Bài 133: Sách Giê-rê-mi: Tin Buồn Từ Chúa

3098

HTTLVN.ORG – Hôm nay chúng ta tiếp tục lược khảo sách của Tiên tri Giê-rê-mi, một trong những tiên tri lớn của người Do Thái. Sách gồm 52 chương, không có một bố cục rõ ràng vì nó là những lời than khóc của tác giả. Phần lớn là những bài giảng mà Giê-rê-mi đã hồi tưởng và ghi lại vào những ngày cuối của cuộc đời trong ngục tù. Bối cảnh của sách được chép ở chương 36. Giê-rê-mi đã nhớ và ghi lại những bài giảng mà Chúa đã dạy ông trong suốt 41 năm chức vụ. Những bài giảng nầy không được ghi lại theo thứ tự thời gian mà nó đã được giảng ra. Do đó cách tốt nhất để học sách Giê-rê-mi là học những bài giảng tiêu biểu của ông.

Giê-rê-mi là người rất ưa chuộng lối giảng dùng các hành động làm biểu tượng. Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên giống nhau ở lối giảng nầy. Giê-rê-mi đã dùng chiếc bình được nắn trở lại để giảng cho dân chúng là những người sắp bị lưu đày rằng kiếp sống lưu lạc tại xứ người sẽ giống như tiến trình nắn trở lại chiếc bình mới và đẹp. Giê-rê-mi đã nhìn người thợ gốm làm chiếc bình, nhưng tiếc thay chiếc bình không theo ý người thợ mong muốn, do đó người thợ đã ném nó xuống sàn nhà rồi dùng đất sét đó để nắn lại chiếc bình khác. Trong một trường hợp khác, Giê-rê-mi đã ném chiếc vò xuống sàn của đền thờ và ông tuyên bố, “Các ngươi, những người bằng lòng chịu đi đến xứ Ba-by-lôn giống như chiếc bình được nắn trở lại, nhưng ai không chịu đi sẽ giống như chiếc vò bị ném vỡ ra tan tành.”

Khi đọc xuyên sách Giê-rê-mi, chúng ta cần rút ra các bài học thuộc linh. Đôi khi chúng ta trải qua biện pháp sửa phạt của Chúa giống như chiếc bình bằng đất sét, được ném vỡ ra rồi nắn trở lại. Nhưng có những trường hợp nghiêm trọng chúng ta như chiếc vò bị ném vỡ ra, vì tội lỗi đã để lại vết thẹo không tẩy xóa được.

Giê-rê-mi cũng đã giảng về hai giỏ trái vả. Qua một khải tượng, ông nhìn thấy hai giỏ trái vả, một giỏ gồm những trái vả chín, tươi tốt, nhưng giỏ kia thì hư thối. Chúa phán với Giê-rê-mi rằng, “Ngươi thấy gì?” Ông đáp, “Dạ tôi thấy những trái vả, một số thì rất tốt, nhưng một số thì rất xấu.” Chúa phán:

Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán như vầy: Như những trái vả tốt nầy, ta cũng sẽ xem những kẻ phu tù Giu-đa, mà ta đã sai từ nơi nầy đến trong đất người Canh-đê, cho chúng nó được ích. Ta sẽ để con mắt ta trên chúng nó làm ích cho, và ta sẽ đem họ về trong xứ nầy, lập lên mà không phá đi nữa, trồng lại mà không nhổ đi nữa. Ta sẽ ban cho chúng nó tấm lòng hay nhận biết ta là Đức Giê-hô-va. Chúng nó sẽ làm dân ta, và ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó; vì chúng nó sẽ hết lòng trở về cùng ta.

Còn như Sê-đê-kia, vua Giu-đa, các quan trưởng nó và dân sót lại của thành Giê-ru-sa-lem, là dân còn ở trong đất nầy, và những kẻ ở trong đất Ê-díp-tô, thì người ta làm cho những trái vả xấu quá ăn không được thể nào, ta cũng sẽ làm cho chúng nó thể ấy. Ta sẽ phó chúng nó để bị ném đi ném lại giữa mọi nước thế gian cho chúng nó chịu khổ, chịu mắng nhiếc, xoi bói, cười chê, rủa sả, trong mọi xứ mà ta sẽ đuổi chúng nó đến. Ta sẽ sai gươm dao, đói kém, ôn dịch giữa chúng nó, cho đến chừng chúng nó bị hủy diệt khỏi đất ta đã ban cho chúng nó cùng tổ phụ chúng nó. (24:5-10)

Giê-rê-mi đã liên tục công bố sứ điệp nầy. Có hai thành phần trong dân chúng, một là những người thừa nhận rằng lưu đày tại Ba-by-lôn là hình phạt của Đức Chúa Trời, do đó họ bằng lòng đi đến Ba-by-lôn, chấp nhận biện pháp kỷ luật của Đức Chúa Trời và ăn năn. Còn những người như vua Sê-đê-kia khước từ ý Chúa, gạt bỏ lời giảng của Giê-rê-mi, nổi loạn chống lại Ba-by-lôn, nên cuối cùng bị đập vỡ tan tành như chiếc vò hay giống như trái vả hư thối, không ăn được.

Một trong những bài giảng của Giê-rê-mi chống lại với điều mà ngày nay chúng ta gọi là “chủ nghĩa nhân bản” là chủ nghĩa cho rằng con người nên dựa vào sức mình và có thể làm được mọi sự. Ý niệm nầy được thịnh hành vào thời chúng ta đang sống, nhiều người nghĩ rằng đây là tư tưởng hiện đại, tân thời, nhưng thật ra nó chẳng phải mới mẻ gì cả. Nó chỉ là những ý niệm cũ được đánh bóng lại mà thôi. Ý nghĩ cho rằng con người làm được mọi sự đã xuất hiện từ ngàn xưa. “Ta làm chủ cuộc đời của ta, cái gọi là định mệnh do ta điều khiển.” Người theo chủ nghĩa nầy nói rằng, tự sức tôi có thể làm được việc nầy, việc nọ và anh cũng vậy. Vấn đề tùy thuộc vào lòng tự tin của chúng ta. Thế nhưng khi học về đời sống của những người như Môi-se chẳng hạn, chúng ta thấy Kinh Thánh dạy ngược lại, những chân lý thuộc linh nầy đã được thể hiện qua đời sống của ông: “Tôi không là gì cả, nhưng Chúa là tất cả. Tôi không thể làm được, nhưng Ngài có quyền làm nên mọi sự và nếu tôi làm được điều là vì Chúa ở với tôi.”

Giê-rê-mi hoàn toàn phản đối tư tưởng “Bàn tay ta làm nên tất cả” bằng những lời như sau:

Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn đưa bước của mình (10:23)

Đáng rủa thay là kẻ nhờ cậy loài người, lấy loài xác thịt làm cánh tay, lòng lìa khỏi Đức Giê-hô-va. Nó sẽ như thạch thảo trong sa mạc, không thấy phước đến, nhưng ở trong nơi đồng vắng khô khan, trên đất mặn không dân ở. Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ cậy Đức Giê-hô-va, và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông cậy mình. (17:5-7)

Sự dạy dỗ của Chúa qua tiên tri Giê-rê-mi đi ngược lại với quan niệm dựa vào mình và tin vào chính mình. Nhiều người cho rằng mình không cần ai cả, ngay cả một Đấng cao cả mà chúng ta gọi là Thượng đế. Họ không chấp nhận rằng mình là chiên, cần đến người chăn. Đối với họ không có vấn đề gì mà không thể giải quyết được. Họ tin vào tài khéo, thông minh và khả năng, đối với họ đây là tất cả những gì mà con người cần. Lời Chúa khẳng định rằng, không phải như vậy, đó không phải là tất cả những gì con người cần. Con người cần Đức Chúa Trời. Con người cần sự mặc khải từ Đức Chúa Trời và con người cần năng lực siêu nhiên để vâng theo sự mặc khải đó. Đó là những gì mà các tiên tri đã giảng dạy.

Khi nhìn về thảm họa xảy ra cho đồng bào của mình thì Giê-rê-mi đã ngậm ngùi:

 Ước gì tôi được yên ủi, khỏi sự lo buồn! Lòng tôi mỏi mệt trong tôi! Nầy, có tiếng kêu la của con gái dân ta, kêu từ đất xa lắm, rằng: Đức Giê-hô-va không còn ở trong Si-ôn sao? Vua của thành ấy không còn ở giữa thành sao? Sao chúng nó dùng tượng chạm của mình và vật hư không của dân ngoại mà chọc giận ta vậy? Mùa gặt đã qua, mùa hạ đã hết, mà chúng ta chưa được cứu rỗi! Con gái dân ta bị thương, ta vì đó bị thương; ta đương sầu thảm; bị sự kinh hãi bắt lấy. Trong Ga-la-át há chẳng có nhũ hương sao? Há chẳng có thầy thuốc ở đó sao? Vậy thì làm sao mà bịnh con gái dân ta chẳng chữa lành? (8:18-22)

Lòng của Giê-rê-mi tan vỡ khi nhìn thấy viễn ảnh về đồng bào của ông bị bắt đi đày tại xứ người. Đó là lý do vì sao ông được gọi là tiên tri của nước mắt. Giê-rê-mi cũng đưa ra một phương cách để giải quyết tình trạng bội đạo của dân Giu-đa là tội khiến họ phải chuốc lấy thảm họa. Ông nói trong chương 4 rằng,

Vả, Đức Giê-hô-va phán cùng người Giu-đa và cùng Giê-ru-sa-lem như vầy: Hãy cày mở ruộng mới các ngươi, chớ gieo trong gai gốc. Hỡi các ngươi, là người Giu-đa và dân cư Giê-ru-sa-lem, hãy tự cắt bì mình cho Đức Giê-hô-va, và cất dương bì khỏi lòng ngươi! Bằng chẳng vậy, cơn giận ta sẽ phừng lên như lửa, đốt cháy các ngươi, không ai dập tắt được, vì việc ác các ngươi đã làm. (4:3-4)

Bài giảng của Giê-rê-mi giống như bài giảng về người gieo giống của Chúa Giê-xu. Chúa cho biết rằng Lời Đức Chúa Trời giảng ra giống như người nông gia đem hạt giống mình ra gieo. Chúa cho biết hạt giống sẽ rơi vào một trong bốn loại đất khác nhau. Bốn loại đất nầy tượng trưng cho bốn sự đáp ứng đối với Lời Chúa. Loại thứ nhất rơi trên đường đi, hạt không thể đâm rễ, nó bị chim trời đến và ăn đi. Trường hợp nầy chỉ về những người nghe Lời Chúa nhưng không hiểu gì cả, ma quỉ đến và cướp lấy Lời Chúa trước khi họ có cơ hội để suy nghĩ về Lời Ngài.

Loại thứ nhì rơi vào đất có đá sỏi. Hạt giống đâm rễ nhưng vì đá sỏi nên rễ không sâu. Khi mặt trời mọc lên thì nó liền khô héo. Đây là hạng người nghe và hiểu lời Chúa nhưng không áp dụng Lời Ngài. Khó khăn thử thách xảy đến họ liền bỏ đạo.

Loại thứ ba là đất không có đá sỏi nhưng lại bị che phủ bởi gai gốc. Những bụi gai khiến cho cây không thể sinh trái. Đây là người hiểu và muốn áp dụng Lời Chúa, họ muốn sống theo Lời Chúa dạy, nhưng sự lo lắng về đời nầy, sự lừa dối của giàu có và thú vui làm cho họ nghẹt ngòi và không kết quả.

Loại thứ tư là đất tốt, không có đá sỏi, không có gai gốc, nên nó sinh trái thật nhiều, có hạt sinh được ba chục, hạt được sáu chục, hạt được một trăm.

Chúa đã dùng minh họa trong bài giảng của Giê-rê-mi. Vì trong bài giảng của mình Giê-rê-mi nói với người Giu-đa rằng “Hãy cày đất hoang của các ngươi” Giê-rê-mi ví sánh đời sống của họ như là đất bỏ hoang. Người Giu-đa cứ mỗi bảy năm thì lại để đất hoang không canh tác như lời Môi-se dạy.

Bài giảng của Giê-rê-mi có ngụ ý gì? Những gì xảy đến với chúng ta trong đó có những hoạn nạn khó khăn là cách Chúa dùng để chuẩn bị tấm lòng chúng ta tiếp nhận Lời Chúa sẽ được gieo vào. Khi giảng ví dụ về người gieo giống, Chúa Giê-xu phán, “Hãy cẩn thận về điều các ngươi nghe.” Thái độ của chúng ta khi nghe Lời Chúa rất quan trọng. Chúa Giê-xu và các tiên tri đã nói rất nhiều về điều nầy. Bài giảng của Giê-rê-mi là “Hãy cày ruộng hoang”, nói cách khác, hãy dùng tấm lòng mềm mại và sẵn sàng mà tiếp nhận hạt giống của Lời Đức Chúa Trời. Ngài đã cho phép nhiều thăng trầm xảy đến để chuẩn bị tấm lòng chúng ta và Ngài cũng sẽ dùng Lời của Ngài để dạy dỗ cho mỗi chúng ta.

Trong phân đoạn Kinh Thánh trên, Giê-rê-mi nói về sự cắt bì trong lòng. Nhiều người tin rằng sứ đồ Phao-lô đã dùng thành ngữ nầy từ sách Giê-rê-mi. Phao-lô cho biết phép cắt bì của người Do Thái thời Cựu ước giống như phép báp-tem của chúng ta trong thời Tân ước. Phép cắt bì là một giáo luật, một lễ nghi đối với người Do Thái nhằm tuyên xưng niềm tin của họ.

Giáo luật có thể trở thành trống rỗng. Lễ nghi có thể trở thành vô nghĩa. Chúa Giê-xu, các vị sứ đồ và các vị tiên tri đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa thực hành và nói suông. Theo Chúa và các sứ đồ, các tiên tri thì thực hành luôn luôn quan trọng hơn là tuyên xưng. Khi nói về sự cắt bì ở trong lòng, họ không đề cập đến việc tuyên xưng, hay phép báp-tem vì đây không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là sống theo niềm tin của mình.

Tấm lòng của bạn đã sẵn sàng để tiếp nhận sứ điệp của Đức Chúa Trời chưa? Chúa muốn có mối liên hệ với bạn và bạn có thể có mối thông công với Ngài. Bạn tin điều đó không? Nếu có, xin hãy sống theo niềm tin đó. Đây là bài học áp dụng của Giê-rê-mi.

Lần đến chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục tìm hiểu những bài giảng khác của vị tiên tri lớn Giê-rê-mi, người đã trải lòng mình ra đối với đồng bào của ông, họ là người mà ông rất mực yêu thương, Giê-rê-mi đã vừa khuyến cáo, vừa đem lại hy vọng cho họ trong giờ phút đen tối nhất của lịch sử.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcSống Tiết Độ – 1/10/2021
Bài tiếp theoTình Hình Sinh Hoạt Các Hội Thánh Tỉnh Đắk Lắk Trong Mùa Dịch