Vợ Của Ca-in Là Ai?

5609

Câu hỏi:

Thưa Mục sư, tôi đọc Kinh Thánh từ đầu đến chương 4 thì thấy trên thế giới lúc đó chỉ có ông A-đam, bà Ê-va, Ca-in và A-bên. Sau khi Ca-in giết A-bên thì Chúa đã phạt Ca-in phải lẩn trốn và phiêu bạt trên đất. Vậy làm sao Ca-in có thể có vợ như trong Sáng Thế Ký 4:17?

 

Trả lời:

Chào bạn, cho đến thời điểm này trong sách Sáng Thế Ký, chúng ta chỉ biết đến ông A-đam, bà Ê-va, Ca-in và A-bên. Nhưng câu trả lời hiển nhiên nhất cho câu hỏi thường gặp này đó là ông A-đam và bà Ê-va cũng sinh những người con khác, trong đó có những người con gái. Thật vậy, trong Sáng Thế Ký 5:4 cũng đã nói rõ “[A-đam] sinh con trai con gái.”

Như vậy, ông Ca-in hẳn đã cưới người em gái của mình. Tuy nhiên, thừa nhận điều này làm dấy lên hai vấn đề khác: Có phải ông Ca-in phạm tội loạn luân hay không? Và tại sao không bị nguy cơ về di truyền là hôn nhân cận huyết?

Chúng ta có thể trả lời hai điều về vấn đề này. Thứ nhất, nếu chúng ta tin vào những gì Kinh Thánh đã chép, rằng nhân loại bắt nguồn từ hai người, thì những gia đình cận huyết với nhau là điều không thể tránh khỏi. Không thể đòi hỏi một cách nào khác để con người sinh sôi nảy nở.

Thứ hai, ý niệm về sự loạn luân cần phải được tìm hiểu một cách sâu sắc hơn. Tội loạn luân trước hết dùng để chỉ mối quan hệ tình dục giữa cha mẹ và con cái. Sau đó tội loạn luân này mới được mở rộng ra cho mối quan hệ giữa các anh chị em với nhau và được quy định rõ ràng trong luật pháp Môi-se.

Trước thời kỳ luật pháp, dường như đây không phải là vấn đề gì. Kinh Thánh ký thuật việc ông Áp-ra-ham cưới em gái cùng cha khác mẹ của mình (Sáng Thế Ký 20:12). Thậm chí cha của ông Môi-se là Am-ram đã cưới cô của mình là bà Giô-kê-bết (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:20). Tại Ai Cập, các vua Pha-ra-ôn có tục lệ cưới những người chị em với mình, tục lệ này kéo dài đến thế kỷ thứ 2.

Tuy nhiên, đến thời của Môi-se, tất cả dạng thức của tội loạn luân được luật pháp trình bày rõ ràng (Lê-vi Ký 18:7-17; 20:11-12, 14, 17, 20-21; Phục Truyền 22:30; 27:20, 22, 23). Luật pháp cấm quan hệ tình dục hoặc hôn nhân giữa cha, mẹ, mẹ kế, anh chị em, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, cháu gái, con dâu, con rể, bác, thím, hoặc vợ của anh em mình.

Việc ngăn cấm loạn luân là vì lý do di truyền. Cận huyết trong thời cổ xưa hầu như chưa gây nên một tác hại di truyền nào, nhưng do hậu quả của tội lỗi nên tình trạng của con người ngày càng xuống cấp, tuổi thọ cũng giảm dần. Do đó, ngày nay nguy cơ về di truyền do hôn nhân cận huyết là rất lớn.

Thân ái!

(BTMV 46 – Tháng 03/2015)

Bài viết này được trích đăng từ chuyên mục “Thưa Mục sư” của Bản Tin Mục Vụ. Để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác, quý độc giả có thể đặt mua BTMV qua địa chỉ contact@httlvn.com hoặc số điện thoại của Phòng Truyền thông: 028.38.533.633

Bài trướcNgười Dọn Đường Cho Chúa – 17/6/2020
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Tỉnh Thừa Thiên Huế Tháng 6/2020