Những Xuyên Tạc Lịch Sử Về Lễ Giáng Sinh

12466

Mỗi năm cứ đến mùa Giáng sinh, những câu hỏi: Vì sao chúng ta tổ chức Lễ Giáng sinh? Vì sao là ngày 25 tháng 12? Lễ Giáng sinh có phải là lễ hội ngoại giáo không?… lại được nêu ra bởi những người có ý tìm hiểu cũng như bởi những kẻ chống đối những giáo lý và truyền thống của Hội Thánh. Có ít nhất 6 luận điểm thường được sử dụng để xuyên tạc về Lễ Giáng sinh như sau:

1. Lễ hội thờ thần Saturnalia (Sao Thổ) – SAI
Saturnalia là một lễ hội của người La Mã cổ đại để tôn vinh thần Sao Thổ với nghi thức tế lễ tại đền thờ Sao Thổ ở quãng trường La Mã. Kỳ lễ kéo dài từ ngày 17 tháng 12 đến ngày 23 tháng 12 và chưa bao giờ gắn liền với ngày 25 tháng 12.1


Tác phẩm Saturnalia (1783) của Antoine-François Callet, mô tả về lễ hội thời thần Sao Thổ

2. Lễ hội thần Tammuz (Ta-mút) – SAI
Lễ hội thần Tammuz được tổ chức trong suốt tháng Tammuz vào giữa mùa hè, khoảng tháng 6 và tháng 7 Dương lịch, để kỷ niệm cái chết và sự hồi sinh của Tammuz, một vị thần của người Ba-by-lôn. Ngày đầu tiên của tháng Tammuz là ngày trăng non của ngày hạ chí, vào ngày thứ hai trong tháng, có sự than thở về cái chết của Tammuz, vào các ngày 9, 16 và 17 có lễ rước đuốc, và trong ba ngày cuối cùng, hình ảnh của Tammuz được chôn cất.2


Phù điêu thần Tammuz (khoảng năm 2000 TC)

Ê-xê-chi-ên 8:14-15 lên án những người phụ nữ khóc than cho thần: “Ngài dẫn ta đến lối vào cửa nhà Đức Giê-hô-va, cửa ấy về phía bắc; nầy, tại đó ta thấy những đàn bà ngồi mà khóc Tham-mu [Tammuz]. Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi con người, thấy chưa? Ngươi sẽ còn thấy những sự gớm ghiếc lớn hơn nữa!”
Theo lịch Do Thái (cũng theo Kinh Thánh) có một tháng cũng có tên là Tammuz – tháng tư (Ê-xê-chi-ên 1:1; Giê-rê-mi 39:2), tương ứng với tháng 6 và tháng 7 Dương lịch.

3. Chúa Jêsus không sinh ra vào ngày 25 tháng 12 – SAI
Không ai biết chắc chắn về ngày sinh của Chúa Jêsus, điều đó có nghĩa là Chúa có thể được sinh ra vào ngày 25 tháng 12 hay bất kỳ một ngày nào khác. Tuy nhiên, ngày 25 tháng 12 không được lựa chọn một cách ngẫu nhiên.
Nếu Xa-cha-ri đã dâng hương ở Nơi Thánh của Đền thờ Jerusalem trong kỳ đại lễ chuộc tội (Lu-ca 1:9) vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 thì điều này có nghĩa là Giăng Báp-tít được sinh ra 9 tháng sau, giữa tháng 6 và tháng 7. Kinh Thánh cũng cho biết rõ ràng rằng Giăng Báp-tít được thụ thai trước Chúa Jêsus 6 tháng (Lu-ca 1:26, 36), do đó 6 tháng sau thì Chúa Jêsus được sinh ra, thời điểm sẽ là cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1, trùng khớp với truyền thống Hội Thánh Đông phương cũng như Tây phương: Giáo hội Tây phương và các nhánh cải chánh kỷ niệm Chúa Jêsus giáng sinh vào ngày 25 tháng 12, trong khi giáo hội Đông phương và các nhánh ra từ đó kỷ niệm Chúa Jêsus giáng sinh vào ngày 6 tháng 1, khoảng thời gian giữa hai này được gọi là 12 ngày của Lễ Giáng sinh.3


Tranh sơn dầu Adoration of the Shepherds của Georges de la Tour

Các Giáo phụ trong những thế kỷ đầu của lịch sử Hội Thánh như Clement ở Alexandria (150-215), Tertullian ở Carthage (160-240), Augustine ở Hippo (354-430) cũng đề cập đến ngày Chúa Jêsus giáng sinh là 25 tháng 12.4

4. Tôn vinh thần Mặt Trời (Sun god) – SAI
Đúng là vào năm 274, hoàng đế Marcus Aurelio đã chọn ngày 25 tháng 12 là ngày “Sol Invictus” – “Mặt Trời không thể khuất phục” và trong 3 thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh, dường như lịch sử hoàn toàn yên lặng với ngày Lễ Giáng sinh.


Đĩa bằng bạc dâng cho Sol Invictus (Thế kỷ thứ 3)

Tuy nhiên, cần biết rằng suốt 3 thế kỷ đó, Hội Thánh ở trong sự bắt bớ và các tín hữu được lưu ý phải tránh xa những lễ nghi ngoại giáo ở nơi công cộng như những buổi tế lễ, những trò chơi, các lễ hội…, ít nhất cho đến năm 312, khi hoàng đế Constantine quy đạo và khiến Cơ Đốc giáo trở thành quốc giáo trên toàn đế quốc La Mã.5 Lễ Giáng sinh đã được Hội Thánh tại La Mã chính thức tổ chức vào ngày 25 tháng 12 năm 336, dưới thời trị vì của hoàng đế Constantine, tuy nhiên Lễ Giáng sinh không trở nên một kỳ lễ lớn cho đến thế kỷ thứ 9.6
Và vì ngày 25 tháng 12 đã được xác định là ngày Chúa Jêsus bởi các giáo phụ từ thế kỷ thứ 2, nên khi chính thức trở thành ngày Lễ Giáng sinh tại đế quốc La Mã năm 336 thì có sự trùng hợp với ngày “sol invictus” đã được đặt ra vào năm 274.

5. Các thuật sĩ đã bắt đầu truyền thống cây Giáng sinh – SAI
Truyền thống về cây Giáng sinh xuất hiện đầu thế kỷ thứ 8 bởi Boniface, nhà truyền giáo người Anh mang đức tin đến cho những người Viking ở Đức. Tại đó, ông nhận thấy các bộ lạc người Đức tôn kính “cây sồi của thần Thor” – một cây cổ thụ mà họ tin là rất thiêng liêng và không thể bị hủy diệt. Trong một lần nghi thức hiến tế trẻ em cho cây sồi được dân chúng thực hiện, Boniface đã lấy rìu đốn hạ cây sồi đó để chứng minh rằng nó không phải là thần thánh. Rồi ông chỉ tay về phía một cây nhỏ khuất sau cây sồi bị đốn hạ và rao giảng: “hãy nhìn cái cây nhỏ bé này, lá của nó luôn xanh tươi, đó là dấu hiệu của một cuộc sống vĩnh cửu – biểu tượng của Hài Nhi Thánh… Hãy đem nó về trong chính ngôi nhà của bạn, ở đó không còn những nghi thức tế lễ đẫm máu mà chỉ chứa đựng những món quà yêu thương và những điều tử tế.”7


Tranh Bonifacius (1905) của Emil Doepler

Nhiều thế kỷ sau cũng tại nước Đức, khi đang đi bộ về nhà vào một buổi tối mùa đông, Martin Luther (1483-1546), đã kinh ngạc trước những ngôi sao lấp lánh giữa những tán cây xanh. Để tái hiện lại khung cảnh đó trong nhà mình, Luther đã dựng một cái cây trong phòng khách và buộc các cành của nó bằng những ngọn nến được thắp sáng.8

6. Kinh Thánh không dạy chúng ta phải kỷ niệm sự ra đời của Chúa Jêsus – SAI
Các thiên binh trên trời đã vui mừng ca hát mừng Chúa Jêsus giáng sinh (Lu-ca 2:13-14); Các mục đồng đã vội vàng đến nơi chuồng chiên, máng cỏ ở Bết-lê-hem để đón mừng Chúa Jêsus giáng sinh (Lu-ca 2:16); Si-mê-ôn được Đức Thánh Linh cảm động, đã vui mừng bồng ẵm Hài nhi Jêsus (Lu-ca 2:27-32); nữ tiên tri Anne đã mừng Chúa Jêsus giáng sinh (Lu-cc 2:38); và các nhà thông thái ở Đông phương cũng đã trải qua hành trình khoảng 2 năm để đi tìm thờ Chúa Jêsus – vị Vua mới ra đời (Ma-thi-ơ 2:11).


 Tranh sơn dầu The Adoration of the Shepherds (1650) của Bartolome Esteban Murillo

Quả thật, chúng ta có đủ bằng chứng trong Kinh Thánh để dành thời gian và cơ hội quý giá hằng năm để kỷ niệm sự kiện đáng kinh ngạc đã chia đôi dòng lịch sử nhân loại: sự nhập thể và sinh ra của Con Đức Chúa Trời. Hơn hết, đó còn là dịp tiện để truyền ra tình yêu thương và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Hãy hết lòng tìm kiếm và thờ phượng Chúa Cứu Thế đã giáng sinh, không chỉ trong mùa giáng sinh này, nhưng luôn mỗi ngày trong mọi ngày!

Mục sư Hồ Nguyên Kha

tài liệu tham khảo

[1] https://www.britannica.com/topic/Saturnalia-Roman-festival
[2] https://www.britannica.com/topic/Tammuz-Mesopotamian-god
[3] https://www.youthpastortheologian.com/blog/why-do-we-celebrate-christmas-on-december-25th
[4] https://www.biblicalarchaeology.org/daily/biblical-topics/new-testament/how-december-25-became-christmas/#note10
[5] https://www.biblicalarchaeology.org/daily/biblical-topics/new-testament/how-december-25-became-christmas/#note10
[6] https://www.britannica.com/story/why-is-christmas-in-december
[7] https://www.catholic.com/magazine/online-edition/st-boniface-and-the-christmas-tree
[8] https://www.history.com/topics/christmas/history-of-christmas-trees

Bài trướcNiềm Vui Của Người Được Chọn – 22/12/2023
Bài tiếp theoCác Cơ Quan Chính Quyền Thành Phố Hồ Chí Minh Đến Thăm Và Chúc Mừng Giáng Sinh HTTLVN