Học Từ Thất Bại – 27/12/2024

1961

 

Phục Truyền 32:1-6

“Hỡi dân khờ dại không trí, các ngươi báo đáp Đức Giê-hô-va như vậy sao? Ngài há chẳng phải là Cha ngươi, Đấng đã chuộc ngươi chăng? Há chẳng phải Ngài đã dựng nên ngươi, và lập ngươi sao?” (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Nội dung chính và mục đích của sáu câu đầu trong bài ca này là gì? Ông Môi-se tôn cao Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào? Chúng ta học được gì từ những thất bại thuộc linh của người đi trước?

Chúng ta đã biết dân Y-sơ-ra-ên trước khi bước vào đánh chiếm Đất Hứa, họ đã cam kết sẽ tuân thủ theo giao ước giữa Đức Chúa Trời và dân Y-sơ-ra-ên được lập ra trước đó. Vậy nên khi dân Y-sơ-ra-ên vi phạm những điều khoản trong giao ước, sẽ có một loại văn kiện được soạn thảo nhằm vạch trần những tội lỗi ấy. Bài ca của ông Môi-se chính là văn bản buộc tội về sự phản bội của dân Y-sơ-ra-ên đối với Chúa được ghi chép lại.

Văn chương trong sách Phục Truyền thời điểm đó chịu ảnh hưởng của văn chương vùng Cận Đông, nên trong văn bản buộc tội cần có sự hiện diện của các nhân chứng. Đó là lý do ông Môi-se mời gọi các tầng trời và đất hãy lắng nghe và làm chứng trước những sự vi phạm của dân Y-sơ-ra-ên. Ông Môi-se cáo buộc dân chúng đã phản bội lại Đức Chúa Trời, Đấng vừa là Cha, vừa là Đấng cứu chuộc, vừa là Đấng đã tạo dựng và lập họ thành một dân tộc (câu 6). Tội ác dân chúng gây ra gớm ghiếc đến nỗi ông Môi-se đã phủ định họ là con trai của Chúa. Làm sao một Đức Chúa Trời công bình và chính trực lại có liên can đến “một dòng dõi nhuốc nhơ, ương ngạnh và gian tà” này được! (câu 5 BTTHĐ). Sự phủ định này của ông Môi-se để khẳng định bản chất của Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi, chỉ có dân Y-sơ-ra-ên là đối tượng đã thay đổi lòng dạ sau khi thụ hưởng những ân huệ tốt lành Chúa ban cho họ.

Người đời thường nói “tốt khoe, xấu che”. Nhưng có thể nói bài ca này như một vết nhơ thuộc linh của dân Y-sơ-ra-ên nhưng hoàn toàn không được che đậy hay giấu nhẹm. Trong đó những tội lỗi được ông Môi-se ghi lại để truyền đạt cho dân chúng và cho cả hậu thế, với mục đích giữ vai trò dạy dỗ, và nhắc nhở thông điệp khuyến cáo của Đức Chúa Trời cho các thế hệ tiếp nối. Những thất bại thuộc linh dẫu là những kinh nghiệm đau buồn, nhưng khi vạch rõ ra thì nhờ đó mỗi Cơ Đốc nhân rút kinh nghiệm sống để trưởng thành hơn, nhìn thấy sự yếu đuối của bản thân và cảm nhận được ơn thương xót của Chúa vĩ đại hơn. Bên cạnh đó, nêu ra những kinh nghiệm thất bại thuộc linh của người đi trước không phải để chúng ta phê phán hay xét đoán, nhưng sẽ là những lời dạy sống động mỗi chúng ta có thể dùng để dạy dỗ về những gương tốt cũng như gương xấu cho con cái mình, và cũng để nhắc nhở con dân Chúa trong Hội Thánh tránh được vết xe đổ thuộc linh của những người đi trước.

Bạn thường đối diện với những bài học thất bại thuộc linh như thế nào?

Lạy Chúa, là Đức Chúa Trời công bình và chính trực. Xin dạy con sống tín trung với Chúa, và giúp con được trưởng thành hơn qua những gương thất bại thuộc linh của người khác. Nhân Danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen! 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sa-mu-ên 27

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/c/bhkthn

Bài trướcHriăm Mơ̆ng Klei Amâo Tŭ Jing – 27/12/2024
Bài tiếp theoPơhrăm Iŏk Đơ̆ng Tơdrong Jang Ưh Kơ Keh Jing – 27/12/2024