“Ơn gọi” là từ tuy ít được dùng trong vòng các tín hữu Tin Lành nhưng là từ vựng phổ thông của Cơ Đốc giáo nói chung khi nói về sự kêu gọi đến một sự nghiệp có ý nghĩa trong cuộc đời của một người có đức tin (tiếng Anh: Vocation). Nó bao gồm nhưng không bị giới hạn bởi “tiếng gọi” hay sự “kêu gọi” đặc biệt cho một chức vụ nào đó. Nó đòi hỏi một sự nhận biết khôn ngoan, quyết định sáng suốt, và sự cam kết dấn thân trọn vẹn đi kèm với sự trả giá. Do đó, nó cũng không đơn giản chỉ là một cái nghề (tiếng Anh: Job) để kiếm sống, có lương có bổng. Một người có thể được ơn gọi để làm giáo viên khi nhìn thấy mình có khao khát và khả năng dạy dỗ và đào tạo con người cho dù có thể phải trả giá bằng cuộc sống không dư dả về tài chánh, kết quả không nhìn thấy được tức thì, nhưng họ biết họ đang làm việc ý nghĩa khi giáo dục nhân cách và đào tạo nhân tài cho thế hệ tương lai. Nhưng cũng có người làm giáo viên nhưng không có ơn gọi giáo viên khi xem đó chỉ là một trong các nghề. Tương tự, một người có thể có ơn gọi trở nên bác sỹ, kỹ sư, thợ lành nghề, v.v… Trong những ơn gọi đó, có ơn gọi đặc biệt cho chức vụ của đức tin, đó là trở nên giáo sư, mục sư hay nhà truyền giáo (Ê-phê-sô 4:11).
Một người trưởng thành đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời thường hay gặp khó khăn trong những quyết định quan trọng: tình yêu, sự nghiệp, nơi an cư, v.v… Trong đó, ơn gọi là một trong những quyết định khó khăn nhất bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của người trong cuộc, mà còn những con người và cộng đồng liên quan đến người đó. Nếu không có ơn gọi, mọi việc chúng ta làm đều chỉ là “cái nghề”. Vậy, làm thế nào để biết mình có ơn gọi nào? Làm thế nào để biết mình có ơn gọi đặc biệt vào chức vụ của đức tin? Người viết không có ý hướng nghiệp cho các bạn trẻ, hay đưa ra một bài nghiên cứu thần học về “ơn gọi” vì những lĩnh vực này đòi hỏi sự tìm hiểu và nghiên cứu rộng lớn hơn, nhưng chỉ muốn chia sẻ một góc nhìn Thánh Kinh khi nhận diện và sống theo ơn gọi trong chức vụ đức tin mà Chúa ban cho, trong mối tương quan với Đức Chúa Trời, với bản thân, với Hội Thánh và với thế giới.
- Trước hết, đó là một người thuộc về Chúa, làm môn đồ của Chúa và sống với Lời Ngài. Một người được kêu gọi để nên tay “đánh lưới người” trước tiên phải là người gặp gỡ Chúa Giê-xu cách cá nhân, quyết định theo Chúa và sống với đức tin nơi Chúa. Khi Chúa Giê-xu kêu gọi các môn đồ đầu tiên theo Ngài, lời kêu gọi đơn giản của Chúa là “Hãy theo Ta”. Đối với một số người (như hai anh em nhà Si-môn và Anh-rê), Chúa gọi họ và hứa sẽ khiến cho họ “trở nên tay đánh lưới người” (Mác 1:16-17). Các môn đồ ấy không trở nên “tay đánh lưới người” ngay tức thì khi họ đáp ứng sự kêu gọi của Chúa, nhưng họ theo Chúa trước, được Chúa dạy dỗ và đồng hành qua những thăng trầm rồi họ mới thực sự bước vào chức vụ. Chức vụ này được thực thi cách rộng rãi và rõ rệt nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh sau khi Đức Chúa Giê-xu thăng thiên.
Làm sao biết mình là môn đồ của Chúa Giê-xu? Người đó ăn năn tội lỗi, tiếp nhận sự cứu rỗi trong Đức Chúa Giê-xu Christ, trở nên con cái của Đức Chúa Trời và sống theo Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Người đó biết giá phải trả, đã và đang trả giá để theo Chúa: “mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta” (Lu-ca 9:23). Nếu hành trình đời sống đức tin mỗi ngày không có trải nghiệm thuộc linh, không có trả giá, không “có gì để mất”, không hiểu ý nghĩa của một đời sống làm môn đồ Chúa, thì dù cho họ có những khả năng giống như người chăn bầy (quản lý, huấn luyện, thuyết phục, đàm phán, kinh tài, v.v…), họ cũng không thể khiến người khác trở nên môn đồ đích thực của Chúa Giê-xu.
Làm sao biết mình thuộc Chúa? Họ có Đức Thánh Linh sống trong mình và nhờ Thánh Linh, mỗi ngày họ sống trong mối tương giao với Chúa, học Lời Chúa, soi rọi mình, lắng nghe Chúa, đáp ứng với Thánh Linh, và đắc thắng bản tánh xác thịt. Kinh Thánh cho cho biết ai ra bởi và thuộc về Đức Chúa Trời thì lắng nghe Lời Ngài (Giăng 8:47), làm điều công bình và yêu thương (I Giăng 3:10), và không bị chi phối bởi bản tánh xác thịt (Rô. 8:9), dù có thể vẫn bị ảnh hưởng và tác động bởi khuynh hướng tội lỗi nhưng không miệt mài phạm tội vì đã có hạt giống của Đức Chúa Trời ở trong người (I Giăng 3:9). Nếu khi là một tín đồ, họ không bởi ơn Chúa, tập tành bước đi bởi Thánh Linh, thì cho dù họ có những chức vụ nào về sau, sẽ rất khó để họ nhận ra tiếng Chúa, lắng nghe Ngài và thắng hơn bản ngã. Một lãnh đạo thuộc linh có năng lực xuất sắc nhưng chưa thuộc Chúa sẽ là thảm họa cho Hội Thánh. Tuy mọi việc vẫn ở dưới sự tể trị và cho phép của Đức Chúa Trời, nhưng con dân Chúa phải trả giá đắt. Lịch sử tuyển dân Y-sơ-ra-ên trong thời Cựu Ước và lịch sử Hội Thánh Cơ Đốc trong hàng ngàn năm qua là những bài học quý giá cho điều này.
Làm sao để sống với Lời Chúa? Việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện là kỷ luật tối thiểu nhất của một môn đồ Chúa Giê-xu, vì từ đó họ biết Chúa, biết ý muốn Chúa, sống trong tinh thần tùy thuộc Chúa. Nếu kỷ luật căn bản này chưa được họ rèn luyện và thấm nhuần trong những năm tháng tuổi trẻ ở địa vị là môn đồ của Chúa Giê-xu, thì làm sao sau này họ có thể chiến đấu cho những trọng trách lớn lao hơn khi vào chức vụ chăn bầy, mỗi ngày đối mặt với tinh thần thế gian, bản tánh xác thịt và sự cám dỗ của ma quỷ? Nếu không có Lời Chúa, họ sẽ bị lấp đầy bởi “lời” của cái tôi xác thịt, “lời” dụ dỗ của ma quỷ, “lời” ngon ngọt của thế gian và những người không tin kính. Thật đáng sợ nếu một người rao giảng Lời Chúa nhưng không có Lời Chúa và không sống với Lời Chúa. Nhờ Lời Chúa, chúng ta được thanh tẩy (Giăng 15:3), khôn ngoan (Lu. 6:46-49), được Chúa yêu thương (Giăng 14:23) và nhận mọi phước lành thiêng liêng Chúa ban cho (Giăng 15:7).
Người quyết định dâng mình hầu việc Chúa, đi con đường thập giá trọn đời, trở nên “tay đánh lưới người”, nên những “thợ gặt” trong cánh đồng thuộc linh, nên những “người chăn bầy” cho đàn chiên của Chúa trước tiên phải là chiên của Chúa, phải là môn đồ của Chúa. “Những tay đánh lưới người” đầu tiên của Chúa không phải là những người lạc lối, mơ hồ về danh phận thuộc linh, chưa mình biết đi đâu về đâu, mất phương hướng trong cuộc sống hay chưa biết làm gì để sống có ích trong xã hội. Họ thật sự là những môn đồ đã và đang trả giá để theo Ngài, thuộc về Ngài và sống với Lời Ngài trong chỗ của mình.
- Người đó có nhận thức thực tế về bản thân: biết mình là ai, có năng lực gì, có thế mạnh và điểm yếu gì, có động cơ gì.
Sự tự nhận thức về bản thân rất quan trọng. Lời Chúa cho biết mỗi người phải tự suy xét và đánh giá bản thân với cách nhìn đúng mực nhất (“tâm tình tầm thường” – Rô. 12:3), đừng tưởng mình ra chi để rồi tự lừa dối mình (Gal. 6:3). Điều này không có nghĩa là chúng ta tự ti, không nhìn thấy rõ những khả năng và ân tứ Chúa ban cho, nhưng là phải xét mình cẩn thận trong tinh thần khiêm nhu trước Chúa. Điều này giống như một người trước khi xây tháp hoặc ra trận phải ngồi tính toán phí tổn và năng lực hiện có của mình vậy (Lu. 14:28-33).
Một số vấn đề về bản thân cần được xét đến trước khi quyết định dấn thân vào chức vụ trọn đời có thể là:
(1) Tôi được Chúa tạo dựng nên với tính khí hoặc cá tính gì? Câu trả lời có thể được tìm hiểu sơ bộ qua các bài kiểm tra tính khí. Tuy đáp án của bài kiểm tra này không nói lên tất cả về con người chúng ta, nhưng cho chúng ta cái nhìn khái quát để hiểu rõ mình hơn, để nhận ra những điểm mạnh cần phát huy vì danh Chúa, cũng như kiềm chế và đấu tranh với những nhược điểm nằm ngoài ý muốn của chúng ta.
(2) Tôi có năng lực hay khả năng gì? Không cần đó là những khả năng nổi trội như thiên tài, nhưng là những lĩnh vực mà chúng ta có thể làm tốt nhất, tự do nhất, thỏa lòng nhất. Mọi khả năng hay ân tứ đều đến từ Chúa, nhưng khả năng là thứ được rèn luyện qua năm tháng, hình thành và đi cùng với xuất thân, giáo dục, gia đình, môi trường sống, được học tập, thực hành và trau dồi. Trong sự đáp ứng ơn gọi, tấm lòng là quý giá, nhưng không thể nói rằng tấm lòng không cần đến năng lực. Đức Thánh Linh là Đấng ban năng lực, nhưng chúng ta là người nhận lấy, gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Khả năng không tự nhiên có được, cũng không tự nhiên mất đi, trừ khi chúng ta gặp sự cố nào đó về sức khỏe thể chất hoặc tâm thần.
(3) Tôi có ân tứ gì? Ân tứ giống với khả năng ở chỗ cả hai đều được Đức Chúa Trời ban cho, đều có thể được sử dụng để phục vụ Chúa vì vinh hiển danh Ngài. Điểm khác nhau là ở chỗ ân tứ, cũng giống như sự cứu rỗi, được ban cho người tin nhận Chúa, bởi đức tin, nhờ ân điển, để gây dựng thân thể của Đấng Christ là Hội Thánh, và hoàn tất mục đích của Đức Chúa Trời (Rô. 12:6-8; I Cô. 12:8-10; 28-30; Êph. 4:11). Ân tứ hay “sự ban cho của Đức Thánh Linh” có thể cầu xin được, và cũng có thể bị cất đi tùy vào ý muốn và mục đích của Chúa trong thời điểm cụ thể với con người cụ thể và sứ mạng cụ thể. Một người khi bắt đầu có thể không nhận ra ân tứ nào đặc biệt cả, nhưng khi bước đi trong sự phục vụ, Chúa sẽ cho họ và khi họ sử dụng ân tứ, Chúa lại càng cho thêm.
(4) Tôi quyết định dấn thân hầu việc Chúa với động cơ gì? Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy trong chỗ kín nhiệm và nhìn thấy tấm lòng của con người. Chúng ta có khi cũng mơ hồ về tấm lòng của mình vì cách nhìn nhận của chúng ta bị tội lỗi che khuất. Có những khi chúng ta thấy mình trong sạch nhưng thật ra không trong sạch, có những khi chúng ta thấy mình tồi tệ nhưng thật ra Chúa nhìn thấy khác. Vì vậy, trong giới hạn của bản thân, trong sự giao thông riêng tư với Chúa, Đức Thánh Linh sẽ chỉ ra cho chúng ta biết mình đang hầu việc Chúa và quyết định sống dấn thân vì mục đích gì, được thúc đẩy bởi động cơ nào. Chúng ta có thể tự lừa dối mình và lừa dối con dân Chúa nhưng không bao giờ dối được Chúa. Nếu xuất phát điểm với một động cơ không đẹp lòng Chúa mà không chịu ăn năn, thì trong hành trình phục vụ, chúng ta sẽ “chai lì” trước những cáo trách của Thánh Linh, trước sự nhắc nhở của những người tin kính. Điều này sẽ là thảm họa cho chính bản thân, gia đình, cũng như Hội thánh của Chúa.
- Người đó sống và phục vụ trong Hội Thánh, được Hội Thánh nhìn thấy, đóng góp ý kiến, và khích lệ về ơn gọi.
Khi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt mất đi, các sứ đồ còn lại tìm cầu ý muốn Chúa và lựa chọn ứng viên thay thế. Dù kết quả cuối cùng là do Chúa chỉ định, nhưng quá trình chọn lựa và đề cử là bởi các sứ đồ. Các sứ đồ đã có sự quan sát, đánh giá và chọn lựa theo cách mà Chúa cho họ để đề cử ra Giúc-tu và Ma-thia để thay thế cho Giu-đa trong hàng ngũ mười hai sứ đồ, và cuối cùng Ma-thia được chọn (Công vụ 1:23-26). Phao-lô là một sứ đồ đặc biệt khi ông được Chúa gọi cách riêng tư và không thuộc hàng ngũ những sứ đồ đầu tiên. Thế nhưng sự đổi mới của con người ông, nội dung sứ điệp của ông, và chức vụ của ông đều được các sứ đồ xác nhận là đến từ Đấng Christ, vì thế họ ngợi khen Đức Chúa Trời và kết giao với ông để cùng nhau thi hành sứ mạng Chúa giao (Gal. 1-2). Hai ví dụ đơn sơ này cho thấy một người được Chúa gọi vào chức vụ nào đó là một người sống giữa cộng đồng đức tin, đã tập tành phục vụ, đã được Hội Thánh và lãnh đạo nhìn thấy con người và công việc của họ để xác nhận. Hội Thánh hay lãnh đạo Hội Thánh không quyết định sự kêu gọi hay chức vụ của chúng ta, nhưng là người xác nhận và giúp chúng ta thấy rõ về sự kêu gọi của mình. Điều này không có nghĩa là chúng ta cố tình tạo ra những “phông bạt” ảo để tiếng tăm và hình ảnh của mình đẹp đẽ trước công chúng. Nhưng sự kêu gọi của một cá nhân vì ích lợi của một cộng đồng đức tin thì không hề bỏ qua tiếng nói của cộng đồng đó. - Người đó có quan sát thế giới chung quanh mình, từ địa phương mình đang sinh sống gần gũi nhất cho đến toàn cầu, nhìn thấy những vấn đề và nhu cầu của thế giới và cưu mang những nhu cầu đó.
Nói cách khác, người đó có tầm nhìn và tình yêu khi nhìn vào xã hội mình đang sinh sống, nhìn ra thế giới với những vấn nạn, nhu cầu và biến động, và nhìn lên Chúa để xin Ngài dủ lòng thương xót và sử dụng mình như một tôi tớ nhỏ bé để chia sẻ tình yêu và ân điển của Chúa cho thế giới lầm than. Tầm nhìn và tình yêu sẽ sóng đôi từ khi một người bắt đầu được kêu gọi cho đến hết hành trình phục vụ của họ. Họ không ngừng quan sát, không ngừng suy ngẫm, không ngừng thử nghiệm những cách thức khác nhau, không ngừng học hỏi và trau dồi tri thức, không ngừng cập nhật và rèn luyện bản thân, không ngừng thực hành đời sống tin kính, dẫu có qua nhiều tranh chiến và thất bại… để Tin Lành được rao giảng, để sự cứu rỗi được đến với mọi dân tộc, để người người trở nên môn đồ của Chúa Cứu Thế Giê-xu trong từng thời đại khác nhau. Tầm nhìn và tình yêu được nuôi dưỡng và khuấy động bởi sự cầu nguyện, bởi Lời Chúa, bởi thực hành đức tin và ân tứ trong cuộc sống hằng ngày của người được gọi. Người đáp ứng với ơn gọi của Chúa không tự cô lập mình, không tách mình ra khỏi nhân gian, không đứng lại trước dòng chảy của lịch sử nhân loại, không phải là nhà tu hành, nhưng là người noi theo gương nhập thể của Chúa Giê-xu, đem ánh sáng Tin Lành cứu rỗi của Chúa đến với thế gian. Nếu không có tầm nhìn, bản thân người được gọi sẽ lạc mất phương hướng và bị cám dỗ bởi những điều tầm thường của thế giới phàm tục. Nếu không có tình yêu, người được gọi sẽ nản lòng trước những cái xấu, cái ác trong xã hội loài người hay cả trong giáo hội đầy những tội nhân chưa gặp Chúa. Đây là một ơn gọi – là một món quà của ân sủng từ Chúa và chỉ có thể ngửa trông nơi sự ban cho từ Chúa mà thôi. - Một yếu tố nữa cần cân nhắc trước khi bước vào chức vụ trọn đời là câu hỏi về gia đình.
Gia đình, người phối ngẫu tương lai hay hiện tại của chúng ta có cùng tầm nhìn, tình yêu và tấm lòng như chúng ta hay không? Họ có đáp ứng với ơn gọi của Chúa dành cho bản thân họ trong chỗ của họ hay không? Nếu không, chúng ta sẽ bước đi với gánh nặng và giá đắt. Gia đình chúng ta không nhất thiết phải có chức vụ giống như chúng ta, nhưng họ cũng không phải là những “người hầu” làm phông cho chúng ta nổi trội trước công chúng. Điều chúng ta cần quan tâm là trong chỗ của họ, trong nghề nghiệp của họ, Chúa có phải là trung tâm của họ không, và họ có đang phục vụ với sứ mạng Chúa giao phó cho họ không. Thật tạ ơn Chúa nếu chúng ta có gia đình đồng hành cùng một mục tiêu, một sứ mạng, tuy có chỗ đứng và sự ban cho khác nhau. Thật đáng mừng nếu cả nhà đều phục sự Đức Giê-hô-va (Giô-suê 24:15). Ngoài ra, gia đình cũng là mục vụ đầu tiên và gần gũi nhất của người được gọi. Một người thất bại trong mối quan hệ gia đình có thể lấy những công việc thiêng liêng che đậy, nhưng họ không thể che đậy mãi. Chúa gọi một người phục vụ Ngài, thì Chúa cũng gọi họ trước hết phục vụ trong gia đình của mình. Một tôi tớ của Chúa phục vụ với tinh thần tôi tớ trong Thân thể Chúa, trước hết phải học tập phục vụ với tinh thần tôi tớ trong gia đình. Nhiều chức vụ tan vỡ vì người làm chức vụ tắc trách với gia đình, con cái, nhưng lại đắc nhân tâm ở ngoài kia. Chính Chúa Giê-xu trước khi bước vào chức vụ chính thức, Ngài đã “chịu lụy” cha mẹ và sống như một người thợ mộc đơn sơ với trách nhiệm của một người anh cả trong gia đình. Ngài vẫn không bỏ qua trách nhiệm đó trong suốt chức vụ của mình cho đến khi kết thúc chức vụ đó trên thập tự giá (Giăng 19:27).
Trong sự nhận diện và bước theo ơn gọi của chúng ta, đặc biệt là những người trẻ đang đứng trước nhiều ngã rẽ, nguyện xin Chúa hướng dẫn chúng ta quyết định sáng suốt. Ơn gọi đến từ Chúa, năng lực đến từ Chúa, sự ban cho đến từ Chúa, tầm nhìn và tình yêu với thế giới hư mất cũng đến từ Chúa. Thế nhưng, những điều này không loại trừ sự suy xét một cách thành thật của bản thân chúng ta trong những mối tương quan với Chúa, với chính mình, với gia đình, với Hội thánh và với xã hội chúng ta đang sống trong hiện tại. Một khi quyết định và bước đi, chúng ta bước đi bởi đức tin và nhờ ơn Chúa mà được trở nên kết quả, bởi suy cho cùng, không phải chúng ta chọn Chúa, mà là chính Chúa chọn chúng ta để chúng ta đi và kết quả cho Ngài (Giăng 15:16).
Đan Thanh