Bài 3: Những Thợ Rèn Quả Cảm

1958

Xa-cha-ri 1:18-21

Đoạn, ta ngước mắt lên, ta nhìn xem, nầy, có bốn cái sừng. Ta bèn nói cùng thiên sứ đương nói với ta rằng: Những vật ấy là gì? Người đáp cùng ta rằng: Ấy là những sừng đã làm tan tác Giu-đa, Y-sơ-ra-ên, và Giê-ru-sa-lem.

Đoạn, Đức Giê-hô-va cho ta xem bốn người thợ rèn; thì ta hỏi rằng: Những kẻ nầy đến làm chi? Ngài đáp rằng: Ấy đó là những sừng đã làm tan tác Giu-đa, cho đến nỗi không người nào ngóc đầu lên được; nhưng những kẻ nầy đã đến để làm kinh hãi chúng nó, và để ném xuống những sừng của các nước đã cất sừng lên nghịch cùng đất Giu-đa đặng làm tan tác nó.

Đây là khải tượng thứ nhì mà Xa-cha-ri, trong đó ông thấy bốn cái sừng hủy diệt và làm tan tác Giu-đa, cùng bốn người thợ rèn quả cảm đã đánh hạ những chiếc sừng ấy.

Cái sừng là sức mạnh của một mãnh thú. Con tê giác, con trâu rừng, con dê đực… có sừng rất cứng và là thứ “vũ khí” để đánh bại đối phương. Trong Kinh Thánh, rất nhiều lần Đức Chúa Trời cho các tiên tri của Ngài thấy những khải tượng liên quan đến những mãnh thú, có nhiều con thú với những cái sừng kinh quái, báng húc dân Chúa và Hội Thánh Ngài. Cũng có những sừng phạm thượng với Đức Chúa Trời bởi sự kiêu ngạo, xấc xược, như trong Đa-ni-ên 7:8 “…Nầy, cái sừng đó có những mắt y như mắt người, và một cái miệng nói những lời xấc xược”. Điều này chứng tỏ thế giới hung hãn của loài người trước mắt Đức Chúa Trời không hơn gì loài ác thú, và những chiếc sừng của nó chẳng qua là sự chống đối, kiêu ngạo và xấc xược cùng Đấng Tạo Hóa mà thôi.

Có lẽ trong suốt chiều dài lịch sử tuyển dân trên đất, họ đã và đang đối diện với quá nhiều chiếc sừng làm họ tan tác. Nhưng trong bối cảnh này, những chiếc sừng đang được đề cập có thể là A-sy-ri, Ba-by-lôn, Ai Cập, và những kẻ thù nghịch bản địa đang chống đối họ ngay trong xứ Pa-lét-tin. A-sy-ri bắt Y-sơ-ra-ên làm phu tù từ 722 TC; Ba-by-lôn bắt Giu-đa phu tù 586 TC; Ai Cập là nơi dân sự đã từng sống trong cảnh nô lệ 430 năm, và cũng luôn là mối nguy của sự chia rẽ quốc gia, vì có rất nhiều khuynh hướng thân Ai Cập, đã chống lại lời tiên tri của Đức Chúa Trời phán bởi Giê-rê-mi rằng, họ phải bị phu tù 70 năm ở Ba-by-lôn.[1] Và một cái sừng đang làm nhức nhối những người trở về để xây dựng Giê-ru-sa-lem chính là những kẻ thù bản địa trong xứ Pa-lét-tin, trong đó nào là Tô-bi-gia, nào là San-ba-lát

Trong thế giới hiện đại, có lẽ 4 cái sừng này được mở rộng là “kẻ thù bốn phương, tứ hướng” đang đổ xuống Y-sơ-ra-ên, dân sự của Chúa. Bản đồ phía bắc Y-sơ-ra-ên là Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nga. Bản đồ phía Nam Y-sơ-ra-ên là Ai Cập và một số quốc gia Hồi giáo; phía Tây là khối Châu Âu, trong đó có những nước đã từng bắt bớ và hủy diệt dân của Chúa qua các tòa án dị giáo, hay nạn Holocaust – hủy diệt 6 triệu người Do Thái của Đức Quốc Xã; còn trên bản đồ phía Đông gần nhất là Jordan, hay xa hơn nữa kéo dài tới tận Trung Quốc. Chúng ta sẽ lấy làm lo cho dân sự của Chúa, từ xưa đến giờ, họ vốn khát khao hai chữ bình an. Mỗi lần gặp nhau, họ luôn ước vọng và cầu chúc nhau bằng cụm từ “shalom”, nhưng dường như họ chưa tìm thấy một phút của sự bình an thật sự trong quốc gia mình.

Trở lại với đoạn Kinh Thánh này, trong bối cảnh trở về thời Xa-cha-ri, Đức Chúa Trời đã cho Xa-cha-ri cũng đã nhìn thấy những “người thợ rèn” – có uy quyền để đập nát những chiếc sừng đang làm tan tác Giu-đa. Trong ngữ cảnh trực tiếp này không thể không kể đến Xô-rô-ba-bên, người lãnh đạo phương diện chính trị mà chính Xa-cha-ri đã ngưỡng mộ: “Hỡi núi lớn, ngươi là ai? Ở trước mặt Xô-rô-ba-bên ngươi sẽ trở nên đồng bằng” (4:7), hay Giê-hô-sua, người lãnh đạo tôn giáo mà Xa-cha-ri yêu mến và bênh vực: “Nếu ngươi bước đi trong đường lối ta, vâng giữ điều ta dạy phải giữ, thì ngươi sẽ được xét đoán nhà ta, và canh giữ hiên cửa ta, ta sẽ cho ngươi bước đi trong hàng những kẻ đứng chầu nầy” (3:7).

Nếu nhìn xa hơn ngữ cảnh hiện tại của thời Xa-cha-ri một chút, không thể không kể đến Nê-hê-mi hay E-xơ-ra, và hoàng hậu Ê-xơ-tê.

Mỗi một giai đoạn lịch sử, Đức Chúa Trời có dấy lên những người lãnh đạo họ có thiện cảm và bênh vực Y-sơ-ra-ên, và đánh bại những âm mưu nhằm hủy diệt dân sự của Chúa. Thật tế nhị để tôi phải kể những tên các chính trị gia trong lịch sử hiện đại, nhưng nếu các bạn chịu khó tìm hiểu, thì sẽ thấy những người đã sát cánh với Y-sơ-ra-ên để công nhận nhà nước Do Thái 1948, hay rất gần đây có người đã can đảm công nhận Cao nguyên Gô-lan thuộc chủ quyền của Y-sơ-ra-ên, và tuyên bố Giê-ru-sa-lem là thủ đô muôn đời của người Y-sơ-ra-ên, hay người đã làm trung gian để thiết lập mối bang giao của Y-sơ-ra-ên với nhiều quốc gia Ả rập.

Lịch sử Hội Thánh của Đức Chúa Trời trên đất cũng vậy, có lẽ không bao giờ thiếu những chiếc sừng báng húc, làm tan tác Hội Thánh của Đức Chúa Trời, nhưng rồi dần hồi Ngài cũng dấy lên những người lãnh đạo Hội Thánh để đem lại sự hiệp một và giúp đỡ dân của Chúa.

Đức Chúa Trời chắc chắn ban phước cho những ai chúc phước cho dân sự của ngài, và làm ơn cho Hội Thánh của Chúa như lời Ngài đã phán: “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng Thế Ký 12:3).

Đừng sợ những cái sừng báng húc của thế gian. Hãy tin cậy Đức Chúa Trời và trông đợi sự giải cứu của Ngài.

Dù làm việc lớn hay nhỏ trong Hội Thánh, đâu đó Chúa đang dùng bạn trong số những tay thợ rèn, để dự phần hầu việc và giúp đỡ Hội Thánh của Chúa ngay trong thế hệ của bạn.

Biên soạn: MS Nguyễn Tấn Lộ

[1] Nhà giải kinh David Guzik thì cho rằng bốn cái sừng làm tan tác Giu-đa là Ba-by-lôn, Mê-đi Ba Tư, Hy Lạp và La Mã

Bài trướcHọc Nói – 26/9/2021
Bài tiếp theoHrăm Mbĭt Sa Ai Tiê Klei Mĭn – 27/9/2021