Duy Bởi Đức Tin — Sola Fide

2863

 

Nhà cải chánh giáo hội Martin Luther đã sống trong một “thời đại đầy lo âu” (theo cách nói của Paul Tillich trong The Courage to Be). Sự lo lắng của người dân thời đó một phần là do cuộc sống bấp bênh, tỷ lệ tử vong cao và số lượng thương vong lớn vì cớ bệnh dịch và chiến tranh. Tuy nhiên, người ta đối diện một nỗi lo lớn hơn là không biết làm sao có thể xoa dịu cơn thịnh nộ công chính của Thiên Chúa Chí Cao, nhận được lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài để có thể trở về với Ngài. Làm sao để biết chắc liệu những việc làm, công đức, tôn giáo, kể cả dùng tiền mua chứng nhận xá tội, có đủ để được Chúa thương xót và tha thứ hay không? Luther trong buổi ban đầu của cuộc đời cũng không thoát khỏi nỗi lo lắng này.

Chàng trai trẻ Luther đã từ bỏ sự nghiệp luật sư đầy hứa hẹn của mình, bất chấp sự phản đối dữ dội của cha để trở thành một tu sĩ dòng Augustine và một giáo sư thần học tại Đại học Wittenberg. Quyết định này cần được hiểu trong bối cảnh của nỗi sợ hãi hiện sinh sâu sắc và niềm khao khát có được sự bình an nội tâm. Thế nhưng, đắm chìm trong việc nghiên cứu Kinh Thánh chuyên sâu và thực hành các nội quy nghiêm ngặt của tu viện, kể cả việc xưng tội liên tục để tìm kiếm sự bình an trước mặt một Thiên Chúa công chính, Luther chỉ khám phá ra rằng, “khi tôi càng cố gắng chữa lành lương tâm bất an, yếu đuối và bối rối của mình bằng truyền thống của con người, tôi càng bất an, yếu đuối và bối rối”.

Thế rồi Luther đã tìm được sự bình an thật với Chúa trong tâm hồn khi đọc lại Rô-ma 1:17 – “Người công bình sống bởi đức tin” – và khám phá ra rằng mình có thể đứng trước mặt Đức Chúa Trời công chính chỉ nhờ đức tin nơi Chúa Cứu Thế, không phải bởi việc lành hay đạo đức cá nhân.  Ông viết, “Tôi suy ngẫm ngày đêm cho đến khi hiểu được lẽ thật— được trở nên công chính trước mặt Chúa thực sự có nghĩa là gì. Đó là khi với lòng nhân từ và thương xót lớn lao của Ngài, Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên công chính qua đức tin của chúng ta… Từ lúc đó tôi cảm thấy như được tái sinh—như thể tôi đã bước qua một cánh cửa rộng mở để đến thiên đàng”. Thật vậy, Luther đã trải nghiệm sự giải phóng và bình an nhờ được xưng công chính bởi đức tin mà thôi, và ông đã gọi giáo lý này là “điều khoản mà Giáo hội đứng hay ngã”!

Thế thì “đức tin” là gì, và tại sao chỉ nhờ đức tin mà thôi?

“Tin” nghĩa là tin tưởng vào một đối tượng nào đó để nhận được sự đảm bảo an toàn hay ích lợi nào đó mà đối tượng đó mang lại cho người tin. Đức tin Cơ Đốc có nghĩa là tin tưởng, phó thác cuộc đời vào Đấng Christ để nhờ Ngài có được mối quan hệ cá nhân giữa người tin với Đức Chúa Trời và hưởng nhận mọi ơn phước thiêng liêng trong mối quan hệ đó.

Trong Cựu Ước, đức tin thường được diễn tả bằng một động từ Hy Bá Lai, thường là dạng hiphil của ‘aman, “tin vào” (Sáng Thế Ký 15:6; Xuất Ê-díp-tô Ký 14:31; Ê-sai 53:1), biểu thị sự tùy thuộc và tin cậy Đức Chúa Trời cùng những lời hứa của Ngài về sự cứu chuộc trong Đấng Christ sẽ đến. Trong Tân Ước, đức tin thường được diễn tả qua danh từ Hy Lạp pistis, “đức tin” hay “niềm tin” (Mác 10:52; Công vụ 20:21; Rô-ma 1:17), và động từ pisteuein, “tin vào” đối tượng đáng tin – là Đấng Christ, Đức Chúa Trời nhập thể để giải hoà con người với chính Đức Chúa Trời qua sự chết đền tội của Ngài.  Vậy, theo cách dùng trong Kinh Thánh thì đức tin đúng đắn có nghĩa là tin cậy vào Đấng Chân Thần, tức là Đức Chúa Trời toàn năng và thành tín, và kế hoạch cứu rỗi của Ngài được hoàn tất qua Đức Chúa Giê-xu – Con Ngài.

Cuộc Cải chánh có thể được xem như cuộc trở lại với đức tin cá nhân. Đức tin không chỉ được hiểu là sự đồng thuận về mặt lý trí, chấp nhận giáo lý, mà còn là fiducia, tức sự tin tưởng mà cá nhân người tin trao gửi vào đối tượng mình tin. Cách giải thích của Luther về “sự xưng công chính bởi đức tin” coi đức tin như là “chiếc nhẫn cưới” kết hợp người tin với Đấng Christ. Chúng ta được cứu không phải nhờ lòng trung thành của mình, mà bởi đức tin nơi Đấng Christ. Nhưng đức tin này cũng không phải là một việc mà chúng ta làm để nhờ đó được xưng công chính: đó là quà tặng của Thiên Chúa. Do đó, sự cứu rỗi không chỉ bởi đức tin (sola fide) mà cũng chỉ bởi ân sủng (sola gratia), như Augustine đã phát biểu.

Khởi điểm của đức tin Cơ Đốc phải bắt đầu từ Đấng Christ. Qua Đấng Christ, Đức Chúa Trời bày tỏ sự thành tín với những lời hứa cứu chuộc của Ngài cho nhân loại; qua Đấng Christ, trong tư cách là người đại diện của con người qua sự nhập thể, đức tin hoàn hảo và sự trung thành của Ngài, ơn cứu chuộc đã được hoàn tất cho tất cả những ai nhờ đức tin “ở trong Ngài.” Những nghiên cứu thần học thánh kinh cho thấy rằng cụm từ “được xưng công bình . . . cậy đức tin trong Đấng Christ Giê-xu” (Ga-la-ti 2:16) của sứ đồ Phao-lô cũng có thể được hiểu là “cậy đức tin của chính Đấng Christ Giê-xu” được bày tỏ qua sự trung thành của Ngài với Đức Chúa Trời. Thế thì, những ai tin vào Đấng Christ thì nhận được ơn cứu rỗi nhờ kế thừa đức tin của chính Ngài nơi Đức Chúa Trời trong tư cách người đại diện cho con người.

Tại sao chỉ bởi đức tin mà thôi? – Thứ nhất, vì tin cậy Đấng Christ là cách duy nhất để tội nhân có thể trở nên công chính. “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23), và không có cách nào mà tội nhân tự mình trở nên công chính trước mặt Chúa; chúng ta chỉ có thể cậy nhờ vào sự công chính của Đấng Thần Nhân Giê-xu, con người công chính duy nhất. Thứ hai, cơ sở để Đức Chúa Trời thánh khiết và công bình có thể “kể” những tội nhân là công chính là nhờ công lao cứu chuộc được thực hiện bởi Đức Chúa Giê-xu Christ trên thập tự giá. Không có sự đền tội thì không thể có sự tha tội mà vẫn đảm bảo sự công chính của Chúa. Sự công chính và tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho tội nhân đã gặp nhau trong Đấng Christ trên thập tự giá, và tội nhân chỉ có thể hưởng nhận được kết quả đó nhờ tin cậy Đấng Christ. Thứ ba, chỉ bởi đức tin mà chúng ta tiếp nhận và sống với lời tuyên bố của Đức Chúa Trời về địa vị công chính của chúng ta trên cơ sở sự công chính của Đấng Christ, được giải hoà với Đức Chúa Trời và bắt đầu cuộc đời mới với Chúa. Đức tin không chỉ là sự hiểu biết hay thậm chí đồng ý với giáo lý về Chúa và những việc Ngài làm. Ma quỷ có loại “đức tin” đó và run sợ, nhưng chẳng nhận được ích lợi gì (Gia-cơ 2:19). Đức tin để được cứu rỗi là đáp ứng thiêng liêng của con người bày tỏ sự trông cậy và lệ thuộc đối với Đức Chúa Trời thông qua Đấng Christ. Đức tin đó nảy sinh từ việc nghe và đáp ứng với Lời Chúa dưới quyền năng tác động của Đức Thánh Linh. Quả thật, đức tin là sự ban cho của Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:3; Ê-phê-sô 2:8) và đòi hỏi sự đáp ứng của người nhận, mà sự đáp ứng này cũng là nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời.

Hơn thế nữa, cũng chỉ bởi đức tin mà Cơ Đốc nhân có thể sống cuộc đời của người đã được xưng công chính. Đức tin nơi Đấng Christ, Đức Chúa Trời Hằng sống, không phải là kiến ​​thức trừu tượng, mà là một mối liên hệ quen biết cá nhân. Trong thư gửi người Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô nhắc nhở độc giả: “Anh em hãy tự xét, xem mình có đức tin không? Anh em có nhận thấy Chúa Cứu Thế sống trong anh em, và quyền năng Ngài tác động ngày càng mạnh mẽ trong anh em không? Hay anh em tự nhận mình là con cái Chúa mà thật ra không phải?” (II Cô 13:5 Bản dịch Hiện Đại). Đức tin thật đồng nghĩa với việc ở trong mối liên hệ sống động với Chúa, sống dưới quyền làm Chúa, làm chủ của chính Ngài, và kinh nghiệm sự biến đổi đời sống nhờ năng lực từ Đấng ấy để “vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Đức Chúa Trời” và nhờ đó mỗi ngày trưởng thành tâm linh và càng giống với Chúa hơn. Đức tin không chỉ khởi đầu sự cứu rỗi mà còn cần được thực hành liên tục trong suốt cuộc hành trình của cuộc đời.

Ngoài sự cứu rỗi, đức tin đem lại ích lợi gì cho người tin? Đức tin mở ra cánh cửa cho vô số ơn phước thiêng liêng, bao gồm sự dạn dĩ đến trước Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 3:12), sự ngự trị của Đấng Christ qua Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 3:16–17) và những lời cầu nguyện có hiệu quả (Ma-thi-ơ 21:22). Đức tin trao quyền cho các tín đồ để chống lại sự tấn công của Sa-tan (Ê-phê-sô 6:16; I Phi-e-rơ 5:9), giúp các tín hữu có khả năng kiên trì giữa những thử thách (Gia-cơ 1:2–3; I Phi-e-rơ 1:6–7), và mang lại nhiều kết quả thuộc linh. Mặc dù sự cứu rỗi đến chỉ bởi đức tin, chứ không bởi việc lành; nhưng việc lành sẽ theo sau đức tin, là bằng chứng cho đức tin chân thật (I Tê 1:3; Gia-cơ 2:14–26). Việc liên tục thực hành đức tin mang lại cho tín đồ sự tăng trưởng trong sự thánh khiết (Công vụ 15:9) và càng ngày càng giống với Đức Chúa Giê-xu Christ (Rô-ma 8:29). John Wesley, trong khi hoàn toàn đồng ý với Luther và Calvin về sự xưng công chính bởi đức tin, cũng nhấn mạnh rằng đó là ‘đức tin thể hiện qua tình yêu thương’ (Ga-la-ti 5:6), dẫn đến sự thánh khiết cũng như sự xưng công chính.

Ngày nay dù nhân loại đã giải quyết được nhiều nan đề của “thời đại đầy lo âu” của Martin Luther, niềm khao khát sự bình an vẫn là nhu cầu không thay đổi của con người. Sự phát triển của học thuật, công nghệ, tư tưởng, tôn giáo…  không đem đến sự bình an thật và câu giải đáp cho mục đích sự hiện hữu và đích đến của con người. Chỉ có đức tin nơi Đấng Christ là câu giải đáp cho phương cách nhận biết mình là ai, lý do hiện hữu và đích đến của cuộc đời. Chỉ bởi đức tin nơi Đấng Christ, con người nhận được sự giải hoà với Chúa, sự bình an nội tâm và sự đảm bảo tương lai trong nhà của Đấng Tạo Hoá không chỉ trong đời này mà cả trong cõi đời đời.

Mục sư John Wesley, trong chuyến tàu vượt Đại Tây Dương từ Anh sang Bắc Mỹ để làm giáo sỹ, đã đối diện một cơn bão và nỗi hoang mang: nếu tàu chìm xuống đáy biển, liệu mình có được về với Chúa? Cảm ơn Chúa, con tàu thoát nạn, ông đến Mỹ làm giáo sỹ vài năm, rồi trở về Anh. Ông vào một ngôi nhà nguyện, và nghe được bài giảng của Martin Luther trong sách Rô-ma, trong đó có câu Kinh Thánh “Người công bình sống bởi đức tin.” Ông nhận ra rằng mình chưa thật sự tin Chúa Giê-xu cho đến giờ phút đó, và đã quyết định tin Ngài. Cuộc đời ông đổi thay từ đó – ông trở nên một người lãnh đạo đầy ơn Chúa, đưa dắt rất nhiều người về với Ngài.

Là những Cơ Đốc nhân, bạn có đang sống trong nỗi hoang mang không biết mình có được cứu và được đảm bảo sự sống đời đời, như Wesley trên con tàu khi xưa? Những nan đề của đời sống có đang đe doạ, khiến bạn sống trong lo toan và bất an? – Nếu vậy, bạn cần “xét xem mình có đức tin chưa?” Bạn đã thật sự tin nhận Giê-xu là Chúa, là Chủ đời sống mình chưa? Phải chăng bạn chỉ đang “tin” theo cách Gia-cơ nói về loại đức tin giống như của ma quỷ, tức là sự thừa nhận bằng lý trí hơn là bước vào mối liên hệ với Chúa và cam kết sống dưới quyền làm Chủ của Ngài? Mặt khác, phải chăng bạn đang dựa trên truyền thống tôn giáo, đạo đức, việc lành, sự cảm thấy tốt về bản thân, hơn là thật tin vào Chúa? Xin Chúa giúp bạn thật sự tin Ngài và biết chắc điều đó.

Là những Cơ Đốc nhân, bạn có đang sống với đức tin trong đời sống theo Chúa mỗi ngày? Đức tin đã mang bạn vào cuộc đời mới với Chúa có là đức tin khiến bạn sống thuận phục Chúa và trưởng thành hơn mỗi ngày? Đức tin đó có làm bạn yêu mến Chúa và Lời Ngài, nhờ Lời Ngài hướng dẫn cuộc đời mình để mỗi ngày giống Chúa hơn và sống hữu dụng theo ý Chúa?

Là những Cơ Đốc nhân, đức tin nơi Chúa có giúp bạn đối diện và thắng hơn những thách thức, cám dỗ và những nỗi nghi ngờ giữa cuộc sống đầy nan đề? Cơ Đốc nhân không thể tránh khỏi những thử thách và những nghi ngờ về Chúa và đường lối tốt lành của Ngài, vì không thể hiểu hết mọi điều về Chúa và cuộc sống. Dù vậy, đức tin tìm kiếm sự hiểu biết qua sự học hỏi Kinh thánh, cầu nguyện hết lòng, và suy ngẫm, lắng nghe sự bày tỏ của Chúa qua cộng đồng Cơ Đốc cùng những người đi trước. Những nghi ngờ, tranh chiến trong đời sống theo Chúa khi được đối diện bởi đức tin trước mặt Chúa thường dẫn đến những niềm tin chắc chắn hơn về những chân lý mà Chúa bày tỏ.

Cảm tạ Chúa về món quà đức tin, và nguyện Chúa giúp chúng ta cứ đứng vững trước mặt Chúa và thế giới chỉ nhờ đức tin nơi Chúa Cứu Thế mà thôi.

Khối Thanh Niên – Uỷ ban Thanh Thiếu Nhi Tổng Liên Hội

Bài trướcQuảng Nam: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm Tháng 12/2023
Bài tiếp theoBài hát: NGÀY MỚI TRÊN BUÔN LÀNG