Có Thượng Đế Hay Không?

1574

 

     Gần đây nhà Vật lý nổi tiếng của Anh Quốc Stephen Hawking trong quyển “The Grand Design” (Kế hoạch Vĩ  Đại) mới xuất bản năm 2010 viết rằng vũ trụ không cần Đấng Sáng tạo, vì vật chất tự nhiên theo quy luật của thiên nhiên gom góp lại mà tạo thành, vì sáng tạo có nghĩa là tạo một vật từ chỗ không có gì. Lời tuyên bố của Hawking khiến nhiều người hoang mang.


      Thật ra quan niệm của Stephen Hawking không có gì mới, vì trước đây trong quyển sách nổi tiếng của ông do nhà Bantam Dell xuất bản năm 1988 tựa đề A Brief History of Time (Lịch sử vắn tắt của thời gian), Hawking đã tỏ ra hoài nghi về việc Thượng Đế tạo thành vũ trụ.


     Chúng ta không cần phải tranh luận với Hawking về niềm tin của ông về vũ trụ vô tri giác. Chỉ tiếc một điều Hawking không hề đả động đến nguồn gốc sinh vật trên trái đất nầy. Tới bây giờ khoa học vẫn chưa trả lời được các câu hỏi sau:


1)    Sinh vật hay sự sống từ đâu mà ra? Có phải sự sống đột nhiên xuất hiện không?
2)    Nếu sự sống tự nhiên xuất hiện thì tại sao nó không xuất hiện trên bất cứ hành tinh nào khác trong thái dương hệ hay trong dải ngân hà, nơi tập họp của hàng tỉ ngôi sao trong đó  nhiều cái có cấu trúc giống y quả đất?
3)    Cái gì tạo ra hàng triệu chủng loại khác nhau trên quả địa cầu nầy?
4)    Sự chết của sinh vật hay loài người có phải là điểm kết thúc không?


     Nhà khoa học thiên văn  Robert Jastrow của Cơ Quan Không Gian Hoa-kỳ (NASA) trong quyển Journey to the Stars (Hành trình đến các ngôi sao) do nhà xuất bản Bantam, Nữu Ước, ấn hành năm 1989, trang 119 viết rằng “Đến giờ nầy khoa học chưa tạo ra được sự sống từ vật thể.” Khoa học có thể tạo ra một quả trứng gà, có vỏ, có tròng đỏ, tròng trắng giống y như trứng thật về mặt hóa chất, nhưng khoa học không thể đưa vào quả trứng ấy một mầm sống để có thể ấp và nở ra con. Nói chung khoa học chưa thể tạo ra sự sống từ vật thể vô tri vô giác được. Nhưng đó chính là  phương cách Thượng Đế tạo dựng con người qua lời Thánh Kinh ghi lại trong sách Sáng thế chương 2 câu 7: “Thượng Đế lấy bụi đất tạo nên con người. Ngài thổi hơi thở vào lỗ mũi, thì con người trở thành người sống.” (Bản Phổ thông)

 

Bây giờ, chúng ta hãy quan sát một vài hiện tượng lạ lùng sau đây trong thiên nhiên mà khoa học hiện đang lắc đầu không hiểu nổi:


1.    Hành trình của loại cá mòi đỏ (Red salmon): Loại cá nầy sinh trưởng ở các ao nước ngọt thuộc vùng thượng lưu sông Columbia ở tiểu bang Washington, Hoa-kỳ. Sau khi nở ra khỏi trứng thì chúng theo dòng sông đi ra biển và sống ở nước mặn cho đến khi trưởng thành vài năm sau. Vùng biển mà loại cá nầy sinh sống cách nơi sinh trưởng của chúng đến mấy ngàn dặm. Khi lớn lên và sẵn sàng sinh đẻ thì chúng bơi ngược trở về nơi sinh ra. Trong cuộc hành trình trở về sinh quán nhiều khi chúng phải chống lại với ghềnh thác (vì bơi ngược dòng) hay nhảy qua chướng ngại vật như đập nước do con người tạo ra. Bằng mọi giá chúng phải trở lại nơi sinh ra để đẻ trứng rồi chết. Điều lạ là mặc dù có vô số ao và vũng, nhưng mỗi con đều trở về đúng ngay nơi ao hay vũng nó sinh ra. Khoa học không trả lời được là làm cách nào chúng biết đường trở về đúng nơi sinh đẻ? Động lực nào thúc đẩy chúng cố gắng bơi về sinh quán của chúng?


2.    Hành trình của loài lươn (Eel). Trái với loài cá mòi đỏ là loài sinh ra ở nước ngọt và lớn lên ở nước mặn, loài lươn sinh trưởng ở nước mặn và lớn lên ở nước ngọt. Có hai loại lươn. Một loại sống ở Bắc Mỹ, và một loại sống ở Âu Châu. Đến kỳ sinh đẻ cả hai loại đều bơi về vùng biển Rong Đuôi Ngựa (Sargasso Sea) ở giữa Đại tây dương. Chúng đẻ trứng ở đó rồi qua đời. Các con lươn con mới nở bơi trở về quê quán của cha mẹ chúng, hoặc ở Mỹ châu, hay ở Âu châu. Không một con lươn Âu châu nào bơi về Mỹ châu, và cũng không có một con lươn Mỹ châu nào bơi lạc về Âu-châu. Đó là điểm kỳ lạ thứ nhất. Điểm kỳ lạ thứ nhì là làm sao các con lươn con mới nở biết đường bơi về quê quán cha mẹ chúng cách nơi sinh trưởng của chúng hơn 4.000 cây số? Khoa học không trả lời được.


3.    Cuộc di cư của loài chim (Bird Migration)  Ở Mỹ và Âu-châu vào mùa thu người ta thấy hàng ngàn hàng triệu con chim bay về vùng ấm áp để sinh sống hoặc đẻ trứng làm tổ. Việc di cư của loài chim là một điều làm khoa học rất bối rối, vì nhiều loại chim như chim yến Bắc cực (Arctic Tern) di cư xuống Nam Cực cách nơi chúng ở hơn nửa vòng trái đất tức khoảng 22,000 cây số. Hầu hết các loài chim di cư bay xa ít nhất vài ngàn cây số. Chẳng hạn  từ Bắc Mỹ xuống Nam Mỹ, từ Âu-châu sang Phi-châu… Làm thế nào mà  chúng bay đúng hướng để đến đích mà không có địa bàn hay dụng cụ không hành (navigation aids) là điều mà khoa học chưa giải thích nổi. Có khi chúng bay một mạch băng qua đại dương bát ngát vài ngàn cây số chẳng có địa hình địa vật gì để làm chuẩn. Một vài nhà khoa học tin rằng loài chim định hướng theo ngôi sao lúc ban đêm hay theo mặt trời lúc ban ngày. Nhưng nếu gặp giông tố hoặc mây mù thì làm sao dựa vào ngôi sao hay mặt trời? Thế mà chúng vẫn bay đến đúng đích. Một điểm kỳ diệu khác: Vài loài chim di cư đến vùng ấm áp ở Nam Bán Cầu để sinh đẻ, nuôi con lớn lên xong cha mẹ bay về trước, vài tuần sau các con chim non đủ lông cánh bay sau trở về đúng gốc của cha mẹ chúng mà không bị lạc, mặc dù chúng chưa hề bay con đường ấy bao giờ.


4.    Sự sinh trưởng của cá bạc (grunion) Ở vùng biển nam California và Mễ-tây-cơ phía Thái bình dương người ta thường hay ra xem mùa cá bạc sinh đẻ. Loài cá nầy tương tự như cá mòi, dài khoảng gần 2 tấc, sống ở biển khơi, nhưng đẻ trứng trên bờ biển. Chúng chờ đúng một lượn sóng cao nhất theo con trăng vào mùa hạ đẩy chúng lên cát, rồi hối hả dùng đuôi đào lỗ và đẻ trứng dưới cát xong chờ lượn sóng cao thứ nhì, sau đó mấy phút kéo chúng trở về biển. Nếu chúng hụt lượn sóng nầy thì xem như dãy chết trên cát. Khoảng hai tuần sau, một lượn sóng cao khác đến phủ lấp trứng khiến cá con nở ra trong tích tắc và được sóng kéo ra biển để bắt đầu sinh sống. Điểm lạ là lượn sóng cao nầy chỉ đến có một lần trong năm theo chu kỳ. Các chú cá con phải phá vỡ trứng, nở ra và trượt theo sóng trong vòng vài ba giây đồng hồ. Nếu chúng hụt lượn sóng nầy thì xem như không bao giờ nở, vì các lượn sóng sau không bao giờ lên cao đến chỗ có trứng. Trứng coi như bỏ. Điểm kỳ lạ là cá mẹ biết canh đúng lượn sóng cao để vào bờ đẻ trứng, và cá con biết đúng lượn sóng cao duy nhất sau đó 2 tuần để nở ra và theo sóng ra biển. Cư dân California hay chờ mùa cá bạc sinh sản trên cát để bắt chúng.


     Trên đây chỉ là một vài hiện tượng lạ trong số hàng ngàn hiện tượng kỳ diệu trong thiên nhiên mà khoa học chưa hiểu nổi. Chắc hẳn trong chúng ta không ai nghĩ rằng sở dĩ các loài sinh vật trên đây thực hiện được những kỳ công ngoài sức tưởng tượng của con người là do thiên nhiên tạo ra.


     Đó là chúng ta chưa nói đến cấu trúc vô cùng phức tạp của cơ thể con người là loài được Thượng Đế xếp hàng đầu trong các loài thọ tạo của Ngài. Dùng thuyết ngẫu sinh hay tiến hóa cũng không thể nào giải thích được sự xuất hiện của con người trên trái đất nầy. Hiện tượng các tế bào phân hóa (cell division) sau khi thụ tinh để trở thành các bộ phận trong cơ thể, mỗi bộ phận mang một chức năng riêng biệt vẫn còn là một điều huyền bí đối với các nhà sinh vật học.


     Tuy nhiên, đối với tín hữu Cơ Đốc thì việc tin tưởng vào một Đấng Tạo Hóa siêu việt đã sắp xếp những điều kỳ diệu ấy không có gì lạ cả. Đứng trước những hiện tượng siêu nhiên đó, việc tin có một Thượng Đế dễ hơn là không tin.


     Nếu bạn tin có Thượng Đế thì bạn hãy đặt mình dưới sự hướng dẫn của Ngài. Chính đời sống của bạn sẽ trở thành một hiện tượng kỳ diệu cho nhiều người. Lưu ý rằng điều kỳ diệu nhất của Cơ đốc giáo không phải ở những lễ nghi phiền toái, những giáo đường nguy nga, những tín hữu đông đảo mà là quyền năng thay đổi con người,  từ xấu ra tốt, từ ganh ghét hóa ra yêu thương, từ ích kỷ trở thành vị tha, từ tội nhân trở thành con của Thượng Đế đặng làm người hữu dụng cho xã hội. Vậy nếu bạn tin có Thượng Đế thì bạn hãy đến với Ngài bằng lời cầu nguyện chân thành và vắn tắt như sau:


      “Lạy Thượng Đế, con tin Ngài là Đấng tạo nên vũ trụ, sinh vật và tạo ra chính con. Lâu nay con đã hoài nghi về sự thực hữu của Ngài. Nay con tin có Ngài. Xin Ngài hãy tiếp nhận con làm con cái của Ngài và biến con trở nên người hữu dụng cho Ngài và cho xã hội. A-men.”
 

     Sau đó bạn có thể tiếp xúc với Mục sư Tin Lành gần nơi bạn ở, cho mục sư biết bạn đã trở thành tín hữu qua bài tham luận nầy. Mục sư sẽ rất vui giải thích thêm về cuộc sống mới trong Thượng Đế, Đấng tạo ra vũ trụ và con người.



Giáo sư Phạm Quang Tâm
Dallas Theological Seminary

Bài trướcLễ Tốt Nghiệp Lớp Người Nữ Trong Nhà Chúa Phía Bắc Bình Thuận.
Bài tiếp theoBài thứ 129: Báp Tem Bằng Thánh Linh