cơ với thân thể đã gieo xuống khi nó chết đi, thì không cần có sự phục sinh. Việc chúng ta không thể giải thích được điều này thì vẫn không làm thay đổi lẽ thật về nó. Chúng ta phải nhớ rằng có những điều mầu nhiệm khác nữa, có lẽ có liên quan, mà chúng ta phải sống với những điều ấy. Giới y khoa cho chúng ta biết rằng trong cả cuộc đời, toàn bộ vật chất trong thân thể chúng ta thay đổi mười lần, nhưng các đặc điểm nhận dạng cá nhân vẫn còn duy trì; chúng ta cũng vẫn là người như vậy. Ký ức về những sự kiện trong quá khứ của chúng ta vẫn còn nguyên. Đây cũng là một điều mầu nhiệm, nhưng nó soi sáng phần nào vấn đề của chúng ta.

Trong I Cô-rinh-tô 15:42-44, Phao-lô so sánh thân thể cũ và mới qua bốn phương diện:

1.      Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát (câu 42).

Chỉ có một thân thể không phải chịu sự hư nát (Thi. 16:10, Công vụ. 2:27). Sớm hay muộn rồi thân thể chúng ta cũng bị hao mòn. Tất cả chúng ta là nạn nhân của bệnh tật, và cuối cùng là sự chết. Dầu rằng hiện nay nhà táng ở khắp nơi, nhưng thân thể thiêng liêng của chúng ta sẽ mãi trường tồn.

2.      Đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh (câu 43)

Không có vẻ đẹp hay vinh hiển nào đối với một thi hài đang phân hủy. Chúng ta xử lý nó với sự tôn trọng tại một phần mộ hay bằng cách hỏa táng. Nhưng thân thể phục sinh sẽ là một thân thể vinh hiển, kỳ diệu hơn cả sự đẹp đẽ và tuyệt vời. Điều này được bảo đảm vì “Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật” (Phi-líp 3:21).

3.      Đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh (câu 43)

 

Chắc chắn “sức lực thanh xuân sẽ chịu thua trước sự mòn mỏi của tuổi tác. Một xác chết là biểu tượng của sự yếu đuối, nhưng thân thể mới của chúng ta, giống như thân thể của Chúa Jêsus, sẽ được biểu thị bởi năng quyền. Giấc ngủ để làm giảm bớt những mệt nhọc hay bù đắp lại năng lượng tiêu hao sẽ không cần thiết nữa. Những khả năng của chúng ta sẽ được thêm lên và chúng ta sẽ loại bỏ những giới hạn mà mình biết rất rõ trong cuộc sống trên đất.”[33]

4.      Gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng (câu 44)

Thể huyết khí thích hợp với đời sống trên thế giới này nhưng không phù hợp với đời sống trong đời sau. “Thể thiêng liêng có liên hệ mật thiết với tâm linh con người, cũng như thân thể hiện tại có liên hệ mật thiết với cuộc sống trên đất.” Thân thể của chúng ta sẽ không còn lệ thuộc vào những quy luật giới hạn sự sống vật lý của chúng ta.

 

Thân thể phục sinh của Chúa là kiểu mẫu cho thân thể phục sinh của chúng ta (Phi-líp 3:21). Ngài ăn với các môn đồ Ngài (Giăng 21:9,12-13). Ngài đi xuyên qua những cánh cửa đóng kín (Giăng 20:19). Ngài xuất hiện và biến mất ngay trước mắt. Ngài xác nhận rằng mình có thịt và xương (Lu-ca 24:39). Nói cách khác, có sự kết nối và đặc điểm nhận diện thật sự với thân thể trước đó của Ngài, trừ đi một số giới hạn của thân thể đó.

 

Cách dịch, “thân thể hèn mạt của chúng ta” (Phi-líp 3:21) là một trong những chỗ dịch chưa phù hợp lắm của bản King James. “Thân thể tầm thường của chúng ta” là một sự diễn dịch chích xác hơn. Hiện nay thân thể chúng ta bị lệ thuộc vào những giới hạn và sự lão hóa, nó giam hãm và cản trở chúng ta, và nó cuối cùng phải trở lại với những nguyên tố cấu thành nó. Nhưng “chúng ta sẽ được biến hóa.” Khi Chúa chúng ta trở lại, một sự biến hóa vinh hiển sẽ được diễn ra. Thân thể tầm thường của chúng ta sẽ trở nên giống như thân thể vinh hiển của Ngài, và sẽ là những thân thể mà trong đó những ước muốn và khát vọng của chúng ta sẽ có được sự thể hiện hoàn hảo.

 

Thân thể phục sinh của Chúa Jêsus thì như thế nào?

Chắc chắn thân thể phục sinh của Ngài có sự khác biệt với thân thể trước khi chết.

1.      Có ba trường hợp mà những người người bạn thân nhất của Ngài không nhận ra Ngài được ngay lúc đầu: “Đến sáng, Đức Chúa Jêsus đứng trên bờ, nhưng môn đồ không biết đó là Đức Chúa Jêsus” (Giăng 21:4). “Vừa nói xong, người xây lại thấy Đức Chúa Jêsus tại đó; nhưng chẳng biết ấy là Đức Chúa Jêsus” (Giăng 20:14). “Đang khi nói và cãi lẽ nhau, chính Đức Chúa Jêsus đến gần, cùng đi đường với họ. Nhưng mắt hai người ấy bị che khuất không nhìn biết Ngài được” (Lu-ca 24:15-16).

2.      Mặc dầu thân thể phục sinh của Chúa thật sự có khác biệt, nó vẫn mang những nét tương tự với thân thể vật lý của Ngài. Ngài nói rằng mình có thịt và xương (Lu-ca 24:39). Ngài phủ nhận mình là một linh (Lu-ca 24:37,39). Ngài chuẩn bị bữa sáng cho các môn đồ của Ngài và cùng ăn với họ (Giăng 21:9-14, Lu-ca 24:42-43).

3.      Tuy nhiên, Ngài có thể đi xuyên qua những cánh cửa đóng kín (Giăng 20:19). Ngài không còn bị bó buộc bởi những trở ngại của không gian và thời gian.

4.      Thân thể của Ngài là một cơ thể thật sự. Để giải tỏa sự không tin của Thô-ma, Ngài đưa ra lời mời gọi: “Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta” (Giăng 20:27). Còn đối với Ma-ri: “Chớ rờ đến ta” (Giăng 20:17).

 

Chúa Jêsus đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng Ngài cũng chính là người đã bị đóng đinh trên Thập tự giá. Ngài được nhận biết bởi những người thân cận mà nay họ sẵn sàng chết cho Ngài—hầu hết trong số họ đã chết cho Ngài.

 

Thật thú vị khi lưu ý rằng thân thể mới của Chúa chúng ta vẫn còn những vết sẹo. Chính xác điều này có ý nghĩa gì thì thật khó để nói. Một đề xuất thú vị ấy là những vết sẹo mà chúng ta nhận lãnh khi vì chịu khổ vì cớ Đấng Christ sẽ vẫn còn duy trì theo cách nào đó, không phải như những tì vết nhưng như những huy hiệu của sự tôn trọng.

 

Có thời gian ở thiên đàng hay không?

“Bấy giờ vị thiên sứ mà tôi đã thấy đứng trên biển và trên đất, giơ tay hữu lên trời, chỉ Đấng hằng sống đời đời, là Đấng đã dựng nên trời cùng muôn vật trên trời, dựng nên đất cùng muôn vật dưới đất, dựng nên biển cùng muôn vật trong biển, mà thề rằng không còn có thì giờ nào nữa.”

Khải huyền 10:5-6

 

Trong bản dịch King James của Kinh Thánh, lời công bố của thiên sứ được dịch là: “thời gian sẽ không còn nữa.” Theo câu chữ ở đây, có vẻ như sẽ không có thời gian ở thiên đàng. Chính cách dịch này là nguồn cảm hứng cho bài thánh ca phổ biến từ cách đây rất lâu:

 

Thời gian sẽ chấm dứt lúc tiếng loa rao tin Chúa lai lâm từ trời. Bình minh sẽ chiếu ánh mãi mãi sáng choang đẹp tươi, mọi dân đắc cứu dưới đất, lúc bay lên vui nhóm bên kia bờ rồi. Giờ danh sách khởi xướng mừng nghe Jêsus gọi tôi.

 

J. M. Black

 

Nhưng thưc tế thì đó không phải là điều mà câu Kinh Thánh này nói. Cách dịch từ ngữ Hy Lạp chỉ về thời gian, chronos, trong câu 6 là không phù hợp. Tiến sĩ A. T. Robertson, một học giả Hy Lạp nổi tiếng, đã đưa ra ý nghĩa được chấp nhận phổ biến hiện nay về lời rao truyền của thiên sứ:

 

Điều này không có nghĩa là chronos (thời gian), “chiều kích thứ tư” của Einstein (thêm vào sau chiều dài, chiều rộng và chiều cao), sẽ không còn tồn tại, nhưng chỉ có nghĩa là sẽ không còn trì hoãn sự hoàn thành của tiếng loa thứ bảy (câu 7) như là câu trả lời cho câu hỏi: “Cho đến chừng nào?” (6:10)[34]

 

Thiên sứ chỉ đơn thuần nói rằng bây giờ không điều gì có thể cản trở sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong câu 7. Hầu hết các bản dịch hiện đại đều dịch chronos là “trì hoãn” chứ không phải “thời gian,” và sự giải nghĩa đó phù hợp với bối cảnh. R. H. Mounce củng cố điều này khi ông viết: “Không có ý nghĩa về ‘thời gian’ ở đây. Hầu như không cần thiết cho thiên sứ khi phải thề chỉ để xác nhận về bản chất vô tận (phi thời gian) của cõi đời đời.”[35] Trong Niết Bàn, phiên bản thiên đàng của Phật giáo, thì thời gian bị gạt bỏ, nhưng điều này không được xác định chắn chắn như thế đối với thiên đàng của Cơ Đốc giáo.

 

Có vô số những trở ngại chắn ngang con đường đi đến kết luận về việc không còn thời gian hay khoảng thời gian trong kỳ hầu đến. Điều cơ bản trong số những trở ngại này ấy là không có lời khẳng định nào trong Kinh Thánh đối với khả năng đó. Hơn nữa, sẽ thật khó để hình dung, chẳng hạn như, làm sao có việc ca hát trong thiên đàng, hay chơi đàn hạc, hay những việc tương tự nếu không có thời gian? Âm nhạc sẽ không có nhịp sao? Một bài hát mới không có thời lượng? Có lẽ vấn đề của chúng ta bắt nguồn từ chỗ chúng ta chỉ có có duy nhất một từ vựng “thời gian” để sử dụng.

 

Một lần nữa, Giăng nói trong Khải huyền 22:2 về cây sự sống tháng nào cũng ra trái. Điều đó dĩ nhiên là vi phạm chu kỳ canh tác, nhưng rõ ràng rằng nó không loại trừ yếu tố thời gian. Kinh Thánh cũng nói về “đời đời”—một sự tiếp nối các kỷ nguyên của thời gian.

 

Có lẽ chỉ những giới hạn về thời gian thì không có trong thiên đàng? G. H. Lang viết, “Thời gian là một phần bổ sung cần thiết của tính hữu hạn vì không có loài giới hạn nào có thể hiểu được sự vô hạn; do đó, thời gian có thể không bao giờ ngừng lại đối với loài thọ tạo, mặc dầu Đấng Tạo hóa không bao giờ cần đến.”

 

Vì thế, trong cõi đời đời, có vẻ thời gian sẽ không mất đi, nhưng không có tâm trí hữu hạn nào có thể hiểu được những thuật ngữ vô hạn. Trong thiên đàng, tâm trí của chúng ta chắc chắn thích nghi với một khung thời gian vượt quá những gì chúng ta hiểu biết hiện nay trong vũ trụ vật lý này. J. H. Bavinck đưa ra một đề nghị hữu ích: “Sự đo lường không gian và ước tính thời gian ở thế giới bên kia sẽ khác biệt hoàn toàn so với ở đây, nơi mà cây số và giờ là tiêu chuẩn đo lường của chúng ta. Nhưng ngay cả những linh hồn cư ngụ nơi đó cũng sẽ không trở nên toàn tại giống Đức Chúa Trời được.”[36]

 

Vì thế, chúng ta có thể tạm kết luận rằng sẽ có thời gian ở thiên đàng, trong ý nghĩa của sự dịch chuyển từ hiện tại đến tương lai, nhưng không phải là thời gian như chúng ta biết hiện nay.



 

——————————————————–


[30] W. Graham Scroggie, What about Heaven?, 112.

[31]G. Campell Morgan, The Gospel of Luke (London: Marshall, Morgan, and Scott, n. d.), 197.

[32] John Mac Arthur, Jr., Heaven, 144-155.

[33] Leon Morris, First Corinthians (London: InterVarsity, 1958), 28.

[34] A. T. Robertson, Word Picture of the New Testament (New York: Harper and Brother, 1933), 372.

[35] Robert H. Mounce, The Book of Revelation (Grand Rapids: Eerdmans, 1977), 110.

[36] William Hendriksen, The Bible on the Life Hereafter.

Bài trướcLễ Cảm Tạ Chúa Tại Hội Thánh Mepu Dà Bla Tỉnh Lâm Đồng
Bài tiếp theoNgày 1/2/2016: Đức Chúa Trời Hay Tha Thứ