Bài 18: Ngươi Là Ai?

2313

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới



Cuộc đời của Gia-cốp được đề cập từ chương 25 đến 32 trong sách Sáng thế ký. Sau khi Gia-cốp lừa cả cha lẫn mẹ để cướp quyền trưởng nam và phước lành, mẹ của ông nói rằng, “Con phải rời khỏi đây Gia-cốp, vì anh con đang tìm cách giết con.”[1] Bởi vậy, ông rời khỏi nhà. Ngày xưa không có nhà trọ hoặc khách sạn như ngày hôm nay, con đường trốn thoát chỉ toàn là sa mạc. Mẹ ông nói rằng, “Mẹ có một người anh tên là La-ban, cậu của con. Con hãy đến và tá túc tại đó vì anh con đang tìm cách giết con.”[2] Gia-cốp phải lên đường tiến vào sa mạc, đây là một thách thức lớn cho ông.

 

Đi xa khỏi nhà thường có nhiều lo âu sợ hãi, nhất là trong trường hợp của Gia-cốp. Đêm đầu tiên, ông phải dùng đá làm chỗ gối đầu. Hôm đó, ông có giấc chiêm bao: thấy một cái thang và thiên sứ lên xuống trên đó. Trong giấc mơ nầy, Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông để khẳng định giao ước Ngài đã lập với Apraham. Chúa hứa rằng, Gia-cốp sẽ trở nên một phần của quốc gia mà Đức Chúa Trời sẽ tạo dựng. Qua chính quốc gia đó, Đức Chúa Trời sẽ đi vào trong thế giới nầy. Ngài phán với Gia-cốp rằng, “Ta sẽ ban phước cho ngươi, làm cho ngươi sinh sản thêm nhiều và đem ngươi trở về lại quê hương.”

 

Gia-cốp đầy kinh sợ nói rằng, “Quả thật, Đức Chúa Trời ở chỗ nầy mà ta không biết.”[3] Tại thời điểm nầy, đức tin của Gia-cốp đang ở vào mức vở lòng. Ông thưa rằng, “Hỡi Đức Chúa Trời, nếu Ngài thực sự ở với tôi, nếu Ngài đem tôi trở về lại quê hương, nếu Ngài ban phước cho tôi thì tôi sẽ dâng lại cho Ngài 10%. Mọi điều tôi sở hữu thì 10% thuộc về Ngài.” Sau giấc mơ đó, lần đầu tiên Gia-cốp ngước mắt để nhìn lên. Hai mươi năm tiếp theo sau, mỗi lần Gia-cốp ngước mắt nhìn lên thì mỗi lần ông đến gần Đức Chúa Trời hơn.

 

Cái nhìn thứ hai mà chúng ta cần đó là cái nhìn vào chính mình. Có những điều mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết về chính mình. Để chỉ cho chúng ta những điều đó, Ngài muốn chúng ta nhìn vào con người mình. Đavit đã cầu nguyện rằng:

 

 

 

 

“Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; Hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi;

 

Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, Xin dắt tôi vào con đường đời đời.”[4]

 

Tất cả chúng ta cần dâng lên lời cầu nguyện như vậy. Chúng ta phải nhìn vào trong con người mình và thưa rằng, “Chúa ơi, con không biết được lòng con, xin chỉ dạy con những động cơ nào không nên có, những suy nghĩ nào không nên hiện hữu trong tâm trí con, vì con muốn bước đi trong đường lối ngay thẳng của Ngài.” Đó là cái nhìn vào bên trong.

 

Đức Chúa Trời đã buộc Gia-cốp nhìn vào chính con người của ông. Ngài cũng cho phép có những mối quan hệ giữa ông và người khác khiến ông có một cái nhìn thứ ba. Cái nhìn thứ ba được gọi là nhìn ra hay nhìn chung quanh. Trước tiên là nhìn lên rồi nhìn vào và cuối cùng là nhìn ra. Người đã nhìn lên và thật sự nhìn vào, họ sẵn sàng để nhìn ra; và trong mối quan hệ với người khác, họ trở thành giải pháp cho các nan đề của xã hội. Để dạy Gia-cốp nhìn ra, Đức Chúa Trời cho phép một số người bước vào trong cuộc đời của ông.

 

Gia-cốp là một kẻ lương lẹo. Đây chính là nan đề của ông. Làm thế nào để Đức Chúa Trời chữa trị con người nầy? Chúa đã dùng một kẻ lương lẹo hơn. Bởi vậy, Ngài đặt Gia-cốp sống với La-ban trong suốt 20 năm. Câu chuyện của Gia-cốp và La-ban rất khôi hài. Khi Gia-cốp gặp La-ban, ông thuật lại thể nào đã lừa dối cả cha lẫn anh mình. La-ban chỉ cười thầm nói rằng, “Con là cốt nhục của ta vậy.”[5] Điều mà La-ban thầm nhủ là “vỏ quít dày, có móng tay nhọn.” Mọi việc xảy ra đúng như vậy. Gia-cốp làm việc cho La-ban trong 20 năm.

 

Công giá của 7 năm đầu tiên là Ra-chên, con gái của La-ban. Một bản dịch khác nói rằng, “Ra-chên có khuôn mặt tuyệt đẹp và thân hình thon thả.” Vì yêu Ra-chên nên Gia-cốp xem 7 năm đăng đẳng khổ nhọc chỉ bằng 7 ngày mà thôi. Thế rồi, trong đêm tân hôn, La-ban phục rượu khiến Gia-cốp say mềm. Sáng hôm sau khi thức giấc, Gia-cốp không thấy Ra-chên mà chỉ có Lê-a. Lê-a là chị của Ra-chên, được Kinh Thánh cho biết là mắt yếu. Gia-cốp đùng đùng nỗi giận đi tìm La-ban vì đã bị lừa gạt. Gia-cốp là một kẻ lương lẹo, lừa dối. Nếu có điều gì mà kẻ lừa gạt ghét, đó chính là bị người khác lừa gạt. Nếu có điều gì mà kẻ có đầu óc cai trị ghét, đó chính là bị người khác cai trị. Nếu có điều gì mà kẻ thủ đoạn ghét, đó chính là bị lâm vào thủ đoạn của người khác. Đây chính là phương cách điều trị của Đức Chúa Trời. La-ban lừa gạt Gia-cốp liên miên. Cho đến 20 năm sau, Gia-cốp không sao chịu được nữa và phải đoạn giao và rời La-ban.

 

Sau khi Gia-cốp rời khỏi La-ban, ông lại lo sợ về Ê-sau. Có sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa ông và Ê-sau. Gia-cốp gởi một thông điệp cho Ê-sau để mong được hòa giải. Khi một người đã ngước mắt nhìn lên thì Đức Chúa Trời buộc họ phải điều chỉnh trong mối quan hệ với người chung quanh. Khi nghe tin về Gia-cốp, Ê-sau thành lập một lực lượng gồm 400 kỵ mã. Gia-cốp sợ điếng cả người. Ông băng qua con suối gọi là Gia-bốc để cầu nguyện. Ông đã trải qua kinh nghiệm cá nhân đầy kinh hoàng. Mọi người của Đức Chúa Trời đều có kinh nghiệm tương tự như vậy. Chi tiết trong từng trường hợp thì có khác nhưng kết quả luôn luôn giống nhau.

 

Gia-cốp vật lộn với thiên sứ, đây là một trận đấu đầy hào hứng. Cuối cùng, Ngài đã làm trặc xương hông của Gia-cốp. Gia-cốp phải đi khập khểnh nhưng ông lại trở nên người tấn công thay vì bị tấn công. Gia-cốp giữ người  mình đang vật lộn. Người đó nói với Gia-cốp rằng, “Trời sáng rồi, hãy để cho ta đi”, và Gia-cốp đáp, “Tôi sẽ không để cho người đi nếu người không ban phước cho tôi.” Đức Chúa Trời hỏi, “Tên ngươi là chi?” Trả lời “Gia-cốp.” Gia-cốp lại quay sang người vật với mình và hỏi, “Tên người là chi?” Người trả lời, “Tại sao ngươi hỏi tên ta?” Gia-cốp thật là tinh quái. Hỏi tên một người có thẩm quyền trên mình như trong trường hợp nầy là thái độ cao ngạo. Khi Đức Chúa Trời hỏi Gia-cốp “Tên ngươi là chi?”, Ngài muốn Gia-cốp nhận diện chính mình và công nhận rằng mình là kẻ lừa đảo. Gia-cốp đã thú nhận ông là kẻ lừa đảo khi xưng tên của mình là Gia-cốp. Điều quan trọng trong trận đấu ở chỗ nầy: Đức Chúa Trời không thắng hơn Gia-cốp, cho đến khi Ngài đánh vào xương hông của ông.

 

Đến phần cao điểm của trận đấu, Đức Chúa Trời phán với Gia-cốp, “Ta sẽ đổi tên của ngươi là Gia-cốp thành Y-sơ-ra-ên.” Đây là căn nguyên của tên của dân tộc Y-sơ-ra-ên hay Do thái ngày nay. Chữ Y-sơ-ra-ên nghĩa là “chiến đấu”. Gia-cốp là người lèo lái người khác, đa mưu túc kế và cũng là người chiến đấu. Đức Chúa Trời đặt tên cho những con người đặc biệt nầy. Áp-ra-ham là tổ phụ của tuyển dân Đức Chúa Trời. Y-sơ-ra-ên là tên của dân tộc đó.

 

Vì sao ở cao điểm của trận đấu, Đức Chúa Trời đổi tên của Gia-cốp thành Y-sơ-ra-ên? Chúa phán rằng, “Ta sẽ gọi ngươi là “kẻ chiến đấu” vì giống như một tay cự phách ngươi đã chiến đấu với Đức Chúa Trời, với người khác và với chính mình và ngươi đã được thắng. Gia-cốp, ngươi đã nhìn lên và thấy con đường đến với ta.” Điều nầy khiến Gia-cốp nhìn lại 20 năm về trước, trong đêm đầu tiên ông chiêm bao thấy chiếc thang. Đó là lần đầu tiên trong đời Gia-cốp nhìn lên. Vì cuộc sống đầy dẫy khó khăn hoạn nạn, Gia-cốp đã nhìn lên rất nhiều lần trong suốt 20 năm trường. Đức Chúa Trời đã đề cập đến tất cả những lần mà Gia-cốp đã nhìn lên Ngài khi Chúa phán rằng, “Ngươi đã tìm con đường đến với ta, và ngươi đã thành công. Ngươi đã nhìn lên và ngươi đã tìm thấy ta. Ngươi đã nhìn vào chính mình và khám phá bản chất thật của ngươi. Ngươi biết rằng, sở dĩ ngươi được phước không phải vì ngươi mưu trí, lương lẹo và thông minh; nhưng ngươi được phước vì ta đã ban phước cho ngươi. Ngươi đã hướng về những người chung quanh để cải thiện trong mối quan hệ với Ê-sau và La-ban. Bây giờ, ngươi là một phần trong giải pháp và câu trả lời của ta cho các nan đề vì ngươi đã biết nhìn lên ta, nhìn vào chính mình và nhìn ra những người chung quanh.” Kinh Thánh nói rằng, Đức Chúa Trời ban phước cho ông tại đó.

 

Có một lẽ thật quí báu khác được rút ra từ đời sống của Gia-cốp. Tôi gọi đây là “Phước thiêng trong tan vỡ.” Gia-cốp là người lừa đảo nên Đức Chúa Trời không thể ban phước cho ông đến khi Ngài làm cho ông tan vỡ. Đức Chúa Trời không thể đội mão triều của vinh quang trên đầu của ông cho đến khi Ngài đánh cho ông trở nên khập khiễng.

 

Thành ngữ “Hãy trông đợi Chúa” được lặp lại thường xuyên trong Kinh Thánh. Quý vị có biết thành ngữ nầy có nghĩa gì không? Trông đợi đi ngược lại với mưu mẹo, nỗ lực. Một số người không chịu ngồi yên, họ muốn đi chỗ nầy chỗ khác hoặc làm một điều gì đó. Họ muốn đóng vai chủ động, tạo nên tình thế, khiến các sự việc xảy ra theo ý họ. Đó chính là mẫu người của Gia-cốp. Nhiều người trong chúng ta giống như vậy. Chúng ta tưởng rằng mình có thể đạt được các phước hạnh thuộc linh giống như mọi vật khác, chỉ có việc tìm cách chiếm hữu nó. Gia-cốp là một người đa mưu túc kế, không muốn chờ đợi Chúa thực hiện, là người đóng vai chủ động để tạo nên tình thế. Đức Chúa Trời phải đem con người nầy đến một chỗ gọi là Gia bốc. Tiếng Hê-bơ-rơ, Gia bốc có nghĩa là “chạy”. Đức Chúa Trời đã đem con người hiếu động đến một nơi gọi là chạy, rồi đánh gục ông tại đó trước khi Ngài có thể ban phước cho ông.

 

Tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta đã kinh nghiệm những phước hạnh lớn lao của Đức Chúa Trời từ kinh nghiệm tan vỡ đau thương. Phải chăng, không còn cách nào khác hơn để Chúa ban phước cho chúng ta ngoại trừ đem chúng ta đến chỗ tan vỡ như Ngài đã đánh gục Gia-cốp vậy. Gia-cốp đã học được bài học nầy sau khi trận vật lộn suốt đêm. Khi gặp Ê-sau, ông nói, “Đức Chúa Trời đã hậu đãi em, mọi điều em có không phải do em chiếm đoạt, nhưng vì Đức Chúa Trời đã đãi ngộ em cách rộng lượng.”

 

Qua ý nghĩa cuộc vật lộn của Gia-cốp với Đức Chúa Trời, quí vị thử nghiệm lại và giải thích những khó khăn và khủng hoảng trong cuộc đời của mình. Đức Chúa Trời đã từng đem bạn đến rạch Gia-bốc và đánh quỵ bạn để Ngài ban phước cho bạn không? Thông thường, Chúa làm cho chúng ta tan vỡ trước khi Ngài ban phước cho chúng ta. Giống như Gia-cốp, chúng ta phải học biết rằng, hy vọng duy nhất của chúng ta là ân sủng của Đức Chúa Trời, không phải do chúng ta xứng đáng, không phải do chúng ta chiếm hữu, không phải do công trạng của chúng ta. Đây chính là bài học từ cuộc đời của Gia-cốp.

 

Xin quí vị làm bài tập nhỏ bằng cách đọc về cuộc đời của Giôsép trong Sáng thế ký chương 37 đến 50.

 




[1] Sáng thế ký 27:42

[2] Sáng thế ký 27:43

[3] Sáng thế ký 28:16

[4] Thi thiên 139:23

[5] Sáng thế ký 29:14

 

Bài trướcHội Thánh Nguyễn Tri Phương: Khai Giảng Thánh Kinh Hè 2012.
Bài tiếp theoBài 18: Sau Cơn Nước Lụt