Học Nói – 26/9/2021

5106

 

Châm Ngôn 13:1-6

    

“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn dạy con nguyên tắc học nói như thế nào? Giữ gìn môi miệng, nói lời trung thực sẽ nhận được những ích lợi gì? Bạn thường vấp phải những lỗi lầm nào trong nội dung lời nói, cách nói, hay thời điểm nói? Bạn xin Chúa giúp bạn thay đổi điều gì trong lời nói?

Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, Vua Sa-lô-môn khuyên dạy con cần phải học nói thế nào để trở nên người khôn ngoan. Ông dạy con bốn nguyên tắc chính trong việc học nói. Nguyên tắc đầu tiên của việc học nói là con phải biết lắng nghe. Con cần phải nghe lời khuyên dạy của cha mẹ như ông đã dạy trong Châm Ngôn 1:8, “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, Chớ bỏ phép tắc của mẹ con.” Nghe không phải chỉ nghe qua loa, nghe lấy lệ như nước đổ lá khoai, nhưng phải nghe, suy ngẫm và làm theo. Nguyên tắc thứ hai con nên nhớ người khôn ngoan phải có lỗ tai mở ra (câu 1a) và môi miệng đóng lại (câu 3a); đừng như kẻ ngu xuẩn có lỗ tai đóng kín (câu 1b) và môi miệng lại rộng mở (câu 3b). Nguyên tắc thứ ba là con phải hết sức cẩn thận về những lời nói của mình. Khi con biết “canh giữ miệng mình”, con sẽ thu hoạch được bông trái của lời nói, hưởng được điều lành (câu 2), giữ được mạng sống (câu 3). Ngược lại, nếu con thiếu thận trong khi nói, con sẽ gặp hoạn nạn và sẽ mang họa vào thân. Nguyên tắc thứ tư là lời nói con phải trung thực, bày tỏ sự công chính, ngay thẳng, đạo đức. Trong mọi hoàn cảnh, lời nói con phải thật thà bày tỏ đức công chính bảo vệ người ăn ở ngay thẳng (câu 5-6). Lời nói dối trá sẽ làm cho con hổ thẹn và sẽ làm cho cơ nghiệp của con suy tàn.

Người xưa có dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Lời nói thể hiện văn hóa, tri thức và đạo đức của con người, cho nên ông Gia-cơ khuyên “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19). Cơ Đốc nhân thường vấp phạm nhiều cách trong lời nói (Gia-cơ 3:2), nên cần phải học nói, học từ nội dung lời nói đến cách trình bày lời nói. Nội dung phải trung thực, công chính; cách nói phải thận trọng, khéo léo, đúng lúc, đúng người, đúng chỗ. Sứ đồ Phao-lô dạy: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29).

Ước mong mỗi lời nói của chúng ta luôn bày tỏ sự công chính, tình yêu thương của Chúa cho mọi người. Những lời nói của chúng ta không những đem lại cho người nghe niềm vui, ích lợi cho cuộc sống trên đất, mà còn hướng người nghe đến sự sống đời đời.

Bạn có quan tâm học nói để tránh những vấp phạm trong cuộc sống không?

Kính lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Lời Ngài đã nhắc nhở con phải cẩn thận trong lời nói. Xin Chúa cho con có lời nói khôn ngoan, đạo đức và cũng cho con biết cẩn trọng dùng lời nói mềm mại làm vui lòng người, làm sáng Danh Chúa.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sa-mu-ên 17:1-37

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/c/bhkthn

Bài trướcHriăm Blŭ – 26/9/2021
Bài tiếp theoBài 3: Những Thợ Rèn Quả Cảm