Đức Chúa Giê-xu Có Thật Sự Bị Cám Dỗ?

2319

Thưa Mục sư, trong thư Hê-bơ-rơ, trước giả có viết về việc Đức Chúa Giê-xu bị cám dỗ. Nhưng Đức Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, là Đấng vô tội, nên phải chăng các ham muốn tội lỗi không thể ảnh hưởng đến Ngài và nhờ đó Ngài có thể dễ dàng vượt qua các cám dỗ?

Mến chào bạn!

Quả thật thư Hê-bơ-rơ có hai lần nói rõ rằng Đức Chúa Giê-xu bị cám dỗ. Trước nhất trước giả viết: “Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy” (Hê-bơ-rơ 2:18), và sau đó tiếp tục tuyên bố rằng Đức Chúa Giê-xu “bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta” (Hê-bơ-rơ 4:15). Nhiều Cơ Đốc nhân tranh luận rằng Đấng Christ thực sự không thể bị thử thách “như chúng ta”. Vì, đúng như bạn nhận xét, Đấng Christ là Con Đức Chúa Trời, Đấng hoàn toàn vô tội và không thể phạm tội. Phải chăng sự hiện hữu của Đấng Christ với tư cách là Đức Chúa Trời khiến cho trải nghiệm cám dỗ đối với Ngài chẳng khác nào việc chứng kiến một kẻ thù dù mạnh nhưng đang tự làm cho mình bầm dập khi cố đánh vào một thành trì bất khả xâm phạm hay sao?

Câu hỏi của bạn về các câu Kinh Thánh này liên quan đến hai vấn đề: thứ nhất là bản chất của sự cám dỗ, và thứ hai là bản chất của Đấng Christ. Chúng ta có kinh nghiệm trong vấn đề thứ nhất. Nhưng với vấn đề thứ hai, là con người, chúng ta không có kinh nghiệm gì. Vì thế, chúng ta phải dựa vào những gì Kinh Thánh cho chúng ta biết về Đấng Christ.

Thuật ngữ tiếng Hy Lạp được dịch là “cám dỗ” còn có thể được dịch là “thử thách”. Loài người bị thử thách để xem liệu chúng ta có vâng lời Đức Chúa Trời khi chúng ta rơi vào tình trạng khủng hoảng, khốn đốn, và không biết tương lai sẽ ra sao (xem Sáng Thế Ký 22:1). Chúng ta bị thử thách để xem liệu chúng ta có tiếp tục trung tín khi dường như không có cách nào để vượt qua hoàn cảnh khó khăn (xem Gióp 1-2). Chúng ta bị thử thách để xem liệu tấm lòng của chúng ta có thực sự dành trọn cho Đức Chúa Trời hay chúng ta đang cố gắng phục vụ hai chủ (Gia-cơ 1:14-15; so sánh với Gia-cơ 4:3-4). Đức Chúa Giê-xu đã kinh nghiệm tất cả những điều này. Trong Ma-thi-ơ 4, Ngài đối mặt với ba thử thách, tương ứng với các thử thách mà dân Y-sơ-ra-ên đã trải qua trong đồng vắng:

(1) Khi Đức Chúa Giê-xu dường như sắp chết đói, giống như dân Y-sơ-ra-ên, Ngài có đòi Đức Chúa Trời cho Ngài ăn không? Đức Chúa Giê-xu đã vượt qua bài kiểm tra và từ chối đòi hỏi. Ngài sẵn sàng tin cậy Đức Chúa Trời cho đến chết nếu cần. Miễn là Đức Chúa Trời bảo “kiêng ăn”, Đức Chúa Giê-xu sẽ kiêng ăn.

(2) Đức Chúa Giê-xu có chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc cho Ngài không? Tại sao Ngài không thử Đức Chúa Trời để biết chắc? Đức Chúa Giê-xu không thử Đức Chúa Trời và vượt qua bài kiểm tra, bởi vì Ngài có lòng trông cậy thật nơi Đức Chúa Trời, và sự trông cậy đó không lay chuyển.

(3) Đức Chúa Trời sẽ thực sự ban cho Đức Chúa Giê-xu tất cả các vương quốc của thế gian này? Con đường của Đức Chúa Trời há không phải là một con đường không chắc chắn và rất khó sao? Chỉ cần một chút thoả hiệp với Sa-tan, Đức Chúa Giê-xu sẽ có được vương quốc mà không cần phải chịu đau đớn. Một lần nữa, Đức Chúa Giê-xu vượt qua thử thách vì Ngài từ chối thỏa hiệp với cái ác, dù lời đề nghị của ma quỷ có hấp dẫn hay có vẻ “thuộc linh”. Vì thế, Đức Chúa Giê-xu chứng tỏ Ngài là Con thật của Đức Chúa Trời, như dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng đã chứng tỏ họ là ‘con giả’. Ba cám dỗ này chính xác là các loại thử nghiệm mà chúng ta với tư cách là con người phải đối mặt.

Nhưng điều gì khiến chúng ta thất bại trước thử thách? Gia-cơ (trong Gia-cơ 1:14) và Phao-lô (trong Rô-ma 7:17) truy tìm nguyên nhân dẫn đến một gốc rễ bên trong chúng ta mà Gia-cơ gọi là “tư dục” và người Do Thái gọi đó là “sự thôi thúc tội lỗi”. Nó còn được gọi là “ham muốn”, hoặc các nhà tâm lý học có thể gọi nó là “động lực” hoặc “động cơ thúc đẩy”. Thức ăn trở thành ham muốn bởi vì tôi đang đói. Nơi trú ẩn trở thành ham muốn bởi vì tôi đang lang thang. Nhưng cái đói cũng khiến thức ăn của hàng xóm trở nên đáng thèm muốn. Tương tự, ngôi nhà hoặc vật dụng của hàng xóm có thể trở thành ham muốn nếu tôi đang bị cái ác dẫn dụ.

Vậy, Đức Chúa Giê-xu có ham muốn không? Câu trả lời được tìm thấy trong thư Hê-bơ-rơ rằng Ngài “bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta” (Hê-bơ-rơ 4:15). Ma-thi-ơ 4:2 cho biết rằng Đức Chúa Giê-xu đói.Trong trường hợp này, động lực hoặc ham muốn đã có. Tương tự, chúng ta có thể giả định rằng Đức Chúa Giê-xu có tất cả các động cơ thúc đẩy khác như tất cả con người bình thường khác đều có. Ngài cảm thấy khát, mệt mỏi, cô đơn và mọi thứ khác mà chúng ta cảm nhận được. Thậm chí một số điều Ngài còn cảm thấy ở mức độ dữ dội hơn. Hãy nghĩ đến sự cô đơn tột độ mà Đức Chúa Giê-xu phải trải qua khi Ngài kêu lên trên thập giá:“Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46). Theo câu Kinh Thánh này và Tân Ước nói chung, Đức Chúa Giê-xu hoàn toàn là con người.

Chỉ có một ngoại lệ khác với con người là Đức Chúa Giê-xu không phạm tội. Trong Ma-thi-ơ 4, chúng ta thấy Ngài không bao giờ nhượng bộ, nhưng vượt qua từng cám dỗ. Tại Ghết-sê-ma-nê, nơi Đức Chúa Giê-xu đấu tranh dữ dội, nhưng cuối cùng Ngài nói:“Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha” (Ma-thi-ơ 26:39). Tại thập tự giá, chắc chắn Đức Chúa Giê-xu cảm nhận rõ sự đau đớn thể xác và cả sự tức giận khi Ngài bị lột trần và bị đóng đinh vào cây gỗ, nhưng phản ứng của Ngài là lời cầu nguyện:“Lạy Cha, xin tha cho họ” (Lu-ca 23:34). Thư Hê-bơ-rơ khẳng định,với mỗi tình huống, Đức Chúa Giê-xu đã đưa ra đáp ứng thích hợp trước mặt Đức Chúa Trời. Ngài không hề phạm tội. Vậy Đức Chúa Giê-xu có thể phạm tội không? Kinh Thánh không bao giờ đi sâu vào các suy đoán triết học như vậy. Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng một người không phạm tội chứng tỏ người đó có đức hạnh và sự thử thách là có thật, dù bản thân từ “thử thách” dường như ngụ ý cả khả năng thất bại. Tóm lại, điều mà thư Hê-bơ-rơ muốn chúng ta nắm rõ đó là cho dù Đức Chúa Giê-xu có khả năng để phạm tội hay không, thì cuối cùng Ngài đã không phạm tội.

Phải chăng vì Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời nên Ngài không thực sự bị cám dỗ?

Trên thực tế, Hội Thánh qua nhiều thời đại thường có xu hướng bỏ qua phần nhân tính của Đấng Christ và chỉ tập trung vào việc xem Ngài là Thần hơn là con người, nhưng giáo lý chính thống không chấp nhận sự bóp méo đó. Các tín điều Cơ Đốc khẳng định về 2 bản chất của Đấng Christ không phải như thể bản chất con người sẽ cảm nhận và bản chất thần thánh sẽ đưa ra phản ứng đúng đắn. Tín điều Cơ Đốc xác quyết rằng Đấng Christ đã nhập thể hoàn toàn, nghĩa là Ngài có tất cả mọi thứ mà con người có, bản chất con người cảm nhận và cũng bản chất ấy phản ứng như những con người khác, ngoại trừ việc Ngài không bao giờ phạm tội. Và đó chính là những gì trước giả thư Hê-bơ-rơ đang cố gắng cho chúng ta thấy: Đức Chúa Giê-xu đã trải qua thử thách giống như tất cả chúng ta.

Đây là một giáo lý quan trọng. Theo Hê-bơ-rơ 4:15, Đức Chúa Giê-xu có thể “cảm thương sự yếu đuối chúng ta”. Ngài có thể làm được điều này bởi vì Ngài đã trải qua cùng một kiểu điểm yếu giống chúng ta. Giờ đây Đức Chúa Giê-xu được tôn cao ở bên hữu của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài hoàn toàn thấu hiểu và kinh nghiệm tất cả những gì con người đang trải qua. “Vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy” (Hê-bơ-rơ 2:18). Một người phải trải qua một tình huống nào đó thì mới có thể trở nên hữu ích trong tình huống đó, nhưng với điều kiện là người đó phải thành công. Một người thất bại trong một bài kiểm tra thì khó có thể hướng dẫn người khác cách để vượt qua bài kiểm tra đó. Đức Chúa Giê-xu đã làm bài kiểm tra giống như chúng ta, trên nhiều phương diện, bài kiểm tra của Ngài còn khốc liệt hơn. Nhưng Ngài đã vượt qua. Đức Chúa Giê-xu đã không phạm tội. Ngài không thất bại trong bất kỳ cách cám dỗ nào. Kết quả là, Đức Chúa Giê-xu có thể đáp lại chúng ta, là những người hiện đang phải chịu đựng sự thử thách, bằng sự cảm thông thực sự, vì Ngài cảm nhận cùng sự đau đớn và sự thôi thúc của chúng ta. Đức Chúa Giê-xu cũng có thể chỉ cho chúng ta, bằng tấm gương của chính Ngài, cách vượt qua bài kiểm tra một cách thành công.

Sự nhập thể là một huyền nhiệm nhưng với trước giả thư Hê-bơ-rơ, sự nhập thể là rất thật. Đức Chúa Giê-xu giống chúng ta, ngoại trừ việc chúng ta có tội, còn Ngài thì không. Lẽ thật này đập tan cái nhìn của người Hy Lạp đương thời về một Đức Chúa Trời không bị tác động bởi cảm xúc và thử thách, nhưng mang lại sự an ủi và khích lệ cho chúng ta, là những người mỗi ngày đang bước đi theo gương của Đức Chúa Giê-xu.

Bài trướcVĩnh Long: Hội Thảo “Người Phục Vụ Giới Trẻ”
Bài tiếp theoCeev Kev Sib Txuas Nrog Vajtswv Thiab Lwm Tus – 1/2/2023