Bài 152: Sách A-mốt, A-mốt Thấy Sư Tử Gầm Thét

1273

Bài 152: Sách A-mốt, A-mốt Thấy Sư Tử Gầm Thét

Chúng ta để ý cách mà A-mốt đã công bố cơn đoán phạt của Chúa trên Giu-đa và Y-sơ-ra-ên. A-mốt không phân biệt Giu-đa và Y-sơ-ra-ên với các quốc gia chung quanh như một số các tiên tri khác. A-mốt xem dân sự của Chúa giống như các quốc gia khác vì họ đều ở dưới cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên A-mốt nhấn mạnh rằng: cơn đoán phạt trên dân sự của Ngài sẽ trầm trọng hơn vì họ hưởng đặc ân thuộc linh nhiều hơn người khác. Đây là điểm quan trọng trong sứ điệp của A-mốt. Vì dân sự của Chúa đã hưởng được các phước hạnh thuộc linh, được dạy dỗ về Lời Chúa, được giàu có về vật chất nên họ cũng chịu trách nhiệm nhiều hơn. Theo A-mốt thì mức độ trách nhiệm tùy thuộc vào đặc ân thuộc linh. Chúng ta sẽ bị thẩm định dựa trên những gì chúng ta biết. Nếu biết nhiều mà không làm thì chúng ta càng bị xét nghiêm khắc hơn. Ngày nay một số người đề cập đến “độ tuổi chịu trách nhiệm”. Nhưng Kinh Thánh không nói nhiều về điều nầy. Có người cho rằng 12 tuổi là tuổi chịu trách nhiệm về các hành động của mình, vì Chúa Giê-xu đã lên đền thờ vào lúc Ngài 12 tuổi. Thật ra tuổi chịu trách nhiệm được ghi đến 8 lần trong Kinh Thánh là hai mươi tuổi trở lên. Nhưng điều quan trọng nhất không phải là tuổi nhưng là khả năng nhận thức và đặc ân thuộc linh mà người đó có được.

Sứ điệp quan trọng mà A-mốt muốn công bố cho người Y-sơ-ra-ên là cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời sẽ đến. Dĩ nhiên đây cũng là sứ điệp của nhiều tiên tri khác. Mở đầu sứ điệp họ cho biết là nếu dân sự ăn năn thì Chúa sẽ thôi không đoán phạt. Khi giảng về sự khôi phục thì cần lưu ý là họ giảng cho người Giu-đa hay Y-sơ-ra-ên. Đối với người Giu-đa họ đề cập hai điều. Thứ nhất: “Sau 70 năm các ngươi sẽ trở về từ xứ lưu đày Ba-by-lôn”. Rồi họ hướng đến thời kỳ cuối cùng để giảng về sự khôi phục về mặt địa lý của người Do Thái là điều đã và đang xảy ra vào thời chúng ta. Họ cũng rao giảng về sự phấn hưng thuộc linh của người Do Thái là điều chưa xảy ra.

Khi A-mốt hay Ô-sê rao giảng về sự khôi phục vương quốc phía bắc, họ không có ý nói đến sự hồi hương từ xứ lưu đày A-si-ry, vì lưu đày A-si-ry là kết thúc lịch sử của người Y-sơ-ra-ên. Các vị tiên tri công bố rất rõ ràng là “Ngươi sẽ không trở về, không ai giải cứu các ngươi”. Họ biết chắc là không có cuộc hồi hương cho người Y-sơ-ra-ên, nhưng họ vẫn giảng về sự khôi phục vương quốc nầy. Sự khôi phục tại đây nhằm vào ngày cuối cùng. Họ báo trước việc người Do Thái bị phân tán khắp thế giới, rồi sẽ có cuộc hồi hương về lại vùng đất thánh từ bốn phương trời. Sự kiện đầy ngoạn mục đó đã và đang xảy ra tại vùng đất Trung Đông. Người Do Thái đã trở về và lập quốc vào năm 1948.

Khi công bố sứ điệp của mình, A-mốt dùng hình ảnh “Sư tử đang gầm thét, một khi sư tử gầm thét là nó đang chuẩn bị tấn công”. Ông muốn nói rằng, “người A-si-ry là con sư tử, nó đang gầm thét và một khi nó gầm thét thì tai họa sắp giáng xuống”.

Trong những chương mở đầu, A-mốt cho biết Đức Chúa Trời đã dùng hết cách nầy đến cách khác để thức tỉnh dân sự Ngài nhằm tránh khỏi tai họa từ người A-si-ry. Chúa khiến xứ bị đói kém, hạn hán, bịnh dịch, những người trai trẻ chết nơi chiến trận, nhiều thành phố bị tiêu diệt và họ vẫn được sống còn. Nhưng đáng buồn là họ không trở về với Đức Chúa Trời. Không còn cách nào khác hơn A-mốt công bố, “Cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời sắp giáng xuống”.

A-mốt dùng các khải tượng để nói về cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời. Trước tiên trong chương 7 & 8 ông thấy khải tượng về cào cào. A-mốt nhìn thấy tai họa kinh khủng bởi cào cào gây ra, giống như Môi-se, A-mốt cầu thay cho dân Y-sơ-ra-ên rằng, “Xin Chúa đừng giáng tai họa nầy vì Y-sơ-ra-ên quá nhỏ bé, xin đừng tiêu diệt họ”. Chúa trả lời, “Vâng, ta sẽ không giáng tai họa nầy”. Rồi A-mốt thấy khải tượng về đám lửa lớn, đám lửa có thể thiêu đốt cả Y-sơ-ra-ên. Một lần nữa A-mốt kêu cầu với Chúa rằng, “Chúa ơi, xin đừng đoán phạt vì Y-sơ-ra-ên quá nhỏ bé”. Chúa đáp, “Vâng ta sẽ không làm điều đó”. Khải tượng thứ ba là khải tượng về dây dọi của người thợ nề. Sợi dây nầy nhằm xác định độ thẳng đứng của bức tường. Chúa hỏi ông rằng, “A-mốt, ngươi thấy chi?” A-mốt trả lời, “Tôi thấy chiếc dây dọi”. Chúa phán, “Ta đánh giá dân ta bằng chiếc dây dọi, và bây giờ tai họa không thể nào tránh khỏi”. Đức Chúa Trời đã đo lường mức ngay thẳng của dân sự Ngài và thấy rằng họ cong quẹo, bởi vậy Ngài phán, “Ta sẽ sửa phạt chúng, A-mốt, ngươi đừng cầu thay cho chúng nữa.” Rồi A-mốt còn thấy khải tượng về một giỏ trái cây chín. Chúa hỏi ông, “A-mốt, ngươi thấy gì?” A-mốt trả lời, “Tôi thấy một giỏ đầy các trái cây chín.” Chúa phán, “Trái cây nầy chỉ về dân Y-sơ-ra-ên, họ đã chín đến mức độ bị sửa phạt. Ta sẽ không trì hoãn nữa”.

Khải tượng tiếp theo thật đáng kinh sợ,

1 Ta thấy Chúa đứng gần bàn thờ và phán rằng: Hãy đánh các đầu cột, hầu cho những ngạch cửa bị rúng động; hãy đập bể ra trên đầu hết thảy chúng nó! Kẻ nào sót lại trong chúng nó thì ta sẽ giết bằng gươm, không một người nào trốn được, không một người nào lánh khỏi.
2 Dầu chúng nó đào đến âm phủ, tay ta cũng sẽ móc chúng nó ra; dầu chúng nó trèo lên trên trời, ta cũng sẽ làm cho chúng nó từ đó xuống.
3 Dầu chúng nó ẩn mình nơi chót núi Cạt-mên, ta cũng sẽ đi tìm đặng kéo chúng nó ra; dầu chúng nó lánh khuất mắt ta nơi đáy biển, ta cũng sẽ rắn cắn chúng nó tại đó.
4 Ví bằng chúng nó đi làm phu tù trước mặt kẻ thù nghịch mình, ở đó ta cũng sẽ sai gươm giết chúng nó đi. Thật, ta để mắt trên chúng nó đặng làm họa cho, chẳng phải để làm phước cho.

Không còn cách nào để chạy trốn khỏi cơn đoán phạt sắp đến. A-mốt ghi, “Chúa chạm đất và đất bèn tan chảy, mọi người đều than khóc”. Việc Chúa đứng trước bàn thờ cho biết cơn đoán phạt đến từ Đức Chúa Trời và người Y-sơ-ra-ên không còn cách nào để trốn thoát. Đây là trọng tâm sứ điệp của A-mốt. Nó không phải là một sứ điệp dễ nghe chút nào. Năm mươi năm sau đó những điều tiên báo đã xảy ra. Mặc dầu vào thời điểm của A-mốt thì người ta nhạo cười, nhưng những gì ông nói sau đó đã ứng nghiệm. Khi A-mốt đến nước Y-sơ-ra-ên phía bắc để rao giảng Lời Chúa thì các tiên tri giả nói với ông rằng, (A-mốt 7)

Hỡi kẻ tiên kiến, khá đi khỏi đây. Hãy trốn trong đất Giu-đa, tại đó ăn bánh và nói tiên tri.

13 Nhưng chớ cứ nói tiên tri tại Bê-tên nữa; vì ấy là một nơi thánh của vua, và ấy là nhà vua.

Nhưng A-mốt trả lời: (A-mốt 7)

14 Ta không phải là đấng tiên tri, cũng không phải con đấng tiên tri; nhưng ta là một kẻ chăn, sửa soạn những cây vả rừng.
15 Đức Giê-hô-va đã bắt lấy ta từ sau bầy, và Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Hãy đi nói tiên tri cho dân Y-sơ-ra-ên ta.
16 Vả, hãy nghe lời của Đức Giê-hô-va: Ngươi nói rằng: Chớ nói tiên tri nghịch cùng Y-sơ-ra-ên, và đừng nhỏ lời xuống nghịch cùng nhà Y-sác.
17 Cho nên Đức Giê-hô-va phán như vầy: Vợ ngươi sẽ buông dâm trong thành; con trai và con gái ngươi sẽ ngã bởi gươm; đất ngươi sẽ bị chia bởi dây, còn ngươi, ngươi sẽ chết trong một đất ô uế, và Y-sơ-ra-ên chắc sẽ bị đày đi làm phu tù khỏi đất mình.

Khi Giê-rê-mi bị một tiên tri giả chống nghịch về sứ điệp ông rao giảng thì Giê-rê-mi đã nói với người đó giống như A-mốt đã nói, “Ngươi sẽ bị chết trong vòng một năm”. Và hai tháng sau đó người nầy qua đời. Có lẽ đây là lý do mà nhiều người kính sợ các tiên tri. Nếu ai đó cản trở công việc của Đức Chúa Trời thì họ sẽ nhơn danh Chúa mà tuyên bố tai họa trên người đó.

Bên cạnh sứ điệp về cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống, A-mốt còn nhấn mạnh đến tội của người Y-sơ-ra-ên vì họ không sống đúng theo những đặc quyền thuộc linh mà họ có được. Chúa Giê-xu đã nói đến điều nầy trong lời giảng của Ngài dành cho người Pha-ri-si:

Nếu các ngươi là kẻ mù, thì không có tội lỗi chi hết; nhưng vì các ngươi nói rằng: Chúng ta thấy, nên tội lỗi các ngươi vẫn còn lại.

Chúa Giê-xu khẳng định cho những người lãnh đạo tôn giáo đương thời rằng họ đui mù thuộc linh. Họ cảm thấy mình bị xúc phạm và trả lời, “Có phải ngươi cho rằng ta mù chăng?” Chúa đáp, “Nếu ngươi mù thì ngươi không có tội gì cả”.

Chúng ta quan ngại về số phận của những người ngoại. Số phận của những người không biết gì cả rồi sẽ ra sao? Họ có bị Đức Chúa Trời phán xét không? Kinh Thánh cho biết rằng, nếu có một người nào như vậy, nghĩa là họ không có một sự nhận thức nào cả thì sẽ không có vấn đề tội lỗi. Tội lỗi liên quan đến khả năng nhận thức của người đó. Đây là phần quan trọng trong sứ điệp của A-mốt.

Qua tiên tri A-mốt, Chúa hỏi tuyển dân của Ngài rằng, “Hỡi Y-sơ-ra-ên, ta quí ngươi hơn người Ai Cập chăng?” Câu trả lời là vâng, Chúa đã chọn họ từ giữa bao nhiêu dân tộc trên thế giới. A-mốt cho biết người Y-sơ-ra-ên được hưởng những đặc quyền thuộc linh. Dầu vậy họ lại không đến cùng Chúa. Bởi vậy họ phải chịu đoán phạt cách nghiêm nhặt hơn các dân tộc khác. Đây là điều mà A-mốt nói trong hai chương đầu của sách.

Sứ điệp của A-mốt có thể được tóm tắt như sau. Thứ nhất là cơn đoán phạt sẽ đến vì tội lỗi của người Y-sơ-ra-ên. Thứ hai là họ vẫn phạm tội mặc dầu họ là người được hưởng nhiều đặc ân về phương diện thuộc linh. Tuy nhiên phần thứ ba là sứ điệp về hy vọng, giống như những vị tiên tri khác A-mốt rao giảng rằng,

11 Trong ngày đó, ta sẽ dựng lại nhà tạm của Đa-vít, là nhà đã đổ, và tu bổ lại những chỗ rách nát của nó. Ta sẽ dựng lại những nơi đổ nát và xây nó lại như ngày xưa;

Khi một vị tiên tri công bố về sự khôi phục của vương quốc phía bắc thì đây là điều rất đáng lưu ý vì sự khôi phục nầy đã chưa xảy ra. Sự khôi phục vương quốc phía nam đã được hoàn tất. Và chúng ta tin rằng sự khôi phục cuối cùng rồi sẽ xảy ra, nó là niềm hy vọng phước hạnh về ngày tái lâm của Chúa Giê-xu.

Nếu muốn biết những gì sẽ xảy ra, chúng ta nên quan sát tình hình tại Do Thái. Họ đã hồi hương về phương diện địa lý. Đây là sự ứng nghiệm một phần của lời tiên tri. Nhưng sẽ có một cuộc hồi hương thuộc linh, khi mà người Do Thái quay về với Đức Chúa Trời. Đến ngày đó, Xa-cha-ri cho biết, mười người sẽ nắm lấy áo một người Do Thái mà nói rằng, “Hãy nói cho chúng tôi về Đức Chúa Trời của các anh”. Điều nầy chưa xảy ra, nhưng nó sẽ xảy ra.

A-mốt đã tiên tri rằng đất hoang vu sẽ trở nên tươi tốt và sanh sản đủ loại hoa màu. Nếu đến xứ Y-sơ-ra-ên ngày nay chúng ta thấy lời tiên tri nầy đã ứng nghiệm. Cây trái của người Do Thái là mang lại thu nhập lớn cho quốc gia nầy.

Thật xúc động khi nghĩ đến một ngày mà người Do Thái tin vào Chúa Giê-xu và trở về cùng Đức Chúa Trời. Lúc đó lời tiên tri được ứng nghiệm trọn vẹn về phương diện địa lý lẫn thuộc linh. Quý vị đã trở về với Đức Chúa Trời chưa? Ngài là Đấng yêu thương quí vị và quan tâm đến tương lai của quí vị.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcBài 12: LỄ PHU-RIM (bài cuối của sách Ê-xơ-tê)
Bài tiếp theoQuảng Nam: Bế Giảng Trung Cấp Thần Học T6, Niên Học 2023-2024