HTTL Đà Nẵng – Cuộc Hành Trình Thế Kỷ (Phần 2)

2004

HTTL ĐÀ NẴNG – CUỘC HÀNH TRÌNH THẾ KỶ

(LƯỢC SỬ 110 NĂM TIN LÀNH ĐẾN ĐÀ NẴNG (1911-2021)

Phần 2

2.    Giai đoạn 1911-1944

“Tạ ơn Đức Chúa Trời, Hội Thánh đầu tiên không có sự giàu có, không có sự khôn ngoan theo đời này, nhưng được dẫn dắt bởi quyền năng của Thánh Linh nên Hội Thánh ngày càng được tăng trưởng, Chúa cứu nhiều người thêm vào Hội Thánh. Chúng ta có thể đồng thanh như sứ đồ Phao-lô: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13), như lời Chúa phán với Xô-ro-ba-bên: “Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta…” (Xa-cha-ri 4:6).[1]

 

Ngày 22/05/1911, ba giáo sĩ là các ông Robert A. Jaffray, Paul M. Hosler và G. Lloyd Hughes rời Hong Kong theo đường biển để vào Việt Nam. Qua ba ngày trên tàu, 8 giờ sáng ngày 25/05/1911, sau khi hoàn thành các thủ tục hải quan cần thiết, ba giáo sĩ đặt chân lên đất Đà Nẵng (Tourane), đánh dấu bước khởi đầu cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam. Họ đã được ông Bonnet, đại diện Thánh thơ Công hội đón tiếp.[2] Sau khi trao đổi về nhu cầu truyền giáo tại Việt Nam, Thánh thơ Công hội đã bằng lòng chuyển giao cơ sở của mình cho C&MA. Cơ sở này nằm ở góc đường Khải Định[3] và đường Nguyễn Hoàng[4] để làm trụ sở truyền giáo[5]. Tháng 6/1911, khi đã hoàn tất những công việc ban đầu, các giáo sĩ trở về lại Hoa Nam.[6] Tuy nhiên, sau đó Giáo sĩ Jaffray nhận nhiệm vụ lo cho cả vùng Đông Nam Á, Giáo sĩ G. Lloyd Hughes thì qua đời đột ngột, nên chỉ còn một mình Giáo sĩ Hosler trở lại Đà Nẵng. Lúc này, chính quyền Pháp tại Đà Nẵng đã có sự thay đổi chính sách, trở nên có cảm tình với đạo Chúa, vì vậy Giáo sĩ Hosler rất lạc quan về công cuộc truyền giáo tại đây, chỉ lo ngại về thái độ của một số linh mục Thiên Chúa giáo La Mã mà thôi. Cũng cần thấy rằng, nhờ ông Bonnet đã ở Đà Nẵng được khá lâu, bán được khá nhiều sách và Kinh Thánh, nên việc làm này đã góp phần chuẩn bị cho một vùng đất tốt mà hạt giống đạo sẽ được gieo xuống.

Giáo sĩ: Jaffray, Hosler và Hughes

Theo mô tả của các giáo sĩ, thành phố Tourane nằm về phía đông bắc Quảng Nam, giữa Hải Phòng và Sài Gòn. Tại đây có 400 người Pháp, và 15.000 người bản xứ. Nơi này khá yên tĩnh và đẹp đẽ, người dân rất siêng năng trong việc trồng cây, làm vườn để cải tạo đất đai cằn cỗi. Các con phố được rải đá dăm và hai bên là những hàng cây. Một số con đường chạy sâu vào các vùng nông thôn và có một con đường quân sự đã được xây dựng đến tận Huế. Tourane có khí hậu tốt, nằm sát bờ biển và có gió quanh năm nên là một nơi lý tưởng nhất để nghỉ ngơi. Trong khi mùa hè nóng thì mùa đông thật mát mẻ. Ở đây rất hiếm trường hợp bị sốt và kiết lỵ. Tourane có một vịnh đẹp và được che chắn tốt, vịnh này quá nông nên các tàu lớn không thể vào sâu. Sông Hàn bắt nguồn từ phía tây chảy về và khi gần đến bờ biển thì chia thành nhiều nhánh, tạo thành một vùng châu thổ trù phú. Đây là một trong những thung lũng giàu có nhất ở Đông Dương thuộc Pháp. Nằm dọc theo con sông này là khoảng 100 khu chợ, nơi mà các nhà truyền giáo có thể tiếp cận hàng trăm nghìn linh hồn chỉ trong một chuyến đi. Các giáo sĩ nhận định thì dường như tỉnh Quảng Nam là cửa ngõ để từ đây họ có thể xâm nhập vào mười tỉnh khác của An Nam. Tỉnh Quảng Nam có tổng dân số khoảng 800.000 người.

Đây là lý do mà các giáo sĩ đã chọn Đà Nẵng để làm nơi phát triển đạo Chúa:

(1) Đối với một thị trấn ở vùng nhiệt đới, nơi đây rất tốt cho sức khỏe.

(2) Ông Bonnet mong muốn bán hoặc cho các giáo sĩ thuê tài sản của mình. Điều này sẽ bảo vệ họ khỏi sự can thiệp của giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã.

(3) Bằng việc bắt đầu tại Tourane, họ sẽ có cơ hội trở thành người thừa kế thiện chí của các quan chức và người dân địa phương mà ông Bonnet đã tạo được trong suốt 8 năm cư trú của mình.

(4) Ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo La Mã tại Đà Nẵng là ít hơn ở những nơi khác.

(5) Đà Nẵng nằm trong khu vực trung tâm của An Nam.[7]

Tuy nhiên, vấn đề mở mang tại An Nam cũng gặp nhiều sự phản đối vì tình hình tài chính lúc bấy giờ cũng không được thuận lợi, bên cạnh đó, nhân sự truyền giáo cũng thiếu thốn, cộng thêm một số giáo sĩ tại trụ sở Hoa Nam không hết lòng ủng hộ.[8]

Một điều thú vị cần nói thêm, là dù khó khăn, nhưng khi nhìn thấy bản đồ Đông Dương (gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Cao Miên) lúc bấy giờ, các giáo sĩ đều có một sự khích lệ lớn lao, đó là hình thể bán đảo Đông Dương trông giống như một chữ “J”, mà theo họ đó là “Jesus”, một dấu hiệu để nhận biết đây là vùng đất tốt cho hạt giống Tin Lành.[9]

Bản đồ Đông Dương thời bấy giờ

Trên tinh thần đó, Tiến sĩ Simpson (Chủ tịch C&MA) đã kêu gọi nhân sự tình nguyện đến truyền giáo tại Việt Nam, và ông nhận được sự hưởng ứng của một giáo sĩ người Anh, hai người Na Uy, bốn người Canada và hai người Mỹ. Họ lần lượt đến Đà Nẵng từ năm 1912 cho đến năm 1914. Với sự giúp đỡ của ông Bonnet, Giáo sĩ Paul M. Hosler đã khởi sự học tiếng Việt và phân phát Kinh Thánh Tân Ước, một số sách khác cùng Truyền đạo đơn. Đến cuối năm 1911, tại Đà Nẵng đã có người tin Chúa và chịu phép báp-têm, trong đó người Việt Nam đầu tiên là ông Nguyễn Văn Phúc[10], là nhân viên bán sách của Thánh thơ Công hội. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng, người tin Chúa đầu tiên là một người quê ở Hòa Mỹ, sau khi tin Chúa đã làm chứng cho thầy phù thủy Phạm Thành, và về sau ông đã trở thành một mục sư.

Lúc này đã có một số bản Kinh Thánh tiếng Việt. Trong khoảng 4 năm đầu, Tin Lành chỉ phát triển tại Đà Nẵng và một số khu vực lân cận.

Năm 1912, có thêm bà Võ Thị Thu, giáo viên dạy tiếng Việt cho giáo sĩ Grace Hazenberg, là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chịu báp-têm ở vịnh Đà Nẵng, tháng 10/1914[11]; bà cụ Nguyễn Thị Khả (bà Bang), sinh năm 1865, tại làng Thanh Quýt, tỉnh Quảng Nam, cụ chịu phép báp-têm năm 1917.[12] Ngoài ra còn có cụ Hồ Công Cẩn, tin Chúa năm 1918, sau này là chấp sự Hội Thánh. Trong suốt 3 năm liền, dù bị gia đình ép buộc, nhưng cụ vẫn giữ vững đức tin, cầu nguyện cho cha mẹ. Hơn 17 năm sau, khi cha cụ bị bệnh nặng, đã cho mời chấp sự đến cầu nguyện cho ông tin Chúa.[13]

Ngoài ra có thể kể thêm một số người khác như các ông: Phạm (thân phụ ông Phạm Đình Khương), ông Tôn Thất Thùy, ông Phạm Đình Cương, ông Đoàn Văn Khánh, ông Hoàng Trọng Thừa, ông Nguyễn Khanh (ông Thủ Cự), ông Elie Gidoin, bà Nguyễn Thị Cương (bà Thị Tuấn)…[14]

Chúa nhật 29/03/1914, Hội Thánh Đà Nẵng đã có được ngôi nhà nguyện đầu tiên làm bằng tranh tre[15], tuy nhiên, đến ngày 27/09/1915 thì nhà nguyện này đã bị hư hại vì bão[16]. Đến khoảng năm 1917, Giáo sĩ Irwin làm một nhà giảng bằng tranh. Cuối năm 1922 đầu năm 1923, nhà nầy được khiêng qua phía bắc làm nhà ăn cho học sinh Trường Kinh Thánh, và xây nhà thờ mới,[17] phía sau là một phòng lớn được biệt riêng để làm phòng học Kinh Thánh.

Nhà thờ Đà Nẵng đầu tiên năm 1914

Về công tác tổ chức, thì mãi đến Chúa nhật, ngày 05/04/1914, Hội Thánh Đà Nẵng mới hình thành lớp học Trường Chúa nhật với 7 học viên là các em thiếu nhi.

Từ tháng 03-04/1914, Giáo sĩ Soderberg có những chuyến đi thuyền từ Đà Nẵng đến Hội An để truyền giáo. Đến khoảng năm 1915, ông và Giáo sĩ A. H. Birkel dưới sự hướng dẫn của Giáo sĩ Hosler đã mở thêm được một trụ sở Hội Truyền giáo mới tại Hội An, lúc đó có tên là Faifoo.

Các Giáo sĩ và tín hữu đầu tiên của HT Đà Nẵng

Tuy nhiên đến cuối năm ấy, tất cả các cơ sở truyền giáo phải đóng cửa theo một Nghị định của Toàn quyền Pháp tại Hà Nội, trừ sự hoạt động của Hội Truyền giáo tại Đà Nẵng. Sau đó, từ tháng 01-09/1916, Đà Nẵng cũng không tránh được lệnh cấm đạo.[18]

Trong hồi ký của mình, Mục sư Lê Văn Thái viết:

“… Giáo sĩ mặc dù được phép trở lại Việt Nam nhưng mọi hoạt động của họ đều bị hạn chế. Họ chỉ được tự do rao giảng Tin Lành trong thành phố Đà Nẵng mà thôi, không được ra khỏi châu thành. Tuy nhiên, Đức Thánh Linh đã làm một việc rất lạ, là khi nhà thờ ở châu thành[19] được mở cửa trở lại thì dân chúng ở các vùng ngoại ô đến nghe giảng rất đông, viên Thị trưởng thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ tuy là người Pháp nhưng rất có thiện cảm với các giáo sĩ, ông đã dùng hết quyền hạn của mình để giúp đỡ cho công việc truyền giảng Tin Lành được kết quả tốt đẹp.

Lúc bấy giờ tuy các giáo sĩ đã nói tiếng Việt khá hơn nhưng vẫn chưa có thể giảng một cách thông suốt, do đó khó lôi cuốn được thính giả. Viên Thị trưởng đã phải giúp đỡ bằng cách ra lệnh cho Cảnh sát trưởng hễ khi nào thấy nhà thờ mở cửa thì giúp đồng bào vào nghe giảng.”[20]

 

(còn tiếp)

Vũ Hướng Dương

(dựa trên: Lược sử 110 năm Tin Lành đến Đà Nẵng do HTTL Đà Nẵng cung cấp)

PHẦN 1: https://httlvn.org/httl-da-nang-cuoc-hanh-trinh-the-ky.html

 

[1] Mục sư Nguyễn Xuân Sanh, Nguyên Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Đà Nẵng, Lời mở đầu, Kỷ niệm 100 Tin Lành đến Đà Nẵng.

[2] History of the Christian & Missionary Alliance in Vietnam – Part 1 – Compiled by John Sawin, CHAPTER II, THE ENTRANCE OF THE LIGHT OF LIFE, 1911 – 1920, trang 42. Xem sđd, trang 02. “Atlas Showing Mission Fields of the Christ and Missionary Alliance”, trang 42, trang 91-92. Xem thêm trong: “Missionary Work in Annam, tháng 08/1912”.

[3] Nay là đường Ông Ích Khiêm.

[4] Nay là đường Hải Phòng.

[5] Mục sư Lê Văn Thái, Bốn mươi sáu năm trong chức vụ, Cơ quan Xuất bản Tin Lành, 1970, trang 84-85.

[6] Tuy nhiên, đến tháng 5/1912, ông Hess mới chính thức trả tiền mua nhà và đất cho ông Bonnet trị giá 4.800$, sau khi gia đình ông Bonnet chuyển ra Hải Phòng vào tháng 2/1912 cùng với ông Sorderberg (Vietnam History – Synopsis, trang 02).

[7] Sđd, trang 43-44, 45.

[8] Sđd, trang 48.

[9] Sđd, trang 57.

[10] Nếu đối chiếu với các tài liệu khác (ở phần trên: Những bước đầu tiên), thì ông Nguyễn Văn Phúc không phải là người tin Chúa đầu tiên, mà có thể ông là người nhận báp-têm đầu tiên. Hiện nay con cháu của ông Nguyễn Văn Phúc vẫn còn, có người đã dâng mình hầu việc Chúa, thật là một ơn phước lớn lao mà Chúa dành ban cho những ai tin nhận Chúa. Xem thêm bài “Vài nét về người Việt Nam đầu tiên nhận báp-têm” đăng trên website httlvn.org.

[11] Sđd, trang 04.

[12] Mục sư Nguyễn Hoài Đức, Tin tức, Ai tín, Hải Châu, Đà Nẵng, Thánh Kinh báo số 348, tháng 11/1967, trang 38. Xem thêm trong: E. F. Irwin, Tourane, With Christ In Indochina, trang 42-43.

[13] Chấp sự Hồ Công Cẩn, Tin tức, Tourane, Thánh Kinh báo số 053, tháng 07/1935, trang 219-220.

[14] Trong số 18 người tin Chúa đầu tiên tại Đà Nẵng có: 4 người thuộc hoàng tộc, 3 quan chức hải quan và 3 thư ký làm việc trong trụ sở chính của đường sắt Chính phủ Pháp. (E. F. Irwin, Tourane, With Christ In Indochina, trang 41)

[15] Theo tài liệu “Annam 1913”, thì ngày 21/07/1913, Giáo sĩ Hosler được phép xây dựng nhà nguyện bằng tranh tre cùng với việc mở rộng khu nhà ở cho công nhân ở nhà ga Đà Nẵng. Đến ngày 05/11/1913, ông được phép lợp ngói trên ngôi đền tạm này.

[16] History of the Christian & Missionary Alliance in Vietnam – Part 1 – Compiled by John Sawin, trang 05.

[17] Mục sư Trí sự Phan Đình Liệu, Lịch Sử Tin Lành Truyền Đến Việt Nam, trang 12, 17.

[18] History of the Christian & Missionary Alliance in Vietnam – Part 1 – Compiled by John Sawin, trang 07.

[19] Châu Thành là một từ được sử dụng khá nhiều làm địa danh ở miền Nam Việt Nam. Trong lịch sử, danh xưng là một tên chung để gọi “lị sở” hay là “thủ phủ” của tỉnh. (https://vi.wikipedia.org/wiki)

[20] Mục sư Lê Văn Thái, Bốn mươi năm trong chức vụ, Cơ quan Xuẩt bản Tin Lành, 1971, trang 89-90; xem thêm trang 90-94.

Bài trướcPhần Thưởng của Sự Vâng Lời – 28/12/2021 
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Bà Thị Chép