Đầu Tư Khi Còn Trẻ Để Hưởng Lúc Tuổi Già

2414

Là cha mẹ, ai cũng ước mong đứa con mình sinh ra đều nhận được những điều tốt nhất. Cha mẹ sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời vì con, kể cả… sự sống của mình. Bao nhiêu năm nuôi con là bấy nhiêu năm cha mẹ khóc vì con, chỉ mong con được bằng bạn bằng bè. Có những khi con hỏi ngây thơ: “Ủa! Cha mẹ thích ăn nước cá kho à? Sao cha mẹ không ăn cá?” Và hẳn nhiên con sẽ nhận được câu trả lời “Ừ! Nước cá ngon hơn…”

Rồi, có những lúc thấy con vấp ngã, cha mẹ chạy đến nâng con dậy, ôm vào lòng, xoa xoa vài cái: “Con đau chỗ nào, con nín đi nhé con yêu, cha mẹ thương con lắm!”

Còn nhỏ thì con thích chui rút vào trong lòng cha mẹ để được ẵm bồng, được chìu chuộng, được khóc nhè, …. Khi đã lên ba, lên năm, có bạn có bè, con bắt đầu ít nghe lời cha mẹ, thích rong chơi với chúng bạn đến chiều tối. Khi cha mẹ gọi “Con ơi! Về ăn cơm” thì “Dạ, chờ con một chút, để con chơi xong đã”. Nhưng cha mẹ vẫn kiên trì đợi con về cùng ăn cơm! Nào có thấm vào đâu với những gì cha mẹ đã hy sinh vì các con. Có những khi song thân thức trắng đêm, vì những cơn sốt làm con không ngủ được. Hay những ngày đầu dắt tay con đến trường, vào lớp học Kinh Thánh, con bỡ ngỡ, sợ sệt, giãy giụa, … tìm đủ mọi cách, mọi lý lẽ vì không muốn vào lớp, không muốn thoát khỏi vòng tay an toàn của cha mẹ.

Nhưng thời gian cứ thế dần trôi, như bánh xe xuống dốc, cứ lăn mãi không dừng, dường như mỗi lúc một nhanh hơn. Tuổi tác, áp lực công việc, nỗi lo lắng vì con, khiến mái tóc cha mẹ bạc màu. Đôi mắt hằn thêm dấu vết thời gian, và dần mờ đi trong làn khói lam chiều. Lúc ấy, đôi lưng còng là dấu hiệu mà người chưa tin Chúa thường nói: “Đây là lúc gần đất, xa trời”. Nhưng với những ai có Chúa trong đời sống mình, thì nhận biết đó là lúc gần trời, xa đất. Và không ít người nghĩ “Vất vả cả cuộc đời, đến lúc cuộc sống như ‘ngọn đèn trước gió’, đó là lúc được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già bên con cháu”.

Nhưng thật ra, đó mới là lúc cha mẹ lo cho con cháu nhiều nhất. Cứ nghĩ rằng “Bọn nhỏ vẫn mãi là những đứa trẻ như ngày nào, chúng cần lắm sự chở che, bảo vệ của cha mẹ”.

Nhưng lúc ấy, “lực bất tòng tâm”. Vì đôi tay không còn mạnh mẽ như ngày nào để ôm chặt con vào lòng, đôi chân không còn nhanh nhẹn để chạy theo bước chân con, và giọng nói không còn khỏe như xưa để dạy bảo, khuyên răn, … Lúc ấy, mới nhận ra một sự thật là các con đã lớn. Dường như chúng không còn thuộc về mình nữa! Chúng đã chạy ra khỏi vòng tay của cha mẹ. Vậy, chúng thuộc về ai? Đây là một câu hỏi mà không mấy ai nghĩ đến, hoặc có nghĩ đến thì cũng chưa chắc có câu trả lời thích đáng…

Vì thật sự không ít quý phụ huynh chỉ mới quan tâm đến phần thuộc thể của con cái nhưng lại quên cái điều cốt lõi để con cái tránh những bất hạnh trên đường đời còn nằm ở phần thuộc linh.

Theo tác phẩm “Đừng Làm Nửa Vời”, có ít nhất 5 việc quý phụ huynh chúng ta cần làm:

(1) Nuôi cho thật tốt: Dạy Lời Chúa và tập luyện con cái làm theo Lời Ngài. Giúp các con nhận ra những tật xấu để từ bỏ và tập tành những thói quen tốt về thuộc thể lẫn thuộc linh.

(2) Chủng ngừa: Quý phụ huynh cần nhớ câu “Đừng chết vì thiếu hiểu biết”. Cần chủng ngừa cho con em chúng ta biết trước những cạm bẫy của Sa-tan trong đời sống hàng ngày.

(3) Tạo mái ấm: Hãy cho các con được lớn lên trong môi trường gia đình Cơ Đốc tin kính trong nếp sống đạo, trung tín trong sự nhóm lại.

(4) Đừng bất cẩn: Quý phụ huynh hãy luôn là gương tốt cho các con, đừng để những lời nói hành động bất cẩn của mình, lây nhiễm sang các con của chính chúng ta.

(5) Tạo môi trường bình an: Gia đình cần chung tay với Hội Thánh, ban thiếu nhi, thiếu niên, … tạo nên một môi trường bình an trong giao tiếp và không có những lời nói xấu trong tất cả những câu chuyện giữa người lớn với người lớn, hoặc giữa người lớn với các em.

Có thể trên đây là những điều mà nhiều người cho rằng không có gì mới mẻ. Nhưng không ít người về già mới hối hận vì chưa thể làm được những điều này. Cái kết mà không ít quý cụ ông, cụ bà nhận được ở con cháu là những hành động đối xử vô cảm, vô tâm, hoặc nặng hơn là bất hiếu. Vì các con thiếu sự dạy dỗ về mặt tâm linh. Các con lớn lên chỉ quan tâm đến nhu cầu vật chất, có khi nghĩ rằng lo cho ông bà cha mẹ đủ cơm ăn, áo mặc là đủ. Nhưng nào có biết người già cần lắm tình cảm, gần gũi từ con cháu.

Nhưng rồi theo quy luật tất yếu của tự nhiên “tre già, măng mọc”. Một cuộc đời chỉ cố gắng lo toan, làm lụng vất vả để cho con cái mình có một cuộc sống vật chất tốt nhất, rồi…chết là hết, thì cuộc đời con người cũng chẳng khác gì những loài động vật. Nhưng “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27), thế gian này chỉ là “sống gửi, thác về”. Dù rằng, thế hệ Môi-se sẽ qua đi và Giô-suê lại tiếp bước. Nhưng cuộc đời Môi-se và Giô-suê đều có cùng một mục đích “dẫn dân sự bước vào đất hứa để thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống”. Cả hai đều biết được mục đích của cuộc đời họ, và biết chắc chắn họ thuộc về ai!

Khi cha mẹ chỉ chuyên tâm dạy và nuôi con bằng vật chất, thì tương lai các con sẽ sống vì vật chất và tiếp tục dạy các cháu tìm kiếm mục đích cuộc đời, cũng là vật chất.

Tuy nhiên, là người tin Chúa, thì điều chúng ta quả quyết là “Tôi thuộc về Chúa”. Bởi vậy, “Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi, trước khi những ngày gian nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng: Ta không lấy làm vui lòng” (Truyền Đạo 12:1). Vì thời gian của chúng ta trên đất này còn ngắn lắm. Nhưng không chỉ chúng ta cần tưởng nhớ đến Chúa, mà cũng phải nghĩ đến các con của chúng ta. Hãy trả lời câu hỏi: “Con của tôi sẽ thuộc về ai? Chúng thuộc về thế gian hay thuộc về Chúa?”. Trách nhiệm này thuộc về quý phụ huynh. Qua quyển sách “Thiên Tài Bắt Đầu Như Thế Nào” có thể thấy để con trở thành một thiên tài hãy bắt đầu mọi thứ từ khi con nằm trong lòng mẹ, hãy chăm sóc con cả về vật chất lẫn tinh thần. Nếu chúng ta là Cơ Đốc nhân thì  hãy cho con lắng nghe những bài Thánh Ca nhẹ nhàng, êm dịu, hãy vuốt ve và cầu nguyện cho con khi còn là một bào thai.

Bởi lẽ, hiện tại chúng ta còn trẻ, đôi tay còn đủ sức để ôm các con vào lòng, đôi chân còn đủ nhanh để chạy theo các con vì sợ chúng vấp ngã. Hãy tận dụng những thời gian thanh xuân này để đầu tư tương lai cho con cháu của chúng ta, không chỉ về cuộc sống vật chất nhưng “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6).

Nhưng có hai câu hỏi đặt ra cho mỗi chúng ta: “Dạy con em mình ở lứa tuổi nào?” “Dạy con em mình bằng cách nào và tài liệu nào?”

Kinh Thánh đã cho biết “Hãy dạy cho trẻ thơ…”. Dạy cho con em chúng ta khi còn thơ ấu. Nhưng dạy bằng cách nào và tài liệu nào? Kinh Thánh bảo chúng ta dạy cho trẻ thơ “con đường nó phải theo”, mà con đường nó phải theo là con đường hướng về Thiên Quốc, hướng về Chúa, vì các con của chúng ta thuộc về Chúa.

Cha mẹ sẽ dùng tài liệu nào để dạy cho con cái mình? Có rất nhiều tài liệu từ Hội Thánh mà quý phụ huynh có thể sử dụng để dạy cho con em mình. Nhưng trước khi chúng ta muốn con mình học Kinh Thánh, thì chính chúng ta cũng cần làm gương trong thói quen học bài Kinh Thánh hàng ngày.

Thiếu nhi cũng có Kinh Thánh hàng ngày đã được xuất bản cách đây 4 năm, có hơn 1.300 quý phụ huynh đã và đang sử dụng cho con em mình học, và qua bộ bài học này, đã có nhiều em được Chúa biến đổi đời sống, nhiều em muốn học và tiếp tục học đó là Bài học Kinh Thánh Hằng Ngày Cho Thiếu Nhi – Thế Giới Mới Tuổi Thơ.

Tất cả những điều trên đây vẫn chưa phải là đủ hoàn toàn trong việc đầu tư cho các con của mình một tương lai. Không phải chỉ các con cần học mà chính quý phụ huynh cũng cần phải học một số điều quan trọng.

Trong chương 4 của tác phẩm “Yêu bên trái, dạy dỗ bên phải”, quý phụ huynh cần học:

(1) Học cách yêu: Hãy thảo luận với con về vấn đề biểu hiện tình yêu, vì yêu không phải là nuông chìu để các con thành “cậu ấm, cô chiêu”. Đừng lấy lý do vì yêu mà trở thành những phụ huynh độc tài. Hãy nói những câu như: “Chỉ cần con học giỏi, yêu mến Chúa, thì ba mẹ vất vả đến đâu cũng chịu đựng được”… Đó chính là học cách trò chuyện.

(2) Học cách trò chuyện: Cần có thái độ lắng nghe và hạn chế những câu hỏi như “Bài vở làm xong hết chưa”, mà hãy hỏi “Hôm nay, cô giáo dạy con điều gì?”… Đừng hỏi “Hôm nay ở trường có nghịch ngợm không?”, nhưng nên hỏi “Trong lớp con bạn nào được nhiều người yêu quý nhất?”

(3) Học cách khen ngợi: Nên khen ngợi đúng chỗ và nói ra cảm nhận của bản thân về những điều của con và phải có dẫn chứng xác thực, chi tiết, chứ không phải khen bằng những lời sáo rỗng, thái quá, không đúng sự thật. Mặc khác, cũng cần góp ý những điểm chưa tốt và giúp con thay đổi.

 “Xin hãy ghi nhớ một nguyên tắc, người được khen thưởng là con trẻ, chứ không phải là che mẹ, nên điều kiện tiên quyết của nó là cần phải thỏa mãn được yêu cầu của trẻ, tôn trọng cách nghĩ của trẻ, chứ không phải làm hài lòng theo yêu cầu và cách nghĩ của cha mẹ”.

(4) Học cách dạy bảo: Cha mẹ phải kiên định trong sự dạy dỗ con cái và phải ngay lập tức, kịp thời đúng lúc. Đừng để đến thiếu niên mới dạy những việc sai trật ở tuổi thiếu nhi…Việc dạy dỗ con cũng phải đúng nơi, đừng làm nhục và tổn thương lòng tự trọng của con trước mặt những người khác, đặc biệt là bạn bè của con.

Trong sự dạy dỗ, cha mẹ cần quản lý cảm xúc của chính mình, vì bức xúc không làm ta vô can với những phản kháng từ con cái. Nên hạn chế hai việc quan trọng:

+ Lạm dụng hình thức “cưỡng chế” xử phạt về thể xác bằng roi vọt, …

+ “Sự thu hồi của tình yêu” là phương pháp trừng phạt về tâm lý với biểu hiện là cha mẹ sẽ không quan tâm đến con nữa, con muốn làm gì thì làm. Điều đó khiến con lo lắng và thiếu an toàn khi ở gần cha mẹ. Việc học để dạy con là cả một đời, có khi vẫn chưa đủ. Nhưng Cơ Đốc nhân có nhiều môi trường và nhiều lợi thế để dạy con. Trong đó, môi trường nhà thờ, ban thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, và quý giáo viên Trường Chúa nhật, Mục sư Quản nhiệm, gia đình … hãy cùng hiệp tác với Hội Thánh để dạy cho con em chúng ta “con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6).”
Hơn thế nữa, để khi chính quý phụ huynh về già, mỗi chúng ta cũng được vui hưởng hạnh phúc cùng con cháu trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

                                                                                                            (Ti-mô-thê Tạ)

Tài liệu tham khảo

Stormir Omartin. Sức mạnh của một người vợ cầu nguyện.

Xuân Thu (2008). Đừng Làm Nửa Vời. Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặng Hoàng Giang (2017). Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can. Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, Hà Nội.

Kim Vận Dung (2015). Yêu Bên Trái Dạy Dỗ Bên Phải. Nhà Xuất Bản Dân Trí, Hà Nội.

Adele Faber & Elaine Mazlish (2017). Nói Sao Cho Tre Chịu Nghe. Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội.

Bài trướcBến An Bình
Bài tiếp theoAn Giang: Khánh Thành Cầu Ranh An Bình – Tân Tuyến