Bài 132: Những Bài Giảng Hay Của Giê-rê-mi

4589

Trong bài học trước, chúng ta đã lược khảo câu Kinh Thánh rất quen thuộc của tiên tri Giê-rê-mi: “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết.” (33:3)

Quý vị có biết câu nầy được giảng ra trong bối cảnh nào không? Nó là một phần trong bài giảng mà Giê-rê-mi đã giảng khi ông mua đám ruộng trong viễn cảnh là Giê-ru-sa-lem sẽ bị giày xéo bởi quân Ba-by-lôn. Cao điểm của bài giảng là những lời sau đây:

“Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Trong chỗ nầy là chỗ bị hoang vu, không có loài người nữa, cũng không có loài thú, và trong mọi thành nó lại sẽ có những gia cư của kẻ chăn chiên khiến bầy mình nằm nghỉ. Trong những thành miền núi và những thành đồng bằng, trong những thành phương nam, trong đất Bên-gia-min, trong các nơi chung quanh Giê-ru-sa-lem và trong các thành Giu-đa, những bầy sẽ lại qua dưới tay kẻ đếm, Đức Giê-hô-va phán vậy. Đức Giê-hô-va lại phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ làm ứng nghiệm lời tốt lành mà ta đã phán về nhà Y-sơ-ra-ên và nhà Giu-đa” (33:12-14)

Sứ điệp của Giê-rê-mi không phải chỉ là bi quan và buồn thảm, nhưng nó còn chứa đựng đầy hy vọng. Đây là hy vọng còn lại duy nhất cho người Giu-đa khi Giê-ru-sa-lem bị thất thủ và dân sự bị lưu đày sang Ba-by-lôn.

Thật khó để tìm ra bố cuộc của sách Giê-rê-mi vì nó là một loạt những bài giảng đầy nước mắt của ông. Dĩ nhiên cảm xúc của Giê-rê-mi không đi theo một khuôn khổ nhất định. Cách hữu hiệu để học về sách Giê-rê-mi là chọn lọc một số những bài giảng hay của ông. Sách Giê-rê-mi cũng như sách Ê-sai không được trình bày theo thứ tự thời gian. Những bài giảng nầy không được ghi theo thứ tự khi nó được giảng ra nhưng theo thứ tự khi được ghi chép lại.

Chương 36 nói đến câu chuyện rất thú vị về tiên tri Giê-rê-mi. Khi còn bị giam trong ngục, Giê-rê-mi có một thư ký tên là Ba-rúc. Nhìn về tương lai mờ mịt, Giê-rê-mi nghĩ rằng mình sẽ chết trong tù. Bởi vậy ông được cảm động bởi Thánh linh của Đức Chúa Trời mà ghi chép lại những bài giảng quan trọng trong suốt 41 năm chức vụ. Giê-rê-mi tin rằng nó sẽ là hồi chuông gióng lên cho toàn dân, nhằm thức tỉnh họ. Giê-rê-mi đã đọc những bài giảng nầy để Ba-rúc ghi chép. Vua đang cai trị lúc đó Giê-hô-gia-kim, khi nghe nói về cuốn sách của Giê-rê-mi thì yêu cầu đọc cho ông nghe. Lúc bấy giờ nhằm vào mùa đông, vua ngồi bên cạnh lò sưởi và dùng dao cắt từng phần ném vào trong lửa cho đến khi cuốn sách bị cháy tiêu. Ba-rúc báo cho Giê-rê-mi biết việc đã xảy ra, Giê-rê-mi bèn nói rằng, “Hãy viết lại cuốn khác và bổ sung một số chi tiết.” Giê-rê-mi đọc cho Ba-rúc ghi lại cuốn thứ nhì.

Một trong những bài giảng rất hay được ghi lại ở những trang đầu. Giê-rê-mi 2:11-13 ghi rằng:

Có nước nào thay đổi thần của mình, mặc dầu ấy chẳng phải là thần không? Nhưng dân ta đã đổi vinh hiển mình lấy vật vô ích! Hỡi các từng trời, hãy lấy làm lạ về sự đó; hãy kinh hãi gớm ghê, hãy rất tiêu điều, Đức Giê-hô-va phán.Dân ta đã làm hai điều ác: chúng nó đã lìa bỏ ta, là nguồn nước sống, mà tự đào lấy hồ, thật, hồ nứt ra, không chứa nước được.

Giê-rê-mi cho biết dân chúng đã phạm hai tội: họ lìa bỏ Đức Chúa Trời và khước từ sự khôn ngoan đến từ Chúa qua lời của Ngài. Giê-rê-mi mô tả rằng họ lìa bỏ Chúa là nguồn nước sống. Một khi lìa bỏ Chúa thì họ quay sang ai? Giê-rê-mi cho biết họ tự đào hồ, nhưng hồ nứt ra và không giữ nước được. Giê-rê-mi 8:8 – 9 chép rằng,

Sao các ngươi nói được rằng: Chúng ta là khôn sáng, có luật pháp Đức Giê-hô-va ở với chúng ta? Nhưng, nầy, ngọn bút giả dối của bọn thông giáo đã làm cho luật pháp ấy ra sự nói dối! Những kẻ khôn sáng bị xấu hổ, sợ hãi, và bị bắt. Chúng nó đã bỏ lời của Đức Giê-hô-va; thì sự khôn ngoan nó là thể nào?

Giê-rê-mi cho biết ngòi bút của những thầy thông giáo đã bóp méo Lời Đức Chúa Trời. Nếu những thầy thông giáo thuyết phục mọi người rằng Lời Đức Chúa Trời không đáng tin thì điều gì còn lại, chỉ là sự khôn ngoan và triết lý của con người. Và Giê-rê-mi thách thức rằng họ sẽ lấy gì để so với sự khôn ngoan trong Lời Đức Chúa Trời?

Câu hỏi của Giê-rê-mi có thể được diễn tả như sau, Ngày nay nếu ai đó xem rằng Kinh Thánh không phải là Lời Đức Chúa Trời thì họ sẽ giảng về điều gì? Nếu người đó là Mục sư, phải chăng họ sẽ giảng thơ văn, triết lý? Nếu có lòng thương người, họ có thể giảng về tâm lý và áp dụng tâm lý học để giúp những người đang gặp những nan đề?

Một bài giảng khác của Giê-rê-mi được tóm tắt như sau:

“Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được.” (Giê-rê-mi 13:23)

Lời của Giê-rê-mi rất phù hợp với toàn bộ Kinh Thánh. Kinh Thánh không hề khuyên chúng ta là phải thay đổi, phải cải tà quy chánh hay cố gắng nhiều hơn để trở nên tốt hơn. Một số người cho rằng Tin Lành là “Tin để làm lành”, hay nói cách khác đây là một tôn giáo dạy người ta tu thân tích đức, dạy con người làm lành lánh dữ. Thưa quí vị, Tin Lành của Đức Chúa Trời không phải như vậy. Vì nếu người da đen không thể thay màu da của mình, con beo không đổi được vằn của nó thì con người cũng không sao tự thay đổi tâm tính của mình được.

Một khẩu hiệu tại trường cao đẳng viết như sau: “Hôm nay thế nào, ngày mai thế ấy.” Một số các bạn trẻ thầm nhủ rằng, “Bây giờ còn ở trung học nên tôi lè phè, nhưng tôi sẽ học chăm chỉ tại cao đẳng hay đại học.” Hoặc  “Bây giờ tôi cứ vui chơi cho thỏa chí, khi lấy được mảnh bằng, khi có công việc làm, khi lập gia đình tôi sẽ sống đường hoàng.” Các bạn trẻ không bận tâm đến con người của họ trong hiện tại, nhưng họ nghĩ rằng mình sẽ sống tốt hơn trong tương lai. Khẩu hiệu nhắc nhở mọi người rằng, “nếu hôm nay bạn là người như thế nào thì ngày mai, bạn vẫn là người thế ấy.” Các chuyên gia tâm lý cũng như những nhà khải đạo đồng ý như vậy. Hơn thế nữa, Kinh Thánh khẳng định về tình trạng tâm linh bi đát của con người. Họ không thể làm gì để thay đổi tình trạng của mình được. Tương lai của chúng ta có thể được tiên đoán dựa vào con người của chúng ta trong quá khứ. Tuy nhiên có một ngoại lệ nổi bật đó là nếu con người thỏa đáp những điều kiện của Đức Chúa Trời thì con người có thể được thay đổi. Nói rõ hơn là Đức Chúa Trời thay đổi người đó. Kinh Thánh dạy rằng, “chúng ta không thể thay đổi chính mình, nhưng chúng ta có thể được thay đổi bằng cách làm mới lại tâm trí của chúng ta bởi một quyền năng siêu nhiên.” Trong sự thay đổi đó, con người đóng vai bị động và Đức Chúa Trời đóng vai chủ động. Kinh Thánh gọi đây là sự tái sanh, và nó xảy ra khi một người bằng lòng tin nhận Chúa Giê-xu. Đây là hy vọng mà Lời Chúa đã bày tỏ cho chúng ta, chúng ta có thể được thay đổi. Kinh Thánh nhấn mạnh rằng nếu Đức Chúa Trời không thay đổi chúng ta thì chúng ta hoàn toàn bất lực, không sao tự thay đổi mình được. Đây là một trong những bài giảng rất hay của Giê-rê-mi.

Giê-rê-mi cũng nhận định về lòng người như sau, “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (17:9)

Câu trả lời là chỉ có một mình Đức Chúa Trời biết được, chỉ một mình Ngài mới biết lòng người dối trá, xấu xa đến mức độ nào. Và cũng chỉ có một mình Ngài có quyền năng để thay đổi lòng người. Bản chất con người được mô tả như thế nào? Có bài thơ nói về loài khỉ và những dòng cuối của nó như sau,

“Con người đã đi xuống chớ không phải đi lên,
xin đừng đổ tội trên loài khỉ chúng tôi
vì con người không xuất thân từ loài khỉ.
Trong thế giới của loài khỉ,
không có con nào đánh đập vợ tàn nhẫn rồi cuốn gói ra đi,
bỏ lũ con nheo nhóc bữa đói bữa no.
Không một con khỉ nào đã từng thiêu sống sáu triệu con khỉ khác
chỉ vì nó không ưa những con khỉ đó.
Khỉ không làm như vậy,
nhưng người đã làm những điều hết sức ghê tởm.”

Điểm chính của bài thơ là thế nầy. Con người có tiềm năng để trở nên giống như Đức Chúa Trời, nhưng con người cũng có nguy cơ trở nên giống như Hitler. Con người có thể làm những việc mà loài vật không bao giờ làm.

Đây là những gì mà Giê-rê-mi đã mô tả về tấm lòng của con người: dối trá và xấu xa. Ai có thể biết được chiều sâu thăm thẳm của lòng người? Người Việt chúng ta có câu, “Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người.” Chỉ có một mình Chúa mới biết được con người xấu xa như thế nào. Rồi Giê-rê-mi nói thêm rằng không chỉ là loài người nói chung mà mỗi chúng ta đều ở trong một tình trạng như vậy.

Một sinh viên chuyên về tâm lý học. Sau khi tốt nghiệp anh nghĩ rằng chẳng có điều gì về tâm tính con người mà anh không hiểu. Anh có một ý tưởng là ai đó có một nan đề tâm lý, nếu người đó đến với anh thì anh có thể giúp họ hiểu được con người mình cách tường tận.” Thế nhưng sự thật không đơn giản như anh nghĩ, cứ mỗi lần gặp một thân chủ thì người đó là một trường hợp ngoại lệ, mà anh không tìm thấy trước đây. Những thân chủ của anh đều khác với những gì anh học trong sách vở. Cho đến khi anh trở nên Mục sư, anh đi đến kết luận rằng, “Chúa ơi, con không hiểu gì về con người cả, mỗi người con gặp đều là một trường hợp ngoại lệ, bây giờ con vất những cuốn sách nầy qua một bên vì nó không còn thích hợp nữa.”

Giê-rê-mi đã khẳng định rằng, “Lòng người ta là dối trá và xấu xa hơn mọi vật, Ai có thể biết được?” Ai có thể biết được? Chỉ có một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Chỉ một mình Ngài mới biết lòng người thế nào.

Vì lẽ đó mà Đa-vít rất khôn ngoan khi ông đến với Chúa để cầu nguyện như sau: “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; Hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi; xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, xin dắt tôi vào con đường đời đời.” (Thi Thiên 139:23-24)

Xét cho đến cùng thì chỉ có một Đấng mà chúng ta cần đến là Chúa vì Ngài biết được lòng người. Vì lòng của chúng ta thật xấu xa, nên chúng ta đến với Chúa và thưa rằng, “Con không biết chính tấm lòng của con, xin Chúa soi tỏ những điều ẩn giấu, những điều không nên có trong đời sống con. Xin soi tỏ trong tâm trí con và cho con thấy những tư tưởng xấu nào đang hiện diện, vì con muốn bước đi trong con đường đời đời của Ngài.

Khi đọc xuyên qua sách Giê-rê-mi, chúng ta sẽ gặp nhiều bài giảng ngắn được tóm tắt mà tại đây, chúng ta không có thì giờ để lược khảo hết. Xin suy ngẫm những bài giảng của Giê-rê-mi và quí vị sẽ khám phá ông là một trong những người đầy ơn trong việc rao giảng Lời Chúa. Quí vị sẽ thấy gần gũi và thương mến vị tiên tri nầy. Các bài giảng của ông trở nên thiết thực cho chúng ta như cho người Giu-đa thời xưa.

Đức Chúa Trời biết lòng của mỗi chúng ta. Chúng ta có thể lừa dối gia đình, bạn hữu và ngay cả chính mình, nhưng không sao chúng ta qua mặt Đức Chúa Trời. Ngài biết lòng người, Ngài muốn thay đổi và Ngài có quyền thay đổi những đời sống xấu xa trở nên những đời sống tốt đẹp. Hãy cầu nguyện như Đa-vít: “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; Hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi; xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, xin dắt tôi vào con đường đời đời.” (Thi Thiên 139:23-24)

Nguyện Chúa ban phước cho chúng ta khi đọc sách Giê-rê-mi để chúng ta có thể bước đi trong con đường đời đời của Ngài.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcBài hát: Sống Trong Ân Điển Chúa Ban
Bài tiếp theoJăk Mơak Yơh Phung Thâo Luă Gŭ – 3/9/2021