Thuyết Tiến Hóa Và Niềm Tin Cơ Đốc

3113

 

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam, vấn đề tiến hóa được đề cao và đưa vào chương trình giáo dục học đường như là một phương tiện củng cố cho chủ thuyết duy vật. Ở một số nơi người ta còn dùng thuyết tiến hóa để chống lại sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Đa số những người chấp nhận thuyết tiến hóa đều phủ nhận quyền tạo hóa đã sáng tạo ra muôn loài vạn vật. Có một thời người ta xem thuyết tiến hóa như là lý thuyết khoa học vào hạng nhất, nhưng lần lần khi khoa học tiến bộ, những vấn đề của thuyết tiến hóa được các nhà khoa học xem xét lại trên cơ sở khoa học. Nhất là khi thuyết tiến hóa hữu thần xuất hiện đã kéo các nhà khoa học xích lại gần với Đấng sáng tạo hơn. Đây là điều vô cùng thú vị mà chúng ta cần biết qua.

 

Để góp phần vào việc củng cố niềm tin Cơ Đốc nhân, đồng thời giúp Cơ Đốc nhân nhận thức giữa thuyết tiến hóa và giáo lý sáng tạo của Thánh Kinh có mâu thuẫn nhau không? Làm thế nào Cơ Đốc nhân có thể giải quyết những vấn đề khoa học đụng chạm đến Thánh kinh và niềm tin Cơ Đốc; chúng ta hãy suy nghĩ về THUYẾT TIẾN HÓA VÀ NIỀM TIN CƠ ĐỐC. Trước hết chúng ta cần biết:

 

I. LỊCH SỬ THUYẾT TIẾN HÓA.

 

Khi nói đến thuyết tiến hóa, người ta nghĩ ngay đến Charles Robert Darwin. Charles Robert Darwin là nhà sinh vật học lỗi lạc của nước Anh thế kỷ 19. Darwin sinh ngày 12/2/1809 tại Shrewsbury, trong gia đình có truyền thống nghiên cứu khoa học. Cha ông là bác sĩ, mẹ là con một chủ xưởng đồ gốm nổi tiếng. Năm 1828, theo ý muốn của bố, ông vào học khoa Thần học ở trường đại học Cambridge, với ước ao sẽ trở thành Mục sư Tin Lành, nhưng sau khi tốt nghiệp năm 1831. Darwin tham gia chuyến đi vòng quanh thế giới trên tàu H. M. Beagle với tư cách nhà khoa học tự nhiên. Suốt thời gian 5 năm du hành, ông đến nhiều nơi trên thế giới, thâu gặt được nhiều kiến thức về khoa học tự nhiên và nó đã làm thay đổi cuộc đời ông. Năm 1838-1841 ông làm thư ký hội Địa chất học London và cộng tác với Charles Lyell. Trong chuyến đi 5 năm, Darwin có đến nghiên cứu hệ động vật ở quần đảo Galapagos (thuộc Ecuador, Thái Bình dương, cách đất liền 965Km) và nó đã khơi mào cho ý tưởng sự tiến hóa trong thế giới động vật. Ngày 01/7/1858 Darwin đã báo cáo và giải thích trước hội khoa học London về khả năng thích nghi của sinh vật, mở đầu cho thuyết tiến hóa. Năm 1859 Darwin xuất bản cuốn “Nguồn gốc các chủng loại” và thuyết tiến hóa chính thức ra đời. Kế đó vào năm 1868, Darwin xuất bản cuốn: “Sự biến đổi của động thực vật trong chăn nuôi và trồng trọt”. Sau cùng năm 1870, ông mở rộng học thuyết tiến hóa sang con người với tác phẩm: “Nguồn gốc loài người và sự chọn lựa giới tính”. Đây là cuốn sách gây tranh luận nhiều nhất giữa các nhà thần học và giới lãnh đạo Thiên Chúa giáo lúc bấy giờ. Darwin cưới vợ lúc 30 tuổi (1839) rồi dời về quê sinh sống và làm việc cho đến cuối đời. Ông qua đời ngày 19/4/1882, thọ 73 tuổi.

 

Theo thuyết tiến hóa của Darwin, quá trình tiến hóa từ loài vượn hạ đẳng tiến lên thành con người hoàn thiện phải trải qua hằng triệu năm. Dựa vào định luật “đào thải tự nhiên” hay định luật “cạnh tranh sinh tồn” hoặc “Khôn sống móng chết” mà ông nhìn thấy từ nơi các loài động vật, nên ông tin rằng sự tiến hóa cũng xảy ra ở con người từ hạ đẳng đến khi hoàn thiện. Ông nói: “Tôi tin rằng, trong một tương lai xa xôi con người sẽ hoàn hảo hơn bây giờ nhiều” (Robert B. Downs, Những tác phẩn biến đổi thế giới, tr. 346).

 

II. GIÁ TRỊ CỦA THUYẾT TIẾN HÓA.

 

Theo một số nhà khoa học thuộc trường phái tiến hóa hữu thần. Tiêu biểu như tiến sĩ Francis S. Collins công nhận thuyết tiến hóa có một phần đúng khi giải thích về sự biến đổi trong một số loài. Như cùng một giống chó nhưng có nhiều loại, vì nó tiến hóa tùy theo môi trường và điều kiện sống.

 

Tuy nhiên, ngoài một vài chi tiết khả dĩ chấp nhận thì có quá nhiều điều người ta không đồng ý với thuyết tiến hóa. Chẳng hạn như:

 

1. Lẫn lộn giữa quá trình sinh trưởng với sự tiến hóa. Tiêu biểu là loài bướm từ trứng ra kén, từ kén nở ra sâu rồi từ sâu lột xác thành bướm. Con chuồn chuồn cũng vậy, đẻ trứng dưới nước, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng lột xác thành chuồn chuồn bay lên không.

 

2. Động vật tương cận. Trong thế giới động vật có nhiều loài tương cận với nhau, nghĩa là Chúa dựng nên có những loài giống nhau mà không phải do tiến hóa. Tiến sĩ Collins gọi đó là: “Chúa đã sử dụng đi sử dụng lại những nguyên tắc thiết kế thành công.[1]” Như vậy khi nghiên cứu thấy có những sự giống nhau giữa các loài, thì không có nghĩa là nó tiến hóa từ con vật gốc mà ra. Theo cách giải thích đó, chúng ta hiểu rằng loài vượn có những điểm giống con người. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào về con người tiến hóa từ loài vượn cả. Ngược lại, vượn muôn đời vẫn là vượn và người muôn đời vẫn là người, không thay đổi.

 

3. Thiếu những mắc xích tiến hóa. Người ta ví thuyết tiến hóa giống như một dây xích bị mất một số mắc xích, nên không thể trở thành khoa học được. Trên lý thuyết, từ một con vượn tiến hóa thành con người hoàn chỉnh phải mất hằng triệu năm. Vậy những con vật trung gian trong tiến trình tiến hóa đó ở đâu? Trải qua hơn 150 năm, các môn đệ của Darwin đã tìm đủ mọi cách để tạo ra con vật trung gian, trong đó có các phương cách dã man và vô đạo đức, như lấy tinh trùng của con vượn kết hợp với trứng của con người và ngược lại lấy tinh trùng con người cấy vào trứng con vượn để có thể sinh ra những con vật trung gian. Các nhà khoa học Liên xô cũ đã cố gắng làm việc đó, nhưng thất bại. Sang thập niên 80, các nhà khoa học Anh tiếp tục và đã cho ra đời hai con vượn sống không quá 10 năm và kết quả cũng chỉ là vượn, chứ không giống như con người được.[2] Vì vậy mãi mãi tiến hóa vẫn chỉ là một giả thuyết mà thôi.

 

4. Phản khoa học. Trong sách “Dòng dõi loài người”, Darwin đưa ra một số sự kiện để chứng minh con người tiến hóa từ sinh vật hạ đẳng là vượn! Nhưng điều nầy hoàn toàn phản khoa học, vì một sản phẩm tinh vi phải ra từ một nguyên nhân khôn ngoan hơn. Ai cũng thừa nhận chức năng làm việc của máy Computer là phi thường, người bình thường không thể nào làm theo kịp. Vậy nó phải được những bộ óc khôn ngoan của con người làm ra, nó không thể là sản phẩm ngẫu nhiên hay từ những kẻ tầm thường, dốt nát làm ra được. Vậy làm thế nào con người khôn ngoan tuyệt vời lại ra từ loài vượn ngu đần và hoang dã kia được. Hơn nữa tự trong lương tâm của mỗi người không thể chấp nhận khi có ai đó nói mình giống vượn! Nói như thế là xúc phạm và thóa mạ người ta. Nếu quả thật vượn là tổ phụ loài người, thì con người phải tự hào mới đúng chứ!

 

5. Khi khoa học về gen – nhiễm sắc thể ra đời thì càng làm sáng tỏ sự khác nhau giữa loài người và loài vật. Gen người hoàn toàn khác với gen loài vật. Khoa học đã chứng minh nhiễm sắc thể của loài nầy với loài kia không bao giờ lẫn lộn vào nhau hay nhảy từ loài nầy sang loài khác được. Thậm chí cùng là máu người, nhưng phải đúng nhóm máu, thì người nhận mới sống được. Qua đó chúng ta thấy quyền năng Đấng Tạo hóa là vô cùng kỳ diệu. Julian Huxley, nhà sinh vật học nói: “Nhìn lại lịch sử dài dằng dặc con người thấy rằng đó không phải là một lịch sử đi xuống mà là đi lên.. hiểu như vậy chúng ta có quyền kiên nhẫn.. biết rằng ít ra chúng ta cũng có hằng ngàn triệu năm nữa để vươn lên tới những đỉnh cao mới của cuộc sống.”[3] Tuy nhiên, theo cách nói của Huxley, nếu Chúa dựng nên mà còn khiếm khuyết để rồi theo luật tiến hóa tự nhiên hoàn chỉnh những gì Chúa đã sáng tạo còn dở dang, thì trước hết lời tuyên bố của Chúa: “Mọi việc đều tốt lành” là không thật. Thứ hai nếu mọi vật cứ ngày càng tiến hóa, thì thế giới nầy sẽ như thế nào? Nếu cả loài người và loài vật cứ tiếp tục tiến hóa thì sẽ đi tới đâu? Nhưng quả thật không hề có tiến hóa theo lý thuyết của Darwin và theo cách nói của Huxley!

 

6. Con người phát triển và cải hóa theo đà văn minh về trí tuệ, khoa học, kỷ thuật, tiện nghi vật chất, nếp sống và sự tổ chức xã hội v.v.. tuy nhiên, con người thì mãi mãi vẫn hình thù đó, lương tri đó, tâm thần và linh hồn đó như Chúa đã dựng nên từ ban đầu. Sự gia tăng kiến thức, văn minh tiến bộ trong lãnh vực tri thức và khoa học kỹ thuật không phải là tiến hóa mà nó chính là sự phát triển tự nhiên của xã hội con người.

 

Bản thân của Darwin vốn là người hữu thần. Ông luôn khẳnh định mình là người tin Thượng Đế. Trong quyển: “Đời sống và thư từ” ông viết: Còn một lý lẽ rất mạnh nữa khiến tôi tin ở Thượng Đế, đó là lý lẽ lý trí chứ không phải lý lẽ tình cảm. Người ta rất khó hay hầu như không thể quan niệm được rằng cả cái vũ trũ mênh mông và kỳ ảo nầy.. lại có thể là kết quả của một sự ngẫu nhiên mù quáng.. suy nghĩ miên man như vậy, sau tôi tự cảm thấy phải tin rằng có một Đệ Nhất Nguyên Nhân có trí thông minh tương tự như người, nghĩa là tôi tin có Thượng Đế. [4] Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu mọi vật và vì không tìm được nguồn gốc của vạn vật nên Darwin rơi vào tình trạng hoài nghi và Bất khả tri. Darwin viết: “Chúng ta không thể nào biết nổi nguồn gốc của vạn vật và tôi đành cam nhận mình là người theo chủ trương Lý trí hữu hạn – nghĩa là Bất khả tri”[5]

 

III. ẢNH HƯỞNG CỦA THUYẾT TIẾN HÓA.

 

Thuyết tiến hóa của Charles Darwin đã đem lại hai phản ứng:

 

 1. Những người ủng hộ.

Có người nhận định ảnh hưởng của Darwin trên mọi địa hạt học thuật, từ sinh vật học, địa chất học, hóa học, vật lý học, nhân chủng học, tâm lý học, triết học, giáo dục, xã hội học. Cả đến sử học, chính trị học và ngôn ngữ học cũng đều chịu ảnh hưởng thuyết tiến hóa của Charles R. Darwin.

 

Thuyết tiến hóa của Darwin còn làm đảo lộn một số ngành khoa học khác như: Thiên văn học, Sử học, Cổ sinh vật học, Phôi thai học, Di truyền học và Thần học.. thuyết tiến hóa còn ảnh hưởng trên những nhà chính trị học và quân sự học. Phác-xít Đức đã áp dụng luật “khôn sống móng chết” để tiêu diệt các chủng tộc yếu. Họ còn “bóp méo chủ nghĩa Darwin để giải thích cho sự đấu tranh giai cấp. Trong lãnh vực kinh doanh, những công ty làm ăn cũng dựa vào luật cạnh tranh sinh tồn mà tiêu diệt những công ty nhỏ bé hơn v.v..

 

2. Những người chống đối thuyết tiến hóa.

Chỉ một số ít nhà khoa học ủng hộ Darwin, đa số còn lại đều chống đối. Ở Anh có nhà khoa học Owen, ở Mỹ có Agassiz đều cho rằng thuyết tiến hóa của Darwin sẽ bị chìm vào lãng quên. Nhà thiên văn học John Herschel gọi thuyết của Darwin là “định luật lộn xộn”. Sedgweick, giáo sư địa chất học của Darwin ở đại học Cambridge cho thuyết của Darwin là “hoàn toàn sai lầm và có hại” và ông viết thư nói với Darwin rằng lý thuyết nầy làm cho ông “cười đến muốn bể bụng!” Sự chống đối mạnh mẽ nhất là từ phía tôn giáo. Giám mục Anh quốc giáo chống đối và dùng lời lẽ mạnh phản bác Darwin và người tích cực ủng hộ Darwin là nhà sinh vật học Julian Huxley.

 

Ngày nay đa phần nhân loại phủ nhận thuyết tiến hóa của Darwin. Riêng tại Mỹ năm 2004, có tỉ lệ 45% người tin vào sự sáng tạo con người giống như hình dạng hiện tại vào thời điểm gần 10.000 năm trước.[6]

 

 Tóm lại, thuyết tiến hóa của Charles R. Darwin dầu vẫn còn được một số người nghiên cứu học hỏi, nhưng nó không còn là mối bận tâm của Cơ Đốc nhân nữa. Ngày nay ai cũng biết tiến hóa thuyết chỉ là một lý thuyết chứ không phải là khoa học. Vì vậy Cơ Đốc nhân dầu có nghiên cứu hay bị buộc học, thì nó cũng chẳng có ảnh hưởng gì và tất nhiên nó cũng không thể đạp đổ được chân lý Thánh kinh và niềm tin Cơ Đốc nhân.

 

 Doulos

——————————————————-


[1] (F. Collins, Ngôn ngữ của Chúa, tr. 167).

[2] Hai con khỉ sanh ra theo phương pháp phi đạo đức kia có tên là Chad và Frankie.

[3] Robert Downs, Những tác phẩm biến đổi thế giới, tr. 350-351.

[4] Ibid

[5] Ibid

[6] Francis. Collins, Ngôn ngữ của Chúa, tr. 183-184.

 

 

Bài trướcHiệp Nguyện Mục Sư – Truyền đạo Tỉnh Kiên Giang
Bài tiếp theoBài thứ 137: Vui Sống