Duy Nhờ Ân Điển – Sola Gratia

3480

Có lẽ tín hữu Tin Lành Việt Nam chúng ta khá quen thuộc với bài Thánh ca “Ơn Lạ Lùng” hoặc Ân Điển Diệu Kỳ (được dịch từ nguyên bản Amazing Grace) do Mục sư John Newton soạn lời vào năm 1772. Thời trai trẻ, John tham gia Hải quân Hoàng gia Anh, sau khi rời Hải quân, ông chuyển sang buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Trong một chuyến đi buôn vào năm 1748, con tàu của John gặp bão lớn và nguy hiểm đến tính mạng cho thủy thủ đoàn. Lúc ấy, John đã kêu cầu ơn thương xót của Đức Chúa Trời và đã được Chúa đáp lời. Mặc dù trải nghiệm thuộc linh đó đã giúp John tin nhận Chúa Giê-xu, mãi đến năm 1755, ông mới buông bỏ công việc buôn bán nô lệ, theo học Thần học Cơ Đốc và trở thành một nhà đấu tranh bãi bỏ nô lệ. Đến năm 1764, ông được phong chức Mục sư của Giáo hội Anh giáo, và bài Thánh ca Ơn Lạ Lùng được viết để minh họa cho bài giảng năm mới 1773 của ông.

Bài Thánh ca mở đầu bằng câu “Amazing grace how sweet the sound that saved a wretch like me!” (tạm dịch: Ôi ân điển diệu kỳ, ôi thanh âm ngọt ngào đã cứu vớt kẻ đê tiện như tôi). Có lẽ trải nghiệm được cứu về cả thuộc thể lẫn thuộc linh trên con tàu năm xưa đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng Mục sư John Newton về ý nghĩa của ân điển. Thật vậy, không một người nào khi nhận thức mình là một tội nhân xấu xa đã được cứu mà không nhìn thấy rằng kinh nghiệm sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ hoàn toàn chỉ bởi ân điển lạ lùng của Chúa trên cuộc đời mình.

Thế thì “ân điển” nghĩa là gì? Từ “ân điển” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ khi được xét trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời thì có nghĩa là “được chấp nhận” (theo định nghĩa của Brown-Driver-Briggs Lexicon). Từ này xuất hiện 69 lần trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ, theo bản dịch King James. Câu Kinh Thánh Cựu Ước đầu tiên sử dụng từ này là Sáng Thế ký 6:8: “Nhưng Nô-ê được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va” (tức là, Nô-ê được Chúa chấp nhận và Ngài sẽ làm ơn cho ông và gia đình ông). Lần xuất hiện kế tiếp trong Cựu Ước là lời mời của Áp-ra-ham dành cho thiên sứ của Đức Giê-hô-va: “Lạy Chúa, nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin hãy ghé lại nhà kẻ tôi tớ Chúa, đừng bỏ đi luôn” (Sáng Thế ký 18:3).

Trong Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hi Lạp, từ được dịch “ân điển” là “karis” (χάρις), xuất hiện 156 lần. Tương tự trong tiếng Hê-bơ-rơ, karis cũng có nghĩa là được chấp nhận, được ban ân huệ, nhấn mạnh mối quan hệ nhân từ của bề trên đối với cấp dưới như chủ đối với tớ hay Đức Chúa Trời đối với con người. Theo từ điển của Brown-Driver-Briggs, karis có 4 ý nghĩa chính sau đây:

  1. Điều đem lại sự ngọt ngào, niềm vui thích, sự khoan khoái, sự duyên dáng. Trong cách dùng này, karis được gắn với phong cách ăn nói và ứng xử của một người, hàm ý lời nói có ân hậu (Cô-lô-se 4:6); “lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29).
  2. Nghĩa thứ hai của karis là lòng yêu thương nhân từ, ân huệ và thiện chí, nhấn mạnh sự ưu tú, nổi bật của một người. Minh họa điển hình cho cách dùng này là những bản văn Kinh Thánh mô tả thiếu niên Giê-xu khi Ngài lớn lên, được ơn trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt người ta (Lu-ca 2:40, 52). Khi karis được dùng trong mối tương quan với Đấng Christ, như trong cụm từ “ân điển của Đấng Christ” hoặc bất cứ nơi nào có sự xuất hiện của Đấng Christ đi kèm, thì nó được dùng để nói đến “sự nhân từ được ban cho người không xứng đáng”, một sự ban cho vô điều kiện, như tha thứ tội lỗi đáng chết, cung ứng sự cứu rỗi đời đời cho tội nhân với một giá trả rất cao, đó là: sự nhập thể, sự chịu khổ và sự chết của Đấng Christ. Ngoài ra, karis còn hàm ý “lòng nhân từ thương xót mà Đức Chúa Trời dùng để tác động lên những linh hồn, hướng họ quay về với Đấng Christ, bảo vệ, thêm sức, gia tăng đức tin, sự hiểu biết, lòng yêu mến, và thôi thúc để họ thực hành những mỹ đức Cơ Đốc,” như trong các thư tín dạy về nếp sống Cơ Đốc: Ga-la-ti, Cô-rinh-tô, Tê-sa-lô-ni-ca, Cô-lô-se.
  3. Nghĩa thứ ba nói đến tình trạng và biểu hiện cụ thể của ân điển. Đó là tình trạng thuộc linh của một người được chi phối bởi quyền năng của ân điển thiên thượng, mà các nhà thần học gọi là “status gratiae” (địa vị ân sủng), như lời khuyên của Phi-e-rơ rằng “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ” (II Phi-e-rơ 3:18). Khi ở trong địa vị ân sủng, người ta sẽ nhận ra những cơ hội để nhìn biết Đức Chúa Trời và đáp ứng với ân sủng của Ngài, tôn thờ Ngài. Nó cũng hàm ý phước lành hay những đặc sủng mà một người có được nhờ sự tốt lành của Đức Chúa Trời, như sự giàu có, tài năng, ân tứ, lòng rộng rãi, và cả sự sống thể chất, như được chép trong I Phi-e-rơ 3:7: “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em”. Tuy nhiên, cụm từ diễn đạt rõ nhất và là đỉnh điểm của nghĩa này là “sự ban cho của ân điển”: đó là sự sống đời đời trong Đấng Christ: “Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em” (I Phi-e-rơ 1:10).
  4. Nghĩa thứ tư của karis nghe có vẻ lạ lẫm với cách hiểu thông dụng của từ này, đó chính là lời tạ ơn – tạ ơn vì đã nhận được ân sủng, những phước lành thiên thượng. Phao-lô đã nhấn mạnh sự tạ ơn này trong sự thảo luận về đồ ăn: “Nếu tôi tạ ơn rồi ăn, cớ nào vì một bữa ăn đã cảm ơn mà lại bị chê bai?” (I Cô-rinh-tô 10:30). Từ “tạ ơn” ở đây có gốc từ “karis”. Cũng vì lý do này mà nhiều nước nói tiếng Anh sử dụng “say grace” chứ không phải là “pray” khi cầu nguyện trước bữa ăn.

Vậy, tóm lại, ân điển là sự ban cho của Đức Chúa Trời dành cho con người mà họ không xứng đáng nhận, bao gồm cả phương diện thuộc thể lẫn thuộc linh: từ sự sống thể chất, những khả năng, những thứ con người sở hữu được, những cơ hội để đáp ứng với Chúa và sống cuộc đời ý nghĩa, tấm lòng biết ơn, cho đến sự sống đời đời mà con người nhận được trong Đấng Christ. Tất cả đều chỉ bởi ân điển của Chúa mà thôi.

Trong lịch sử Hội Thánh, “duy bởi ân điển”– Sola gratia (tiếng La-tinh) là một trong 5 điểm nhấn mạnh của thời kỳ Cải Chánh.  Thuật ngữ Sola gratia tóm tắt giáo lý xác nhận chỉ ân điển mới là nền tảng của sự cứu rỗi và mỗi cá nhân chỉ được xưng công chính nhờ ân điển thông qua đức tin, như đã được công bố trong Ê-phê-sô 2:8-10 “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình;  vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo”. Sola gratia công nhận chỉ nhờ ân điển của Chúa mà tội nhân được xưng công chính, chứ hoàn toàn không do ý chí hoặc công việc của con người. Do đó, sự hợp tác giữa con người với Thiên Chúa không có chỗ trong công trình cứu rỗi của Chúa. Ngay cả đức tin (fides) cũng là kết quả của ân điển và không thể được xem là kết quả của nỗ lực con người.  Trên thực tế, tội nhân không đóng góp gì cho sự cứu rỗi của họ bằng những hành động theo ý muốn riêng của họ hoặc bằng những nỗ lực hay việc làm tốt nhất của họ. Sự cứu rỗi và tất cả những điều liên quan đến nó đều chỉ nhờ ân điển của Chúa. Việc lành không phải là nguyên nhân của ơn cứu rỗi, nhưng được thể hiện trong đời sống của Cơ Đốc nhân như bông trái của đức tin. (Xem Richard A. Muller, Dictionary of Latin and Greek Theological Terms: Drawn Principally from Protestant Scholastic Theology, 1985, tr. 284; Martin Davie, Tim Grass, Stephen R. Holmes, John McDowell, Thomas A. Noble, Kevin J. Vanhoozer, David Emmanuel Singh, Roland Chia. New Dictionary of Theology: Historical and Systematic, 2016, tr. 542).

Con người được cứu chỉ nhờ ân điển của Chúa mà thôi, vì không thể góp phần gì vào trong sự cứu rỗi đó. Sự sống của con người từ khi sáng tạo vốn là kết quả của ân điển – con người không tự mình tạo nên sự sống. Và khi tội lỗi vào trong thế gian, con người phạm tội và chết về mặt tâm linh, xa cách Chúa, ở dưới sự trói buộc và hậu quả của tội lỗi và không có cách nào để tự cứu mình. Tất cả con người đều phạm tội và hụt mất so với chuẩn mực của Chúa, không thể nào ở trong sự hiện diện vinh quang của Chúa (Rô-ma 3:23). Trong địa vị tội nhân, những điều tốt lành nhất mà con người có thể làm cũng chỉ là “áo nhớp” trước mặt Chúa (Ê-sai 64:6). Ân điển của Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra qua sự nhập thể, chịu chết, phục sinh của Đấng Cứu Thế để đền tội và phục hồi địa vị công nghĩa cho những ai tin Ngài. Ngay cả đức tin để tin vào Chúa Cứu Thế cũng là món quà ân sủng của Đức Chúa Trời trong Đức Thánh Linh cho con người (xem bài Duy bởi đức tin – Sola Fide)

Nhận thức cuộc đời  được cứu hoàn toàn nhờ ân sủng có ý nghĩa gì cho đời sống Cơ Đốc? Trước hết, người nhận thức sự cứu rỗi và sự sống của mình mỗi ngày chỉ bởi ân sủng mà thôi sẽ luôn sống trong tinh thần tuỳ thuộc Chúa, tôn cao và tạ ơn Chúa mỗi ngày về mọi điều, từ những điều nhỏ nhặt nhất mà Chúa ban cho mình, đến những khó khăn hoạn nạn khi nhìn thấy Chúa hành động, và cả sự sống quí báu mà họ có được nhờ Đấng Christ. Mỗi một ngày mở mắt ra, chúng ta thấy mình còn sống động: đó là ân điển. Chúng ta còn có người thân yêu bên cạnh: đó là ân điển. Chúng ta còn có thứ để học, có việc để làm, có lý tưởng để đeo đuổi: đó là ân điển. Những trải nghiệm được tha thứ sau những lần phạm tội và vấp ngã: đó là trải nghiệm của ân điển. Chúng ta còn tận hưởng cuộc sống này với những vật thực ngon, những cảnh đẹp, cùng sự hòa bình: đó là ân điển. Chúng ta còn có cơ hội để phục vụ, để ban cho: đó là ân điển. Chúng ta nhận được sự sống đời đời không phải bởi sự tu hành hay nỗ lực của bản thân mà nhờ sự hi sinh của Đấng Christ: đó là ân điển. Chúng ta thuộc về thân thể Chúa, tức là Hội Thánh, và được dự phần thông công trong thân thể ấy bằng nhiều cách khác nhau: đó là ân điển.

Kế đến, người nhận được ân điển sẽ không sống trong tinh thần khoe khoang vì nhận biết mọi điều mình có được là đến từ Chúa, như chính Phao-lô đã căn dặn tín hữu ở Ê-phê-sô rằng:  “Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:9). Hơn thế nữa, người nhận được ân điển cũng sẽ học biết lớn lên trong ân điển và sống trao ban, rộng rãi với những người chung quanh, không sống trong tinh thần đoán xét, chấp nhặt lỗi lầm của người khác nhưng tin cậy nơi quyền tể trị của Chúa để sống bao dung và yêu thương, như Chúa đã dạy: Người càng nhận thức mình được tha thứ nhiều càng biết ơn Chúa mà yêu thương nhiều.

Mặt khác, liệu ân điển thiên thượng về sự cứu rỗi có quá dễ dãi và rẻ rúng khi một người quá nhiều tội lỗi và không hề xứng đáng vẫn có thể nhận được chỉ bởi đức tin mà thôi? Đây chính là mấu chốt tạo nên sự khác biệt giữa Cơ Đốc giáo và các tôn giáo của con người – tội nhân được cứu bởi ân điển, sự ban cho hoàn toàn miễn phí của Chúa, không phải vì ân điển rẻ rúng mà vì ân điển là vô giá, không con người nào có thể mua nổi. Như Phao-lô nói: “Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 6:20). Ngôi Hai Đức Chúa Trời, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, đã nhập thể làm người, chịu thương khó và chịu chết để con người có thể hòa thuận với Đức Chúa Trời và được sự sống đời đời. Sự hi sinh ấy không hề rẻ. Hơn nữa, ân điển trong niềm tin Cơ Đốc tuy là sự ban cho vô điều kiện nhưng không phải là sự ban cho vô tội vạ: nó không hề dung túng tội lỗi nhưng luôn được soi sáng bởi chân lý. Nhờ ân điển, người ta biết đến chân lý để được cứu rỗi và được bước đi trong sự sáng. Nhờ chân lý, người ta càng hiểu giá trị của ân điển, bởi chân lý chỉ cho họ tội lỗi của mình và con đường đúng đắn mình phải đi, bởi vì Chúa mà chúng ta tôn thờ chính là “Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta, đầy ân điển và chân lý” (Giăng 1:14 – BTTHĐ), và Ngài chính là con đường, là chân lý (Giăng 14:6).

Người thật sự tiếp nhận ân điển của Chúa sẽ không bao giờ tầm thường hóa ân điển, không sống với loại “ân điển rẻ rúng” như Mục sư Bonhoeffer đã viết trong The Cost of Discipleship (1937- tạm dịch: Trả giá để làm Môn đồ). Ân điển rẻ rúng “giảng về sự tha thứ mà không đòi hỏi sự ăn năn, chịu báp-têm mà không theo kỷ luật Hội Thánh, dự tiệc thánh mà không cần xét mình xưng tội. Ân điển rẻ rúng là ân điển không có tinh thần làm môn đ, ân điển không có thập giá, ân điển không có Chúa Giê-xu Christ”. Đó là sự lạm dụng ân điển chứ không sống trong ân điển. Người nhận và sống trong ân điển sẽ tự nhiên là người quý trọng ân điển của Chúa, trả giá để sống đúng địa vị của người được cứu và thánh hóa nhờ ân điển, sống biết ơn và tôn cao Đấng ban ân điển.

Thật tạ ơn Chúa vì giữa một thế giới đầy dẫy những yêu cầu, những đòi hỏi, chúng ta kinh nghiệm được ân điển của Chúa trên cuộc đời mình. Ân điển ấy cho chúng ta sự bình an, sự bảo đảm, sự thỏa lòng, niềm hi vọng và sức mới để sống và chiến đấu mỗi ngày. Như Philip Yancey đã viết trong tác phẩm What’s So Amazing about Grace? (tạm dịch: Có điều gì kỳ diệu về ân điển thế?) rằng: “Ân điển là thế lực mạnh mẽ, phức tạp nhất trong vũ trụ, và tôi tin rằng, nó là niềm hy vọng duy nhất cho hành tinh đầy bạo lực và vặn vẹo của chúng ta”. Ân điển ấy cũng dẫn chúng ta vào lối công bình, bước đi trong tình yêu và lẽ thật, để ơn thương xót của Đức Chúa Trời và ý muốn của Ngài cho con người tiếp tục được bày tỏ ra qua chúng ta.

Mùa Giáng sinh năm nay, một lần nữa chúng ta được nhắc nhớ về ân điển diệu kỳ của Đức Chúa Trời trong Đấng Cứu Thế – Đức Chúa Trời nhập thể, bạn dâng lên Chúa lời tạ ơn về sự ban cho nào của Chúa mà bạn đã trải nghiệm? Dẫu chưa thể dò tìm hết được tất cả những niềm vui lớn lao, chúng ta vẫn luôn nhận được ân điển đầy dư qua món quà sự sống đời đời, một sự bảo đảm diệu kỳ bởi đức tin. Nguyện Chúa tiếp tục bày tỏ ân điển Ngài đối với bạn, và dùng bạn để bày tỏ ân điển của Ngài cho tha nhân. A-men.

Khối Thanh Niên – Ủy Ban Thanh Thiếu Nhi Tổng Liên Hội

Bài trướcVì sao chúng ta cần Lễ Giáng sinh?
Bài tiếp theoEnauj Kev Ntseeg – 14/12/2023