Sứ Mệnh của Đức Chúa Trời – MISSIO DEI

12013

Trong Đấng Christ, người Cơ Đốc đã được phục hồi Imago Dei để sống công chính trước mặt Đức Chúa Trời (Coram Deo) vì sự vinh hiển của Ngài. Nhưng cụ thể hơn, người Cơ Đốc và Hội Thánh, tức là cộng đồng Cơ Đốc, tồn tại trên đất để làm gì? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần thần học về sứ mệnh, vì việc xác định sứ mệnh của cá nhân và Hội Thánh không thể tách rời khỏi sứ mệnh của Đức Chúa Trời, Missio Dei.

Missio Dei, trong ý nghĩa căn bản nhất, là “sứ mệnh của Chúa.”  Missio Dei không chỉ nói đến sứ mệnh Chúa trao ban cho Hội Thánh, mà nhấn mạnh sứ mệnh của chính Chúa. Bởi ân sủng của Chúa, Hội Thánh vừa là kết quả vừa được dự phần vào sứ mệnh ấy.

Trước thế kỷ thứ 16, cụm từ Missio Dei chỉ được dùng trong tín lý về Đức Chúa Trời Ba Ngôi để chỉ về việc Chúa Cha sai phái Chúa Con, và Chúa Cha và Chúa Con sai phái Chúa Thánh Linh (theo David Bosch, Transforming Mission: Paradigm Shifts in Theology of Mission, 2005). Từ thế kỷ thứ 20, thuật ngữ này mới thật sự được sử dụng rộng rãi để nói về công tác truyền giáo của Hội Thánh. Mặc dù ý nghĩa và cách sử dụng thuật ngữ này đa dạng giữa vòng phong trào Đại Kết lẫn giới Tin Lành thuần túy, người ta thừa nhận rằng theo Kinh Thánh, sứ mệnh thuộc về Đức Chúa Trời, và sứ mệnh của Đức Chúa Trời rộng lớn hơn các hoạt động truyền giáo của Hội Thánh.

Thế thì sứ mệnh của Đức Chúa Trời là gì? Theo Bruce Ashford trong Theology and Practice of Mission (2012), về cơ bản có bốn quan điểm mang tính mô tả như sau:

Thứ nhất, sứ mệnh của Chúa là phục hồi cõi tạo vật vì lợi ích của tạo vật. Quan điểm này mang tính lai thế và lấy cõi tạo vật làm trung tâm. Mục đích của Đức Chúa Trời cho thế giới tập trung vào việc phục hồi shalom trong các phương diện xã hội, chính trị và kinh tế, và Đức Chúa Trời sử dụng lịch sử thế tục để hoàn thành sứ mệnh này. Cả Ba Ngôi đều tham gia vào sứ mệnh của Đức Chúa Trời: Chúa Cha thiết kế và khởi xướng, Chúa Con định hình vương quốc qua chức vụ Mê-si-a của Ngài, và Đức Thánh Linh trợ giúp thành lập vương quốc shalom. Vì vậy, sứ mệnh của Hội Thánh là sự phát triển xã hội.

Thứ hai, Missio Dei được sử dụng để nhấn mạnh khía cạnh “sai đi” của Đức Chúa Trời trong chương trình cứu chuộc. Đặc điểm này phản ánh ý nghĩa của động từ mitto trong tiếng La-tinh, có nghĩa là “sai đi.” Thiết kế và hoạt động của Missio Dei được định vị sau sự sa ngã của loài người. Đức Chúa Cha sai Con đến thế gian; Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con sai Đức Thánh Linh đến trong thế gian; và Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh sai Hội Thánh vào trong thế gian. Thân vị và công tác của Đức Chúa Giê-xu Christ là trung tâm của các hoạt động sai đi của Đức Chúa Trời, tức là sự sai phái Chúa Con, Thánh Linh và Hội Thánh.

Thứ ba, sứ mệnh của Chúa là cứu vớt con người ra khỏi tội lỗi. Góc nhìn này giới hạn mục đích sứ mệnh của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi linh hồn cá nhân hơn là bao trùm toàn bộ lịch sử. Nói cách khác, cách tiếp cận Missio Dei của quan điểm này mang tính cứu thục học hơn là lai thế học. Đời sống và sự chết của Con Đức Chúa Trời là trọng tâm của Missio Dei. Dù vậy, sứ mệnh là của Ba Ngôi: Đức Chúa Cha đã lập kế hoạch và sai Đức Chúa Con đến thế gian, và cũng sai Đức Chúa Thánh Linh đến để áp dụng cho Hội Thánh sự cứu rỗi mà Chúa Con đã thực hiện.

Thứ tư, sứ mệnh của Đức Chúa Trời là cứu chuộc và phục hồi cõi tạo vật cho chính mình Ngài. Quan điểm này mang tính lai thế, nhưng khác với quan điểm đầu tiên nói trên ở chỗ trung tâm của nó là thân vị và công tác của Đấng Christ. Điều này có nghĩa là sự nhập thể, sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ đã đem đến sự thay đổi cho thế giới. Ngài đã chiến thắng quyền lực và ảnh hưởng của tội lỗi và sự chết đối với con người, và phục hoà mối liên hệ giữa con người với Đức Chúa Trời, để con người sống trong sự nhận biết, thờ phượng và vui hưởng mối tương giao với Đức Chúa Trời.

Từ các quan điểm trên, chúng ta có thể tóm tắt ý nghĩa cơ bản của Missio Dei như sau. Thứ nhất, Missio Dei bắt nguồn từ Đức Chúa Trời Ba Ngôi và là công tác của cả Ba Ngôi, xuất phát từ bản tính của Ngài, và vì chính Ngài. Thứ hai, sứ mệnh của Chúa bao gồm sự sai phái Chúa Con, Thánh Linh và Hội Thánh vào trong thế giới. Thứ ba, sứ mệnh của Chúa bao hàm sự cứu rỗi đời sống con người một cách toàn diện, chứ không chỉ cứu rỗi linh hồn. Thứ tư, sứ mệnh của Ngài là tái tạo toàn bộ cõi tạo vật trong trời mới đất mới, chứ không chỉ tái tạo loài người. Thứ năm, Missio Dei cho  thấy rằng Hội Thánh không phải là chủ thể của sứ mệnh, mà được mời gọi dự phần trong sứ mệnh.  Sứ mệnh của chúng ta là “sự tham gia có cam kết của chúng ta trong tư cách là dân của Đức Chúa Trời, theo lời mời và mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, vào sứ mệnh riêng của Đức Chúa Trời trong lịch sử thế giới của Đức Chúa Trời để cứu chuộc cõi tạo vật của Đức Chúa Trời . . . Sứ mệnh của chúng ta bắt nguồn từ và tham gia vào sứ mệnh của Chúa.” (Theo Christopher Wright, The Mission of God, 2006).

Việc nhận biết ý nghĩa của Missio Dei có liên hệ gì đến chúng ta?

Trước tiên, Missio Dei giúp chúng ta tập trung và tham gia vào sứ mệnh của chính Chúa hơn là nói về sứ mệnh của Hội Thánh tôi, ban ngành của tôi, nhóm của tôi. Điều này không phủ nhận vai trò của Hội Thánh trong sứ mệnh, nhưng nó nhắc nhở chúng ta đặt sứ mệnh của mình trong sứ mệnh của Chúa. Hội Thánh là khách thể vừa là chủ thể trong công tác truyền giáo. Công tác truyền giáo và gắn kết xã hội của Hội Thánh phải được thực hiện trong sự nhận biết rằng đó là một phần trong kế hoạch lớn lao hơn của Missio Dei.

Điểm liên hệ kế đến là “sứ mệnh Cơ Đốc được bắt nguồn từ sứ mệnh của Đức Chúa Trời (missio Dei) chứ không phải từ một nhiệm vụ cụ thể (như mở Hội Thánh mới) hoặc một mục tiêu cụ thể (như khiến người ta cải đạo)” (Theo Scott Sunquist, Understanding Christian Mission, 2013). Động cơ và nội dung công tác của chúng ta đặt trên mối liên hệ và sự nhận biết tấm lòng và ý muốn Chúa cho thế giới mà trong đó chúng ta được Chúa sai phái.

Một liên hệ thực tế nữa là bởi vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời có sứ mệnh, cho nên Hội Thánh của Đức Chúa Trời không thể là Hội Thánh nếu thiếu mất hay lơ là việc thực hiện sứ mệnh. Người Cơ Đốc và cộng đồng Cơ Đốc sống để dự phần trong sứ mệnh của Đức Chúa Trời. Sứ mệnh đó bao gồm sự bày tỏ Đức Chúa Trời là ai và mời gọi người khác bước vào, vui hưởng mối tương giao với Ngài, và dự phần trong sứ mệnh của Ngài.

Là con cái Chúa, những người được cứu và được phục hồi, bạn và tôi được mời gọi để dự phần vào Missio Dei qua đời sống và công việc của chúng ta. Mỗi một việc chúng ta làm, mỗi một sự nghiệp chúng ta xây dựng, mỗi một sự kêu gọi mà chúng ta đáp ứng, và mỗi một dự án chúng ta thực hiện đều cần phải dẫn người ta đến với Đấng Sáng Tạo thông qua Đấng Cứu Thế và đem đến sự phục hồi toàn diện về cả tâm linh, trí tuệ và tinh thần của con người.

Tham khảo:

Bruce Ashford, Theology and Practice of Mission, 2012.
Christopher Wright, The Mission of God, 2006.
David Bosch, Transforming Mission: Paradigm Shifts in Theology of Mission, 2005.
Scott Sunquist, Understanding Christian Mission, 2013.

Khối Thanh Niên – Ủy Ban Thanh Thiếu Nhi TLH

Bài trướcSự Phán Xét Của Đức Chúa Trời – 20/11/2023
Bài tiếp theoĐồng Nai: Hội Đồng Bồi Linh lần II, Khu vực IV và V