Bài 18: Sau Cơn Nước Lụt

3125

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

Sáng thế ký 9:1-29

 


          Thỉnh thoảng chúng ta thấy cái mống xuất hiện trên bầu trời sau cơn mưa, nó có bảy màu rất đẹp. Nhưng ý nghĩa của mống ấy như thế nào? Trong sách Sáng thế ký đoạn 9 này sẽ cho chúng ta biết ý nghĩa của cái mống.

 

          Sau cơn nước lụt con người bắt đầu một giai đoạn mới. Đức Chúa Trời ban cho con người quyền quản trị, con người quản trị chính mình. Chúng ta thấy Chúa thể hiện điều này trong giao ước Ngài lập với Nô-ê. Chúng ta cần hiểu, khi Đức Chúa Trời lập giao ước với Nô-ê, tức là lập giao ước với toàn thể nhân loại. Ngài cũng lập với mỗi chúng ta.

 

          SỰ HƯỚNG DẪN VÀ SẮP ĐẶT MỚI

 

          Sáng thế ký 9:1, “Đức Chúa Trời ban phước cho Nô-ê cùng các con trai người, mà phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy trên mặt đất.”

 

          Lưu ý điều đầu tiên mà Đức Chúa Trời bảo Nô-ê làm: “Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy trên mặt đất.” Đây cũng là mạng lịnh mà Đức Chúa Trời truyền bảo cho ông bà A-đam trước đây.

 

          Cần phải có sự bảo tồn nòi giống con người, hãy nhớ rằng Chúa ban mạng lịnh này cho gia đình Nô-ê trong một hoàn cảnh đặc biệt, vì lúc bấy giờ chỉ còn gia đình của Nô-ê trên đất. Khác với hoàn cảnh trong thời chúng ta hiện nay, sự gia tăng dân số đang gây nhiều khó khăn như thiếu chỗ ở, thiếu lương thực v.v..

 

          Sáng thế ký 9:2, “Các loài vật ở trên đất, các loài chim trời, và các vật hành động trên đất, cùng các cá biển, đều sẽ kinh khủng ngươi và bị phú vào tay ngươi.”

 

          Một phần khác của giao ước với Nô-ê là con người bảo vệ và cai quản thế giới loài vật. Từ đây mối quan hệ của con người và loài vật có sự khác biệt. Có thể trước thời kỳ này con người không ăn thịt, và súc vật cũng không ăn thịt lẫn nhau, các súc vật trở nên thuần chủng và sống gần gũi với con người. Hãy nhớ lại những súc vật này khi đến với Nô-ê lúc bị cơn lụt đe dọa, trở nên hiền hòa, nó không sợ sệt con người.

         

          Sáng thế ký 9:3, “Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh.”

 

          Từ đây Đức Chúa Trời ban cho con người thực phẩm mới. Trước thời nước lụt, Đức Chúa Trời cho con người chỉ ăn rau cải, trái cây. Bây giờ Ngài nói Nô-ê có thể ăn thịt thú vật. Ngày nay nhiều người cữ ăn thịt vì , hay là không ăn thịt vì lý do tôn giáo, và chúng ta thấy nhiều người ăn chay. Đức Chúa Trời cho phép con người ăn thịt thú vật, các thứ trái cây và rau cải, chúng ta cần dùng mọi thứ này cách phải lẽ tốt lành. Dầu vậy Chúa cấm ăn huyết, “Song các ngươi không nên ăn thịt còn hồn sống, nghĩa là có máu” (Sáng thế ký 9:4).

 

          Sáng thế ký 9:5-6, “Quả thật, ta sẽ đòi máu của sự sống ngươi lại, hoặc nơi các loài thú vật, hoặc nơi tay người, hoặc nơi tay của anh em người. Hễ kẻ nào làm đổ máu người, thì sẽ bị người khác làm đổ máu lại; vì Đức Chúa Trời làm nên người như hình của Ngài.”

 

          Đức Chúa Trời đặt ra nguyên tắc cai quản và bảo vệ con người. Ngài ban cho con người sự cai trị và luật lệ về tội tử hình. Chúng ta thấy điều này trong giao ước mới mà Chúa ban cho, con người cần phải bảo vệ giống nòi, con người cần phải bảo vệ và cai quản thú vật. Con người được ăn thịt, nhưng không được phép ăn huyết. Chúng ta thấy con người được ban cho nguyên tắc cai quản, và nguyên tắc về tội tử hình nữa.

 

          Con người ngày nay không còn quan tâm đến Kinh Thánh nữa. Vì những kẻ phạm tội giết người ngày nay không bị trừng phạt cách đúng mức, hầu để bảo vệ mạng sống của những người khác. Kết quả là phạm pháp gia tăng và sự sống của người tốt bị áp đảo.

 

          Khi ai có ý định giết người, mà nếu họ nhớ rằng nếu họ lấy mạng sống của người khác, họ phải đền mạng, có lẽ tội sát nhân sẽ giảm xuống rất nhiều. Chúng ta phải quý trọng mạng sống của anh em và những người xung quanh, vì con người được tạo dựng theo ảnh tượng của Chúa. 

 

          Sáng thế ký 9:7-10, “Vậy, các ngươi hãy sanh sản, thêm nhiều, và làm cho đầy dẫy trên mặt đất. Đức Chúa Trời cũng phán cùng Nô-ê và các con trai người rằng: Còn phần ta đây, ta lập giao ước cùng các ngươi, cùng dòng dõi các ngươi, và cùng mọi vật sống ở với ngươi, nào loài chim, nào súc vật, nào loài thú ở trên đất, tức là các loài ở trong tàu ra, cho đến các loài vật ở trên đất.”

 

          Đức Chúa Trời nhắc lại mạng lịnh đã nói trong câu một.

 

          Đức Chúa Trời nhắc lại giao ước, Ngài lập với Nô-ê, gia đình ông và các tạo vật nữa. Sau này, tiên tri Ê-sai cũng nhắc lại và nói tiên tri rằng, sẽ có một ngày sư tử và chiên ở chung với nhau, mà không làm hại và tiêu diệt lẫn nhau. Chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời lập giao ước với Nô-ê và các tạo vật của Ngài, cho đến khi Nước Đức Chúa Trời được thiết lập trên đất.

 

          Sáng thế ký 9:11, “Vậy, ta lập giao ước cùng các ngươi, và các loài xác thịt chẳng bao giờ lại bị nước lụt hủy diệt, và cũng chẳng có nước lụt để hủy hoại đất nữa.”

 

          Đây là lời hứa của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ không hủy diệt trái đất này bằng nước lụt nữa. Sự đoán phạt thế gian tương lai sẽ bằng lửa. (II Phierơ 3)

 

          DẤU HIỆU CÁI MỐNG

 

          Sáng thế ký 9:12-16, “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đây là dấu chỉ về sự giao ước mà ta lập cùng các ngươi, cùng hết thảy vật sống ở với các ngươi, trải qua các đời mãi mãi. Ta đặt mống của ta trên từng mây, dùng làm dấu chỉ sự giao ước của ta với đất. Phàm lúc nào ta góp các đám mây trên mặt đất và phàm mống mọc trên từng mây, thì ta sẽ nhớ lại sự giao ước của ta đã lập cùng các ngươi, và cùng các loài xác thịt có sự sống, thì nước chẳng bao giờ lại trở nên lụt mà hủy diệt các loài xác thịt nữa. Vậy, cái mống sẽ ở trên mây, ta nhìn xem nó đặng nhớ lại sự giao ước đời đời của Đức Chúa Trời cùng các loài xác thịt có sự sống ở trên đất.”

 

          Cái mống bày tỏ dấu hiệu của giao ước mà Đức Chúa Trời lập với con người. Chúng ta thấy bức tranh và ý nghĩa của giao ước mà Đức Chúa Trời thực hiện với Nô-ê. Chúa dùng một vật thấy được để xác chứng lời hứa của Đức Chúa Trời. Cái mống là biểu tượng của giao ước. Tương tự như khi vợ chồng hứa nguyện trong ngày cưới, họ tặng nhau chiếc nhẫn để làm chứng cớ cho lời hứa nguyện.

 

          Chúa nói rằng “phàm mống mọc lên trên từng mây, thì ta sẽ nhớ lại giao uớc.” Qua cái mống ở trên mây, Chúa nhìn xem nó đặng nhớ lại sự giao ước đời đời của Đức Chúa Trời, cùng các loài xác thịt có sự sống ở trên đất. Điều này khích lệ chúng ta khi nhìn lên cái mống.

 

          Sáng thế ký 9:17, “Đức Chúa Trời lại phán cùng Nô-ê rằng: Đó là dấu chỉ sự giao ước mà ta đã lập giữa ta và các xác thịt ở trên mặt đất.”

 

          Cái mống biểu hiện giao ước của Đức Chúa Trời với Nô-ê và cả nhân loại, cùng các tạo vật muôn đời về sau. Cái mống, cũng có thể tương tự như các vật biểu tượng trong thánh lễ Báp-tem và Tiệc Thánh

 

          Tiến sĩ John Peter Lange có lời phát biểu như sau: “Mắt Chúa đầy ân điển, mắt của chúng ta với đức tin được gặp nhau trong thánh lễ.” Tương tự như những gì xảy ra khi con người nhìn lên cái mống. Đức Chúa Trời lập lời hứa kèm theo một dấu hiệu là cái mống. Chúng ta thấy giá trị của dấu hiệu cái mống. Nếu không có đức tin trong lời hứa, thì không có sự bảo đảm trong cái mống, lời nói và dấu hiệu cần đi đôi với nhau. Đó là lý do Đức Chúa Trời lập giao ước kèm theo dấu hiệu. Cái mống là sự trả lời của Chúa khi Nô-ê dâng tế lễ tại bàn thờ. Mỗi khi các sắp thực hiện cuộc hành trình trên sông biển, khi nhìn lên bầu trời thấy dấu hiệu cái mống, chúng ta chắc chắn an lòng vì cơn mưa sẽ kết thúc.                         

 

          TỘI LỖI CỦA NÔ-Ê VÀ CÁC CON

 

          Chúng ta thấy rất thất vọng khi đọc phần còn lại của đoạn này. Câu hỏi được nêu lên: Khi con người ra khỏi tàu sau cơn nước lụt, tất cả những người tội lỗi khác đã chết, như thế có nghĩa là không còn tội lỗi trên thế gian phải không? Chúng ta hãy đọc phần Kinh Thánh kế tiếp.

 

          Sáng thế ký 9:18, “Các con trai của Nô-ê ở trong tàu ra là Sem, Cham và Gia-phết. Vả, Cham là cha của Ca-na-an.”

 

          Tại sao con của Cham và con cháu của Ca-na-an được đề cập ở đây. Một trong những lý do mà Môi-se viết bản ký thuật này, là khi dân Do Thái đang còn lưu hành trong sa mạc, Môi-se cần có những lời khích lệ cho họ về những chi tiết này, liên hệ đến sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên dân tộc Ca-na-an.

 

          Sáng thế ký 9:19-21, “Ấy đó, là ba con trai của Nô-ê, và cũng do nơi họ mà có loài người ở khắp trên mặt đất. Vả, Nô-ê khởi cày đất và trồng nho. Người uống rượu say, rồi lõa thể ở giữa trại mình.”

 

          Tại đây tường thuật tội lỗi của Nô-ê. Vấn đề ở đây, Nô-ê say rượu và đó là tội lỗi. Không có sự biện hộ nào thỏa đáp cho vấn đề này. Có người biện hộ rằng, có thể Nô-ê không biết về ảnh hưởng của rượu, bởi vì không có ai say rượu như vậy trước đây. Tội say sưa không có đề cập trước nước lụt, nhưng không có nghĩa là trước đó không say rượu, vì không thể nào đề cập hết mọi tội mà con người đã phạm. Cho đến thời của Nô-ê bắt đầu thế giới mới, nhưng tội lỗi cũ vẫn còn đó. Việc say rượu của Nô-ê bày tỏ thực trạng này. Và trả lời câu hỏi được nêu lên, tội lỗi bắt nguồn từ sự sa ngã của tổ phụ con người.

 

          Sáng thế ký 9:22-25, “Cham là cha Ca-na-an, thấy sự trần truồng của cha, thì ra ngoài thuật lại cùng hai anh em mình. Nhưng Sem và Gia-phết đều lấy áo choàng vắt trên vai mình, đi thùi lui đến đắp khuất thân cho cha; và bởi họ xây mặt qua phía khác, nên chẳng thấy sự trần truồng của cha chút nào. Khi Nô-ê tỉnh rượu rồi, hay được điều con thứ hai đã làm cho mình, bèn nói rằng: Ca-na-an đáng rủa sả! Nó sẽ làm mọi cho các tôi tớ của anh em nó.”

 

          Lưu ý, Chúa nói: Ca-na-an đáng bị rủa sả. Ngài không có rủa sả Cham. Một câu hỏi được nêu lên: “Có phải sự rủa sả của Cham đổ trên dòng tộc da đen?” Chắc chắn là không. Vì nó thật vô lý. Thánh Kinh không dạy như thế. Màu da của con người tùy thuộc vào di truyền gia đình và ảnh hưởng của ánh nắng bên ngoài, nó không tùy thuộc vào tội lỗi bên trong con người. Sự rủa sả không đến trên Cham, sự rủa sả đến trên con ông là Ca-na-an. Chúng ta không biết cách nào Ca-na-an liên can đến chuyện này, chúng ta không có nhiều chi tiết. Nhưng chúng ta thấy Ca-na-an được đề cập ở đây có mục đích.

 

          Một câu hỏi khác được nêu lên: “Tại sao Đức Chúa Trời cho ký thuật tội lỗi của Nô-ê?” Nếu con người viết sách Sáng thế ký, ông ta có thể làm một trong hai việc. Ông có thể che dậy tội lỗi của Nô-ê, không đề cập đến chi tiết nào hết và làm cho Nô-ê trở nên anh hùng. Hay là tác giả sẽ nói tội của Nô-ê lớn hơn nữa, chớ không phải một việc này mà thôi. Nhưng Chúa cho ký thuật chuyện xảy ra của Nô-ê với mục đích của Ngài.

 

          Thứ nhất, để khích lệ con cháu của người Do Thái, hay Y-sơ-ra-ên đi vào đất hứa ở Ca-na-an trong thời kỳ của Môi-se. Để cho họ biết rằng Đức Chúa Trời đã công bố sự rủa sả trên dân tộc Ca-na-an. Ngài công bố sự rủa sả trên dân tộc đó. Khi đọc tiếp Kinh Thánh Cựu ước và lịch sử bên ngoài, chúng ta sẽ thấy rằng sự rủa sả này được ứng nghiệm đầy đủ. Dân tộc Ca-na-an bị xóa tên.

 

          Chúa có thêm lý do để tường thuật tội lỗi xảy ra cho Nô-ê. Chúng ta xem thêm Rô-ma 15:4 như sau: “Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy.”

 

          Nó được tường thuật để chúng ta biết sự yếu đuối của con người. Chúa Giê-xu cũng đã nói rằng, tâm thần thì muốn lắm, nhưng xác thịt thì yếu đuối. Trong sách Ga-la-ti 2:16, “Dầu vậy, đã biết rằng người ta được xưng công bình, chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu, bèn là cậy đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ, nên chính chúng tôi đã tin Đức Chúa Jêsus Christ, để được xưng công bình bởi đức tin trong Đấng Christ, chớ chẳng bởi các việc luật pháp; vì chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp.”

 

          Vì thế Đức Chúa Trời cho chúng ta câu chuyện của Nô-ê, một người té ngã, để chúng ta thấy sự yếu đuối con người. Cho nên sẽ không hữu ích gì để biện hộ cho Nô-ê, vì sự thật hiển nhiên là ông đã say rượu.

 

          Cơ đốc nhân có được phép uống rượu say không? Khi chúng ta sống theo xác thịt thì không thể làm vui lòng Đức Chúa Trời, như trường hợp của Nô-ê. Ê-phê-sô 5:18, “Đừng say ruợu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.”

 

          Chúng ta đừng nhầm lẫn khi suy xét đến việc xảy ra của Nô-ê. Chúng ta cần nhận biết rõ ràng là Nô-ê không mất sự cứu rỗi. Ông đã làm một việc rất tệ, và không biện hộ cho nó. Đó là sự yếu đuối của ông, nhưng ông vẫn là một người được cứu.

 

          Sáng thế ký 9:26- 27, “Người lại nói rằng: Đáng ngợi khen Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của Sem thay; Ca-na-an phải làm tôi cho họ! Cầu xin Đức Chúa Trời mở rộng đất cho Gia-phết, cho người ở nơi trại của Sem; còn Ca-na-an phải làm tôi của họ.”

 

          Như đã đề cập trước đây, khi Môi-se được sự khải thị từ Đức Chúa Trời, Môi-se đang dẫn dân sự vào đất hứa Ca-na-an. Dân Y-sơ-ra-ên là con cháu của Sem.

 

          Sáng thế ký 9:28-29, “Sau khi lụt, Nô-ê còn sống ba trăm năm mươi năm. Vậy, Nô-ê hưởng thọ được chín trăm năm mươi tuổi, rồi qua đời.”

 

          Nô-ê được Chúa ban cho cuộc sống lâu và an lành đến 950 tuổi, để thuật lại chuyện nước lụt xảy ra cho nhiều đời kế tiếp. 

 

          Trước khi kết thúc bài học này, chúng ta cùng xem một bí chú khảo cổ ‘Những tấm bảng ghi chép nạn nước lụt’:

 

          Năm 1872, Ông George Smith, nhân viên Anh quốc bảo tàng viện, đã tìm thấy trên các tấm bảng của thư viện Assurbanipal, tại Ni-ni-ve những chuyện tích về nạn nước lụt, giống hệt như chuyện tích trong Kinh Thánh. Người ta đã sao lại những chuyện tích Kinh Thánh này, trên các tấm bảng có từ triều đại thứ nhất của thành U-rơ, tức là thời gian giữa nạn nước lụt và đời Áp-ra-ham. Người ta đã tìm thấy nhiều tấm bảng đó, trên đó thường lập lại chữ “Nước lụt” “Thời kỳ trước nạn nước lụt.” “Các bi văn của thời kỳ trước nạn nước lụt.” Giáp trụ bằng đất sét ghi tên 10 vua trường thọ trị vì trước nạn nước lụt, sau khi ghi tên vua thứ 10, có thêm rằng: “Bây giờ nước lụt phá hủy hết thảy.”

 

 

Bài trướcBài 18: Ngươi Là Ai?
Bài tiếp theoHuấn Luyện Phương Pháp Học Kinh Thánh Cho Các Chấp Sự Tỉnh Lâm Đồng.