Bài 72: Làm Thế Nào Để Đứng Dậy Sau Khi Thất Bại (TT)

1584

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Chúng ta đang khảo sát sách thứ nhì của Sa-mu-ên. Sách nầy nói nhiều về những hậu quả do tội lỗi của Đa-vít gây ra và cách Đa-vít đã đối phó với tội lỗi cũng như hậu quả của tội lỗi như thế nào. Đoạn 11 đến 18 cho thấy chính cách đối phó với tội lỗi đã chứng tỏ Đa-vít là một người vĩ đại của Đức Chúa Trời. Thi thiên 23 là một đoạn được nhiều con cái Chúa ưa chuộng. Nó là một trong những Thi thiên hay nhất của Đa-vít vì qua Thi thiên này Đa-vít đã trình bày một triết lý sống thật hoàn hảo.

 

Thi thiên 23 cho biết phải sống như thế nào, phải chết như thế nào và phải đối phó với thất bại như thế nào. Triết lý sống của chúng ta sẽ không đầy đủ cho đến khi nó cho biết cách phải sống, cách để chết và cách để đối phó với thất bại. Có người không biết phải sống như thế nào, có những người biết sống nhưng lại không biết chết như thế nào. Có người biết cách sống, can đảm đối diện với cái chết nhưng lại không biết đối phó với những thất bại. Họ không thể nào chống chọi với những thất bại. Nhưng Đa-vít đã thành công trong cả 3 điểm. Những chương 11 đến 18 đã cho thấy Đa-vít đã đối phó thành công với sự thất bại thê thảm của mình.

 

Những chương 11 đến 18 của sách 2 Sa-mu-ên và Thi thiên đã được viết cùng một thời gian, Đa-vít đã cho biết phải sống như thế nào, phải chết như thế nào và làm sao để đối phó với những thất bại. Những người tin kính vẫn có thể bị sa bại như thường. Điều quan trọng khi bi sa bại là chúng ta đối phó thế nào với sự thất bại của mình. Một lần nữa tại đây Đa-vít là một gương giúp chúng ta biết hành xử khi bị sa bại.

 

Chương 11 của 2 Sa-mu-ên ghi lại rất chi tiết về tội lỗi nghiêm trọng mà Đa-vít đã phạm. Thế rồi trong chương 12, tiên tri Na-than đầy can đảm đã xuất hiện. Theo thói quen lúc bấy giờ thì mọi sự tranh chấp được đệ trình lên nhà vua. Vua là người đóng vai quan án trong hoàng cung. Thời bấy giờ họ thường nhập đề bằng cách kể những câu chuyện ngắn, do đó tiên tri Na-than nói về một người giàu có rất nhiều súc vật. Sống bên cạnh người nhà giàu là một người nghèo, chỉ có một chiên cái rất nhỏ. Người nghèo rất thương chiên của mình, ông để chiên ăn uống chung bàn với mình. Có một người khách đến thăm và nghỉ lại nhà của người nhà giàu. Người nhà giàu không muốn giết một con chiên nào của mình, ông đến nhà của người nghèo mà bắt con chiên đó đem làm thịt để đãi khách. Nghe đến đây Đa-vít liền nói, “Người như vậy thì không đáng để sống, nó phải chết vì hành động bất nhân của mình.”

 

Na-than không ngần ngại chỉ thẳng vào Đa-vít mà nói,

Vua là người đó! Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán như vầy: Ta đã xức dầu lập ngươi làm vua Y-sơ-ra-ên, ta đã giải cứu ngươi khỏi tay Sau-lơ.

Ta cũng ban cho ngươi nhà của chủ ngươi, lập ngươi làm vua của nhà Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, và nếu điều đó không đủ, ắt ta sẽ thêm cho ơn khác nữa.

Cớ sau ngươi đã khinh bỉ lời của Đức Giê-hô-va, mà làm điều không đẹp lòng Ngài? Ngươi đã dùng gươm giết U-ri, người Hê-tít, lấy vợ nó làm vợ ngươi.

 

Ngay tại giữa tòa án của hoàng gia, Na-than thẳng thừng buộc tội Đa-vít. Điều gì có thể xảy ra? Xin nhớ rằng Đa-vít là vua, là người nắm quyền sinh sát, Đa-vít có thể nổi giận đùng đùng với Na-than mà nói, “Hãy chém đầu nó đi,” hoặc phớt tỉnh không thèm đá động gì cả. Nhưng Đa-vít không làm như vậy. Đa-vít đã thú nhận tội lỗi của mình. Chính chỗ nầy nói lên con người vĩ đại của Đa-vít. Biến cố đó đã đưa Đa-vít đến chỗ cảm tác những Thi thiên rất hay như Thi thiên 51 Đa-vít đã thú nhận tội lỗi hoen ố của mình.

 

Nếu bạn đã phạm tội và không biết phải xưng tội thế nào, xin đọc Thi thiên 51. Dầu Đa-vít thú nhận tội lỗi nhưng ông vẫn gặt những hậu quả do tội lỗi gây ra. Na-than đã tiên tri về những điều này và nó được ứng nghiệm trong 2 Sa-mu-ên.

 

Khi những biện pháp trừng phạt xảy ra, chúng ta có cảm tưởng như Đức Chúa Trời đang giáng những ngọn roi xuống Đa-vít. Có những lúc chúng ta muốn thưa rằng, “Chúa ơi, đủ rồi, xin đừng sửa phạt thêm nữa vì làm sao Đa-vít có thể chịu nỗi.” Nhưng Chúa vẫn tiếp tục giáng những ngọn roi xuống con người nầy. Đa-vít đã để lại một gương sáng về cách mà ông đã đối phó với hậu quả của tội lỗi, tuy nhiên ông cũng là một bài học cảnh cáo cho chúng ta. Những hậu quả của tội lỗi mà Đa-vít phải gặt lấy thật là kinh hoàng. Thi thiên 51 cho biết Đức Chúa Trời đã tha thứ cho Đa-vít, điều này không có gì phải nghi nghờ cả. Nhưng xét theo phương diện con người thì tội lỗi của ông đã gây ra những hậu quả trên những người mà ông yêu mến.

 

Chữ xưng nghĩa trong Tân ước chỉ về tình trạng của một người được xem như là chưa bao giờ phạm tội. Liên hệ với sự dạy dỗ này, Tân ước cũng đề cập về cụm từ “đối với Đức Chúa Trời” đến 150 lần. Đối với Đức Chúa Trời thì người được xưng nghĩa được xem như là không hề phạm tội nhưng theo phương diện con người thì sao? Vấn đề chính là chỗ nầy. Na-than đã nói rằng Đa-vít đã phạm tội trong gia đình và cũng chính chỗ đó Đức Chúa Trời sửa phạt ông. Ngọn roi đầu tiên giáng xuống trên đứa con của ông và Bát-sê-ba. Đứa trẻ bị đau, Đa-vít sấp mặt xuống để cầu nguyện suốt 7 ngày đêm, ông kiêng ăn và khẩn nguyện xin Chúa cứu đứa bé. Nhưng đứa bé vẫn chết. Những cận thần của Đa-vít sợ không dám cho Đa-vít hay, tuy nhiên khi nghe họ thì thầm với nhau ông hỏi, “Có phải đứa trẻ đã chết rồi không?” Họ trả lời, “Dạ phải.” Đa-vít liền đứng dậy, tắm rửa, chải tóc, thay quần áo và ăn một bữa thịnh soạn rồi vào đền thờ mà thờ lạy. Những người chung quanh không sao hiểu được thái độ xem có vẻ kỳ lạ của Đa-vít, họ đến với ông và hỏi, “Chúng tôi không hiểu vì sao khi đứa trẻ còn sống thì vua lại kiêng ăn cầu nguyện, còn khi nó chết thì vua lại tổ chức liên hoan.” Một lần nữa tại đây Đa-vít chứng tỏ con người vĩ đại của ông. Đa-vít nói,

 

Khi đứa trẻ còn sống, ta kiêng ăn và khóc lóc, vì ta nghĩa rằng: Nào ai biết; có lẽ Đức Giê-hô-va sẽ thương xót ta, và cho đứa trẻ được sống chăng.

Nhưng bây giờ nó đã chết, ta kiêng ăn làm chi? Ta có thế làm cho nó trở lại ư? Ta sẽ đi đến nó nhưng nó không trở lại cùng ta.

 

Đây là lời đầy an ủi cho những ai đã từng bị mất đi những đứa con yêu dấu của mình. Qua câu chuyện này Đức Chúa Trời muốn dạy chúng ta về số phận đời đời của con trẻ. Đa-vít đã bày tỏ niềm hy vọng chắc chắn trong tương lai rằng, ông sẽ đến với nó cho dầu hiện tại ông buồn thảm vì nó sẽ không thể nào trở lại với ông. 

 

Hậu quả tiếp theo là sự chết của Áp-sa-lôm. Trong trường hợp này thì Đa-vít đã phản ứng khác so với trường hợp của đứa trẻ. Khi hay tin Áp-sa-lôm đã chết thì Đa-vít khóc than thảm thiết

 

Ôi, Áp-sa-lôm, con trai ta! Áp-sa-lôm, con trai ta! con trai ta! Ước chi chính ta chết thế cho con! Ôi, Áp-sa-lôm! con trai ta! con trai ta!

 

Đa-vít đã đau xót quá đến nỗi một vị tướng lãnh đã nói rằng, “Nếu Áp-sa-lôm sống và chúng tôi chết hẳn sẽ làm vừa lòng vua.” Áp-sa-lôm đã nổi loạn chống cha của mình. Tại sao Đa-vít lại phản ứng khác nhau? Có lẽ Đa-vít biết đứa trẻ đi về đâu, nhưng phần của Áp-sa-lôm thì ông không dám nói như vậy. Điều này khiến Đa-vít vô cùng đau lòng.

 

Một hậu quả khác được ghi lại từ chương 13. Đa-vít có một người con trai tên là Am-nôn và một người con gái tên là Ta-ma. Am-nôn đã cưỡng hiếp Ta-ma. Điều này khiến anh của Ta-ma là Áp-sa-lôm nổi giận giết Am-nôn. Sau hành động này thì Áp-sa-lôm chạy trốn để sống lưu vong.

 

Nhưng Đa-vít thương nhớ Áp-sa-lôm và cuối cùng nhờ sự hòa giải của tướng Giô-áp nên Áp-sa-lôm được trở về. Tuy nhiên Đa-vít đã phạm một lỗi lớn là ông không hoàn toàn tha thứ cho Áp-sa-lôm. Ông nói, “Ngươi có thể ở trong thành nầy, nhưng ta không bao giờ muốn thấy mặt ngươi.”

 

Đa-vít đã vĩnh viễn cô lập Áp-sa-lôm. Vì thế Áp-sa-lôm thực hiện kế hoạch phản loạn. Suốt 4 năm trường Áp-sa-lôm tìm cách chiêu mộ người khác theo mình. Nếu ai đó có vấn đề cần gặp vua để giải quyết thì Áp-sa-lôm nói với họ thế nầy, “Vua không có thì giờ để làm điều gì cho các ngươi, nhưng nếu ta là vua thì ta sẽ xử mọi việc công bằng cho các ngươi.”

 

Khi người ta cuối đầu trước Áp-sa-lôm thì ông không nhận sự tôn kính này mà chỉ bắt tay họ mà thôi. Ông muốn chứng tỏ rằng họ ngang bằng với ông để qua đó dân chúng thấy con người khiêm tốn của ông. Áp-sa-lôm đã chơi trò chính trị và chinh phục lòng dân suốt 4 năm trường.

 

Sau 4 năm ông xin cha mình là Đa-vít để dâng một của lễ và làm trọn lời hứa nguyện tại Hếp-rôn. Thế rồi từ đây, ông đã khởi động cuộc cách mạng chống cha mình. Đa-vít đã lâm vào những ngày đen tối nhất khi cả nước đồng một lòng theo Áp-sa-lôm để chống ông. Đa-vít đã chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem để ẩn mình tại hang đá A-đu-lam là nơi mà trước đây ông đã từng lưu lạc trong thời gian Sau-lơ săn đuổi.

 

Tính chất vĩ đại của con người Đa-vít đã được thể hiện trong thời gian này. Ví dụ khi chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem có một người tên là Si-mê-i nguyền rủa và ném đá vào Đa-vít. Một trong những dõng sĩ của Đa-vít nói rằng, “Hãy để tôi giết nó đi.” Thật dễ dàng để Đa-vít đáp, “Vâng hãy giết nó.” Nhưng Đa-vít đã nói gì? “Hãy để nó rủa sả, có lẽ Đức Chúa Trời khiến nó rủa sả ta vì ta đáng bị như vậy.”

 

Sau này trong lúc hấp hối, Đa-vít đã bảo Sa-lô-môn rằng, “Ta đã dong thứ cho nó, nhưng con là người khôn ngoan, con biết phải hành xử như thế nào.”

 

Sa-lô-môn ra lịnh giết Si-mê-i.

Đa-vít là một nhà quân sự tài ba. Trong khi chạy trốn thì Đa-vít đã có một kế hoạch để đánh bại Áp-sa-lôm và những người ủng hộ Áp-sa-lôm. Vào thời đó các bậc quân sư được kính trọng và đánh giá rất cao. Đa-vít có một quân sư tên là A-hi-tô-phe, một người hết sức khôn ngoan. Vì trước khi bước lên ngôi, Đa-vít chỉ là một cậu bé chăn chiên, nên A-hi-tô-phe hẳn đã chỉ bảo cho Đa-vít phải cai dân trị nước như thế nào. A-hi-tô-phe giống như là một người cha của Đa-vít. Thế nhưng trong khi phải chạy loạn, A-hi-tô-phe đã đứng về phía của Áp-sa-lôm và khuyên rằng Áp-sa-lôm hãy ăn nằm với những người vợ của Đa-vít giữa thanh thiên bạch nhật trước khi Đa-vít có thể trở tay và cũng là dấu hiệu báo cho toàn dân rằng, lằn ranh đã được phân định. Áp-sa-lôm nghe theo lời và cưỡng hiếp những người vợ của Đa-vít.

 

Khi Đa-vít nghe tin nầy thì ông đầy sự đau xót và kinh hoàng. Nói cách khác lòng ông tan vỡ khi nhận được tin nầy, tâm trạng của ông được thể hiện trong Thi thiên 55. Dẫu vậy Đa-vít vẫn đủ sức để trở ngược thế cờ và đem lại sự chiến thắng. Trước khi hành quân ông đã chỉ thị rằng không ai được làm điều gì hại Áp-sa-lôm. Nhưng Áp-sa-lôm đã tử trận và điều này được xem là ngọn roi cuối cùng Chúa giáng trên Đa-vít. Trước thảm trạng này Đa-vít đã khóc lóc thảm thiết,

 

Ôi, Áp-sa-lôm, con trai ta! Áp-sa-lôm, con trai ta! con trai ta! Ước chi chính ta chết thế cho con! Ôi, Áp-sa-lôm! con trai ta! con trai ta!

 

Đa-vít cho rằng phải chăng Áp-sa-lôm chết vì chính tội lỗi do ông gây ra, ông ước gì sự việc xảy ra ngược lại.

 

Nếu một người như Đa-vít mà còn sa ngã phạm tội thì chúng ta đều có nguy cơ phạm tội. Điều quan trọng là chúng ta phải nên hành xử thế nào khi phạm tội: thú nhận tội lỗi và nhớ lời Chúa Jêsus phán rằng, “Hãy đi, đừng phạm tội nữa!”

 

 

Bài trướcTP. Đà Nẵng: Hiệp Nguyện Mục Sư – Truyền Đạo Tháng 7/2016
Bài tiếp theoBài 72: Tiếp Tục Bài Giảng Trên Núi