Bài 161: SÁCH MI-CHÊ, GIẢI PHÁP SAU CÙNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

291

Bài 161: Sách Mi-chê, giải pháp sau cùng của Đức Chúa Trời

Chúng ta đang khảo sát Tiên tri Mi-chê. Ông là một người rao giảng Lời Chúa đầy ơn trong vòng các tiên tri. Mi-chê có thể được xếp chung với Ê-sai hay một số các vị khác. Ông đóng vai trò quan trọng. Các nhà thông thái đã trích lời của Mi-chê trong Ma-thi-ơ 2:5-6. Chúa Giê-xu trích lời của ông trong Ma-thi-ơ 10. Một số các trưởng lão trong thời Giê-rê-mi đã cứu mạng sống của Giê-rê-mi bằng cách trích dẫn lời tiên tri của Mi-chê. Số là Giê-rê-mi giảng về sự sụp đổ Giê-ru-sa-lem nên người Giu-đa định giết chết ông. Các vị bô lão họp lại và nói rằng, “Đừng giết người nầy vì trong ngày -, Tiên tri Mi-chê đã công bố một sứ điệp giống như vậy, thay vì giết Mi-chê, vua Ê-xê-chia đã ăn năn và dân sự quay về với Đức Chúa Trời, bởi đó mà Ngài không giáng cơn đoán phạt.” Như vậy nhờ trích dẫn những lời của Mi-chê mà Giê-rê-mi được thoát chết.

Sách Mi-chê có 7 chương, gồm 3 bài giảng. Bài giảng thứ nhất là đoạn 1 & 2, dành cho mọi người, mọi dân tộc. Bài giảng thứ hai từ chương 3 câu 1 cho đến chương 5 câu 15. Đây là bài giảng dành cho những người lãnh đạo của cả hai miền nam và bắc. Mi-chê cho biết mọi quyền hành đều đến từ Đức Chúa Trời. Chúa muốn mọi người sống trong hòa bình. Để dân chúng hưởng phước hạnh, thì chính quyền phải đi theo ý chỉ của Ngài.

Mi-chê dạy rằng thẩm quyền mà Chúa thiết định gồm có 3 mức độ khác nhau. Trước tiên những thầy tế lễ chịu trách nhiệm về lãnh vực thuộc linh. Họ dạy dân chúng Lời Chúa và làm gương cho mọi người. Các vị tiên tri chịu trách nhiệm về vấn đề đạo đức, tiên tri khích lệ mọi người vâng giữ những gì thầy tế lễ đã dạy. Rồi thành phần thứ ba là những người cầm quyền chịu trách nhiệm thi hành luật pháp của Đức Chúa Trời được truyền đạt qua thầy tế lễ và tiên tri. Mi-chê cáo buộc rằng cả ba thành phần lãnh đạo nầy đều đã trở nên thoái hóa.

Sứ điệp của Mi-chê về những người lãnh đạo chuẩn bị cho sứ điệp về Đấng Mê-si. Đây là bài giảng thứ ba của ông. Mọi tiên tri đều nói tiên tri về sự xâm lăng và lưu đày của người A-si-ry và Ba-by-lôn. Tuy nhiên họ không chấm dứt với sứ điệp đoán phạt mà là sứ điệp hy vọng. Mọi tiên tri lớn của Chúa đều chấm dứt với sứ điệp hy vọng.

Nếu một tiên tri rao giảng tại nước phía nam thì sứ điệp hy vọng của họ là dân chúng sẽ trở về từ xứ lưu đày Ba-by-lôn sau 70 năm. Nếu vị tiên tri giảng cho nước phía bắc thì sứ điệp hy vọng của họ sẽ kéo dài cho đến những ngày cuối cùng. Các vị tiên tri đã nói về sự phân tán của người Do Thái trên khắp thế giới và sự hồi hương của họ. Người Do Thái đã trở về lập quốc làm ứng nghiệm lời tiên tri hồi hương, nhưng đây mới là sự hồi hương về mặt địa lý. Còn có một cuộc hồi hương thuộc linh, nghĩa là người Do Thái trở về với Đức Chúa Trời của họ. Điều nầy chưa xảy ra, tuy nhiên sự hồi hương về mặt địa lý đã được ứng nghiệm là một chứng cớ đáng tin cho biết rằng rồi sẽ có biến cố hồi hương thuộc linh.

Trong bài giảng thứ ba, Mi-chê nói về sự hồi hương của người Do Thái, dựa vào bối cảnh nầy mà Mi-chê đưa ra lời tiên tri về Đấng Mê-si. Mi-chê vẫn liên tưởng đến 3 thành phần lãnh đạo, quan trưởng đại diện cho người lãnh đạo hành chánh, thầy tế lễ là người lãnh đạo thuộc linh và tiên tri là người lãnh đạo về mặt đạo đức.

Theo Mi-chê thì những người lãnh đạo đã thất bại. Bài giảng thứ nhì của Mi-chê nói về sự thất bại của họ làm nền cho bài giảng về Đấng Mê-si. Mi-chê nói tiên tri về sự hiện đến của Đấng Mê-si trong Mi-chê 5:2. Mi-chê cho biết Mê-si là Đấng cai trị toàn hảo. Đấng Mê-si sẽ cai trị bởi sức mạnh của Đức Giê-hô-va. Ngài là Đấng chăn chiên lớn. Mi-chê giải thích rằng Đức Chúa Trời đã ủy quyền cho con người cai trị, nhưng con người thất bại nên sẽ đến một ngày Chúa phán rằng, “Ta không còn để con người cai trị nữa. Ta sẽ giao quyền cai trị lại cho con một của ta. Khi con đến, con sẽ cai trị theo ý ta muốn. Con sẽ nhân danh Giê-hô-va, Đức Chúa Trời mà cai trị. Khi con ta cai trị, ngươi sẽ thấy được những gì ta muốn nơi những người lãnh đạo. Đó là một chính thể không bị suy đồi, nhưng là một cơ cấu rất tốt đẹp.

Điều nầy dẫn đến một vấn đề là khi nào thì Chúa Giê-xu sẽ thành lập một vương quốc toàn hảo đó? Các sứ đồ ngày xưa cũng hỏi Chúa rằng, “Khi nào thì Chúa lập nước Y-sơ-ra-ên?” Các sứ đồ xem Chúa như là một lãnh tụ chính trị, người sẽ lật đổ ách thống trị của người La Mã. Một số học giả cho rằng Giu-đa theo Chúa Giê-xu vì ông nghĩ Chúa Giê-xu sẽ dẹp tan quyền hành của người La Mã để lập chính quyền trên đất nầy, khi đó ông sẽ đóng một vai trò lãnh đạo trong vương quốc của Ngài. Một trong những sứ đồ tên là Si-môn Xê-lốt, ông là một thành viên của phong trào cách mạng chống lại người La Mã. Giáo sư William Barclay tin rằng bốn trong số 12 sứ đồ có động cơ chính trị khi theo Chúa Giê-xu.

Những vị sứ đồ thông hiểu về Cựu Ước tin rằng Chúa Giê-xu hay Đấng Mê-si sẽ là nhà lãnh tụ chính trị và cầm quyền trên nước toàn hảo của Ngài. Tuy nhiên họ không thấy và chúng ta cũng không để ý đến khi lần đầu tiên đọc Mi-chê đó là có một khoảng thời gian dài trước khi điều đó thành hiện thực.

Chúa Giê-xu tuyên bố rất rõ ràng là việc Chúa đến gồm hai biến cố. Lần hiện đến thứ nhất được gọi là giáng sinh và lần hiện đến thứ hai gọi là tái lâm. Trong Lu-ca 4:18 Chúa Giê-xu đã trích Ê-sai 61 để trình bày điều mà các học giả gọi là bản tuyên ngôn Nazaret.

18 Thần của Chúa ngự trên ta: Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo;
19 Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, Kẻ mù được sáng, Kẻ bị hà hiếp được tự do; Và để đồn ra năm lành của Chúa.

Trong bản tuyên ngôn nầy Chúa Giê-xu đã cho biết những gì Ngài sẽ làm. Ngài sẽ khiến kẻ mù được sáng, kẻ bị cầm buộc được tự do và chữa lành những người có lòng tan vỡ.

Khi so sánh Lu-ca 4:18 với Ê-sai 61, chúng ta để ý là Chúa đã dừng lại ở giữa câu rồi trả cuộn Kinh Thánh lại vì câu tiếp theo đó là “Để tuyên bố ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta.” Chúa Giê-xu không đọc phần nầy vì trong lần đến thứ nhất Chúa Giê-xu không đến để tuyên bố ngày báo thù. Có những phần trong Kinh Thánh như Ê-sai 61 và Thi Thiên 2 đều nói đến hai lần hiện đến của Chúa Giê-xu trong cùng một câu. Chúa đến lần thứ nhất như là một thống khổ nhân. Ngài đến để chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi của cả loài người, Ngài đã sống lại và ban Thánh Linh để hội thánh được khai sinh và hoạt động giữa thế gian nầy.

Một số học giả gọi thời kỳ Hội Thánh là thời kỳ giữa hai biến cố Chúa hiện đến lần thứ nhất và lần thứ hai. Hiện nay, Chúa đang xây dựng Hội Thánh của Ngài. Khi Chúa xây dựng xong Hội Thánh Chúa thì Ngài sẽ trở lại. Mọi tiên tri đều cho biết như vậy. Chúa sẽ đến với đại quyền và đại vinh. Khi Ngài đến lần thứ nhì, sẽ không còn ai vả vào má của Ngài, không còn ai đánh vào đầu Ngài, Ngài sẽ không đến như một thống khổ nhân. Theo sự ví sánh của Thi Thiên 2, khi trở lại Ngài sẽ đập tan tành mọi thế lực của loài người như người ta dùng cây gậy sắt đập tan bình gốm.

Khi Chúa trở lại, Ngài sẽ thiết lập vương quyền và cai trị trên nước của Ngài. Có những quan niệm khác nhau về nước của Chúa. Có phải đó là nước 1.000 năm? Có phải Chúa sẽ thiết lập vương quốc theo nghĩa đen trên thế giới nầy? Thuyết tiền thiên hi niên cho rằng Ngài sẽ trở lại trước khi thiết lập nước 1.000 năm. Thuyết hậu thiên hi niên cho rằng Ngài sẽ tái lâm sau 1.000 năm. Một số người khác thì phủ nhận 1.000 năm theo nghĩa đen, họ cho rằng 1.000 năm được hiểu theo nghĩa thuộc linh hơn là nghĩa đen. Có những quan niệm khác nhau về nước 1.000 năm. Tuy nhiên các tiên tri đều nói rằng khi Chúa Giê-xu trở lại thì Ngài sẽ là Đấng cai trị toàn hảo.

Xét theo một khía cạnh thì lời tiên tri của Mi-chê về sự hiện đến của Chúa Giê-xu gồm cả biến cố tái lâm. Vì cho đến biến cố tái lâm, Đức Chúa Trời nói với dân sự của Ngài rằng, “Ta đã lập các ngươi cai trị, nhưng những thành phần lãnh đạo thoái hóa. Quan trưởng thì hối lộ, thầy tế lễ dạy đạo vì tiền công, tiên tri nói tiên tri cũng vì tiền. Hệ thống tôn giáo và chính quyền mà Chúa đã lập nên không hoạt động theo ý Ngài muốn vì tội của những người lãnh đạo. Do đó sẽ đến một ngày Đức Chúa Trời lấy lại mọi quyền hành từ nơi con người mà giao cho con của Ngài là Chúa Giê-xu. Quyền cai trị của Ngài sẽ không bao giờ chấm dứt. Chúa Giê-xu sẽ cai trị như là Vua của các vua và Chúa của các chúa. Đây là sứ điệp của Mi-chê. Chính trong bối cảnh đó mà Mi-chê đưa ra lời tiên tri về nơi chốn mà Đấng Mê-si ra đời. Mi-chê 4

1 Xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Đức Giê-hô-va sẽ lập lên trên chót các núi, và sẽ được nhắc cao lên hơn các đồi. Các dân sẽ chảy về đó;
2 và nhiều nước sẽ đi đến đó, mà rằng: Hãy đến, chúng ta hãy lên núi của Đức Giê-hô-va, nơi nhà của Đức Chúa Trời Gia-cốp! Ngài sẽ dạy chúng ta về đường lối Ngài, và chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài. Vì luật pháp sẽ ra từ Si-ôn, lời của Đức Giê-hô-va từ Giê-ru-sa-lem.

Rõ ràng là những điều nầy chưa xảy ra, mỗi người chúng ta cầu nguyện xin Chúa Thánh linh soi sáng để hiểu sự dạy dỗ của Ngài. Theo Mi-chê sẽ có một thời kỳ bình an, ông nói, Mi-chê 4

Vì luật pháp sẽ ra từ Si-ôn, lời của Đức Giê-hô-va từ Giê-ru-sa-lem.

3 Ngài sẽ làm ra sự phán xét giữa nhiều dân, đoán định các nước mạnh nơi phương xa; và họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm; nước nầy chẳng giá gươm lên nghịch cùng nước khác, và cùng không tập sự chiến tranh nữa.
4 Ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo sợ; vì miệng Đức Giê-hô-va vạn quân đã phán.

Phần thứ nhất của phân đoạn nầy được trích từ Ê-sai. Rồi Mi-chê còn đi xa hơn nữa, ông nói về ngày cuối cùng. Đây là lý do khiến chúng ta lưu tâm đến những gì xảy ra tại vùng Trung Đông và Do Thái.

Có một vị giáo sư dạy Kinh Thánh thường giễu những người đi thăm Giê-ru-sa-lem hay vùng đất thánh. Ông nói rằng Chúa ngự trong lòng tôi, do đó việc viếng thăm vùng đất thánh cũng chẳng đem Chúa đến gần tôi hơn. Thế rồi có dịp 40 sinh viên trong lớp yêu cầu ông dẫn họ đến vùng đất thánh. Vì chuyến đi mang tính chất tu nghiệp nên ông quyết định tham gia. Đến nơi ông khám phá Giê-ru-sa-lem thật là vùng đất thánh. Có một điều gì đó rất đặc biệt về thành phố nầy. Một trong những điều đó là nó khiến chúng ta quay lại những trang sử trong quá khứ để nhớ những gì đã xảy ra. Điều thứ hai là hướng tâm trí chúng ta về những lời tiên tri kỳ diệu sẽ được ứng nghiệm trong tương lai. Các vị tiên tri nói về giai đoạn chung kết của lịch sử nhân loại muốn chúng ta hướng về Giê-ru-sa-lem và vùng Trung Đông để nhận thức những gì đang xảy ra.

Bài giảng của Mi-chê mà chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi trong lần đến được xem là phần quan trọng nhất trong Kinh Thánh, kính mời quí vị đón xem.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trước‘Nĕ Kơ Ôn Tơdrong Yoch – 1/4/2025
Bài tiếp theoTƯ VẤN CƠ ĐỐC: CHƯƠNG 12 – THỜI THANH THIẾU NIÊN (phần 3)